Dù không quan tâm tới bóng đá nhưng có một sự kiện liên quan khiến tôi chú ý.
Trong trận bóng đá giữa Đan Mạch và Phần Lan thuộc khuôn khổ giải Euro 2020, sự cố cầu thủ Đan Mạch Christian Eriksen đang thi đấu bỗng đổ gục, bất tỉnh trên sân đã khiến cả thế giới bàng hoàng. Eriksen đã được sơ cứu và cứu sống kịp thời, nhưng những gì xung quanh sự cố vẫn được báo chí Việt Nam và quốc tế quan tâm.
Một số nhân vật được nhiều người theo dõi trên mạng xã hội, các tờ báo Việt Nam đều bày tỏ sự cảm phục trước hành động văn minh của những người có mặt trên sân vận động hôm đó. Các đồng đội của Eriksen ngay lập tức đứng xung quanh, tạo thành “lá chắn” bảo vệ hình ảnh cho anh, giúp các bác sĩ tập trung sơ cứu. Hầu như không có máy quay hay ống kính phóng viên nào chủ ý chụp lại hình ảnh gây sốc. Có người hâm mộ đội Phần Lan còn đưa cờ cho các cầu thủ Đan Mạch để họ che cho Eriksen. Những gì mọi người làm trên sân cỏ hôm đó để bảo vệ quyền riêng tư cho Eriksen khiến dư luận và báo chí Việt Nam ấn tượng.
Trong khi dư luận Việt Nam tập trung ca ngợi cách hành xử văn minh trong tôn trọng quyền riêng tư của nhân vật gặp sự cố nguy hiểm, thì hầu như báo chí nước ngoài không nói nhiều về điều đó. Họ chỉ tập trung đưa tin về tình hình sức khỏe, cách sơ cứu của các bác sĩ, tương lai sự nghiệp sau này của Eriksen… Có lẽ, quyền riêng tư trong vấn đề này là chuyện đương nhiên phải có với người phương Tây và không có gì lạ lùng phải bàn bạc. Nhưng với dư luận Việt Nam, hình ảnh bảo vệ quyết liệt quyền riêng tư cho Eriksen lại là một điều rất đáng bàn, đáng để suy ngẫm, đáng để học hỏi trong một xã hội hiện đại mà người ta sẵn sàng chĩa điện thoại, máy ảnh để ghi lại mọi thứ, từ vụ tai nạn thương tâm, từ đám tang người nổi tiếng… chỉ để thỏa mãn trí tò mò hoặc vì mục đích câu “view” kiếm tiền trên mạng xã hội.
Chắc chắn không ai muốn hình ảnh của mình và của người thân bị soi mói, chụp lại khi lâm vào hoàn cảnh ngặt nghèo, đưa lên mạng và bị bàn tán. Thế nhưng, trong thực tế, đó lại là điều đang diễn ra hàng ngày ở Việt Nam, đặc biệt là trên mạng xã hội, mà nhiều người đã từng là nạn nhân.
Nói không đâu xa, ngay như trong cuộc chiến chống đại dịch COVID-19 suốt từ cuối năm 2019 tới nay, quyền riêng tư của rất nhiều bệnh nhân COVID-19 đã không được quan tâm, thậm chí trong nhiều trường hợp bị xâm phạm nghiêm trọng, ảnh hưởng nhiều tới cuộc sống của họ. Những thông tin cá nhân, hoạt động đi lại, hình ảnh, mối quan hệ của một số bệnh nhân bị cộng đồng sử dụng mạng xã hội đào bới, lùng sục tìm kiếm, thậm chí thêu dệt, bịa đặt rồi đưa lên mạng xã hội cho mọi người bình luận, “ném đá”, chỉ trích… như thể cộng đồng mạng có quyền phán xét. Không ít tờ báo Việt Nam cũng vô tình/cố tình tiếp tay cho hành vi vi phạm quyền riêng tư của con người khi đăng lại lịch trình, quá trình tiếp xúc của các ca bệnh lên mặt báo kèm với những cái tít rất “giật gân”. Có không ít lần, tôi đã đọc được bình luận của người nhà bệnh nhân dưới bài viết, khẩn thiết cầu xin tờ báo điện tử sửa thông tin không đúng sự thật, gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới gia đình họ.
Tất nhiên, những cá nhân vi phạm quy định phòng chống dịch bệnh, để virus nguy hiểm lây lan ra cộng đồng là những người đáng lên án, nhưng không ai có quyền trừng phạt họ ngoài cơ quan chức năng. Chưa kể việc bàn tán mọi thứ về bệnh nhân COVID-19 khiến một số người không dám khai báo trung thực, dẫn tới quá trình truy vết tiếp xúc gặp khó khăn, cản trở cuộc chiến chống đại dịch.
Rất may là việc công khai lịch trình đi lại của bệnh nhân COVID-19 đã được điều chỉnh. Ngày 20/5/2021, Bộ Thông tin và Truyền thông đã có văn bản về việc phối hợp điều chỉnh công tác cung cấp thông tin cho báo chí về phòng chống dịch COVID-19, trong đó nhận thức rõ việc đưa cụ thể danh tính, địa chỉ, lịch trình tiếp xúc của bệnh nhân COVID-19 lên báo chí đã bị dư luận bình luận, suy diễn, ảnh hưởng xấu đến uy tín, danh dự của bệnh nhân. Do đó, bộ đã đề nghị không công bố các thông tin trên về bệnh nhân mà chỉ khuyến cáo các địa điểm có nguy cơ dịch tễ. Văn bản của Bộ Thông tin và Truyền thông là cần thiết và quan trọng, góp phần bảo vệ quyền riêng tư của bệnh nhân COVID-19.
Không chỉ bệnh nhân COVID-19 nói riêng mà tất cả mọi người đều có quyền được pháp luật bảo vệ quyền riêng tư. Báo chí có thể cần các bài viết hút người đọc, nhưng không vì thế mà bất chấp vi phạm quyền riêng tư của nhân vật.
Nói về sự cố của Eriksen để khen cách hành xử của phương Tây và phê phán hành vi xâm phạm quyền riêng tư ở Việt Nam không hẳn là do tâm lý sính ngoại, cứ thấy Tây là thấy văn minh. Cá nhân tôi cho rằng họ có cách hành xử văn minh như vậy là nhờ nền giáo dục, pháp luật nghiêm minh được củng cố từ trước tới nay. Trong môi trường đó, một con người từ khi còn là đứa trẻ đã được dạy về quyền riêng tư và phẩm giá của bản thân và rằng không được xâm phạm quyền của người khác.
Còn tại Việt Nam, chúng ta đã có điều luật bảo vệ quyền riêng tư. Điều 21 Hiến pháp năm 2013 quy định: “Mọi người có quyền bất khả xâm phạm về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân và bí mật gia đình; có quyền bảo vệ danh dự, uy tín của mình. Thông tin về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình được pháp luật bảo đảm an toàn”. Riêng về quyền riêng tư của trẻ em, tại kỳ họp 11, khóa XIII, Quốc hội đã thông qua Luật Trẻ em năm 2016, quy định về quyền bí mật đời sống riêng tư, trong đó nghiêm cấm việc đăng tải hình ảnh, tiết lộ đời tư của trẻ em.
Có luật nhưng dường như quyền riêng tư chưa thực sự được coi trọng trong nền giáo dục và cuộc sống hàng ngày. Từ bé, nếu quen với cuộc sống không có quyền riêng tư trong gia đình và trường học, không được người lớn bảo vệ quyền này, thì khi lớn lên, người đó cũng dễ có thói quen xâm phạm quyền riêng tư của người khác, dù là cố tình hay vô thức.
Một lần nữa, có thể nói sự cố của Eriksen ở nơi xa xôi là một cơ hội để chúng ta nâng cao ý thức về quyền riêng tư của mỗi con người, ngay từ gia đình và rộng ra là cả xã hội.
Theo Báo tin tức