Thành phố Pleiku không chỉ là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa của tỉnh mà còn là điểm đến lý tưởng cho những ai mong muốn tìm kiếm sự bình yên và môi trường sống xanh mát giữa lòng đô thị.
Giữ gìn và phát triển không gian xanh
Ông Đỗ Việt Hưng-Chủ tịch UBND TP. Pleiku-cho biết: Thành phố luôn xác định phát triển kinh tế đi đôi với bảo vệ môi trường. Một trong những yếu tố góp phần tạo cảnh quan môi trường chính là cây xanh. Vì vậy, chính quyền thành phố đã triển khai nhiều chương trình, dự án nhằm cải thiện chất lượng môi trường sống cho người dân như: tăng cường cây xanh trên các tuyến đường, công viên và khu vực công cộng; thúc đẩy việc sử dụng các nguồn năng lượng sạch và hiệu quả.
Cùng với đó, thành phố còn vận động mỗi cán bộ, đoàn viên, hội viên nông dân, phụ nữ thi đua trồng cây xanh; các ngành, hội, đoàn thể chủ động xây dựng kế hoạch phát triển diện tích cây xanh, góp phần thực hiện có hiệu quả Đề án trồng 1 tỷ cây xanh giai đoạn 2021-2025 của Chính phủ.
Theo ông Đỗ Xuân Quý-Chủ tịch Liên đoàn Lao động TP. Pleiku: Từ năm 2021 đến nay, với tinh thần “Mỗi Công đoàn cơ sở trồng mới và chăm sóc ít nhất 1 cây xanh gỗ lớn hàng năm”, 100% Công đoàn cơ sở trực thuộc đã hưởng ứng và trồng được hơn 5.000 cây xanh, góp phần bảo vệ môi trường, tạo cảnh quan thiên nhiên, ứng phó với biến đổi khí hậu.
Còn bà Nguyễn Thị Hồng Vân-Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ thành phố thì cho hay: Các cấp Hội đã phát động phong trào “Mỗi phụ nữ-một cây xanh”, “Mỗi cơ sở Hội-một công trình cây xanh”. Hiện tại, các cấp Hội tham gia trồng, chăm sóc hơn 50.000 cây xanh tại các khu di tích lịch sử văn hóa, điểm sinh hoạt cộng đồng, nhà văn hóa, đoạn đường phụ nữ tự quản.
Những năm trước, suối Hội Phú là “điểm đen” về ô nhiễm môi trường. Tuy nhiên, từ năm 2021 đến nay, khi Dự án kè chống sạt lở suối Hội Phú hoàn thành, nơi đây đã trở thành khu đô thị xanh trong lòng thành phố. Cùng với đó, đầu năm 2023, Dự án khu dân cư đường Nguyễn Văn Linh chính thức khởi công xây dựng trong niềm vui của các hộ dân trên địa bàn 3 phường: Ia Kring, Hội Phú và Trà Bá. Dự án khi hoàn thành sẽ tạo cho đô thị Pleiku một diện mạo mới, khang trang, hiện đại hơn.
Suốt hơn 30 năm qua, gia đình bà Nguyễn Thị Cúc (đường Trần Xuân Soạn, thuộc tổ 3, phường Ia Kring) sống ở khu vực gần suối Hội Phú. Bà Cúc kể: “Trước đây, vào mùa mưa, rác thải ùn ứ, bốc mùi hôi rất khó chịu. Nhiều khi muốn bán nhà đi nơi khác nhưng ngặt nỗi không ai mua. Khi Dự án khu dân cư đường Nguyễn Văn Linh được triển khai, theo quy hoạch, nhà tôi gần khu công viên của dự án. Gia đình tôi cũng như nhiều hộ dân khác rất vui mừng”.
Đô thị xanh – xu hướng tất yếu
Chủ tịch UBND thành phố Đỗ Việt Hưng thông tin thêm: Thời gian qua, chính quyền thành phố triển khai mở rộng một số tuyến đường với các tiêu chuẩn xanh như: Tăng Bạt Hổ, Hai Bà Trưng, Trần Phú, Phạm Văn Đồng, Lý Thái Tổ…
Cùng với đó, thành phố quan tâm chỉnh trang Công viên Diên Hồng, đầu tư trang-thiết bị tập thể dục ngoài trời tại các khu vui chơi, các công viên, hoa viên. Nhờ đó đã tạo ra không gian sống gần gũi với thiên nhiên và giúp cải thiện chất lượng sống cho người dân, đồng thời giảm ô nhiễm môi trường.
Tuy vậy, TP. Pleiku hiện vẫn đối diện với nhiều thách thức trong quá trình phát triển đô thị xanh. Ông Phạm Thế Tâm-Trưởng phòng Quản lý đô thị TP. Pleiku-cho rằng: Trong quá trình thẩm định và phê duyệt các đồ án quy hoạch cần phải có các quy định mang tính pháp lý đủ mạnh, rõ ràng, cụ thể đối với hệ thống không gian xanh. Quá trình phát triển đô thị phải đảm bảo yêu cầu đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội và kiểm soát chất lượng môi trường đô thị, kết hợp hài hòa giữa bảo tồn, cải tạo và xây dựng đô thị xanh.
Theo đó, thành phố ưu tiên giữ lại các không gian thoáng rộng, ao, hồ, mặt nước, đặc biệt là khơi thông các dòng chảy giúp tiêu thoát nước, phòng-chống ngập úng, góp phần bảo đảm môi trường và tạo không gian, kiến trúc cảnh quan xanh-sạch-đẹp.
Chủ tịch UBND TP. Pleiku nhấn mạnh: Thời gian tới, chúng tôi tiếp tục đề xuất UBND tỉnh thực hiện phát triển đô thị theo hướng đồng bộ cơ sở hạ tầng xã hội và hạ tầng kỹ thuật với cấp độ thích hợp, theo yêu cầu khai thác, sử dụng và chiến lược phát triển của đô thị.
Đồng thời, dành một phần quỹ đất cho công viên, cây xanh để tạo môi trường thân thiện với thiên nhiên và điều hòa khí hậu. Ứng dụng công nghệ hiện đại để tạo nên một không gian kiến trúc xanh và giảm thiểu ô nhiễm. Coi trọng yếu tố môi trường, quy hoạch các ngành nghề dịch vụ và công nghiệp xanh.
Cùng với đó, tận dụng công nghệ hiện đại để tạo nên không gian kiến trúc xanh, hình thành bộ mặt đô thị mới hiện đại, bản sắc, bền vững và hài hòa với thiên nhiên, tương xứng với tầm vóc của thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa.