Phố về làng, làng vào phố

Hồng Đào 169 lượt xem 4 Tháng Năm, 2021

Có một xu hướng đang thịnh hành ở phương Tây mùa đại dịch Covid-19, đó là xu hướng cottagecore. Theo nghĩa gốc, cottage là một ngôi nhà nhỏ ở nông thôn, tạm dịch là “nhà tranh vách đất”, còn cottagecore thì người ta tạm dịch là xu hướng thi vị hóa cuộc sống làng quê.

Khi thành phố ẩn chứa nhiều nguy cơ trong dịch bệnh, thì câu chuyện tìm về nông thôn, tìm thấy vẻ đẹp mộc mạc dân dã và sự ấm cúng mang tính chở che của làng quê trở nên hấp dẫn người thành phố.
Cũng giống như ở Việt Nam, khi dịch bệnh bùng phát, rất nhiều người từ nông thôn ra thành phố làm đủ thứ công việc kiếm sống đã lui về quê nhà của mình. Họ trở lại là người nông dân, nhưng “nâng cấp” hơn xưa, do mang theo kinh nghiệm làm ăn và kiến thức, kỹ năng lao động ở thành phố về làng mình, khiến công việc nhà nông không còn đơn điệu, không khí làng quê bớt đi âm thầm.
Duong lang 1
Ảnh: Internet.
Còn ở phương Tây, những người tìm về làng quê theo kiểu du khách, họ bỗng thích thú và ngạc nhiên khi phát hiện những “nét đẹp nhà quê” không bao giờ thấy ở thành phố, họ mê mải với những “hương đồng gió nội” và cảm thấy như mình hòa nhập vào thiên nhiên, tìm thấy những lẽ sống giản dị mà đầy sức thu hút ở làng quê, ở những người nhà quê, dù xã hội họ đang sống là xã hội phát triển.
Nếu những người tìm về nông thôn theo kiểu du khách là những người tìm về sự thụ hưởng thiên nhiên, thụ hưởng những gì còn hoang dã, bí ẩn và kỳ thú, thì ở Việt Nam, những người từ làng vào phố lại là những người tìm kiếm việc làm và thu nhập. Họ không nề hà bất cứ công việc nặng nhọc nào, miễn kiếm được tiền. Và một “bộ phận không nhỏ” trong số họ lại mang những sản vật dân dã từ làng quê vào thành phố để bán cho người thành phố. Từ bắp nấu, đậu phụng luộc, trái cây nhà trồng được, tới đủ thứ rau củ quả. Họ lang thang trên các con phố, gánh gồng hay chạy xe đạp, hoặc có người đẩy xe ba gác, hàng họ mang theo cũng khá phong phú, đều là sản vật làng quê. Họ đã mang tinh hoa của làng vào phố, khiến một trái bắp nấu cũng đầy thơm thảo, một lon đậu luộc cũng phảng phất hương vị đồng đất quê nhà. Họ khiến những người thành phố thích thú khi thưởng thức những món quà rẻ tiền, nhưng tuyệt ngon ấy.
Làng quê của tôi cách thành phố không xa lắm, nhưng chưa đủ gần để người làng tôi mang sản vật làng mình vào bán ở thành phố theo kiểu tự do như thế. Nhưng bao quanh mỗi thành phố đều là một “vành đai làng quê” đủ cho thành phố không bao giờ thiếu những món quà quê đã “ăn là nhớ”.
Mỗi người Việt Nam, dù sống hay sinh ra ở thành phố, đều có một quê hương và đều nhớ nhung những món ăn đậm vị nhà quê. Những món ăn ấy bây giờ được người làng mang vào thành phố hằng ngày, thậm chí hàng đêm để thỏa mãn nỗi nhớ quê của người thành phố.
Tôi rất thích ăn bắp nấu và hầu như tuần nào vào mùa bắp ven sông Trà, tôi đều được thưởng thức những trái bắp nếp luộc thơm lừng, nóng hổi từ các xe đạp chở mỗi bên xe một thúng bắp nấu.
Tôi cũng thích ăn đậu phụng luộc, thì vào dịp tháng tư dương lịch hằng năm, đậu phụng luộc lại hớn hở hành quân vào thành phố để thỏa mãn niềm ao ước của những người như tôi.
Khi người phương Tây chợt phát hiện ra “nhà tranh vách đất”, theo nghĩa bóng, là những nơi vô cùng thú vị, thì người Việt chúng ta cũng biết hài hòa giữa làng và phố, biết về làng để tham gia các việc họ, việc làng, để thăm nom nhà thờ ông bà, cha mẹ, để hưởng không khí làng quê còn tương đối trong lành, để trẻ con biết con bò, con gà, con vịt đang tung tăng, để ăn một bữa cơm rau thuần túy đầy ấn tượng.
Chúng ta không gọi về làng là một xu hướng, vì chúng ta coi về làng là về quê, là về nơi chôn nhau cắt rốn của mình. Còn khi người làng vào phố, thì họ chỉ nghĩ đơn giản đó là nơi mình có thể bán những sản vật làng quê, nơi mình mưu sinh hằng ngày và là nơi mình biết cách để kiếm tiền lương thiện ở đó.
Với người Việt, làng quê và thành phố rất gần nhau, đó là nơi tìm về và là nơi tìm đến.
Theo Báo Quãng Ngãi

Bài viết cùng chủ đề:

Được quan tâm