‘Phía thung sâu’ lột tả vẻ đẹp Hà Giang qua tranh sơn dầu

Huyền Linh 194 lượt xem 19 Tháng Tư, 2024

Triển lãm Phía thung sâu là lời tự sự của Trần Nguyên Thế về mảnh đất Hà Giang, nơi anh đã dành hơn 10 năm gắn bó và mến yêu.

Vẻ đẹp của đất và người Hà Giang

Trần Nguyên Thế chia sẻ: “Triển lãm sẽ giới thiệu những mảnh chuyện về đất và người vùng cao Hà Giang, nơi ghi dấu nhiều cảm xúc của tôi trong suốt hơn 10 năm gắn bó. Tôi yêu quý vùng đất này, dành khá nhiều năm để hoàn thành bộ tranh và luôn nghĩ sẽ phải giới thiệu các tác phẩm ấy với công chúng…, rồi nghĩ sẽ chọn tranh làm sao cho khán giả cảm thấy như một buổi đến chơi, xem tranh và trò chuyện, rồi sẽ ‘bày biện’ song song trên mạng, công bố về đứa con tinh thần trong vài năm qua, nghĩ cũng thích, vậy là quyết tâm làm”.

2 5
Tác phẩm Phiên chợ vùng cao
NVCC

Phía thung sâu tập trung vào 3 chủ thể, đó là phong cảnh với các tác phẩm: Mưa tuyết, Sương sớm trên đỉnh mê cung đá, Làng Lô Lô Chải…; cảnh sinh hoạt: Đường cày trên nương đá, Trước hiên nhà, Phiên chợ vùng cao… và vẻ đẹp con người: Hai chị em, em bé, nét duyên…

Qua những gam màu rực rỡ, những nét vẽ uyển chuyển, Trần Nguyên Thế thổi hồn vào các tác phẩm, lột tả được vẻ đẹp đặc trưng của những phụ nữ, những em bé đồng bào người H’Mông trong trẻo hay những dãy đá nhấp nhô, những cánh rừng trùng điệp xanh ngát, những bản làng ẩn hiện trong sương…

Điển hình như trong tác phẩm Phiên chợ vùng cao, Trần Nguyên Thế đã mô phỏng lại một phiên chợ cuối năm của bà con Mèo Vạc, với hình ảnh các cô gái Mông trong trang phục sặc sỡ, những chàng trai khỏe mạnh xuống chợ ăn thắng cố hay góc các mặt hàng nông sản được bà con lấy từ các xóm làng – nơi trao đổi hàng hóa giữa miền xuôi với miền ngược.

Từ TP.HCM nhớ về địa đầu Tổ quốc

3 6

4 5

5 3
Một số tác phẩm trong triển lãm NVCC

Mỗi bức tranh là một câu chuyện, một góc nhìn mà tác giả tái hiện thông qua thời gian anh sinh sống và làm việc tại vùng đất này…

Năm 2006, khi đang là giáo viên dạy mỹ thuật tiểu học tại TX.Tuyên Quang (nay là TP.Tuyên Quang), biết được thông tin Trường phổ thông dân tộc bán trú THCS Xín Cái (huyện Mèo Vạc, T.Hà Giang) thiếu giáo viên, anh đã đăng ký ứng tuyển. Khi đó, anh lưu trú tại khu tập thể dành cho cán bộ giáo viên ở trường, dạy mỹ thuật và thể dục cho con em tại đây.

Trong thời gian này, anh không coi mình là khách. Những sớm mù sương anh cùng bà con đợi nước từ khe đá, gánh nước về rồi đi hái rau nấu ăn cho học sinh bán trú; những buổi trưa sau giờ dạy, có hôm anh phải tranh thủ dọn phòng học ngập đầy đất đá do núi lở; tối thì ra giữa thung lũng ngắm sao đêm… Cuối tuần, anh đi bộ vài km từ bản này đến làng khác để vận động học sinh đến lớp. Hơn 10 năm gắn bó, anh được người dân quý mến, thường xuyên cho rau, ngô hay thịt gác bếp và mời đến thăm nhà. Vì vậy, tuy phải xa quê, xa gia đình, bạn bè nhưng lúc nào anh cũng cảm nhận được sự ấm áp từ những con người hiền lành, đôn hậu và chịu thương chịu khó nơi vùng cao này.

Nhìn những bức tranh sắp triển lãm, anh bộc bạch: “Từ TP.HCM, tôi nhớ về địa đầu Tổ quốc, nơi đồng bào (người Mông) luôn có sức sống tiềm tàng. Giữa mênh mông núi đá, bà con đã tần tảo xen canh cây trồng vào những hốc đá, những nơi thiếu đất họ gùi đất cho vào hốc để trồng cây… Khâm phục tinh thần đó, triển lãm này như một lời tri ân tôi gửi đến những con người nơi rẻo cao, đồng thời mong muốn độc giả cả nước chia sẻ với bà con vùng cao Hà Giang nhiều hơn”.

Trần Nguyên Thế sinh năm 1980, quê ở Hà Nam, lớn lên tại Tuyên Quang. Anh tốt nghiệp chuyên ngành mỹ thuật chất liệu sơn dầu tại Trường ĐHSP Nghệ thuật Trung ương năm 2004. Từ năm 2005 – 2019, anh dạy mỹ thuật tại các trường tiểu học và trung học cơ sở. Từ 2019 trở đi, anh vẽ tranh nghệ thuật và làm việc tự do. Trần Nguyên Thế là hội viên Hội Văn học nghệ thuật tỉnh Tuyên Quang từ năm 2007, hội viên Hội Văn học nghệ thuật tỉnh Hà Giang từ 2008 – 2016, từ 2016 đến nay là hội viên Hội Mỹ thuật Việt Nam.

Bài viết cùng chủ đề:

Được quan tâm