Trong tục chơi quan họ của vùng Kinh Bắc xưa, người hát không phải cứ thích hát là hát, mà phải tuân theo LỀ LỐI hoặc cách chơi.
Đầu tiên là tục kết chạ. Người chơi quan họ kết BỌN với nhau, và dù mỗi bọn có thể có cả nam và nữ, thì bọn quan họ vẫn phải kết thành một cặp (bọn nam và bọn nữ). Trong đó, bọn quan họ làng này là nam thì phải kết chạ với bọn quan họ làng khác là nữ. Nguyên tắc là mỗi bọn phải ở một làng khác nhau, một làng không thể có cả bọn quan họ nam và nữ.
Giống như trong cặp kết chạ Diềm và Bịu thì bọn Diềm là bên nữ, và Bịu là nam. Hai bọn này kết thành một cặp đôi để chơi với nhau từ nhiều đời nay. Và quan hệ kết chạ này không bao giờ được thay đổi theo thời gian.
Thứ hai, một khi đã tham gia vào bọn quan họ của làng kết chạ, người trong một bọn quan họ phải tuân theo tập tục quy định của bọn. Trước hết là tuân theo thứ bậc tôn ty trật tự trong bọn, cách thức ứng xử trong tập luyện và giao kết, từ lời ăn tiếng nói, dáng đi điệu đứng, cách nói điệu cười, trong đó có quan hệ cặp đôi với bọn quan họ của làng kết chạ, và với các bọn quan hệ khác ngoài kết chạ.
Mỗi bọn quan họ do một người đứng đầu gọi là TRÙM, và bọn có một nơi để tụ tập, gọi là NHÀ CHỨA, thường là nhà của ông Trùm. Người chơi có một nơi tụ tập để luyện thanh, tập cách ứng xử trong cuộc sống và tu luyện các làn điệu hát theo lề lối.
Mỗi năm, một bọn chỉ cần sáng tạo một bài có lời mới theo một làn điệu nhất định, còn lại khi gặp nhau họ vẫn hát các bài đã có trong kho tàng các làn điệu mà bọn tích lũy được và truyền dạy cho thành viên.
Người chơi trong một bọn quan họ gọi chung là liền anh và liền chị, nhưng trong một bọn chỉ có 4 thứ bậc chính, gọi là Anh Hai/Chị Hai, Anh Ba/Chị Ba, Anh Tư/Chị Tư, Anh Năm/Chị Năm. Như vậy, bọn chơi quan họ được tổ chức theo kiểu cặp đôi nam/nữ để khi hai bọn gặp nhau hát canh thì tạo thành 4 cặp đôi có “danh phận”. Những người còn lại tham gia tụ bọn được gọi chung là EM BÉ. Khi trong bọn khuyết thiếu ở các vị trí anh/chị thì người ta chọn trong số các “em bé” để thế chỗ chứ không lấy người ngoài bọn.
Thứ ba, hát quan họ là một thú chơi, và người chơi, ở đây là các bọn quan họ dưới sự dẫn dắt của anh hai-chị hai, phải tuân theo các liêm luật truyền đời của thế giới quan họ, gọi chung là lề lối.
Hát phải theo lề lối, một hệ thống các giọng hát và làn điệu phức tạp, mà đến nay các nhà nghiên cứu vẫn chưa khám phá hết. Trong hát quan họ, có sự phân chia giữa âm điệu và làn điệu nhưng đôi khi người quan họ vẫn sử dụng một thuật ngữ chung, gọi là GIỌNG. Quan họ nói chung chỉ có một số giọng (làn điệu) chính, được gọi là giọng hừ la, giọng la rằng, giọng đường bạn, giọng tình tang, giọng lên núi lên nương, giọng cái hời cái ả, và giọng vặt (còn gọi là giọng vụn).
Người hát có thể sáng tạo ca từ/lời mới trên cơ sở các làn điệu/giọng truyền thống này, và có thể hát các làn điệu ấy theo những âm điệu khác nhau, cũng gọi là giọng, trong đó có các giọng như giọng lão, giọng lý, giọng ru, giọng chèo, giọng tuồng, giọng huỳnh, giọng hãm, giọng năm cung, giọng mười thương, v.v. Khi các liền anh liền chị cất tiếng hát theo âm điệu/giọng nào đó, ta thấy quan họ dường như là chị em với chèo, với tuồng, với ru, với ví, v.v. vô cùng phong phú.
Quan họ truyền thống hát theo lề lối thường có một người hát giọng chính, thường là anh hai-chị hai, và người hát phụ, gọi là giọng luồn, để tôn giọng hát lên. Kiểu hát phụ họa này làm ta liên tưởng đến lối hát bè không có nhạc đệm trong âm nhạc hiện đại là acapella. Kiểu hát quan họ ta vẫn thấy trên sân khấu hiện nay là tân quan họ, lời mới hoặc đa cải biên, và có nhạc đệm, khác với kiểu chơi quan họ truyền thống.
Thứ tư, người chơi quan họ nói chung đều thuộc thành phần elite trong làng xã. Họ phải có tri thức và tài năng, có kỹ năng ứng xử chứ không phải loại lý toét hay đám xa xệ. Hơn nữa, người chơi quan họ thường xuất thân trong các gia đình khá giả, có điều kiện, để người chơi theo đuổi đam mê. Các tài năng quan họ thường theo truyền thống gia đình, cha mẹ truyền dạy lại cho con cái, và sự tiếp nối truyền thống từ đời này sang đời khác.
Người chơi quan họ cần có thời gian tập luyện, có quần áo trang phục theo lề lối để tham dự các sự kiện, và biết cách ứng xử có nguyên tắc. Nói túm lại, người không có điều kiện khó theo đuổi quan họ do cần một lượng lớn thời gian tu luyện và kinh phí trang trải cho thú chơi. Quan họ là một lối sống, và lối sống này rất ưa chuộng hình thức. Mọi lời ăn tiếng nói, dáng đi điệu đứng, trang phục và trang sức, v.v. đều có tính biểu tượng rất cao.
Vậy nên khi nói đến làng quan họ không có nghĩa rằng cả làng ấy đều biết hát, đều đi hát, mà chỉ có một số ít những người thuộc thành phần ưu tú nhất đại diện cho bọn quan họ trong cặp kết chạ của làng hát thôi. Thế nên, quan họ không phải chỉ có hát, không phải chỉ có các làn điệu và âm điệu, mà là cách người ta sống, ăn, mặc, ứng xử với nhau, với thần linh và xã hội, người ta gọi lối sống ấy là “chơi quan họ”.
Nhưng tất nhiên người khác trong làng vẫn có cửa để tham gia hát quan họ. Đó là trong các dịp hội hè, có đám đông thanh niên tụ họp vào dịp hội làng, nông nhà, vào những đêm trăng mùa thu gợi hứng. Khi ấy đám trai làng gái làng rủ nhau tụ họp để hát giao duyên. Trong dịp này, người ta thường hát giọng vặt, và kiểu hát giao duyên tùy hứng giữa đám đông như thế gọi là hát đúm, người chơi không hát theo lề lối mà có thể tùy hứng và sáng tạo.
Cuối cùng, có một vấn đề tế nhị mà nhiều người thường nghi vấn mà ngại nói ra: Người trong các bọn quan họ có được yêu nhau lấy nhau không?
Người ta có quyền nêu ra nghi vấn như vậy vì mọi ca từ, làn điệu, hành vi, đều chỉ thấy nói đến yêu nhau, nhớ nhau, loan phượng, ái ân, tôn trọng nhau, mong được gặp nhau thì liệu họ chỉ hát thế thôi, hay còn….gì nữa?
Để trả lời câu hỏi này, cần quay trở lại tập tục xa xưa và có một chút kiến thức về phồn thực học trong các xã hội nông nghiệp lấy cầu mong sinh sôi nảy nở làm ước vọng cao nhất.
Trước tiên, giữa hai làng kết chạ với nhau để lập bọn thì đã có lời nguyền, dưới sự chứng giám và chấp thuận của thần linh, ở đây là thành hoàng hai làng. Khi gặp nhau để hát vào những dịp nhất định trong năm (không phải tùy hứng thì tụ tập hát như bây giờ) thì người quan họ bao giờ cũng bắt đầu bằng nghi lễ bái vọng thần thành hoàng của làng kết chạ. Các điệu hát thờ, hát dâng, hát cầu an, cầu mưa, các điệu la rằng, hự la, …thường được hai bọn quan họ hát ở cửa đình, để dâng lên thần linh lời cầu nguyện của cộng đồng. Thế có nghĩa là tục kết chạ để làm anh em có yếu tố tâm linh xen vào.
Do vậy, giữa các thành viên của hai bọn quan họ có kết chạ không thể kết hôn là một lời nguyền thiêng liêng, và việc họ không được lấy nhau là một sự thật không thể chối cãi. Kết hôn giữa hai bọn kết chạ được coi như một hành vi loạn luân, một thứ taboo vì nó không chỉ là việc của cá nhân mà có liên quan đến cộng đồng, loạn luân cũng có nghĩa là làm ô uế thần linh. Vì vậy, kết hôn giữa các thành viên hai bọn kết nghĩa là việc bị nghiêm cấm.
Tuy nhiên, việc kết hôn và việc có quan hệ nam nữ giữa thành viên hai bọn quan họ lại là hai vấn đề khác nhau. Người quan họ tuyệt nhiên không nói ra điều này, vì nó là thứ kiêng kỵ có tính thiêng.
Còn nhớ khi tôi gặp các vị cao niên trong bọn quan họ Diềm và Bịu, ngầm ý hỏi vấn đề này, đã bị phản đối dữ dội. Họ kể cho tôi nghe câu chuyện: Khi Bộ Văn hóa cử các chuyên gia đến các làng quan họ cổ tìm hiểu làm hồ sơ, cũng có đặt ra vấn đề này. Một nhà nghiên cứu mới chỉ nêu nghi vấn thôi, đã bị dân làng cấm cửa, anh này bị tẩy chay ở mọi nơi đến nỗi không tiếp tục nghiên cứu được.
Dân làng cung cấp thông tin cho mình về một vài cặp đôi bất chấp lời nguyền để kết hôn, và họ bị dân làng xa lánh, phải sống cuộc đời cô độc đến chết, và con cháu không được tham gia vào bọn quan họ của làng.
Tôi đã tìm lại vấn đề này và đọc một luận văn tốt nghiệp đại học của đồng nghiệp, GS quá cố Lê Sy Giáo. Ông đã dành nhiều tháng trời trong khoảng thời gian từ 1968-1973 để nghiên cứu các làng quan họ vùng hội Lim, và báo cáo của ông cho thấy có một tập tục phổ biến ở các bọn quan họ. Đó là quy ước sau mỗi đám hát canh, bọn quan họ phải giả bạn lúc mặt trời chưa mọc. Khi chia tay, họ tiễn nhau theo cặp đôi, anh hai tiễn chị hai, anh ba tiễn chị ba, anh tư tiễn chị tư, anh năm tiễn chị năm, và các em bé cũng tiễn nhau theo cặp.
Theo tục lệ, họ không được đi cùng đường. Nhưng họ tiễn nhau đi đâu thì các liền anh liền chị ngại nói ra. Có hai điểm đáng nghi ngờ: Thứ nhất là họ tiễn nhau theo cặp đôi, thứ hai là chia tay trong đêm tối và không đi cùng đường. Ngoài ra, trong lúc cả bọn hát canh, vẫn có cặp đôi để ý nhau, lẻn ra ngoài vườn, uống bếp. Tuyệt nhiên không ai nói họ ra ngoài có gặp nhau không và gặp để làm gì.
Một nguồn tài liệu viết bằng chữ Hán, lưu giữ tại thư viện của Viễn Đông Bác cổ bên Pháp tên là Bắc Ninh tỉnh khảo dị (GS Đinh Khắc Thuân ở Viện Hán Nôm đã dịch ra tiếng Việt, in trong sách Bắc Ninh dị tục) cũng chép về tục kết chạ hai làng Bịu (Hoài Bao) và Diềm (Viêm xá).
Theo tài liệu này thì vào ngày hội tế thần bảo hộ (thành hoàng) của hai làng (ngày 4 tháng Giêng) và 10 tháng thì bọn quan họ của làng này phải có cơi trầu mời bọn quan họ làng kia đến hát. Khi được mời sang làng Diềm hát thì bọn quan họ làng Bịu chỉ có liền anh mới đi, ngược lại, được mời sang làng Bịu thì quan họ làng Diềm chỉ có liền chị đi.
Sau khi làm lễ hát thờ ở đình làng thì buổi tối họ về nhà chứa của bọn ở trong làng để hát canh. Ông trùm làm cô khoản đãi cả hai bọn. Sau khi thưởng cô, bọn quan họ nam và nữ hai làng chia nhau ra hai phe, ngồi ở hai bên đối diện và hát đối đáp, theo lề lối như quy ước. Hát đến gần sáng thì bọn quan họ hát giọng gia bạn và chia tay nhau, đúng như tục lệ mà Lê Sy Giáo đa khảo sát được ở vùng Bắc Ninh xưa.
Người ta tin rằng tục hát giao duyên nam nữ như vậy là tối quan trọng vì nó giúp cho sinh sôi nảy nở, an khang vật thịnh, mùa màng tốt tươi. Nếu năm nào không có hát canh như tập tục thì mùa màng thất bát…
Năm 2014 khi tôi khảo sát ở khu vực Diềm – Bịu và Lim thì thấy các câu lạc bộ quan họ ở Diềm có nhiều con gái tham gia vào câu lạc bộ quan họ, mà rất ít con giai, còn ở Lim – Bịu thì chủ yếu con giai thích vào câu lạc bộ quan họ mà không có con gái. Hỏi các bậc phụ huynh thì họ không lý giải được.
Tuy nhiên, theo tập tục xưa ở vùng Diềm thì việc người con gái được tham gia vào đêm hát canh là một vinh dự lớn, vì họ thay mặt cộng đồng cầu mong an khang thịnh vượng cho cộng đồng, những bậc cha mẹ giữ con gái không cho đi hát thì không chỉ bị xem là không theo lệ làng mà còn phí đời.
Trong hát canh, giọng tình tang, cái hời cái ả và hự la, thường có những câu cầu mong ái ân, ví dụ:
Nam hát: “Muốn cho đôi chữ ái ân/ Lòng tôi muốn kết trước sân giãi bày.”
Nữ đáp lại: “Muốn cho đôi chữ một dòng/ Trên trời chưa định trong lòng đã vui….
Nói chung là khi hát, người nam thường mong gặp người nữ “như cá mong mưa” vậy. Tôi muốn nhắc lại câu chuyện của liền anh quan họ đã nói từ đầu, rằng: “Cá mong mưa để đi đẻ”!
Ở phần trước, tôi đã đặt ra một giả thiết cho rằng hát quan họ vốn nguyên ủy là một hình thức hát nghi lễ, hát hầu thần để cầu mong được mùa, sinh con đẻ cái, an yên cho cộng đồng. Thực ra, tục này rất phổ biến trong các xã hội nông nghiệp, và đặc biệt phổ biến ở vùng đất cổ như Bắc Ninh và Phú Thọ.
Ghi chép của sử sách cho ta biết về các tục sử dụng hành vi tính giao như một biểu tượng cầu mong sinh sôi nảy nở, ví dụ tục hát ôm ở lễ hội làng Quảng Lam, tục chen ở lễ hội làng Nga Hoàng, tục điểm ngực trong hội làng Ném Thượng, đều có những hành vi phồn thực linh thiêng.
Các tập tục “linh tinh tình phộc”, thờ “no nường” ở các làng quanh khu vực Đền Hùng cũng đều được ghi chép thành văn hay truyền miệng trong dân gian, và vẫn phổ biến cho đến trước cách mạng tháng Tám năm 1945.
Tuy nhiên, văn hóa là đổi thay, và các hành vi văn hóa luôn tìm cách để thích ứng vào hoàn cảnh xã hội mới. Những tập tục có hành vi tính giao giờ chỉ có thể đã mất, hoặc chỉ như một hồi âm của quá khứ, nhưng có giá trị tham khảo, để chúng ta hiểu và thêm trân trọng những ước vọng ngàn đời của ông cha.
GS – TS Nguyễn Văn Chính (Sen Hoa)