Hồ Xuân Hương là nữ sĩ duy nhất trong 7 danh nhân văn hóa Việt Nam được UNESCO vinh danh. Những đóng góp của bà về tư tưởng giải phóng con người, đặc biệt là phụ nữ trong thời đại phong kiến được xem là tiên phong của mọi thời đại.
Nữ sĩ Hồ Xuân Hương là nhà thơ khai bút đầu tiên viết về thân phận người phụ nữ chịu nhiều cay đắng, cơ cực, trắc trở và bất hạnh trong dòng văn học Việt Nam từ thế kỷ XVIII đến nửa đầu thế kỷ XIX. Những tư tưởng dẫu xưa nhưng không cũ của nữ sĩ họ Hồ đã thể hiện bản lĩnh của phụ nữ Việt Nam vượt thời đại.
Dấu xưa còn mãi
Nữ sĩ Hồ Xuân Hương sinh năm 1772, mất năm 1822. Bà là con gái cụ đồ Hồ Phi Diễn (1704 – 1786), người làng Quỳnh Đôi, nay là xã Quỳnh Đôi, huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An. Mang trong mình dòng máu xứ Nghệ, nhưng Hồ Xuân Hương lớn lên ở đất Thăng Long nên trong con người bà có sự hội tụ nét tinh hoa của hai vùng văn hóa lớn. Chất khảng khái, cương trực của xứ Nghệ hòa thiệp với chất mềm mại, tinh tế của Kinh Bắc, để rồi kết lại, tỏa sáng một nữ sĩ Hồ Xuân Hương đầy cá tính, sâu sắc và nhân văn.
Bản lĩnh của người phụ nữ trong thơ Hồ Xuân Hương vượt qua thời đại để đến với chúng ta như một sự khẳng định độc đáo và hết sức cao đẹp về nữ quyền. Đặt những nội dung về bản lĩnh người phụ nữ trong thơ Hồ Xuân Hương ở thời hiện đại có thể thấy tiếng thơ của bà vô cùng gần gũi. Bà đã tuyên bố sự bình đẳng vai trò xã hội của nam nữ từ cách đây hàng trăm năm. Người phụ nữ trong quan niệm của Hồ Xuân Hương không chỉ đẹp, không ngừng khẳng định vẻ đẹp, mà họ còn dám sống đời sống của chính mình, giữ thiên chức và đòi hỏi được bình đẳng trong khát vọng thầm kín sâu xa muôn thuở của giống loài. Vì những lẽ ấy, Đại hội đồng UNESCO thống nhất vinh danh và cùng tham gia kỷ niệm 250 năm sinh, 200 năm mất của nữ sĩ Hồ Xuân Hương và đã khẳng định quốc tế đánh giá cao đối với những giá trị về văn học nghệ thuật và đặc biệt là tư tưởng về bình đẳng giới, giải phóng phụ nữ của nữ sĩ Hồ Xuân Hương, xứng tầm là danh nhân văn hóa nhân loại, nhà thơ mang tầm vóc một thi hào.
Vượt thời gian
Nữ sĩ Hồ Xuân Hương được xem là một “ngôi sao lạ”, một thiên tài hiếm hoi trên nền trời văn học Trung đại Việt Nam. Tiếng thơ Hồ Xuân Hương như âm vang xuyên không để nói lên những điều mà cả những người phụ nữ thời hiện đại đều muốn thổ lộ. Cái đẹp như một đặc điểm “bản quyền” của người phụ nữ, nói đến phụ nữ là nói đến cái đẹp. Bà khẳng định vẻ đẹp của người phụ nữ cả về thể chất lẫn tinh thần. Khát vọng được là chính mình, được công nhận vẻ đẹp về tài năng và phẩm chất của mình, người phụ nữ trong thơ Hồ Xuân Hương không ngại phơi bày tất cả hình thể từ trong ngóc ngách sâu xa: “Thân em vừa trắng lại vừa tròn” (Bánh trôi nước), “Hỏi bao nhiêu tuổi hỡi cô mình/Chị cũng xinh mà em cũng xinh… Nghìn năm còn mãi cái xuân xanh” (Tố nữ). Nữ sĩ họ Hồ đã nói đến vẻ đẹp của nữ giới như một sản phẩm của tạo hóa chứ không đơn thuần là ý thức chống đối lại quan điểm phong kiến. Vì lẽ đó mà có thể xem Hồ Xuân Hương là tác giả Phục Hưng của văn học Việt Nam thời Trung đại.
Vẻ đẹp của người phụ nữ còn được nữ sĩ nhìn nhận toàn diện ở bản lĩnh, tài năng hơn người sánh ngang hoặc trên tầm nam giới: “Này của Xuân Hương đã quệt rồi” (Mời trầu), “Ví đây đổi phận làm trai được/ Thì sự anh hùng há bấy nhiêu” (Đề đền Sầm Nghi Đống)… Người phụ nữ trong thơ Hồ Xuân Hương không nổi bật ở vẻ đẹp tinh thần theo quan điểm phong kiến “tam tòng tứ đức”, mà đó là vẻ đẹp của sự tự tin, mạnh mẽ dám vượt thoát trên mọi rào cản của chế tài xã hội để được là chính mình.
Hồ Xuân Hương không chỉ biểu thị sự quý trọng bản thân người phụ nữ, mà còn đề cao vai trò của họ trong xã hội. Nữ sĩ họ Hồ đi ngược lại tất cả mọi dông lốc của thời đại để thực hiện vai trò là một luật sư bào chữa cho những thân phận yếu mềm. Và bằng sự tự trọng, tự tôn và tình thương yêu vô bờ của một người phụ nữ, Hồ Xuân Hương đã cất cao tiếng lòng của mình hòa cùng những tư tưởng tiến bộ vượt thời gian.