Là một trong hai trung tâm kinh tế lớn nhất cả nước – Thủ đô Hà Nội có quy mô sản xuất nông nghiệp đứng top đầu cả nước. Trong những năm qua, thành phố Hà Nội luôn tiếp tục đẩy mạnh các vùng sản xuất nông nghiệp chuyên canh tập trung, tạo nguồn nguyên liệu có sản lượng lớn nhằm phục vụ tiêu thụ trong nước và xuất khẩu, đồng thời hỗ trợ các cơ sở xây dựng, áp dụng các chương trình quản lý chất lượng tiên tiến trong sản xuất chế biến thực phẩm như VietGAP, HACCP, ISO 22000…
Phát triển nhiều sản phẩm có tiềm năng xuất khẩu
Trong những năm qua, TP Hà Nội đã tiếp tục đẩy mạnh các vùng sản xuất nông nghiệp chuyên canh tập trung nhằm tạo nguồn nguyên liệu lớn, phục vụ tiêu thụ trong nước và xuất khẩu, đồng thời kết nối và phát triển chuỗi cung ứng nông sản an toàn hướng tới xuất khẩu. Cụ thể, TP Hà Nội đang tiếp tục duy trì, phát triển các chuỗi liên kết sản xuất – tiêu thụ nông sản an toàn với 159 chuỗi, trong đó có 53 chuỗi sản phầm động vật và 106 chuỗi sản phẩm thực vật. Các chuỗi đã thu hút nhiều doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ nông dân tham gia hợp tác xây dựng chuỗi. Đã xây dựng được trên 40 nhãn hiệu được bảo hộ như gà đồi Ba Vì, gà đồi Sóc Sơn, gà Mía Sơn Tây, vịt Vân Đình, nhãn Đại Thành, gạo thơm Bối Khê…
Bên cạnh đó nhiều đơn vị trực thuộc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội như: Trung tâm Khuyến nông, Trung tâm Phát triển nông nghiệp, Trung tâm Phân tích và Chứng nhận chất lượng sản phẩm nông nghiệp đã tích cực khuyến khích hỗ trợ triển khai 58 mô hình, cơ sở sản xuất sản xuất nông nghiệp an toàn như sản xuất rau theo hướng hữu cơ, VietGAP, ứng dụng công nghệ cao (Sản xuất măng tây hữu cơ), cây dược liệu (cúc chi)… Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tiếp tục duy trì, phát triển, vận hành 49 mô hình áp dụng hệ thống đảm bảo có sự tham gia (PGS), hiệu quả từ mô hình đã làm tăng giá trị sản xuất RAT cao hơn các vùng sản xuất thông thường khác từ 10-20%.
Đồng thời khuyến khích, hỗ trợ các cơ sở xây dựng, áp dụng các chương trình quản lý chất lượng tiên tiến trong sản xuất chế biến thực phẩm như VietGAP, HACCP, ISO 22000 nhằm nâng cao chất lượng đảm bảo an toàn thực phẩm. Tính đến nay riêng ngành nông nghiệp Hà Nội lũy kế đã hỗ trợ được 95 cơ sở xây dựng, áp dụng và được cấp chứng nhận chương trình quản lý chất lượng tiên tiến theo HACCP và 45 cơ sở được hướng dẫn, hỗ trợ xây dựng và đăng ký bảo hộ nhãn hiệu tại Cục Sở hữu trí tuệ. Tính đến thời điểm này, TP Hà Nội cũng đã được cấp 16 mã số vùng trồng cây ăn quả và 4 cơ sở đóng gói với công suất từ 30-50 tấn/ngày/cơ sở để phục vụ xuất khẩu, trong đó 8 mã số cấp cho vùng trồng chuối và 8 mã số cấp cho vùng trồng nhãn. Trong thời gian tới, thành phố tiếp tục phát triển nhiều sản phẩm có tiềm năng xuất khẩu như trên 7.000 ha lúa Japonica; 3.200 ha chuối tiêu hồng; trên 5.000 ha rau an toàn; 50 ha rau hữu cơ và nhiều sản phẩm chế biến có tiềm năng xuất khẩu…
Ngoài ra, thành phố đã tổ chức đánh giá, xếp hạng đối với 1.649 sản phẩm OCOP, trong đó có 20 sản phẩm tiềm năng 5 sao xuất khẩu, 1098 sản phẩm đạt 4 sao, 534 sản phẩm đạt 3 sao, trong đó có 1.071 các sản phẩm thực phẩm được công nhận OCOP. Một số sản phẩm nông sản của Hà Nội, có chất lượng cao và xuất khẩu đi các nước như nhãn muộn Đại Thành – Quốc Oai xuất khẩu đi Mỹ; Gạo hữu cơ Đồng Phú xuất khẩu đi Đức; Rau Văn Đức xuất khẩu Hàn Quốc; Chuối tiêu hồng xuất khẩu sang Trung Quốc… Và tiếp tục triển khai ứng dụng công nghệ thông tin, công nghệ số nhằm hỗ trợ truyền thông, quảng bá, minh bạch thông tin, nguồn gốc các cơ sở sản xuất, kinh doanh đến người tiêu dùng, điển hình là qua “Hệ thống truy xuất nguồn gốc nông lâm thuỷ sản thực phẩm thành phố Hà Nội” (check.hanoi.gov.vn). Đến nay, Hệ thống đã hỗ trợ hướng dẫn, cấp mã tài khoản quản trị cho hơn 3.275 cơ sở sản xuất, kinh doanh nông lâm thủy sản an toàn, cấp mã QR truy xuất minh bạch thông tin cho trên 12.286 mã sản phẩm, trong đó có trên 2.000 mã sản phẩm có nguồn gốc của 48 tỉnh, thành phố liên kết trong Hệ thống của Hà Nội.
Tập trung nâng cao chất lượng sản phẩm
Để kết nối, thúc đẩy xuất khẩu các sản phẩm nông sản, trong thời gian qua, ngành nông nghiệp đã chủ động tham mưu UBND TP Hà Nội và ban hành theo thẩm quyền văn bản chỉ đạo, lồng ghép các kế hoạch tăng cường công tác đảm bảo sản xuất phục vụ tiêu thụ trên địa bàn, đồng thời hỗ trợ các doanh nghiệp xuất khẩu nắm bắt các quy định nâng cao chất lượng, an toàn thực phẩm đáp ứng các yêu cầu của thị trường xuất khẩu. Triển khai hiệu quả Chương trình phối hợp giữa UBND TP và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về đảm bảo an toàn thực phẩm, nâng cao chất lượng, giá trị chuỗi cung ứng nông lâm thủy sản hỗ trợ cho các doanh nghiệp xuất khẩu của Hà Nội tìm kiếm được nguồn nguyên liệu, hàng hóa đảm bảo, xúc tiến xuất khẩu nông lâm thủy sản của Hà Nội và các tỉnh thành phố. Xây dựng các chuỗi sản xuất, cung ứng sản phẩm nông lâm thủy sản an toàn, ứng dụng công nghệ cao… đáp ứng tiêu chuẩn xuất khẩu.
Phần lớn doanh nghiệp xuất khẩu của Hà Nội đặt trụ sở trên địa bàn và có tổ chức sản xuất, thu mua nguyên liệu của các tỉnh. Vì vậy, nhiều chuyên gia cho rằng việc nâng cao chất lượng sản phẩm, quy mô các chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn của Hà Nội và các tỉnh, thành phố theo chuẩn mực quốc tế, phục vụ tiêu dùng trong nước và đẩy mạnh xuất khẩu. Để kiểm soát chất lượng nông lâm thủy sản trên địa bàn, các đơn vị ngành nông nghiệp đã tăng cường hoạt động giám sát chất lượng, an toàn thực phẩm. Trong 11 tháng năm 2023 đã lấy 1.984 mẫu các sản phẩm, trong đó có 306 mẫu có nguồn gốc từ các tỉnh, thành phố, kết quả 94% mẫu đạt tiêu chuẩn. Đối với các mẫu không đạt, TP Hà Nội đã thông báo, cảnh báo kịp thời để truy xuất nguồn gốc, xác định nguyên nhân và có giải pháp khắc phục nhằm bảo đảm chất lượng, an toàn thực phẩm…
Ngoài ra, TP Hà Nội còn khuyến khích, hỗ trợ các cơ sở xây dựng, áp dụng các chương trình quản lý chất lượng tiến tiến trong sản xuất chế biến thực phẩm như VietGAP, HACCP, ISO 22000 nhằm nâng cao chất lượng đảm bảo an toàn thực phẩm. Tính đến nay riêng ngành nông nghiệp Hà Nội lũy kế đã hỗ trợ được 95 cơ sở xây dựng, áp dụng và được cấp chứng nhận chương trình quản lý chất lượng tiên tiến theo HACCP và 45 cơ sở được hướng dẫn, hỗ trợ xây dựng và đăng ký bảo hộ nhãn hiệu tại Cục Sở hữu trí tuệ.
Phó Cục trưởng Cục Chất lượng chế biến và phát triển thị trường (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) Phạm Văn Duy cũng nhấn mạnh, nhằm thúc đẩy sản xuất, tiêu thụ và xuất khẩu các địa phương cần tăng cường quản lý mã số vùng sản xuất; thường xuyên cập nhật các quy định kiểm dịch, quy trình kiểm soát nhập khẩu của các thị trường.