Những mảnh gốm kể chuyện Hà Nội xưa

Huyền Linh 69 lượt xem 11 Tháng Ba, 2025

Lấy cảm hứng từ những chuyến tàu điện leng keng của Hà Nội đầu thế kỷ XX, họa sĩ Nguyễn Xuân Lam đã thổi hồn vào tác phẩm “Năm giờ sáng, Hà Nội thức giấc – Il est cinq heures, Hanoï s’éveille”.

Hình ảnh toa tàu hóa thạch khổng lồ, kết tinh từ hơn 15.000 mảnh gốm trong trạng thái tan chảy, như một lát cắt thời gian, vừa hoài niệm quá khứ, vừa ngân vang những trăn trở về sự nóng lên của trái đất. Bằng nét chấm phá tinh tế và đầy sức sống, tác phẩm không chỉ lưu giữ hồn xưa Hà Nội mà còn trở thành dấu ấn nghệ thuật độc đáo, cuốn hút bước chân du khách trên hành trình metro Nhổn – ga Hà Nội, đoạn qua ga S8 Cầu Giấy.

18 2
Tác phẩm “Năm giờ sáng, Hà Nội thức giấc” của nghệ sĩ Nguyễn Xuân Lam trong không gian nhà ga S8 – Cầu Giấy.

Hơi thở dân gian trong không gian đô thị mới

Bất cứ ai từng đi trên tuyến đường sắt đô thị Nhổn – ga Hà Nội, đoạn qua ga Cầu Giấy, đều bị cuốn hút bởi một tác phẩm gốm độc đáo. Đó là mô hình toa tàu cao hơn 2,8m, gợi nhắc hình ảnh những chuyến tàu điện xưa, được ghép từ vô số mảnh gốm nhỏ với độ tinh xảo đến kinh ngạc. Tác phẩm không chỉ tái hiện ký ức Hà Nội mà còn mở ra một không gian nghệ thuật sống động khi tương tác trực tiếp với Công viên Thủ Lệ gần nhà ga S8. Trên thân tàu, một vườn động thực vật trong tranh dân gian Đông Hồ, Hàng Trống hiện lên mềm mại, hòa quyện với cảnh quan đền Voi Phục – một trong Tứ trấn Thăng Long.

Đặc biệt, sự giao thoa giữa những đường nét truyền thống trong tranh dân gian Việt Nam và kỹ thuật dệt vải Toile de Jouy thanh lịch từ thế kỷ XVIII của Pháp đã trở thành nguồn cảm hứng để họa sĩ Xuân Lam thể hiện từng nét vẽ tỉ mỉ… Chính vì vẻ đẹp cuốn hút ấy, hằng ngày, đông đảo du khách tìm đến chiêm ngưỡng tác phẩm, dù không phải ai cũng có ý định đi tàu…

Là đơn vị phối hợp với họa sĩ Nguyễn Xuân Lam thực hiện tác phẩm này, chị Nguyễn Phương Thảo, Giám đốc Công ty cổ phần gốm sứ Quang Minh (QMosaic) cho biết, khi Xuân Lam gửi bản phác thảo ý tưởng, ban đầu chị tưởng sẽ làm theo cách quen thuộc của mình, đó là vẽ men gốm trên các mảnh mosaic.

Tuy nhiên, sau khi trao đổi nhiều lần với đội ngũ về những yêu cầu và mong muốn trong cách thể hiện trên gốm, Công ty quyết định thay đổi phương án và chọn một hướng hoàn toàn khác. Phương án mới không chỉ đòi hỏi nguyên vật liệu cao cấp và kỹ thuật gốm phức tạp hơn mà còn giúp giữ nguyên được bút tích và nét vẽ của họa sĩ, điều mà Công ty rất coi trọng trong suốt quá trình thực hiện. Bỏ qua các yếu tố kinh tế, Công ty đã cùng Xuân Lam và đội ngũ hoàn thành dự án từ khâu tạo hình cốt composite cho đến khi hoàn thiện tác phẩm gốm, đảm bảo giữ trọn vẹn tinh thần nghệ thuật mà họa sĩ gửi gắm.

“Để hoàn thiện tác phẩm, hơn 15.000 mảnh gốm đã được chế tác tỉ mỉ qua từng công đoạn: Luyện đất, tạo hình theo thiết kế, chia mảnh, dán decal, phủ men bóng, nung ủ, và cuối cùng là xếp gốm vào cốt composite để thi công hoàn thiện. Thi công trên bề mặt khối 3D, đặc biệt là cấu trúc toa tàu là một thử thách không nhỏ, bởi mọi công đoạn đều phải thực hiện trực tiếp tại hiện trường, đòi hỏi độ chính xác cao và sự phối hợp nhuần nhuyễn giữa các nghệ nhân. Một trong những điều đáng nhớ nhất của dự án là khi chúng tôi đang ở giai đoạn nước rút, làng Bát Tràng bị lụt gần một tuần. Khi nhận thấy nước dâng cao, chúng tôi đã vội vàng chuyển các tấm tranh đi sơ tán, vì biết rằng mất rất nhiều công sức mới hoàn thành được chúng. May mắn là các tấm tranh không bị ảnh hưởng, nhưng dự án bị chậm tiến độ vài ngày. Dù vậy, chúng tôi rất tự hào vì đã vượt qua khó khăn và hoàn thành được tác phẩm như ngày hôm nay” – chị Thảo chia sẻ.

Họa sĩ Nguyễn Xuân Lam cho biết, thách thức chính của dự án là việc anh đang đi du học ở Mỹ, do đó không thể có mặt trực tiếp tại Việt Nam để chỉ đạo công việc. May mắn sao mọi chuyện cũng thuận lợi nhờ sự phối hợp chặt chẽ, nhịp nhàng với các trợ lý và đối tác tại làng gốm Bát Tràng, thông qua các cuộc gọi video và tin nhắn thoại mỗi ngày.

“Từ Paris đến Hà Nội, với sự hỗ trợ của AFD (Cơ quan Phát triển Pháp), Ban Quản lý đường sắt đô thị Hà Nội cùng đội ngũ thi công 15 người, ý tưởng nghệ thuật đã dần thành hiện thực sau hơn 5 tháng làm việc cường độ cao. Tôi làm việc mỗi ngày 12 tiếng trong hơn 2 tháng rưỡi, cho các công đoạn lên ý tưởng, nghiên cứu, làm phác thảo, viết đề xuất, thực hiện bản vẽ kỹ thuật và phần họa tiết khu vườn. Đội ngũ thi công cũng tốn tròn 3 tháng từ sáng tới đêm để thực hiện hóa bản vẽ, từ các khâu nặn mô hình, sau đó đổ khuôn, mài giũa, sản xuất gốm, lắp đặt tại hiện trường” – anh tâm sự.

Góp phần định hình diện mạo đô thị hiện đại

Theo họa sĩ Xuân Lam, tên tác phẩm gợi nhớ đến bài hát kinh điển “Il est cinq heures, Paris s’éveille” (“Năm giờ sáng, Paris thức giấc”) của Jacques Dutronc, một ca khúc bất hủ về cuộc sống náo nhiệt buổi sáng của Paris. Cũng như Paris thức giấc lúc năm giờ, Hà Nội cũng bắt đầu vận hành các chuyến tàu vào lúc 5h30 sáng. Trong thời khắc chuyển giao giữa đêm và ngày ấy, “Năm giờ sáng, Hà Nội thức giấc” như một biểu tượng kết nối quá khứ, hiện tại và tương lai của Hà Nội – một thành phố tràn đầy năng lượng, sức sống và khát vọng bền vững. Tác phẩm đã khéo léo hòa quyện giữa lịch sử, văn hóa và thiên nhiên, tạo nên một không gian nghệ thuật tương tác đầy sống động. Không chỉ góp phần nâng cao trải nghiệm giao thông công cộng, tác phẩm còn gửi gắm thông điệp về bảo vệ môi trường, lan tỏa tinh thần xanh đến từng hành khách trên mỗi chặng đường.

Dưới góc nhìn của PGS.TS Bùi Hoài Sơn, Ủy viên chuyên trách Ủy ban Văn hóa và Xã hội của Quốc hội, tác phẩm “Năm giờ sáng, Hà Nội thức giấc – Il est cinq heures, Hanoï s’éveille” của nghệ sĩ Nguyễn Xuân Lam không chỉ là công trình nghệ thuật đơn thuần mà còn mang ý nghĩa biểu tượng, góp phần định hình diện mạo đô thị hiện đại. Ông cho rằng, tác phẩm này truyền cảm hứng mạnh mẽ cho sự phát triển mỹ thuật đô thị, thể hiện sự sáng tạo trong việc kết nối giữa văn hóa, lịch sử với các lĩnh vực giao thông, kinh tế và phát triển bền vững của Thủ đô.

Bên cạnh giá trị nghệ thuật, PGS.TS Bùi Hoài Sơn nhấn mạnh rằng, những tác phẩm như “Năm giờ sáng, Hà Nội thức giấc” có thể tác động trực tiếp đến kinh tế – xã hội. Một công trình nghệ thuật nổi bật tại nhà ga metro không chỉ trở thành điểm đến thu hút khách du lịch mà còn tạo điều kiện để hình thành hệ sinh thái dịch vụ đi kèm như quán cà phê, cửa hàng lưu niệm, triển lãm văn hóa. Sự kết hợp giữa nghệ thuật và giao thông công cộng có thể mở ra diện mạo mới cho Hà Nội – một thành phố không chỉ phát triển mạnh về kinh tế mà còn giữ vững bản sắc văn hóa riêng biệt.

Sự xuất hiện của tác phẩm trong không gian công cộng là minh chứng rõ nét cho tiềm năng phát triển của ngành công nghiệp văn hóa tại Việt Nam.

Trên thế giới, nhiều thành phố lớn như Paris, New York hay Tokyo đã chứng minh rằng nghệ thuật công cộng không chỉ làm đẹp cảnh quan đô thị mà còn đóng vai trò quan trọng trong việc thu hút du khách, kích thích tiêu dùng và tạo động lực cho nền kinh tế sáng tạo.

Đặc biệt, hình ảnh toa tàu điện “tan chảy” trong tác phẩm còn gửi gắm một thông điệp sâu sắc về sự biến đổi của đô thị theo thời gian và những tác động của biến đổi khí hậu. Điều này cho thấy nghệ thuật không chỉ mang giá trị thẩm mỹ mà còn có thể gắn kết với các vấn đề môi trường, từ đó thúc đẩy nhận thức cộng đồng về phát triển bền vững.

Chia sẻ tại buổi khánh thành công trình, ông Dương Đức Tuấn, Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội cho biết: “Trong bối cảnh toàn cầu đang phải đối mặt với nhiều thách thức môi trường, tác phẩm này không chỉ tô điểm cho không gian công cộng của thành phố mà còn gợi mở một thông điệp mạnh mẽ về trách nhiệm của chúng ta đối với thiên nhiên và sự phát triển bền vững. Mỗi chi tiết trong tác phẩm là một lời nhắc nhở cho người xem về mối gắn bó mật thiết giữa đô thị và sinh thái, về những cam kết bảo vệ môi trường và phát triển xanh mà Hà Nội đã và đang theo đuổi. Hy vọng tác phẩm sẽ trở thành điểm dừng chân, một nguồn cảm hứng cho mỗi người dân Hà Nội và du khách quốc tế, góp phần tạo nên một Thủ đô sống động, hiện đại và bền vững”.

Bài viết cùng chủ đề:

    20 3

    Chữ “đức” gửi đến ngàn sau

    Những nghi thức tế lễ, những màn rước, các lễ vật và những tục lệ, điều kiêng kỵ… tạo nên sắc thái phong phú của lễ hội. Nhưng thực ra, đó mới là “phần nổi”. Lễ hội còn những câu chuyện khác mà không phải ai cũng biết đến. Càng tham gia sâu vào các...
    19 3

    Võng La vươn mình cùng thời đại

    Nằm ven sông Hồng, làng chài Võng La, xã Võng La (huyện Đông Anh) là “địa chỉ đỏ”, nơi ghi dấu một vùng an toàn khu nổi tiếng của Hà Nội và cả nước thời kỳ chống thực dân Pháp. Vùng đất quật cường này vẫn còn lưu giữ nhiều câu chuyện về việc nuôi...
    18 3

    “Lớp nghệ nhân trẻ đã góp phần tái định vị nghề cổ cha ông”

    TS Nguyễn Anh Thư (khoa Di sản văn hóa, Trường Đại học Văn hóa Hà Nội) chia sẻ với Hànộimới hành trình định danh “di sản văn hóa phi vật thể quốc gia” của nghề gốm Kim Lan… Không chỉ gắn bó với hành trình định danh “di sản văn hóa phi vật thể quốc...
    13 3

    Lan tỏa hiệu ứng áo dài bằng điện ảnh

    Dự án làm phim tài liệu về áo dài của nhà làm phim trẻ Hân Lê đang thu hút sự chú ý đặc biệt của dư luận, nhất là trong những ngày tháng 3 này, khi hoạt động tôn vinh áo dài diễn ra sôi động trên khắp dải đất hình chữ S. Nó cũng...
    4 1

    Độc đáo trường đại học hình chữ Y ở Huế

    Nằm bên dòng sông Hương thơ mộng, Trường ĐH Sư phạm Huế (34 Lê Lợi, TP.Huế) là di sản kiến trúc độc đáo của VN. Từ năm 1957 (khi thành lập) đến năm 1975, đây là cơ sở đào tạo giáo viên trung học duy nhất khu vực miền Trung và Tây nguyên. Mang phong cách...

Được quan tâm