Những mạch nước lạ kỳ: Bàu Sen, ‘hạt ngọc’ giữa miền cát trắng

Huyền Linh 190 lượt xem 28 Tháng Sáu, 2024

Không chỉ giống “hạt ngọc” nổi bật giữa miền cát trắng Quảng Bình, Bàu Sen còn là báu vật thiên nhiên ban tặng cho người dân bản địa dựa vào đó để mưu sinh.

Giai thoại đào cửa nối đại dương

Nếu đi theo hướng nam – bắc trên tuyến Quốc lộ 1, khi vừa đến cửa ngõ của Quảng Bình tại xã Sen Thủy (H.Lệ Thủy), Bàu Sen hiện ra như một lời chào đón, quảng bá cho những gì tinh túy nhất mà thiên nhiên ban tặng cho vùng đất này.

200
Khu miếu thành hoàng Mai Văn Bổn vẫn được ông Tâm và người dân trông nom thờ cúng Bá Cường – Nguyễn Phúc
201
Khu miếu thành hoàng Mai Văn Bổn vẫn được ông Tâm và người dân trông nom thờ cúng
Bá Cường – Nguyễn Phúc

Từ xa xưa, gắn liền với Bàu Sen có một câu chuyện khá bi thương về sự hy sinh của một vị thành hoàng làng, đã dám ngăn cản ý chỉ của nhà vua để bảo vệ bàu nước trong lành.

Theo ông Trần Minh Tâm (65 tuổi, ở xã Sen Thủy, H.Lệ Thủy), thành hoàng ở đây là ông Mai Văn Bổn (Bản), xưa làm chức lý trưởng. Dẫn chúng tôi ra khu miếu thờ vị thành hoàng, ông Tâm chậm rãi kể lại: “Trong dịp một vị vua của triều Nguyễn đi qua đây, muốn đào một cửa ở hồ để mở đường nối với biển, cụ Bổn đã ra sức kháng ý vua khi cho rằng sức dân, sức người bao nhiêu để đào cho đủ. Cũng chính vì sự khảng khái này mà cụ Bổn bị vua sai quân lính chém đầu”.

Rốt cuộc thì việc đào cửa từ Bàu Sen ra biển cũng không được thực hiện, để Bàu Sen còn nguyên vẹn như bây giờ. Dân làng vẫn kể với nhau rằng ngày đó, sau khi vị lý trưởng này qua đời, mỗi lần voi, ngựa của triều đình đi qua khu vực Bàu Sen đều khuỵu gối, đánh mắng mấy cũng không đứng dậy đi tiếp.

202
Bàu Sen nổi bật giữa miền cát trắng
Bá Cường – Nguyễn Phúc
203
Ông Tâm trên Bàu Sen mát lành
Bá Cường – Nguyễn Phúc

Cũng theo ông Tâm, người đã gần cả đời sống quanh khu vực Bàu Sen, trước đây sen mọc ở bàu nhiều vô kể. Có thể chính vì thế dân gian mới đặt cho cái tên Bàu Sen. Ngặt nỗi, sau khi xây dựng đập để dẫn nước sinh hoạt về cho các xã lân cận, mực nước trong hồ cao lên, sen từ đó cũng mất đi môi trường sống mà ít dần…

Điểm dừng chân trên thiên lý bắc nam

Cơm gà, cháo cá, tẩm quất là 3 thứ từng rất nổi tiếng ở Bàu Sen. Tất cả đều có nguồn cơn gốc gác…

Ông Trần Minh Tâm cho biết giai đoạn kháng chiến chống Mỹ, Bàu Sen chính là điểm nghỉ chân cuối cùng của các chiến sĩ trước khi hành quân vào chiến trường Quảng Trị khốc liệt. Sau hòa bình, vào những năm cuối thập niên 1980, tài xế chở hàng cũng thường dừng xe bên đường để xuống hồ tắm rửa, thư giãn rồi tiếp tục hành trình.

204
Anh Quyết từng trong đội tẩm quất mưu sinh cạnh Bàu Sen
Bá Cường – Nguyễn Phúc

“Khoảng năm 1989, có một hộ dân mở bán cơm gà. Tôi cũng học theo mở một quán ăn, bắt cá từ Bàu Sen bán thêm món cháo, phục vụ cho những vị khách ngang đường”, ông Tâm nhớ lại.

Ngày nay đoạn Quốc lộ 1 gần hồ Bàu Sen san sát quán sá, ước cũng phải 30 – 40 hộ kinh doanh quán ăn, nhà hàng, nhà nghỉ… Con đường hai bên được phủ xanh bởi rừng tràm bỗng có một đoạn sầm uất hơn bao giờ hết.

Ngoài cơm gà, cháo cá… có một “món” khá nổi tiếng ở Bàu Sen, đó là tẩm quất. Đã có thời chỉ vừa tấp xe vào quán ăn ở Bàu Sen là đã có hàng chục người, chủ yếu ở tuổi thanh thiếu niên, ùa ra mời khách trải nghiệm tẩm quất.

Anh Trần Xuân Quyết (35 tuổi, con ông Trần Minh Tâm) thuộc thế hệ “đời đầu” của dân tẩm quất ở Bàu Sen, kể lại rằng dạo ấy những đứa trẻ trong làng đứa nào cũng vừa đi học, vừa đi tẩm quất để kiếm thêm thu nhập. Đứa trước dạy đứa sau, riết rồi đứa nào cũng tẩm quất “sành điệu” không thua gì cánh tẩm quất dạo ở Sài thành ngày trước.

205
Bàu Sen thu hút tài xế, du khách dừng lại nghỉ chân
Bá Cường – Nguyễn Phúc

“Lúc đó tôi khoảng 13 tuổi, hàng chục đứa như tôi đêm đến ôm theo cái chiếu ra ngồi ngoài đường để xe ghé hàng quán ăn nghỉ tiện gọi chúng tôi vào đấm. Bình thường thì giá 1.000 đồng/lượt, khách nào sộp thì được 2.000 đồng”, anh Quyết nhớ lại.

Rồi cũng từ đó, người dân ở đây nghề này sinh nghề nọ nhưng dù là nghề gì thì chủ yếu vẫn bám vào Bàu Sen để kiếm miếng cơm, manh áo… “Qua Quảng Bình cứ phải dừng lại Bàu Sen. Người tắm mát, người thưởng thức cháo cá, hoặc chỉ để ngắm mặt bàu, đón những làn gió mát thổi vào. Vậy nên, người dân chúng tôi mang ơn cái bàu này. Nhờ có nó mà nhà có cái ăn, con cái được học hành, xóm làng đổi thay”, ông Tâm chiêm nghiệm.

Cho đến bây giờ, giữa vùng đất đầy nắng gió, mặt nước trong lành của Bàu Sen vẫn như tấm gương phản chiếu đất trời. Có thể bàu không quá lớn, có thể bàu không còn nhiều cá tôm như ngày xưa… nhưng Bàu Sen vẫn là cái gì đó rất đỗi gần gũi, chỉ thuộc về Quảng Bình… với nhiều người khi xuôi thiên lý bắc nam.

Theo Thanh Niên

Bài viết cùng chủ đề:

    1

    ‘Anh trai vượt ngàn chông gai’ muốn lập kỷ lục Guinness thế giới

    Ban tổ chức chương trình ‘Anh trai vượt ngàn chông gai’ đang kêu gọi khán giả cùng nhau xác lập kỷ lục Guinness về sự kiện có số lượng người tham gia mặc trang phục truyền thống đông nhất thế giới. Ở concert 3 ‘Anh trai vượt ngàn chông gai’, dự kiến diễn ra vào...
    20 3

    Chữ “đức” gửi đến ngàn sau

    Những nghi thức tế lễ, những màn rước, các lễ vật và những tục lệ, điều kiêng kỵ… tạo nên sắc thái phong phú của lễ hội. Nhưng thực ra, đó mới là “phần nổi”. Lễ hội còn những câu chuyện khác mà không phải ai cũng biết đến. Càng tham gia sâu vào các...
    19 3

    Võng La vươn mình cùng thời đại

    Nằm ven sông Hồng, làng chài Võng La, xã Võng La (huyện Đông Anh) là “địa chỉ đỏ”, nơi ghi dấu một vùng an toàn khu nổi tiếng của Hà Nội và cả nước thời kỳ chống thực dân Pháp. Vùng đất quật cường này vẫn còn lưu giữ nhiều câu chuyện về việc nuôi...
    18 3

    “Lớp nghệ nhân trẻ đã góp phần tái định vị nghề cổ cha ông”

    TS Nguyễn Anh Thư (khoa Di sản văn hóa, Trường Đại học Văn hóa Hà Nội) chia sẻ với Hànộimới hành trình định danh “di sản văn hóa phi vật thể quốc gia” của nghề gốm Kim Lan… Không chỉ gắn bó với hành trình định danh “di sản văn hóa phi vật thể quốc...
    13 3

    Lan tỏa hiệu ứng áo dài bằng điện ảnh

    Dự án làm phim tài liệu về áo dài của nhà làm phim trẻ Hân Lê đang thu hút sự chú ý đặc biệt của dư luận, nhất là trong những ngày tháng 3 này, khi hoạt động tôn vinh áo dài diễn ra sôi động trên khắp dải đất hình chữ S. Nó cũng...

Được quan tâm