Gen Z là một thế hệ được sinh ra ở thời điểm cơn bão công nghệ bùng nổ. Chính vì vậy, họ mang trong mình những suy nghĩ, cách thức khác biệt để tiếp cận thế giới.
Nhưng đồng thời, vẫn như bao thế hệ trước, những người trẻ ấy cũng luôn mong muốn mang đến cho cuộc đời những điều đẹp đẽ nhất bằng các dự án cộng đồng đầy ý nghĩa.
16 Memories – Khi ống kính hướng về những mảnh đời bình dị
“16 Memories” là dự án đặc biệt được hai chàng trai trẻ Lê Huy Anh (1999) và Lê Tiến Huy (2000) đến từ Hải Phòng tạo nên với mong muốn mang đến những hình ảnh về những cuộc đời bình dị nhưng chứa đựng nhiều ý nghĩa nhân văn, giá trị tốt đẹp cũng như lan tỏa tình yêu thương đến với mọi người bằng đam mê nhiếp ảnh.
Đối tượng mà 16 Memories chụp và tặng ảnh không cụ thể mà có thể là bất cứ ai trong cuộc sống thường ngày. Đó có thể là chú bán vé số mỗi ngày chỉ ngủ 4 tiếng kiếm tiền nuôi con ăn học, cô chủ tiệm phở 3 lần bị chồng phản bội hay cụ ông 84 tuổi vẫn đam mê lao động… Tất cả đều được thể hiện đầy xúc cảm dưới ống kính của 16 Memories.
Dù có số phận, câu chuyện khác nhau nhưng ở mỗi người đều ánh lên niềm trân quý đối với cuộc đời và tâm hồn lương thiện sáng trong chẳng thể bị khuất lấp bởi cái lam lũ, vất vả của cuộc sống mưu sinh. Như 16 Memories từng chia sẻ một câu nói của chú bán mận vỉa hè: “Hoàn cảnh là do cuộc sống sắp đặt, nhưng tử tế lương thiện là do bạn chọn!”
Khởi đầu ở Hải Phòng, 16 Memories nhờ có sự biết đến và ủng hộ của mọi người mà có cơ hội chia sẻ thêm nhiều câu chuyện đời bình dị mà ý nghĩa ở các thành phố lớn như Hà Nội, Sài Gòn…Những câu chuyện được kể qua các bức ảnh của 16 Memories tựa như ánh sáng sưởi ấm tâm hồn, mang đến niềm tin cuộc sống vẫn còn những điều tốt đẹp từ con người, mảnh đời nhỏ bé chân thực nhất.
Các bạn trẻ với ước mơ làm sống mãi những hoa văn thổ cẩm xưa
Với mong muốn bảo tồn và đưa hoa văn dệt thổ cẩm – nét đẹp đặc trưng của các đồng bào dân tộc thiểu số đến gần hơn với mọi người bằng hình thức mỹ thuật số hóa các hoa văn, một nhóm bạn trẻ đã cho ra đời dự án Ethnicity Vietnam vào năm 2018. Đây cũng là một trong 10 dự án trong khối ASEAN được trực tiếp trình bày với nguyên Tổng thống Mỹ Barack Obama.
Bằng cách ứng dụng phần mềm đồ họa (trong đó chủ yếu là Adobe Illustrator), Ethnicity Vietnam đã tiến hành số hóa lại hoa văn thổ cẩm theo từng mũi dệt, sợi chỉ để đảm bảo thư viện lưu trữ chính xác và hiệu quả nhất. Đồng thời, dự án cũng tiếp tục phát triển các hoa văn mang yếu tố đương đại nhưng vẫn giữ được bản sắc của từng dân tộc.
Bản thân tên gọi “Ethnicity” bắt nguồn từ hai thành tố – Ethnic là dân tộc và City là thành thị. Điều này cũng bày tỏ khát vọng chính của dự án là mang những nét đẹp văn hóa dân tộc, đặc biệt là hoa văn thổ cẩm đến gần hơn với thành thị, với giới trẻ.
Trong 5 năm hoạt động, Ethnicity Vietnam xây dựng 4 thư viện số hóa hoa văn của 13 dân tộc với 500 hoa văn được bảo tồn, 100 hoa văn phát triển, 100 ứng dụng hoa văn và 50 tranh minh họa đời sống dân tộc đã được lưu trữ.
Đặc biệt chuỗi dự án “Chuyện người muôn năm cũ” được thể hiện qua những thước phim ngắn không chỉ nói về nghề dệt mà còn thể hiện vẻ đẹp của người làm nghề qua công việc, tình cảm của họ cũng như nói lên thực trạng truyền thống dần mất đi. Những thước phim cũng giúp lưu trữ những hình ảnh nội dung tạo tư liệu phục vụ cho công việc nghiên cứu văn hóa.
Cùng sứ mệnh bảo tồn, Ethnicity Vietnam cũng chú trọng việc phát triển thanh niên đồng bào các dân tộc thiểu số thông qua nhiều chương trình trao đổi, huấn luyện nhằm trang bị các công cụ cần thiết, để thế hệ trẻ dần trở thành người dẫn dắt, phát triển cộng đồng, đặc biệt bảo tồn, gìn giữ những nét đẹp văn hóa.
“Vượt sướng” ngâm mình trong dòng nước đen vì một khát vọng Sài Gòn Xanh
Những con kênh rạch ô nhiễm tựa những vết sẹo chằng chịt khắp thành phố không chỉ là nỗi ám ảnh của người dân mà còn có thể vô tình trở thành một ấn tượng xấu với những người vô tình đến thăm TP.HCM.
Với tình yêu cũng như những sự khát khao biến thành phố trở thành một nơi thực sự đáng sống, nhóm bạn trẻ đã cùng nhau chung tay thực hiện dự án “Sài Gòn Xanh” nhằm chung tay giải cứu các con kênh rạch ô nhiễm.
Từ một phong trào đơn thuần với hai thành viên ban đầu, nhóm đã nhanh chóng phát triển thành một tổ chức chuyên nghiệp với những hoạt động liên tục. Tần suất hoạt động của các thành viên trung bình khoảng 3 lần/tuần, trung bình một lần dọn rác huy động được từ 100 – 200 người tham gia.