Những cửa biển miền Trung huyền thoại: Danh thắng Cửa Sót

Huyền Linh 55 lượt xem 6 Tháng Ba, 2025

Cửa Sót (Cửa Nam Giới, Nam Giới hải môn) thuộc xã Thạch Bàn, huyện Thạch Hà, là một trong 4 cửa biển quan trọng của tỉnh Hà Tĩnh. Ngày trước, các vua chúa, tướng lĩnh thường dừng lại nơi đây nghỉ chân trên đường hành binh hoặc tuần du non nước. Thương nhân từ Trung Quốc cũng neo thuyền ở cửa biển này để buôn bán với nước ta.

Bên trong Cửa Sót có một lạch nước thuộc hệ thống thủy lưu ven biển dài 8 km, có tên là Lạch Sót, kéo dài từ sông Đò Điệm đến cửa Sót. Lạch Sót nhận nước từ Sông Nghèn – Hà Hoàng, sông Cày và sông Rào Cái. Ba nguồn này hợp lưu không cùng một chỗ nhưng cùng qua cửa Sót mà đổ ra biển.

37
Cửa Sót
Ảnh: Lê Thanh Từ

Sách Đại Nam Nhất Thống Chí viết: “Cửa biển (chỉ cửa Sót) rộng 37 trượng (tương đương 174 m – NV), thủy triều lên sâu 8 thước (khoảng 3,6 m – NV), thủy triều xuống sâu 5 thước (khoảng 2,3 m – NV)… trước kia thuyền phương Bắc sang nước ta thường đậu ở đây”.

38
Chùa Quỳnh Viên bên sườn núi Long Ngâm
Ảnh: Thiện Vỹ

ĐỀN THIÊNG THỜ VỊ ANH HÙNG

Cửa Sót xưa kia có tên gọi là cửa Dương Luật vì dòng chảy qua làng Dương Luật (nay thuộc TP.Hà Tĩnh) giữa núi Nam Giới và rú Mốc. Cách đây chừng 2 thế kỷ, sông Sót đổi dòng đi xuống làng Kim Đôi (nay là xã Thạch Kim, H.Lộc Hà) đã tạo nên Cửa Sót ngày nay. Cửa Sót có cảnh trí thiên nhiên hùng vĩ gắn với nhiều truyền thuyết và huyền thoại. Đứng ở đây ngước mắt nhìn lên, dãy núi Nam Giới trông như một chiếc thuyền nằm úp, dân gian thường gọi là rú Sót hay rú Bể. Từ thế kỷ 10 về trước, cửa Sót – rú Bể có vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng vì là biên giới giữa Đại Việt với Chiêm Thành (Chăm Pa) ở phía nam. Trên núi Nam Giới có ngọn Long Ngâm vươn dài ra tận biển như bức bình phong án ngữ phía đông bắc TP.Hà Tĩnh. Mỗi mỏm đá, con khe của ngọn Long Ngâm đều gắn với những câu chuyện dân gian lưu truyền từ đời nọ sang đời kia, mang những tên gọi gợi hình như: đá Trống, đá Hến, đá Nhọn, đá Giường, đá Trứng Gà, đá Am, đá Lố, đá Ngựa Chìm… Phía tây núi Long Ngâm có đền thờ Chiêu Trưng Đại vương Lê Khôi, thuở xưa gọi là đền Linh Cổ (đền Trống Thiêng).

39
Tiền cảnh chùa Quỳnh Viên
Ảnh: Thiện Vỹ

Sử sách ghi lại: Chiêu Trưng là ngôi đền linh thiêng, được lập ra để thờ tướng Lê Khôi – con của Lê Trứ – người anh thứ hai của Thái Tổ Lê Lợi. Năm 1443, danh tướng Lê Khôi được triều đình cử vào phía nam làm Tổng trấn Hoan Châu. Rồi Lê Khôi phụng mệnh vua Lê Nhân Tông, cầm quân đánh giặc Chiêm sang quấy nhiễu nước ta. Dẹp yên biên trấn, trên đường trở về, Lê Khôi lâm bệnh nặng và mất tại chân núi Nam Giới. Triều đình làm quốc tang, chôn cất và lập đền thờ ông tại núi Long Ngâm. Nhớ ơn ông, người Châu Hoan đã dựng đền thờ để hương khói cho người anh hùng giữ nước. Đền được dựng năm Đinh Mão (1447) đời vua Lê Nhân Tông. Đến đời vua Lê Thánh Tông, nhà vua ban sắc chỉ, truy phong cho danh tướng Lê Khôi là Chiêu Trưng Đại vương.

40
Cửa Sót (Nam Giới) năm 1926
Ảnh: tư liệu của người Pháp

Người dân ở các xã vùng bãi ngang ven biển huyện Thạch Hà, Lộc Hà và nhiều địa phương khác trong tỉnh Hà Tĩnh tin rằng Chiêu Trưng Đại vương Lê Khôi chính là vị Thành hoàng của làng đồng thời là thần hộ mệnh trên biển. Lễ hội đền Lê Khôi (Lễ tế Chiêu Trưng Đại vương) diễn ra từ ngày mồng một đến ngày mồng ba tháng năm âm lịch hằng năm.

NƠI GIAO THOA VĂN HÓA

Nằm trong vùng cửa Sót, phía đông núi Long Ngâm có ngôi cổ tự tên là Quỳnh Viên. Truyền thuyết kể rằng Chử Đồng Tử (một trong Tứ bất tử của tín ngưỡng VN) trên đường đi buôn bán dừng chân ở sườn núi Long Ngâm. Nhìn lên núi thấy có một am nhỏ, Chử Đồng Tử tò mò trèo lên xem rồi gặp tăng sĩ Phật Quang, bèn ở lại học phép thuật. Ngày nọ, khi thuyền quay lại đón, Chử Đồng Tử chia tay thầy để về quê. Phật Quang tặng cho người học trò một cây gậy và một chiếc nón lá, dặn rằng đây là vật thần thông. Về lại nhà, Chử Đồng Tử truyền lẽ Phật cho vợ là Tiên Dung. Khi nàng công chúa của vua Hùng giác ngộ, hai vợ chồng đi khắp đó đây, vừa chu du non nước, vừa tầm sư học đạo.

Mặt trước núi Long Ngâm còn có miếu thờ Thánh Mẫu, phía trên núi có ngọn Hỏa Hiệu xưa kia là nơi đốt lửa báo hiệu khi có giặc. Dưới núi có dinh thờ Cá Ông mang dấu ấn giao thoa tín ngưỡng Chăm – Việt. Có đến 4 di tích trên một ngọn núi (đền Chiêu Trưng, đền Thánh Mẫu, miếu Ngư Ông và chùa Quỳnh Viên) cho thấy vùng cửa Sót có một bề dày lịch sử văn hóa rất đáng để người đời sau trân trọng giữ gìn.

Cả một vùng Cửa Sót – núi Nam Giới phong cảnh sơn thủy hữu tình với núi, sông và biển cùng những công trình do con người xây dựng hòa hợp, quần tụ bên nhau trong một tổng thể Thiên – Địa – Nhân mang đầy ý nghĩa thâm sâu của uyên nguyên vũ trụ. Các bậc tao nhân mặc khách tên tuổi lừng danh (Lê Thánh Tông, Bùi Dương Lịch, Lưu Công Đạo,Tản Đà…) cũng đã đến danh thắng huyền thoại này và lưu lại những vần thơ say đắm lòng người.

Đền thờ và lăng mộ Lê Khôi được công nhận là Di tích Lịch sử – Văn hóa quốc gia (năm 1990), Di tích Lịch sử Kiến trúc Nghệ thuật quốc gia (năm 1993). Năm 2017 Lễ hội đền Chiêu Trưng cũng đã được đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.

Hiện nay, cửa Sót – Nam Giới đã được tỉnh Hà Tĩnh đầu tư xây dựng, trở thành khu du lịch độc đáo vào bậc nhất Bắc Trung bộ, thu hút ngày càng đông du khách trong và ngoài nước. (còn tiếp)

Bài viết cùng chủ đề:

    Anh chup Man hinh 2025 03 17 luc 08.43.56

    “Lửa từ Đất” thăng hoa trong đêm diễn mở màn đầy cảm xúc

    Tối 15/3, tại Cung Văn hóa Lao động Hữu nghị Việt Xô, Hà Nội, khán giả đã có một đêm nghệ thuật thăng hoa với những cung bậc cảm xúc mãnh liệt trong đêm công diễn đầu tiên của vở nhạc kịch Lửa từ Đất. Sự kết hợp hoàn hảo giữa nghệ thuật và công...
    18 3

    “Lớp nghệ nhân trẻ đã góp phần tái định vị nghề cổ cha ông”

    TS Nguyễn Anh Thư (khoa Di sản văn hóa, Trường Đại học Văn hóa Hà Nội) chia sẻ với Hànộimới hành trình định danh “di sản văn hóa phi vật thể quốc gia” của nghề gốm Kim Lan… Không chỉ gắn bó với hành trình định danh “di sản văn hóa phi vật thể quốc...
    13 3

    Lan tỏa hiệu ứng áo dài bằng điện ảnh

    Dự án làm phim tài liệu về áo dài của nhà làm phim trẻ Hân Lê đang thu hút sự chú ý đặc biệt của dư luận, nhất là trong những ngày tháng 3 này, khi hoạt động tôn vinh áo dài diễn ra sôi động trên khắp dải đất hình chữ S. Nó cũng...
    4 1

    Độc đáo trường đại học hình chữ Y ở Huế

    Nằm bên dòng sông Hương thơ mộng, Trường ĐH Sư phạm Huế (34 Lê Lợi, TP.Huế) là di sản kiến trúc độc đáo của VN. Từ năm 1957 (khi thành lập) đến năm 1975, đây là cơ sở đào tạo giáo viên trung học duy nhất khu vực miền Trung và Tây nguyên. Mang phong cách...
    3 6

    Quỷ Nhập Tràng ‘sốt vé’, sắp thành phim kinh dị Việt có doanh thu cao nhất

    Chiều 16/3, theo số liệu từ Box Office Vietnam, bộ phim ‘Quỷ Nhập Tràng’ đã cán mốc 110 tỷ đồng, trở thành bộ phim kinh dị Việt Nam có tốc độ bán vé nhanh nhất từ trước đến nay. Cụ thể, ở tuần thứ hai công chiếu, phim tiếp tục dẫn đầu phòng vé với...

Được quan tâm