Có lẽ, chưa có năm nào Ngày Quốc tế Thiếu nhi lại đặc biệt như năm nay khi lẽ ra thời điểm này các bạn nhỏ sẽ được vui chơi, hồ hởi hát khúc hát hoan ca, tay trong tay múa theo điệu nhạc “trẻ em hôm nay thế giới ngày mai”. Ấy vậy mà, do ảnh hưởng dịch bệnh COVID-19, nên thực hiện đúng chủ trương 5K và chúng ta cần ở nhà nhiều nhất để cùng nhau đẩy lùi dịch bệnh COVID-19.
Bỗng xúc cảm trong tôi ùa về gợi nhớ gợi thương miền ký ức tuổi thơ ngọt ngào xa xôi thuở ấy. Mới ngày nào còn bé xíu nũng nà nũng nịu đòi quà của mẹ ngày 1/6, thế mà giờ cũng đã làm phụ huynh của 2 em bé rồi.
Tuổi thơ tôi nơi có tình thương của cha, tình yêu của ông bà, tấm lòng vị tha của mẹ. Có cả những tiếng cười rộn rã trên cánh đồng cùng lũ bạn cắt cỏ chăn trâu. Nơi hồn nhiên nhảy chân sáo, vô tư đầu trần chân đất chạy khắp cánh đồng đuổi theo cánh diều vi vút giữa không trung. Là tháng ngày lang thang khắp đồng ruộng bắt tôm bắt tép dưới nắng hè oi bức. Thế nên trên đời này thực sự có cỗ máy thời gian của Doremon, đắt mấy tôi cũng mua cho kỳ được để được tìm về và sống mãi với chuỗi tháng ngày tuổi thơ bình yên.
Tôi còn nhớ rõ như in góc trời quê nhỏ của mình là những con đường làng ngoằn ngoèo quanh co xa tít, là những hàng cau, hàng tre nghiêng mình che bóng mát. Đó cũng là cơn gió vi vu mang cánh diều bay vút lên cao chở theo cả tiếng cười rộn vang cả những buổi hoàng hôn…
Đó là những buổi chiều, lũ trẻ chúng tôi cởi trần hô “một… hai… ba” nhảy ùm xuống sông, nước văng lên trắng xóa. Dòng sông hiền hòa tắm mát tuổi thơ tôi, lưu giữ bao kỷ niệm của những đứa trẻ xóm đê nghèo. Nhớ những lần chui rúc trong đám lau sậy tìm trứng vịt đẻ rơi, về hí húi luộc ăn với nhau. Những buổi đóng bè cây chuối vượt sông sang bãi bồi nhổ lạc thuê, được trả công cả một rổ lạc non ngọt lịm.
Cứ nhớ mãi là nhớ Ngày Quốc tế Thiếu nhi năm ấy, đứa nào cũng tíu ta tíu tít luyên tha luyên thuyên trên lưng trâu “tụi bay, tối nay lên nhà văn hóa của thôn nhận kẹo nhớ tắm thơm tho nha, chứ khét mùi trâu quá”. Thằng Bờm tếu nhất, nói chuyện “trạng” nhất nên cả nhóm cười ha hả. Thế mà tối đó, chúng tôi nào có quần áo đẹp như các bạn trên tivi. Đứa nào đứa nấy vẫn là quần xanh áo trắng nghiêm túc chỉnh tề. Nhưng lại vui như trẩy hội.
Chú trưởng thôn thấy thằng Bờm nói chuyện nhiều nhất nên bắt nó lên hát một bài. Vì nó hát không hay nên xin đọc thơ. Tới tận bây giờ tôi vẫn nhớ bài thơ nó đọc, của nhà thơ Tế Hanh:
“… Quê hương tôi có con sông xanh biếc
Nước gương trong soi tóc những hàng tre
Tâm hồn tôi là những buổi trưa hè
Tỏa nắng xuống dòng sông lấp loáng
Chẳng biết nước có giữ ngày giữ tháng
Giữ bao nhiêu kỷ niệm giữa dòng trôi
Hỡi con sông đã tắm cả đời tôi
Tôi giữ mãi mối tình quê mới mẻ…”.
Nó đọc xong bác Lựu còn phải khen “cái thằng phá làng phá xóm nghịch nhất nhì mà đọc thơ hay, diễn cảm phết nhỉ”. Cả đám chúng tôi vỗ tay không ngớt coi thằng Bờm như một ngôi sao trên sân khấu. Làm nó “nở cả mũi”…
Chú trưởng thôn phát cho nó một phần thưởng đặc biệt hơn là cây kẹo mút mà cả đám xin mút chung. Mút cho mòn vẫn chưa thấy đã. Vui ơi là vui, nhớ ơi là nhớ!
Tuy bây giờ đã lớn, ai cũng xa quê lập nghiệp mỗi đứa một nơi, nhưng lâu lâu đặc biệt là dịp tết chúng tôi vẫn sum vầy và ôn lại một thời tuổi thơ đẹp đẽ như tranh, mỗi khi chúng tôi ở với nhau luôn đầy ắp tiếng cười và đâu đó có một sự mãn nguyện về những điều mình đã trải qua. Nó khiến ta như đang sống lại thời chưa tha hương lập nghiệp phương xa, lại thấy rạo rực trong lòng và lâng lâng niềm thương mến trào dâng.
Nhớ về quê hương, nhớ về Ngày Quốc tế Thiếu nhi, về tuổi thơ luôn dịu ngọt như thế! Luôn cho ta cảm giác ấm áp mỗi khi nhớ về. Dù có là cánh chim bay xa muôn nẻo thì vẫn một lòng muốn quay về tổ ấm ngày xưa, để được một lần sống lại tuổi thơ ngọt ngào, ngập tràn hồn nhiên nghêu ngao hát ca “ai bảo chăn trâu là khổ… chăn trâu sướng lắm chứ” trên cánh đồng làng thân thương.
Nghĩ xa xăm lòng vẫn cầu mong rồi bình yên sẽ tới, đại dịch sẽ qua không chỉ là ngày thiếu nhi thôi đâu mà tất cả các ngày trong năm người người nhà nhà sẽ vui tươi phấn khởi hăng say học tập và làm việc vì đã đẩy lùi được dịch bệnh.
Theo baolaodong.vn