Nhà thờ Cha Tam độc đáo bởi sự kết hợp kiến trúc Gothic Châu Âu với yếu tố văn hóa của người Hoa.
Nhà thờ Cha Tam (đường Học Lạc, quận 5) có tên chính thức Saint Francisco Xavier, xây dựng năm 1900 và hoàn thành sau hai năm. Nhà thờ được xây dựng cho người Hoa theo Công giáo ở Chợ Lớn có nơi hành lễ.
Người đứng ra xây dựng là linh mục Pierre d’ Assou, cũng là vị chau đầu tiên của nhà thờ. Ông có tên Hoa là Đàm Á Tố – phiên âm là Tam An Su. Vì vậy mọi người quen gọi là nhà thờ Cha Tam.
Nhà thờ này mang một nét riêng biệt, là sự giao thoa giữa kiến trúc Gothic và Trung Hoa.
Cổng vào thiết kế theo kiểu tam quan, mái có đầu đao, kiến trúc thường thấy ở cung đình, chùa chiền. Ở hai bên cây thánh giá có hai con cá tượng trưng cho hình ảnh “cá chép hóa rồng”.
Ngay sau cổng vào là gian thờ Đức mẹ Maria, kiến trúc giống tiểu đình của người Hoa. Các cột sơn son thếp vàng có câu đối, trên các đầu đao treo lồng đèn.
Mái cổng vào và gian thờ đều lợp ngói lưu ly, loại ngói phổ biến trong các công trình kiến trúc Á Đông.
Lối vào thánh đường với các cửa chóp nhọn, một kiểu thức đặc trưng riêng trong kiến trúc Gothic.
Cạnh lối vào đặt mộ phần Cha Tam khi ông qua đời năm 1934.
Kiến trúc bên trong thánh đường về tổng thể mang phong cách Gothic quen thuộc ở các nhà thờ do người Pháp xây dựng ở Việt Nam.
Tuy nhiên, bốn cây cột nơi cung thánh lại sơn đỏ – màu đặc trưng trong kiến trúc tôn giáo Trung Hoa. Hai bên hình tượng Chúa Giêsu bị đóng đinh là hai bức liễn sơn son thiếp vàng, chạm chữ màu đen.
Các chi tiết trang trí chóp nhọn gồm cửa sổ, ô hộc, cột trụ cân đối, sử dụng nhiều đường cong hình cung nhọn kiểu phương Tây. Tuy nhiên, các họa tiết trên cột, cửa sổ mang hình hoa sen cách điệu của phương Đông.
Lớp kính màu ở những ô cửa sổ là hình ảnh quen thuộc trong các nhà thờ. Mỗi lớp kính lại thể hiện câu chuyện trong kinh Thánh.
Bên ngoài sân là bức tranh phù điêu mô tả 107 thánh tử đạo người Việt và 110 thánh tử đạo người Hoa.
Nhà thờ Cha Tam còn được biết đến là nơi mà Tổng thống Việt Nam Cộng hoà thời đó, Ngô Đình Diệm cùng em trai Ngô Đình Nhu đã đến cầu nguyện trước khi bị lực lượng đảo chính bắt đi và xử bắn năm 1963.
Theo VNE