Nhà thờ chánh tòa Phủ Cam

Dang Phat 81 lượt xem 12 Tháng Tư, 2023

Nhắc tới Phủ Cam, người Huế đều nói ngay đến nhà thờ chánh tòa. Nhưng ở đó không chỉ có mỗi nhà thờ.

Nhà thờ này có tên chính thức là Nhà thờ chánh tòa Trái Tim Cực Sạch Đức Mẹ, là nhà thờ chánh tòa của Tổng giáo phận Huế, tọa lạc trên đồi Phước Quả, phường Phước Vĩnh, Huế. Đây là một trong những nhà thờ lớn, nổi tiếng và lâu đời tại Huế.

Nhà thờ Phủ Cam được xây dựng đã hơn 300 năm – từ năm 1682

Vào thế kỷ 17, dưới thời các chúa Nguyễn, các nhà thờ Công giáo ở Huế chỉ là những nhà nguyện đơn giản với sườn gỗ, mái tranh. Khi các vua chúa cấm đạo gay gắt thì chúng cũng bị triệt hạ. Thời Pháp thuộc, các nhà thờ được xây dựng trở lại và được nâng cấp bề thế. Nhà thờ Phủ Cam là một trường hợp như vậy.

Năm 1682 linh mục Pierre Langlois cho xây dựng nhà nguyện Phủ Cam bằng tranh tre tại xóm Đá, sát bờ sông An Cựu.

Hai năm sau, linh mục cho triệt giải nhà nguyện này và mua đất trên đồi Phước Quả để xây dựng một nhà thờ lớn hơn và kiên cố bằng đá, mặt chính quay về hướng Tây.

z4258025770072 bdbf1140accd75b54975451c1d9b1034
Nguồn: Du lịch Huế

Đó là một công trình to lớn, chắc chắn và được chúa Nguyễn Phúc Tần thán phục. Nhưng đến thời chúa Nguyễn Phúc Chu, vào năm 1698, ngôi nhà thờ ấy bị triệt giải hoàn toàn.

Đến tận hai thế kỷ sau, vào năm 1898, Giám mục Eugène Marie Allys đã cho xây mới Nhà thờ Phủ Cam bằng gạch, mái lợp ngói đồ sộ ở vị trí cũ nhưng mặt chính lại quay về hướng Bắc. Công trình này do chính Giám mục thiết kế và giám sát thi công, được hoàn thành vào năm 1902.

Năm 1960, Tổng Giám mục Phêrô Máctinô Ngô Đình Thục từ Vĩnh Long về nhận chức Tổng Giám mục Huế, ông đã cho phá hủy toàn bộ nhà thờ Phủ Cam cũ và khởi công xây dựng nhà thờ chánh tòa mới với đồ án do kiến trúc sư Ngô Viết Thụ thực hiện.

Đầu năm 1963, nhà thờ được khởi công nhưng tới tháng 11 thì xảy ra cuộc đảo chánh khiến tổng thống Ngô Đình Diệm bị lật đổ, còn Tổng Giám mục Ngô Đình Thục do lúc đó đang đi họp Cộng đồng Vatican II ở Roma, và không thể trở về, nên việc xây dựng tiến triển rất chậm.

Tới năm 1967, nhà thờ mới lên được phần cung thánh. Tết Mậu Thân (1968), bom đạn đã làm hư hại phần lớn công trình này và việc xây dựng lại gặp nhiều trở ngại, mãi cho đến trước 1975 vẫn chưa xây xong.

Năm 1999 công trình mới hoàn thành các trang trí bên trong nhà thờ và hai tháp chuông trước tiền đường. Tháng 5/2000, công trình mới hoàn tất.

Như vậy, trải qua tới 3 đời Giám mục, từ Tổng Giám mục Ngô Đình Thục đến Tổng Giám mục Nguyễn Kim Điền và Tổng Giám mục Nguyễn Như Thể, qua gần 40 năm xây dựng, nhà thờ chánh tòa Phủ Cam mới hoàn thành với diện mạo như hiện nay!

Làng quê Phủ Cam có nhiều địa danh lịch sử

Theo “Phủ Biên Tạp Lục” của Lê Quý Đôn, địa danh Phủ Cam ra đời dưới thời các chúa Nguyễn, cho nên phải gọi là Phủ Cam mới đúng.

“Phủ” là nha môn, nhà to, không phải “phú”, là giàu có. Phủ Cam là tên làng quê xưa, ra đời cùng thời với các chúa Nguyễn thực hiện Nam tiến, đóng đô tại Thuận Hóa. Lúc bấy giờ tại Kim Long, Phú Xuân, nhà cửa, vườn tược các vương tôn công tử gọi là phủ.

Cũng lúc đó, bên này tả ngạn sông Hương, có con hói (sông con) phụ lưu nhỏ chảy từ sông Hương vào làng Phủ Cam, gọi là hói Cam. Thời chúa Nguyễn Phúc Tần, các hoàng tử ra lập phủ riêng khá nhiều. Hoàng tử Nguyễn Phúc Hiệp (con thứ bảy chúa Nguyễn Hoàng) đã lập phủ bên hói Cam.

Lần hồi, Phủ Cam trở thành địa danh thân thuộc như giáo xứ Phủ Cam, họ đạo Phủ Cam. Thời chúa Nguyễn Phúc Trăn khi nhà thờ với cây thánh giá bằng gỗ trên đồi làm xong, Phủ Cam trở thành xóm đạo, người dân có người gọi là Xóm Đá, hay Xóm Nón.

Gọi Xóm Đá vì nhà thờ nằm trên ngọn đồi bằng đá. Còn gọi Xóm Nón vì người dân nơi đây có nghề làm nón. Nón Huế xuất phát từ Phủ Cam, sau lan truyền ra Kim Long, Triều Sơn, Hương Cần… Nón Phủ Cam nhẹ, mảnh, hợp với phong thổ Thuận Hóa, không thô kệch nặng nề như nón Đàng Ngoài.

Một điểm đặc sắc khi đến Phủ Cam mọi người cần chú ý là cây cầu. Cầu Phủ Cam bắc qua sông An Cựu, trên đường Nguyễn Trường Tộ, làm bằng bê-tông cốt thép, dài 47m, rộng 4,5m, cách cồn Dã Viên của sông Hương về phía Nam chừng hơn một cây số.

z4258029746783 a5a7da305c5257854f7c592fc633553b
Nguồn: Du lịch Huế

Ngay chân cầu Phú Cam có một đoạn dốc ngắn dẫn lên Nhà thờ chánh tòa Phủ Cam mà đi từ xa đã thấy hai ngọn tháp chuông cao vút in lên nền trời trong xanh.

Con đường Nguyễn Trường Tộ, trên con đường này có dãy chung cư, trong đó có căn phòng số 203/19 (tầng 2, dãy nhà C), chính là nơi nhạc sĩ Trịnh Công Sơn đã đã sống và sáng tác những bản nhạc đầu tiên vào những năm 60 – 70 của thế kỷ trước.

Nhiều cư dân ở đây lâu năm còn nhớ: gia đình Trịnh Công Sơn gồm người mẹ và 8 người con đã về sống tại đây vào năm 1962. Cả gia đình tràn đầy tiếng cười và tiếng nhạc. Dễ thương nhất là Trịnh Vĩnh Thúy và Trịnh Công Sơn. Riêng Sơn hồi đó rất đẹp trai, luôn hòa nhã và quan tâm đến hàng xóm.

Trở lại với con đường Nguyễn Trường Tộ, nằm đối diện Nhà thờ chánh tòa Phủ Cam, là đường hai chiều, có chiều dài cỡ 950m, riêng đoạn từ cây cầu lên nhà thờ Phủ Cam thì chỉ một chiều đi lên. Trước năm 1945 đường này có tên là Avenu Monseigneur d’Adran (Đại lộ Đức cha d’Adran).

Đến trước năm 1959, đường này được chia làm hai đoạn, có hai tên: đoạn từ Nhà thờ Phủ Cam đến đường Ngô Quyền mang tên Nguyễn Trường Tộ, dân gian thường gọi là đường Tiệm Rượu. Nhưng lạ kỳ là đoạn còn lại, từ đường Ngô Quyền ra đến đường Lê Lợi lại mang tên Phủ Cam, dù nằm xa Phủ Cam hơn đoạn kia! Sau năm 1960, mới gộp hai đoạn lại làm một lấy tên Nguyễn Trường Tộ, mà dân gian thường gọi là đường Long Não.

Gần đó, đầu thế kỷ 20 có một con đường tên là Nam Giao Cựu Lộ mà người Pháp gọi là Rue Parallèle Est (đường Song hành phía Đông). Đường này đoạn từ cầu Bến Ngự đến đường Lê Lợi, trước năm 1943 gọi Rue Phu Cam. Trước 1955 có tên là Rue Van Vollenhoven, trước năm 1965 là đường Phan Bội Châu, còn trước năm 1976 lại có tên là đường Nguyễn Hoàng.

Monseigneur Adran – Đức cha Adran là ai?

MONSEIGNEUR D’ADRAN Giám mục Pigneau de Béhaine tức Bá Đa Lộc (1741-1799) là một người Pháp đã sang giúp Nguyễn Phúc Ánh chống lại quân Tây Sơn. Bá Đa Lộc là tên Việt được phiên âm từ tên Pigneau de Béhaine mà ra. Có tài liệu cho rằng Bá Đa Lộc cũng chính là Đức cha Adran! Vậy Adran là tên thật hay chỉ là danh hiệu?

Tài liệu lưu trữ của Hội Thừa sai truyền giáo Paris (Pháp) có ghi: Pigneau sinh ngày 2/11/1741 tại làng Origny, tỉnh Aisne (miền Bắc nước Pháp), lúc còn nhỏ theo học tại một chủng viện ở Aisne. Học hết tiểu chủng viện, rồi lên Đại chủng viện Paris. Năm 1765 Pigneau tình nguyện đi Viễn Đông để truyền giáo, và được bổ nhiệm tới Việt Nam.

Tới nơi, Pigneau làm giáo sư chủng viện tại Hòn Đất thuộc tỉnh Hà Tiên nhưng năm 1770, tình hình đất Hà Tiên bất ổn vì quân Tây Sơn đang đánh quân Nguyễn Vương (tức Gia Long), Pigneau phải lánh nạn sang Ấn Độ.

Pigneau là một linh mục trẻ tuổi, thông minh (đã soạn cuốn Tự điển Việt Nam – Latin – 1772) nên năm 1771 được Tòa thánh La Mã chọn làm Giám mục phó Tổng tòa địa phận Đàng Trong tại Việt Nam.

Tới ngày 24/2/1774, Pigneau de Béhaine được nhận lễ tấn phong giám mục, và từ đây Pigneau lấy hiệu tòa là Adran. Theo thông lệ, khi một linh mục được phong chức giám mục thì phải chọn một tên hiệu gọi là hiệu tòa, nên khi viết về Đức cha Bá Đa Lộc trong sách, báo Pháp viết là “L’Eveque d’Adran”, hoặc “Monseigneur Adran”, tiếng Việt gọi là “đức cha” hay “giám mục”.

Như vậy, dịch “L’ Eveque d’Adran” hay “Monseigneur Adran” là “Đức cha Adran” hay “Giám mục Adran” đều đúng.

Lê Hồng Minh

Bài viết cùng chủ đề:

    1 10

    Sài Gòn độc đáo qua ảnh tô màu thời Pháp

    Những công trình biểu tượng của Sài Gòn xưa được tái hiện trong bộ bưu ảnh tô màu bằng tay thời Pháp của nhà sưu tập Bùi Bằng Giang. Thương xá Eden nằm ở góc đường Đồng Khởi – Lê Lợi, là biểu tượng trung tâm thương mại của Sài Gòn xưa. Ngoài những quầy...
    1 1

    Bồi hồi ngắm lại cây Cầu Ba Cẳng của Sài Gòn xưa

    “Ở vùng Quận 6 Chợ lớn cách đây mấy mươi năm có một cây cầu bằng sắt có hình dạng rất lạ có ba chân. Vì cầu chẳng có cái tên chính thức nào như cầu Bông, cầu Kiệu, cầu Nhị Thiên Đường, cầu Tân Thuận… nên người dân lấy hình mã đặt tên, tức...
    1 24

    Tết xưa của người Tràng An

    Tết xưa của đất Tràng An mang phong vị rất riêng, ấm áp và thanh lịch của chốn tinh hoa hội tụ. Tết nay đến rồi, dư âm của Tết xưa vẫn cứ thấp thoáng trong miền ký ức của nhiều người con đất kinh kỳ. Ngay từ giữa tháng Chạp, không khí Tết đã...
    1 16

    Hãng đĩa hát xưa ở Sài Gòn

    Trong một dịp may tình cờ, tôi có được một chồng dĩa hát than cũ suýt nữa bị đem bỏ vì không dùng từ lâu. Bộ đĩa có hơn trăm cái, có vài cái bị nứt. Mỗi cái dĩa đều nằm trong bao giấy vuông có khoét sẵn một lỗ tròn giữa tâm để lộ...
    1 15

    Trường học ở Sài Gòn thập niên 1920

    Trường tiểu học Nữ sinh Pháp, trường Petrus Ký, Trung học Pháp – Hoa… ở Sài Gòn thập niên 1920 là tiền thân của các ngôi trường danh tiếng Sài Gòn ngày nay. Trường tiểu học Nữ sinh Pháp, nay là trường THPT Marie Curie, Sài Gòn thập niên 1920. Ảnh tư liệu. Trường Petrus...

Được quan tâm