Khi viết về thơ Tế Hanh, tôi muốn qua thơ ông nhận xét về một nét đặc trưng của tâm hồn người Quảng Ngãi.
“Thơ Tế Hanh thuyết phục người Quảng Ngãi chính bởi hồn thơ ông vô cùng thuần phác. Đó là tâm hồn của một người dân Quảng Ngãi. Vì những lý do lịch sử, địa lý và những gì khác nữa, mà tâm hồn người Quảng Ngãi đặc biệt thuần phác. Tâm hồn ấy có thể mãnh liệt, có thể cực đoan và đôi khi có thể tinh tế, nhưng cái nổi bật nhất của nó là sự thuần phác, ngây thơ, nghiêng hẳn về nội cảm”.
Tế Hanh là một nhà thơ lớn, vì tâm hồn ông hòa điệu với tâm hồn người Quảng Ngãi, đọc thơ ông người ta thấy hiện lên một cách quá rõ cái hồn, cái chất của người Quảng Ngãi.
Ngày hòa bình, tháng 6.1975, sau 21 năm xa Quảng Ngãi, lúc rời quê nhà đi tập kết tôi mới 8 tuổi, khi trở lại nơi mình sinh thành, đột nhiên, lòng tôi xao xuyến. Quê tôi sau 21 năm chiến tranh không có nhiều thay đổi, nhưng điều khiến tôi xao xuyến chính là tình cảm những người bà con ở quê tôi, vẫn thuần phác, thiệt thà, mộc mạc như ngày tôi rời quê ra Bắc.
Chính tính cách, lời ăn tiếng nói, sự thuần phác của người dân Quảng Ngãi làm nên hồn vía quê hương là như vậy.
Rồi ngày tôi cùng gia đình mình trở lại Quảng Ngãi, vào thời điểm tách tỉnh năm 1989, lúc đầu tôi cũng khá “lắc lư” vì chưa hình dung mình sẽ hòa nhập với những người Quảng Ngãi mà mình trực tiếp sống, làm việc, vui chơi với họ như thế nào. Nhưng điều tôi lo lắng, hóa ra, lại khiến tôi quá vui lòng. Những anh em Quảng Ngãi mà tôi gặp hàng ngày, hầu hết, đều rất dễ thương. Tính tôi vốn thích tự do, hơi có chất “giang hồ xã hội” lại khiến anh em rất dễ gần. Và tôi cũng thật dễ gần, dễ thân thiết với anh em, bất kể họ là quan chức hay thường dân.
Chúng tôi làm việc với nhau thật dễ, và chơi với nhau thật vui. Trải qua mấy chục năm sống ở Quảng Ngãi, tôi đã ngày càng thấu hiểu người Quảng Ngãi, thông qua những người bạn, những đứa em, đứa cháu của mình hơn. Có thể với xã hội bây giờ, cách sống thật thà, dễ tin, dễ mến của người Quảng Ngãi, thông qua những người tôi quen biết hay thân thiết, chưa chắc đã mang lại cho họ may mắn. Nhưng “Rằng quen mất nết đi rồi”, họ vẫn sống như vậy, đối đãi với cuộc đời như vậy, và chấp nhận những rủi ro, nếu có, cũng với tâm thế tự tại, không phải giống một người đắc đạo, mà giống một người quen sống mở lòng. Chẳng biết có phải như bây giờ người ta hay nói: “Mở lòng mình ra sẽ gặp thế giới”, vì tâm tính người Quảng Ngãi, tôi biết, không quá phức tạp. Không quá nghĩ ngợi sâu xa. Mà nhiều khi, ngay thẳng, bộc trực, dù có khôn khéo thì vẫn dễ gần. Dĩ nhiên, “người Quảng Ngãi hiện đại” bây giờ thì có những cái khác với “người Quảng Ngãi truyền thống”. Nhưng tôi nghĩ, những nét đặc trưng làm nên hồn vía người Quảng Ngãi vẫn khá sâu đậm trong tính cách người Quảng Ngãi trẻ hiện nay.
Ngay một người là “con dâu Quảng Ngãi”, vốn Huế gốc, như vợ tôi, lúc sinh thời do sống ở Quảng Ngãi tới 35 năm, nên gần như đã thành người Quảng Ngãi. Tính cách vẫn nhẹ nhàng như người Huế, lại thêm mộc mạc chân tình như người Quảng Ngãi. Biết sống và nghĩ tới người khác, thương yêu bạn bè, những đứa em đứa cháu, nhưng tính vẫn ngay thẳng mà đôn hậu.
Có thể sự lan tỏa tâm tính người Quảng Ngãi chưa được sâu rộng như người Bắc hay người Nam bộ, gần hơn, như người Quảng Nam, nhưng nó vẫn có “một cái gì” khiến người ta nhận ra ngay: đó là người Quảng Ngãi.
Bạn là “người ngoài Quảng Ngãi”, bạn thích ăn đường mật mía nguyên chất màu nâu sậm, hay thích ăn đường tinh luyện trắng tinh tinh? Nếu thích ăn đường mật mía, bạn đã nhập vào cộng đồng dân Quảng Ngãi chúng tôi rồi đó.