Người phân sắc độ sương khói Đà Lạt

Hồng Đào 114 lượt xem 24 Tháng Tư, 2021
Nguyen Ba Mau 1
Nhiếp ảnh gia Nguyễn Bá Mậu.

Nghề bưu ảnh trong thành phố du lịch

Vào thập niên 1960 đến đầu 1970, các bưu ảnh chụp phong cảnh Đà Lạt mà du khách nhìn thấy trong những nhà sách tại Đà Lạt, Sài Gòn, Vũng Tàu, Quy Nhơn, Nha Trang,…, theo tờ Ảnh Nghệ Thuật (Số 1, năm 1970) ước đoán: đến 80% là của ông Nguyễn Bá Mậu, người đầu tiên làm bưu ảnh tại Đà Lạt. Các bưu ảnh ấy được xuất bản từ căn nhà 88 Minh Mạng (căn nhà gia đình ông cư ngụ từ 1967, hiện nay đang lưu giữ di sản nhiếp ảnh của ông).

Hình ảnh ông Mậu đeo chiếc máy ảnh Rolleiflex (chụp loại phim 6×6) trước ngực, lang thang qua những thắng cảnh và phố phường Đà Lạt để tìm góc độc đáo, chụp về làm bưu ảnh đã quen với những người dân sống ở thành phố nhỏ một thời. Các bưu ảnh mô tả thành phố nên thơ tuy là sản phẩm thị trường dành cho đại chúng, song có lẽ với ông Mậu, cũng là kỷ vật giúp lưu giữ một phần hoài niệm đối với du khách yêu Đà Lạt, nên được chăm chút tỉ mỉ.

Các ảnh được ông chọn ra, tự trình bày, căn ô và thiết kế trên giấy ảnh khổ 9x14cm của Nhật (hãng Fujifilm), Đức (hãng Agfa), Mỹ (hãng Kodak), tạo ra những carte postale đẹp. Những tấm bưu ảnh đẹp, thanh nhã, khi đến tay du khách, làm sâu đậm hơn cảm xúc của họ về thành phố xinh đẹp này…

Hàng ngàn bưu ảnh được ông Mậu thực hiện kiểu thủ công đã được ký gửi phát hành tại các nhà sách trong thành phố như: Liên Thanh, Tuyên Đức (Khu Hòa Bình), Khai Trí (Minh Mạng), Khải Minh (Hàm Nghi), Hòa Bình (khu Hòa Bình)… rồi mở rộng, gửi ra nhà sách ở các tỉnh thành khác; được khách du lịch ưa chuộng.

Các “thí nghiệm” ảnh của ông khi đưa ra công chúng đã tạo cảm xúc choáng ngợp bởi tính chất kỳ công. Với giới chuyên môn, ông nhận được sự kính trọng bởi những khai phá công phu trong kỹ thuật buồng tối.

Sau khi thấy công việc của ông Mậu thú vị, đủ sống, nhiều thợ ảnh trong thành phố cũng làm theo, có vài nơi dùng ảnh của ông Nguyễn Bá Mậu để sao chép làm bưu ảnh riêng, đem bán ở chợ. Vì là sản phẩm lưu niệm dành cho số đông, tên tuổi người chụp không thể hiện trên sản phẩm, vào thời điểm đó lại chưa có khái niệm bản quyền, nên thay vì bận tâm chuyện thiên hạ cạnh tranh không đẹp, ông Mậu lại lặng lẽ tìm kiếm những hình thức bưu ảnh sao cho khác đi. Ngoài việc trau chuốt hơn trong các góc ảnh để tạo ra sự độc đáo, tìm tòi hơn trong kỹ thuật in tráng, ông cũng đưa vào trong các bưu ảnh của mình một số dấu hiệu thiết kế riêng để nhận biết (ví dụ, ông chọn phông chữ “Đà Lạt” thanh nhã, rất riêng đặt ở góc phải bưu ảnh; bên cánh trái bưu ảnh là tên thắng cảnh; tuyệt đối không tự đề thơ lên mặt bưu ảnh như cách của nhiều người…). Nhờ đó, các con ông và đặc biệt các đại lý vẫn nhận ra đâu là các ấn phẩm của ông Nguyễn Bá Mậu trên thị trường trong bối cảnh nhà nhà bắt đầu quan tâm đến việc làm bưu ảnh.

Có một thời kỳ, khi thấy sức cạnh tranh trong thị trường bưu ảnh ngày càng lớn, để tạo ra khác biệt, ông gia công thêm phần tô màu, vẽ tạo phông, đảo phim âm dương… đem lại những hiệu ứng độc đáo. Và chỉ có sự độc đáo mới làm cho các sản phẩm của ông được khách hàng nhận biết trên thị trường.

Người Đà Lạt ở khu Hòa Bình cũng quen với hình ảnh một Nguyễn Bá Mậu hảo thủ của làng quần vợt Đà Lạt. Có lẽ sự chính xác và các phản xạ nhanh của môn thể thao này cũng phần nào gặp gỡ với kỹ năng trong nghề làm bưu ảnh của ông. Cũng tờ Ảnh Nghệ Thuật, số 01-1970 đã viết: “Nhìn bàn tay của Nguyễn Bá Mậu lúc in ảnh, người ta đâm hoang mang, không biết đó là bàn tay bằng xương thịt của người hay là cái máy tự động đang xả tốc độ tranh đua với thời gian. Chiếc máy phóng cứ luôn mở sáng hằng tiếng đồng hồ mà không cần phải chớp tắt. Từng hộp carte postale được phơi sáng vừa xong mới đưa vào thuốc hiện hình cùng một lúc”.

Những khai phá công phu trong kỹ thuật buồng tối

Thiết bị hỗ trợ chụp ảnh trong gia đình không nhiều. Có vẻ như ông Mậu thuộc vào số ít ỏi nhiếp ảnh gia không lệ thuộc máy móc, phương tiện. Với số lượng ảnh phải chụp làm bưu ảnh lên đến hàng ngàn bức, cộng với ảnh sáng tác ảnh nghệ thuật cũng lớn, thế nhưng trong thập niên 1950 đến đầu 1970, ông Nguyễn Bá Mậu chỉ dùng qua bốn loại máy ảnh: Rolleiflex, Mamiya, Hasselblad và Bronica.

Nguyen Ba Mau anh 2 1
Buổi sáng trên hồ, ảnh Nguyễn Bá Mậu.

Ông chú trọng kỹ thuật buồng tối. Ông tìm thấy con đường riêng qua các thể nghiệm không ngừng về kỹ thuật Phân sắc độ và Chớp sáng. Ông biến phòng tối thành phòng thí nghiệm nghệ thuật, phân tích và xác lập những chiều kích hay sắc thái rung cảm bằng việc triển khai thêm các dải sắc độ cho ảnh đen trắng.

Các “thí nghiệm” ảnh của ông khi đưa ra công chúng đã tạo cảm xúc choáng ngợp bởi tính chất kỳ công. Với giới chuyên môn, ông nhận được sự kính trọng bởi những khai phá công phu trong kỹ thuật buồng tối.

Hai cuộc triển lãm riêng ở Hội Việt Mỹ và Hội Hồng Thập Tự (Đà Lạt) của ông Nguyễn Bá Mậu trước 1975 khẳng định những dấu ấn riêng về ảnh kỹ thuật Phân sắc độ và Chớp sáng. Rồi tên tuổi của ông Nguyễn Bá Mậu thực sự đã đi xa hơn nhiều, bên ngoài phạm vi thành phố Đà Lạt. Năm 1963, ông trở thành Hội viên Hội Nhiếp ảnh Việt Nam (miền Nam); 1968 là Hội viên Hội Ảnh Nghệ thuật (APA) với tước hiệu A.APA và được phong tước hiệu F.APA năm 1974; năm 1973 là Hội viên Hội Nhiếp ảnh KBC, tước hiệu A.PCKBC, cùng năm này, ông trở thành Hội viên Hội Nhiếp ảnh Hoàng gia Anh Quốc với tước hiệu A.RPS. Năm 1974-1975, ông Nguyễn Bá Mậu tham gia Hội đồng Giám khảo các cuộc thi ảnh nghệ thuật trong nước và quốc tế của Hội Ảnh Nghệ thuật APA tổ chức, bên cạnh các tên tuổi lớn của nhiếp ảnh miền Nam như: Khưu Từ Chấn, Lại Hữu Đức, Trần Đại Quang, Tôn Lập,…

Trong tác phẩm Dáng ngoại (giải nhất loại ảnh kỹ thuật đặc biệt từ ngoại quốc gửi tới của Salon Montesson, Pháp quốc, tháng 6/1969), ông Nguyễn Bá Mậu xử lý kỹ thuật Phân sắc độ, khám phá ra thêm một lớp chuyển sáng nữa trong sự chuyển động sắc thái giữa trắng và đen, thể hiện được bốn lớp màu trên nền ảnh: trắng, xám nhạt, xám đậm, đen (trước đó, nhiếp ảnh gia người Áo Léopold Fischer, người được các nhiếp ảnh gia Việt Nam mệnh danh là Vua ảnh kỹ thuật phân sắc độ”, chỉ “tìm thấy” ba quãng chuyển sắc độ). Tác phẩm này được triển lãm trên 20 quốc gia, đoạt các giải thưởng trong nước và đặc biệt là Huy chương vàng tại 3ème Salon d’art Photographique Montesson, Pháp vào năm 1969.

Nguyen Ba Mau 3 1
Postcard Đà Lạt của Nguyễn Bá Mậu.

Một tác phẩm khác về phong cảnh đồi thông với kỹ thuật Chớp sáng của ông Nguyễn Bá Mậu cũng được giới nhiếp ảnh quốc tế đánh giá cao. Và ghi dấu ấn về phương pháp nhiếp ảnh Nguyễn Bá Mậu, phải nhắc đến tác phẩm Núi đồi mờ sương – tác phẩm đoạt Huy chương đồng tại triển lãm Nhiếp ảnh Quốc tế Hàn Quốc (The 2nd Hankood International Photography exhibition of Korea) năm 1972 và bằng Danh dự Hội P.T.T – Côte d’Or – Dijon, Pháp; được triển lãm trên 15 quốc gia. Một tác phẩm khác, Nương tựa, với hình ảnh đứa bé trai ở tuổi cởi truồng đang giữ chắc cây gậy cho người bà già nua và mù lòa với những mảng miếng màu sắc gợi suy tưởng về thời gian và sự gắn bó huyết thống. Tác phẩm này được xử lý bằng kỹ thuật Phân sắc độ, đoạt Huy chương Đồng – Hội Nhiếp ảnh Tinh Võ – Việt Nam năm 1973, và từng được triển lãm trên 10 quốc gia.

Kỹ thuật Phân sắc độ được ông Nguyễn Bá Mậu thể nghiệm và ghi chép cụ thể các bước như một tìm tòi, một phương pháp riêng. Đó là những bức ảnh được chụp với ánh sáng nhẹ (vì tương phản cao thì việc phân sắc độ không có ý nghĩa gì). Người làm ảnh chọn loại phim art graphique, một loại phim đỏ (ortho) thật trắng đen có thể dùng trước ánh sáng đỏ 5w, cách 5 tấc; có thể phóng lớn hoặc in như áp dụng cho giấy ảnh và độ bắt sáng chậm hơn phim thường 1/3. Ống kính máy phóng đóng khẩu 16. Dùng bóng đèn 25w để in phóng. Các loại thuốc hiện hình và hãm hình dùng loại dành cho giấy ảnh. Có 5 giai đoạn mà người làm ảnh phân sắc độ phải thực hiện: 1) Giai đoạn đầu: Chuyển từ âm bản thường ra dương bản; 2) Giai đoạn trắng: Tách dần từ phim dương bản đầu tiên, giữ lại phần trắng; 3) Giai đoạn đen: Tách dần từ phim dương bản đầu tiên giữ lại phần đen; 4) Giai đoạn xám: Kết hợp tạo ra phim âm non hay phim xám; 5) Giai đoạn cuối: Chập phim và phóng ra ảnh.

Người bản địa Đà Lạt được ông Nguyễn Bá Mậu nâng niu trong các tác phẩm của mình vì có thể ông đã nhận thức được một điều cốt lõi: họ là một phần di sản không rời của thành phố.

Trong đó, giai đoạn 4 khá tỉ mỉ, người làm buồng tối tạo ra phim âm non bằng cách đặt phim đen dưới bóng đèn 5w, che thêm giấy bóng mờ và sau đó thêm vào 6 phần nước vào thuốc hiện hình (mục đích làm loãng), để khô phim tự nhiên, tránh bám bụi và không dùng đèn sưởi, tránh vênh cong phôi phim.

Giai đoạn cuối, người thợ ảnh lấy phim trắng chập với phim âm non cho trùng nét và thận trọng đặt lên máy phóng, phóng ảnh đúng kích cỡ mình cần. “Thế là dưới ánh đèn đỏ trong chậu thuốc, một ảnh Phân-Sắc-Độ hiện lên để đón lấy niềm hân hoan sung sướng của bạn đó.” – tờ Ảnh Nghệ Thuật sau khi phân tích kỹ thuật ảnh Phân sắc độ của ông Nguyễn Bá Mậu đã viết.

Ảnh kỹ thuật Chớp sáng cũng là những tìm tòi làm phong phú cho thủ pháp của Nguyễn Bá Mậu. Bức Buổi sáng trên hồ với bóng những người câu cá trên cầu chữ y ở hồ Xuân Hương Đà Lạt, trên đầu họ là những tán thông đổ ngược. Ở đó, cây cối, con người và chi tiết vật chất, kể cả những làn sóng trên hồ được bọc trong một viền sáng, tạo nên một vẻ đẹp lung linh như thể một mảnh hồi quang chớp hiện trong tâm trí. Bằng cách chồng phim và rọi sáng chi tiết trong phòng tối, ông Nguyễn Bá Mậu tạo ra một Đà Lạt thực đó, mà đồng hiện trong tâm tưởng đó.

Nhưng ông Nguyễn Bá Mậu không chỉ thành công với ảnh kỹ thuật. Những bức ảnh nghệ thuật đen trắng của ông cũng được trau chuốt từ ý tưởng, bố cục, và thâu nhận khoảnh khắc tình cảm trọn vẹn. Ông dùng chính “người mẫu” là vợ và các con mình để chụp, như giữ lại những gì yêu thương của gia đình, hoặc ghi lại nét trong trẻo của những bé thơ người bản địa, sự trầm mặc khắc khổ của những cụ già với những nếp nhăn gợi cảm thức thăm thẳm về phận người. Bức Căm tức là vẻ mặt giận hờn của cô bé Thu Lê (cháu gái) bên người anh Bá Trung ưa đùa nghịch. Ông ghi đúng khoảnh khắc đẹp của tuổi thơ và bức ảnh đã thuyết phục Ban Giám khảo Hội Nhiếp ảnh Việt Nam năm 1963, mang về Huy chương vàng. Tuổi thơ các con cũng đi vào trong ống kính của ông như một bảo tàng thơ ngây, lưu giữ mãi về sau qua các tác phẩm: Anh và em, Cùng học, Chăm học

Nguyen Ba Mau a4 1
Nhà ga xe lửa Đà Lạt, ảnh Nguyễn Bá Mậu.

Cũng trong dòng ảnh nghệ thuật đen trắng, có bức Hồi tưởng chụp khoảng khắc trầm tư của một cụ bà người bản địa Đà Lạt đoạt giải Huy chương bạc tại Ý (1969) hay Đợi chờ cũng về hai chị em bé gái người dân tộc bản địa với ánh mắt trong veo hồn nhiên. Những vùng ánh sáng tự nhiên tạo ra các chuyển-hiện zic-zac hình thành một bố cục đẹp, mạnh mẽ, lấp lánh vẻ đẹp nguyên sơ. Tác phẩm này đoạt Huy chương vàng P.S.A Bristol (Anh quốc), Huy chương bạc Hội YMCA (Hong Kong) và triển lãm trên 20 quốc gia…

Người bản địa Đà Lạt được ông Nguyễn Bá Mậu nâng niu trong các tác phẩm của mình vì có thể ông đã nhận thức được một điều cốt lõi: họ là một phần di sản không rời của thành phố.

Ký ức Đà Lạt một thời

Ảnh nghệ thuật mô tả đời sống ở các vùng miền của Nguyễn Bá Mậu cũng là một mảng lớn, từng đem lại cho ông nhiều giải thưởng quan trọng. Tuy nhiên, tác giả bài viết này chỉ muốn khoanh vùng một mảng ảnh phong cảnh quan trọng, làm nên giá trị của Nguyễn Bá Mậu với văn hóa, lịch sử Đà Lạt để nhìn sâu vào một tương quan con người nghệ sĩ với thành phố mà ông đã chọn làm quê hương thứ hai.

Nguyễn Bá Mậu có một bộ sưu tập lớn các ghi chép nghệ thuật về phong cảnh Đà Lạt từ thập niên 1950 đến 1975. Đà Lạt hiện lên trên những tác phẩm ảnh đen trắng của Nguyễn Bá Mậu với thiên nhiên tuyệt vời, là thác nước hùng vĩ (các bức Thác Pongour chụp vào năm 1958, 1960, Thác Gougah chụp năm 1955 hay Thác Ankroet chụp thập niên 1950, Thác Prenn, chụp năm 1957, 1958); là cảnh núi đồi mờ sương với kỹ thuật “bắt ray” (tia sáng) từ năm 1957 đã rất vững vàng, tạo hiệu ứng huyền ảo (bức Núi mờ sương); là cảnh cô tịch mà thanh bình với căn nhà gỗ thấp thoáng sườn đồi (Nhà gỗ bên sườn đồi, 1960) và những mặt hồ thanh bình trong thành phố cũng được ông mô tả với vẻ đẹp thơ mộng.

Trong nhóm tác phẩm chủ đề Đà Lạt của ông, cũng có những bức chụp cảnh phố phường, đời sống cư dân và các khu phố nội đô giữ lại cảnh sắc ngày hôm qua nhà cửa thưa thớt, kiến trúc hài hòa, đúng với tên gọi “thành phố trong rừng” (các tác phẩm: Toàn cảnh đồi Mai Anh [1955], Đường Cầu Quẹo [1955), Cầu Ông Đạo [1956] hay Hồ Xuân Hương nhìn từ khách sạn Palace [1962]…).

Hình ảnh khu Hòa Bình thập niên 1950, 1960 trong ảnh Nguyễn Bá Mậu toát lên vẻ đẹp hiền hòa của một không gian giao lưu kinh tế và văn hóa (các bức Chợ Đà Lạt [1957], Chợ Cũ [khu Hòa Bình ngày nay] và Chợ Mới Đà Lạt [1965], Chợ Mới [1959])…

Những tác phẩm nhiếp ảnh sống động đó hơn vạn minh chứng dài dòng bằng ngôn từ, trong việc khẳng định các giá trị được tạo dựng qua thời gian. Và cũng như những nghệ sĩ thị giác sống trong thành phố, cảnh quan di sản kiến trúc cũng được ông Mậu ghi chép bằng một sự chăm chút đầy chi tiết. Bức Dalat Palace chụp năm 1965 mang vẻ đẹp sang cả nhưng có sắc thái cũ kỹ gợi hoài niệm về một giấc mộng thiên đường nghỉ dưỡng đã qua của người Pháp. Hình ảnh trước và sau nhà ga xe lửa Đà Lạt chụp vào các năm 1957, 1960 cho thấy một không khí sinh hoạt đặc biệt khi thiết lộ là một cửa ngõ nối thành phố với các vùng đồng bằng. Tương tự, các trường, viện, dòng tu và không gian chùa chiền, lăng mộ cũng được Nguyễn Bá Mậu quan tâm ghi lại như một phần ký ức đô thị ngày hôm qua. Đó là những dấu chứng qua thời gian về một đời sống tinh thần lành mạnh mà người Đà Lạt được thừa hưởng và coi trọng (các bức: Viện Đại học Đà Lạt, 1963; Trường Couvent des Oiseaux, 1968; Nhà thờ Chánh tòa Đà Lạt, 1955,  Dòng Chúa Cứu Thế Đà Lạt, 1957; Lăng Long Mỹ Quận Công Nguyễn Hữu Hào, 1957 hay một khoảnh khắc lễ chùa ước nguyện đầu năm của các cô nữ sinh áo dài và những sinh viên trường Võ Bị tại chùa Linh Sơn…).

Ngoài giá trị nghệ thuật, các bức ảnh còn là những tư liệu, những mảnh sử hình ảnh quan trọng với những ai muốn lần ngược về ký ức để tìm một bóng hình thành phố trong quá khứ, ở đó, đã có những điều tốt đẹp mà không may, đã trở thành quá vãng.

Một thành phố không tì vết đã được trải ra trong các khoảnh khắc đặc biệt của ảnh Nguyễn Bá Mậu. Mỗi bức ảnh trôi về hôm nay đong đầy một nỗi cảm hoài và tiếc nuối.***

Tháng 3-1975, khi thấy những cuộc giao tranh ngày càng căng thẳng, gia đình ông Mậu thuê một chiếc xe tải, chất lên đó những vật dụng cần thiết, trong đó có những bó phim, bưu ảnh chưa kịp bán và hình ảnh quý hòa vào dòng người di tản. Họ đến Nha Trang (quê gốc của ông) rồi thuê ghe đi Vũng Tàu và từ Vũng Tàu về Sài Gòn tránh bom đạn. Sau 30/4/1975, họ hồi cư.

Sau đó, là những ngày tháng khó khăn với nhiều người có “dính líu” sâu đến bộ máy chính quyền cũ. Song, với ông Mậu, ngoài sinh hoạt nhiếp ảnh và đoạt một số giải thưởng ảnh nghệ thuật, ông làm tròn vai một thợ ảnh, nhiếp ảnh gia và không quan tâm đến các sinh hoạt chính trị. Ông được xét duyệt hồ sơ khá nhanh, vào công ty Du lịch Đà Lạt (Dalat tourist) năm 1976. Công việc mới của ông đó là chụp ảnh danh thắng địa phương để giới thiệu du lịch. Về sau, các con của ông, là Nguyễn Bá Trung, Nguyễn Thị Như Loan, Nguyễn Bá Nhân cùng làm chung một cơ quan và công việc liên quan tới chụp ảnh.

Nghề ảnh đã trở thành nghề của gia đình. Cha con, anh em trong gia đình nhỏ có thể ngồi nói chuyện về ảnh, chia sẻ kinh nghiệm và phân chia công việc cho công việc cơ quan cũng như việc sáng tác. Chính không gian của cái nghề làm bưu ảnh, nơi chốn để các nhiếp ảnh gia lớn thường xuyên lui tới mỗi khi ghé chân Đà Lạt là một điều kiện để các con ông Nguyễn Bá Mậu không cần phải qua trường lớp nào, mà vẫn tiếp cận kỹ thuật, nghệ thuật nhiếp ảnh một cách đầy đủ và trở thành những nhà nhiếp ảnh hoặc làm nghề liên quan tới thiết kế hình ảnh hiện nay.

Ngày 9/12/1990, nhiếp ảnh gia Đà Lạt Nguyễn Bá Mậu qua đời. Chỉ 10 năm sau, ảnh kỹ thuật số bắt đầu xuất hiện.

Ngày nay, nhiều khách sạn và gia đình tại Đà Lạt đã phóng to những bức ảnh của Nguyễn Bá Mậu treo tường, trang trí, nhưng ít ai biết đầy đủ về tầm vóc của tác giả những bức ảnh đó, không chỉ với lịch sử thành phố, mà còn cả với lịch sử nhiếp ảnh miền Nam Việt Nam của một thời kỳ.

Theo Ấn phẩm báo khoa học và phát triển

 

Bài viết cùng chủ đề:

    9 1

    Giá trị biểu tượng kiến trúc chùa Khmer

    Tỉnh Vĩnh Long nằm ở vùng ĐBSCL, nổi bật với sự phong phú của nền văn hóa Khmer, đặc biệt là các chùa Khmer với hệ thống biểu tượng kiến trúc độc đáo. Những biểu tượng này không chỉ phản ánh tín ngưỡng và phong tục tập quán của người Khmer, còn là di sản...
    10 1

    Làng Tà Lài đẹp như phim của Ká Tuyền mang giấc mơ bảo tồn giá trị văn hóa bản địa ở Đồng Nai

    Dự án du lịch cộng đồng làng Tà Lài – Tà Lài Eco Lodge ra đời là hoài bão của cô gái trẻ, góp phần bảo tồn văn hóa, tạo ra sinh kế và một tương lai tươi sáng hơn cho người dân trong làng. Nghề truyền thống ở làng Tà Lài đang mất dần...
    1 5

    Lăng vua hoàn thành sau 35 năm, qua bốn đời vua

    Cách kinh thành Huế khoảng 7 km, lăng Đồng Khánh (Tư Lăng, thuộc P.Thủy Xuân, TP.Huế) xây dựng trong… 35 năm, qua bốn đời vua Đồng Khánh, Thành Thái, Duy Tân và Khải Định. Lăng Đồng Khánh nguyên là điện Truy Tư mà vua Đồng Khánh lập nên để thờ cha mình là Kiên Thái Vương. Vua...
    5 1

    Nét đẹp buôn làng Tây Nguyên qua tranh sơn mài

    Phác họa nét đẹp cuả buôn làng Tây Nguyên qua tranh sơn mài, triển lãm “Nghe kể chuyện làng mình” của hoạ sĩ Hồ Thị Xuân Thu sẽ diễn ra tại Bảo tàng Mỹ thuật TP.HCM. Hồ Thị Xuân Thu sinh năm 1960 tại Huế, sau khi tốt nghiệp Cao đẳng Mỹ thuật Huế ít lâu, mùa...
    1 8

    Ghé thăm làng nón Tây Hồ – Biểu tượng đậm chất thơ

    Chiếc nón bài thơ xứ Huế là biểu tượng tinh tế của vùng đất cố đô, nơi giá trị văn hóa truyền thống và nghệ thuật được gìn giữ trọn vẹn. Khi nhắc đến Huế, làng Tây Hồ nổi bật lên với nghề làm nón bài thơ truyền thống, không chỉ là công việc mà...

Được quan tâm