Việt Nam là quốc gia có tốc độ già hoá nhanh so với thế giới, nhanh nhất so với các quốc gia Đông Nam Á. Tuy nhiên, mức độ đáp ứng của các dịch vụ xã hội cho người cao tuổi còn đang hạn chế, đòi hỏi phải có những chính sách thích ứng nhằm nâng cao chất lượng sống cho người già và chất lượng dân số.
Báo cáo quốc gia “Việt Nam: Một xã hội đang già hoá” được Trường ĐH KHXH&NV (Hà Nội) phối hợp với Trường ĐH Jusstus Liebig (CHLB Đức) và Tổ chức Hanns Seidel Foundation Việt Nam công bố ngày 15.4 đã đặt ra 9 vấn đề liên quan đến già hoá dân số như Chính sách xã hội cho một dân số đang già hoá tại Việt Nam, Người cao tuổi và lương hưu ở Việt Nam, Sự thay đổi hình ảnh người cao tuổi ở Việt Nam…
Ông Michael Siegner, Trưởng đại diện Hanns Seidel Foundation tại Việt Nam cho biết, những tiến bộ về y tế, xã hội và kinh tế đã dẫn đến tuổi thọ tăng lên mà mức sinh giảm đi, làm dịch chuyển sự phân bố dân số theo hướng già hoá trên toàn thế giới và Việt Nam không phải là một ngoại lệ. “Một nền kinh tế mới nổi như Việt Nam với quá trình già hoá dân số đang diễn ra và cuối cùng là lực lượng dân số già. Đây thực sự là câu hỏi cần được các bên gồm nhà hoạch định chính sách, giới nghiên cứu, khu vực tư nhân, các nhà hoạt động xã hội quan tâm”, Trưởng đại diện Hanns Seidel Foundation tại Việt Nam nói.
Theo GS Phạm Quang Minh, nguyên Hiệu trưởng Trường ĐH KHXH&NV – thành viên tổ nghiên cứu nhận định, vấn đề già hoá dân số tại Việt Nam được gắn với nội dung “Vàng chưa qua, già đã tới”, “Chưa giàu đã già”, “Trẻ cậy cha, già cậy… trại dưỡng lão”… Theo đó, nhiều quan niệm truyền thống dần được thay thế bằng những quan niệm hiện đại, chẳng hạn trước đây là “Kính lão đắc thọ” , hiện nay là “Tự do cá nhân”, bình đẳng; nói tới hiếu thảo là “Trẻ cậy cha, già cậy con” hoặc “Công cha như núi Thái Sơn…” được thay thế bằng quan niệm “Tuổi cao trí càng cao”, “Con cái không phải là tài sản dưỡng già của cha mẹ”. Nếu trước đây gia đình hạnh phúc được đo bằng “Tứ đại đồng đường” thì nay “người già vào nhà dưỡng lão không phải là bất hạnh”…
Điều này cho thấy quan điểm người già đã tự chủ hơn, không còn là “gánh nặng” của con cái. Tuy nhiên, một thực tế là tốc độ già hoá dân số khá nhanh của Việt Nam (chưa tới 20 năm) trong khi Thuỵ Điển là 85 năm, Australia là 73 năm, Trung Quốc kéo dài 27 năm, Thái Lan kéo dài 22 năm… đã dẫn tới nhiều hệ luỵ. Theo dự tính, năm 2035 Việt Nam mới kết thúc thời kỳ dân số vàng, nhưng quá trình già hoá dân số đã bắt đầu từ năm 2011; tuổi thọ trung bình cũng tăng lên, năm 2019 tuổi thọ trung bình của nam là 73,6 tuổi, của nữ là 76,3 tuổi. Tuy nhiên, chất lượng sống của người cao tuổi còn hạn chế.
Trong khi các nước phát triển người dân giàu rồi mới già nên không phải mang nỗi lo kinh tế. Còn người Việt thì ngược lại, chưa giàu đã già. Trong hơn 10 triệu người cao tuổi (trên 65 tuổi) mới có khoảng hơn 5 triệu người được nhận lương hưu, trợ cấp từ ngân sách nhà nước và trợ cấp xã hội, cho thấy số lượng này chưa nhiều và chưa đủ để đảm bảo người già vượt qua khó khăn trong cuộc sống. Bên cạnh đó, có gần 90% người cao tuổi tử vong bởi các bệnh không lây nhiễm, gần 37% người già mắc các bệnh cao huyết áp, đái tháo đường, phổi mãn tính; 16% người già phải chịu bạo hành và 70% là hộ nghèo tại các vùng núi phía Bắc, Tây Nguyên…
Vì vậy, báo cáo đã đưa ra khuyến nghị cần thực hiện một chính sách xã hội quốc gia từ “trợ giúp khẩn cấp” sang giúp đỡ người dân sao cho họ có thể “tự giúp đỡ chính mình”, “tự bảo vệ chính mình trước các rủi ro”; duy trì vững chắc mức sinh thay thế, đưa tỉ số giới tính khi sinh về mức cân bằng tự nhiên, tận dụng hiệu quả cơ cấu dân số vàng… Đồng thời thử nghiệm và phát triển các mô hình mới, phối hợp nỗ lực giữa các tổ chức xã hội với gia đình và thiết chế thị trường nhằm phục vụ tốt hơn nhu cầu của người cao tuổi trong bối cảnh mới.
Theo ông Nguyễn Văn Hồi, Thứ trưởng Bộ LĐ,TB&XH, hiện nay mỗi năm người cao tuổi tăng khoảng 0,5%, đến năm 2038 Việt Nam sẽ có khoảng 20%- 25% dân số là người cao tuổi. Chúng ta có những chính sách chăm lo cho người cao tuổi như trợ cấp 100% cho người trên 80 tuổi, chăm sóc người cao tuổi không nơi nương tựa tại các trại dưỡng lão, trung tâm công tác xã hội, chính sách bao phủ BHYT… Bên cạnh đó, Việt Nam đang xây dựng những chính sách để phát huy vai trò, năng lực của người cao tuổi để quay lại thị trường lao động, tiếp tục cống hiến, tạo ra của cải, giá trị đóng góp cho xã hội. Đồng thời tăng cường giữ gìn bản sắc văn hoá, tôn trọng, bảo vệ người cao tuổi…
Theo Baovanhoa