Vụ án Đỗ Thích ám sát Đinh Tiên Hoàng và Nam Việt vương Đinh Liễn là một trong những nghi án lịch sử phức tạp nhất thời phong kiến trung đại Việt Nam.
Vụ ám sát kép này là đòn chí mạng giáng vào bộ máy đầu não của triều đình nhà Đinh, đẩy dòng họ Đinh cầm quyền vào thế suy yếu, đồng thời gợi lên sự nhòm ngó từ các thế lực bên trong lẫn bên ngoài nước Đại Cồ Việt, từ đó dẫn đến một cuộc xâm lược và một cuộc chính biến thay triều đổi đại. Biến cố có tầm cỡ như vậy lại được tuyên bố là do một viên quan Chi hậu nội nhân tầm thường một tay mưu tính và thực hiện, có đáng tin hay không?
Những lỗ hổng trong tuyên bố buộc tội
Tư liệu đầu tiên nói về vụ ám sát của Đỗ Thích là Đại Việt sử lược được biên soạn vào thời nhà Trần. Vào năm Thái Bình thứ 10 (979), sách này chép: “Mùa đông, tháng 11, vua [Đinh Tiên Hoàng] ăn yến ban đêm, bị tên phúc hầu hoành Đỗ Thích giết cùng với Việt vương Liễn. Vốn trước Thích làm lại ở Đồng Quan, ban đêm nằm ở trên cầu, thấy sao rơi vào mồm. Thích cho là điềm tốt, bèn sinh lòng phản nghịch. Khi vua đã bị giết hại, Đỗ Thích ngầm vào trong cung, trốn ở dưới máng nước. Quá ba ngày, khát quá, Thích thò tay hứng nước mưa để uống, bị cung nữ trông thấy, báo với Định Quốc công Nguyễn Bặc bắt giết đi. Bặc cùng tướng quân Lê Hoàn phò Vệ vương Toàn lên ngôi hoàng đế”.
Câu chuyện trên đây sau đó được Đại Việt sử ký toàn thư nhắc lại và nhiều sách sử dẫn dụng theo. Một lời sấm được cho là đã xuất hiện từ năm Thái Bình thứ 5 (974) đã dự báo về việc “Đỗ Thích thí Đinh Đinh”. Tuy nhiên, càng ngày câu chuyện “Đỗ Thích thí Đinh Đinh” càng bị chất vấn về mặt logic.
Mục tiêu ám sát của Đỗ Thích là một vị hoàng đế và một vị vương nắm nhiều thực quyền. Đã là yếu nhân tất phải có sự bảo vệ nghiêm ngặt từ binh lính và người hầu cận. Bản thân Đinh Bộ Lĩnh và Đinh Liễn từng là những tướng lĩnh dẹp loạn sứ quân. Một mình Đỗ Thích đã đối đầu với hai võ tướng và vệ binh, thành công ám sát và trốn thoát khỏi hiện trường để ẩn thân trên máng nước đến ba ngày. Có lẽ chính Ngô Sĩ Liên cũng thấy Đỗ Thích không có bản lĩnh cao cường đến thế. Trong câu chuyện của mình, Ngô Sĩ Liên phải nêu thêm hai chi tiết: Một là Đỗ Thích nhân lúc Đinh Bộ Lĩnh “say nằm trong sân” mới ra tay; Hai là ông cho rằng nội cung nhà Đinh canh gác vô cùng lỏng lẻo. Tuy nhiên, ông quên mất rằng bấy nhiêu đó chỉ đủ để Đỗ Thích thuận lợi ám sát Đinh Bộ Lĩnh. Vậy còn Đinh Liễn thì sao? Truyện thơ Thiên Nam ngữ lục soạn vào thời Lê Trung hưng phải “chữa cháy” rằng ngay cả Đinh Liễn cũng say, nên Đỗ Thích mới dễ dàng đâm chết cả hai người. Vậy còn vệ binh thì sao? Cung nữ, nội thị thì sao? Bọn họ đi đâu hết rồi, hay toàn bộ đều “say”? Rõ ràng những tuyên bố chính thống của sử cũ có nhiều điểm rất khó chấp nhận. Một số nguồn truyện dân gian đã phải thay đổi bằng một cách giải thích khác: Đỗ Thích không trực tiếp ám sát mà hạ độc vào thức ăn.
Vấn đề nằm ở chỗ, dù việc mô tả cách gây án của Đỗ Thích có logic đến thế nào đi nữa, ta vẫn vấp phải một việc khó lý giải. Đỗ Thích chỉ là một Chi hậu nội nhân nhỏ bé, không có thế lực. Dựa vào cái gì để y nghĩ rằng sau khi tự tay giết hai nhân vật lớn nhà Đinh thì bản thân y sẽ được làm vua? Nhà nghiên cứu Nguyễn Duy Hinh nói rất đúng: “Không thể giải thích việc giết vua của Đỗ Thích bằng giấc mơ thấy sao sa vào miệng, y không có điều kiện làm vua”. Lại nói như Đinh Công Vĩ: “Nếu giết vua chỉ đem lại cái chết, còn kẻ khác tọa hưởng”. Chính từ thực tế này mà xuất hiện hai cách lý giải: Một, Đỗ Thích có động cơ khác; Hai, Đỗ Thích chỉ là bình phong che đậy sự thật.
Đỗ Thích: kẻ báo thù, hay bình phong ?
Theo gia phả họ Đỗ xã Xuân Ninh (Thanh Hóa) thì Đỗ Thích là cháu đích tôn của Đỗ Cảnh Thạc – một sứ quân từng cát cứ vùng Đỗ Động Giang. Khi Đỗ Cảnh Thạc bị Đinh Bộ Lĩnh tiêu diệt, Đỗ Thích được Đinh Bộ Lĩnh thu nhận cùng với những người khác. Đỗ Thích đã tìm cách giết người báo thù. Trương Đình Tưởng cũng nhắc đến cách nói này, nhưng cho rằng Đỗ Thích là con của Đỗ Cảnh Thạc. Phải công nhận rằng đây là cách lý giải khá hợp lý. Đỗ Thích có động cơ báo thù. Người báo thù thì không kể gì đến tính mạng, đó là chuyện thường thấy. Tuy nhiên, nó lại mâu thuẫn với nhiều tài liệu khác, trước hết là chính sử. Nếu Đỗ Thích là con của Đỗ Cảnh Thạc và động cơ vốn là báo thù thì tại sao Đỗ Thích lại không công bố điều đó khi bị bắt?
Tư liệu về sinh quán của Đỗ Thích cũng được đề cập hết sức khác nhau. Đỗ Thích thường được cho là người xã Đại Đê, H.Thiên Bản (Nam Định) – không cùng quê với Đỗ Cảnh Thạc. Gia phả họ Đỗ ở Đại Đê và sự tích đền Thảo Mã (xã Thanh Bình, H.Thanh Liêm) đều nói đến việc Đỗ Thích cõng Đinh Tiên Hoàng chạy trốn khi họ bị Nam Tấn vương nhà Ngô truy đuổi. Đinh Công Vĩ nhận xét rằng: “Người cứu vua, lại thành kẻ giết vua thì quả là khó hiểu!?”. Nhà nghiên cứu Mai Khắc Ứng từng nhận xét rằng: “Những người viết sử xưa đơn giản hóa sự cố này: chỉ bởi một giấc mơ hão huyền mà Đỗ Thích trở thành tên sát nhân. Đằng sau Đỗ Thích còn ai không?”.
(Trích từ sách Mật bổn – những bí ẩn lịch sử Việt Nam cổ trung đại, do NXB Tổng hợp TP.HCM ấn hành)
Trong dân gian, có lẽ do chịu ảnh hưởng tục của người Hoa, người ta gọi ngôi đình làng là miễu, có nơi gọi là miếu võ, thần từ hoặc cổ miếu… Miếu thờ tứ vị vương Giới thiệu cho chúng tôi xem hình ảnh ngôi miếu bằng tre lá ngày xưa, ông từ giữ...
Dưới bóng những cây sao cổ thụ và ở ngay ngã ba sông, đình Bình Phú (H.Cai Lậy, Tiền Giang) có vị trí phong thủy ít ngôi đình nào trong vùng sánh được. Nơi đây còn lưu giữ nhiều di sản chứng tỏ là một trong những ngôi đình có niên đại xưa nhất. Thờ...
Đình Ba Vát còn gọi là Phước Mỹ Trung, nơi lưu dấu chứng tích trận đánh lịch sử xảy ra vào thế kỷ 18 ở thôn Phước Hạnh, làng Phước Mỹ Trung, H.Tân An, Vĩnh Long (nay thuộc H.Mỏ Cày Bắc, Bến Tre). Những dấu tích lịch sử Trải qua hàng trăm năm, chợ Ba...
Bửu Hương tự, còn gọi là đền thờ Quản Cơ, tọa lạc ấp Bờ Dâu, xã Thạnh Mỹ Tây, H.Châu Phú (An Giang). Người địa phương quen gọi là dinh Đức Cố Quản. Đây là cơ sở tín ngưỡng của tín đồ Bửu Sơn Kỳ Hương, cũng là nơi thờ tự các vị anh hùng...
Sau khi đồn Kỳ Hòa thất thủ, đô đốc Charner cho mở các cuộc hành quân lấn chiếm ra vùng lân cận, trong đó có Mỹ Tho. Họ tới Mỹ Tho qua ngã kinh Bưu Điện (Arroyo de La Poste) và sông cửa Tiểu. Cồn Rồng, còn gọi là Long Châu Ngày 26.3.1861, Charner cử...