Chiến thắng Điện Biên Phủ là một thắng lợi vĩ đại của dân tộc, của Quân đội Nhân dân Việt Nam. Vậy có những Đại đoàn chủ lực nào đã tham gia vào chiến dịch này?
Nhân dịp Kỷ niệm 79 năm Ngày thành lập Quân đội Nhân dân Việt Nam (22.12.1944 – 22.12.2023), PV Báo Lao Động đã có cuộc trao đổi với ông Vũ Nam Hải – Nguyên Giám đốc Bảo tàng Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ – người đã dành rất nhiều năm nghiên cứu và chủ biên nhiều cuốn sách về Chiến dịch Điện Biên Phủ. Theo ông Hải thì có 5 Đại đoàn chủ lực đã tham gia chiến dịch này.
“Trước khi nói về 5 Đại đoàn chủ lực góp phần làm nên Chiến thắng Điện Biên Phủ thì phải nói đến sự lãnh đạo sáng suốt, tài tình của Chủ tịch Hồ Chí Minh và Bộ Chỉ huy Chiến dịch Điện Biên Phủ – đứng đầu là Đại tướng Võ Nguyên Giáp cùng ý chí kiên cường quyết chiến, quyết thắng và sức mạnh đoàn kết của dân tộc Việt Nam” – ông Hải nói.
Về mặt quân sự, Chiến dịch Điện Biên Phủ là đỉnh cao của hiệp đồng tác chiến, vận dụng linh hoạt, sáng tạo nghệ thuật quân sự trong chiến đấu. “Trong đó có 5 Đại đoàn chủ lực, gồm: Đại đoàn 316, Đại đoàn 304, Đại đoàn 308, Đại đoàn 312 và Đại đoàn 351” – ông Vũ Nam Hải cho hay.
Theo ông Hải, trong các tài liệu về lịch sử quân sự và các sự kiện liên quan đến Chiến dịch Điện Biên Phủ cho thấy, vào tháng 11.1953, Đại đoàn 316 đã xuất phát từ địa điểm trú quân tại Thanh Hóa tiến lên Tây Bắc. Đại đoàn 316 có nhiệm vụ tiến vào giải phóng TX Lai Châu và không cho địch rút về Điện Biên Phủ.
Trong đó, Trung đoàn 176 chia thành 3 cánh quân, Tiểu đoàn 888 gấp rút lên Điện Biên Phủ ngăn không cho địch phát triển lên phía Bắc. Tiểu đoàn 970 vượt biên giới sang giúp Lào bảo vệ vùng giải phóng còn Tiểu đoàn 999 tiếp tục bảo vệ Sơn La, Thuận Châu và làm lực lượng cơ động.
Ngày 5.1.1954, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã lệnh cho Đại đoàn 304 đang đóng quân ở Đình Ca (Phú Thọ) cử Trung đoàn 57 cấp tốc hành quân lên Tây Bắc tham gia Chiến dịch Điện Biên Phủ.
“Ngày 6.1.1954, Trung đoàn 57 hành quân vượt sông Hồng ở Yên Bái theo đường mới mở qua Lũng Lô, Nghĩa Lộ, Cò Nòi, Sơn La và lên Điện Biên” – Nguyên Giám đốc Bảo tàng Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ cho hay.
Đầu tháng 12.1953, Đại đoàn 308 hành quân vượt sông Hồng lên Tây Bắc, trong đó, Trung đoàn 36 đi trước theo đường tắt nhanh chóng chốt chặn ở Pom Lót (nay thuộc huyện Điện Biên) ngăn không cho địch rút về phía thượng Lào.
Trung đoàn 88 và 102 nhận nhiệm vụ phối hợp với bộ đội công binh mở rộng đường từ ngã ba Tuần Giáo vào gần Điện Biên Phủ cho xe cơ giới và pháo binh. “Chỉ trong một thời gian ngắn, hơn 60km đường đã được sửa sang và mở rộng, trong đó có nhiều cầu tạm bằng tre, gỗ” – ông Hải kể tiếp.
Đến tháng 1.1954, lực lượng tác chiến chủ yếu của chiến dịch đã hành quân đến vị trí tập kết, Đại đoàn 308 đóng quân ở phía Bắc và Tây Bắc kết hợp với các đơn vị tạo thành thế bao vây, thắt chặt quân Pháp ở tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ.
Vào ngày 10.12.1953, Đại đoàn 312 cũng nhận lệnh hành quân lên Tây Bắc tham gia Chiến dịch Điện Biên Phủ. Sau gần 1 tháng vượt hơn 500km trong mưa phùn gió bấc, cán bộ, chiến sĩ Đại đoàn 312 đã tập kết tại khu vực Km15 từ Tuần Giáo đi Điện Biên.
Theo ông Hải, một trong những nhiệm vụ quan trọng đầu tiên là phối hợp với các đơn vị mở tuyến đường dài 15km để đưa pháo của quân đội ta về phía Bắc, chiếm lĩnh các điểm cao, tập trung hỏa lực tiêu diệt các mục tiêu của địch.
Ngày 22.12.1953, Đại đoàn 351 cũng nhận lệnh hành quân lên Điện Biên Phủ, đội hình chia thành 2 khối. Đi đầu là Tiểu đoàn 682 và Tiểu đoàn 383; Khối 2 là Tiểu đoàn 954 và Tiểu đoàn 394.
Ngày 8.1.1954, cả 2 khối vượt qua Đèo Pha Đin đến khu tập kết chiến dịch ở Tuần Giáo. Đến ngày 14.1.1954, Hội nghị cán bộ cao cấp, trung cấp toàn mặt trận họp tại Hang Thẩm Púa (Tuần Giáo) hạ quyết tâm tiêu diệt Tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ theo phương án “Đánh nhanh, thắng nhanh”.
Ngày 26.1.1954, căn cứ tình hình thực tế và tương quan lực lượng, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã quyết định thay đổi phương án tác chiến từ “Đánh nhanh, thắng nhanh” sang “Đánh chắc, tiến chắc” và hoãn cuộc tiến quân, đồng thời kéo pháo ra – đó cũng chính là quyết định vô cùng quan trọng đã làm nên chiến thắng lịch sử.