Ngập đâu phải chỉ vì một trận mưa

Hồng Đào 131 lượt xem 13 Tháng Năm, 2021

Xét cho cùng, đâu phải chỉ vì một trận mưa mà nhiều nơi ở Hà Nội ngập sâu; quan trọng vẫn là con người. Việc một số người dân thiếu ý thức vứt rác bừa bãi khiến cống rãnh bị tắc cần được phê phán, uốn nắn nhưng căn cốt hơn phải là quy hoạch và xây dựng hệ thống thoát nước…

ha noi 2
Khu vực Times City (quận Hoàng Mai, Hà Nội) chiều tối ngày 11/5 bị ngập nước khá sâu.

 

Vào khoảng 18h chiều 11/5, tại Hà Nội xuất hiện một cơn mưa giông lớn. Lập tức nhiều tuyến phố bị ngập sâu trong nước, giao thông tắc nghẽn. Đáng chú ý, cơn mưa không kéo dài nhưng những vùng ngập, nước rút rất chậm.

Tại phố Lâm Hạ (phường Bồ Đề, quận Long Biên) cho tới 22h nước vẫn chưa rút hết. Còn cổng chính Công viên Cầu Giấy, đường Thành Thái nước mênh mông.

Trên đường Phạm Văn Bạch (cũng ở quận Cầu Giấy) nhiều đoạn ngập sâu khiến các phương tiện bị ùn ứ. Ở khu vực trung tâm vốn rất ít ngập, lần này cũng không tránh khỏi “giặc nước”.

Phố Hàng Chuối (quận Hai Bà Trưng) nước dâng lên, vào cả nhà dân. Hồ Gươm nước lênh láng, tràn cả lên mặt đường. Khu vực Tràng Tiền cũng thành “rốn” nước. Phía hồ Thiền Quang, vẫn giống như những lần mưa to, nước thành “ao” trên đường…

Phải chăng đây là căn bệnh mãn tính với Hà Nội, khi mà cứ mưa to lại ngập? Nếu đúng, thì quả là điều rất đáng buồn.

Công ty TNHH MTV Thoát nước Hà Nội đã có lý giải về trận ngập úng chiều tối ngày 11/5.

Bà Nguyễn Việt Hương – Phó Tổng Giám đốc, cho biết lượng mưa trên địa bàn chiều 11/5 có cường độ lớn trung bình 100mm, liên tục trong 1 giờ đồng hồ nên đã vượt quá công suất thiết kế của hệ thống thoát nước của thành phố, dẫn tới xảy ra ngập cục bộ ở một số tuyến phố.

Để khắc phục tình trạng này, Công ty đã vận hành các trạm bơm Yên Sở, Bắc Thăng Long – Vân Trì, Đồng Bông 1, Đồng Bông 2, Cổ Nhuế, Resco, Hầm chui… và cửa đưa nước vào các hồ điều hòa phục vụ công tác phòng chống úng ngập.

Ngay trong lúc trời đang mưa, Công ty đã huy động nhân lực, máy móc thực hiện tua vớt rác tại các cửa cống, khơi thông dòng chảy, đặt biển cảnh báo hướng dẫn giao thông…

Bà Hương cho biết, đến gần 22h ngày 11/5, nước tại các điểm ngập trên địa bàn các quận nội đô đã cơ bản rút hết.

Chỉ một trận mưa không thật lớn mà nhiều điểm trong nội thành Hà Nội phải chịu ngập úng tới vài giờ đồng hồ. Điều đó thật khó chấp nhận, nhất là khi hệ thống thoát nước được đầu tư không hề nhỏ. Không phủ nhận tinh thần trách nhiệm và sự vất vả của đơn vị được giao nhiệm vụ, nhưng cũng không thể vì thế mà xuê xoa để rồi mãi phải chịu cảnh Hà Nội hễ mưa to là ngập.

Theo Sở Xây dựng Hà Nội, để phục vụ mục tiêu thoát nước, từ năm 2005 đến nay, UBND thành phố đã đầu tư hàng chục nghìn tỷ đồng cho các dự án thoát nước. Trong đó, lớn nhất là 3 dự án đã và đang triển khai với tổng số tiền hơn 19.000 tỷ đồng.

Theo Kiến trúc sư Trần Huy Ánh (Hội Kiến trúc sư Việt Nam) thì hệ thống thoát nước của Hà Nội kế thừa quy hoạch thoát nước của người Pháp trước năm 1954. Sau đó, Hà Nội mở rộng, nhưng đầu tư hệ thống thoát nước khá tùy tiện. Việc đô thị hóa mạnh dẫn đến rác thải không được thu gom tốt, gây tắc cống, ngăn dòng chảy của hệ thống thoát nước. Trong khi đó, việc duy tu, nạo vét cống, khơi dòng chảy hạn chế khiến Hà Nội ngập nặng hơn mỗi khi mưa to.

Ông Ánh cho rằng, thành phố Hà Nội có sông Hồng, sông Tô Lịch, sông Nhuệ, nhưng thực tế hệ thống thoát nước ở Hà Nội vẫn chủ yếu là tự chảy. Nhưng đường ống tự chảy lại quá dài dẫn đến năng lực tiêu thoát hạn chế.

Còn theo GS Vũ Trọng Hồng – nguyên Thứ trưởng Bộ NNPTNT, tốc độ đô thị hóa nhanh nhưng hạ tầng kỹ thuật chưa được đầu tư đồng bộ theo quy hoạch nên dẫn đến ngập úng. Trong khi đó các trạm bơm đầu mối chưa được đầu tư đạt công suất quy hoạch. Các hồ điều hòa lớn cũng chưa được xây dựng. Cùng đó, hệ thống mương nông nghiệp tiêu thoát nước cho các hầm chui chưa được duy tu, sửa chữa thường xuyên.

Cũng nói về nguyên nhân ngập úng tại Hà Nội mỗi khi mưa to, ông Phạm Ngọc Đăng (Hội Môi trường đô thị), cho rằng chủ yếu là hệ thống thoát nước nội đô lạc hậu, đường ống nhỏ, khả năng tiêu thoát hạn chế, lâu ngày lại bị bồi lắng. Ông Đang phủ nhận lý do cho rằng Hà Nội ngập úng là do địa hình thấp. “Địa hình Hà Nội cao 3,5 đến 9 m so với mặt nước biển, cao hơn Hải Phòng và tương đương một số thành phố nên việc úng ngập hiện nay không phải do địa hình” – ông Đăng nhấn mạnh.

Kiến trúc sư Đào Ngọc Nghiêm cũng cho biết, cốt nền khu vực 4 quận nội thành cũ gồm Ba Đình, Hoàn Kiếm, Đống Đa, Hai Bà Trưng là 8, quận Hoàng Mai là 6, Hà Đông là 6-7 thì cũng không phải thấp, song vẫn xảy ra úng ngập. Nguyên nhân, theo ông Nghiêm, là tốc độ đô thị hóa khu vực này quá nhanh, nhưng không có sự kiểm soát cốt nền trong các dự án xây dựng cũng như không có giải pháp về thoát nước đồng bộ khu vực, nên xảy ra ngập úng.

Thật đáng buồn là tại một cuộc họp giao ban Thành ủy, ông Chu Phú Mỹ – Giám đốc Sở NNPTNT Hà Nội cho biết, với lượng mưa từ 50mm đến 100mm, kéo dài trong 2 giờ, Hà Nội sẽ có 15 điểm bị ngập úng. Lượng mưa càng lớn thì các điểm ngập úng sẽ nhiều hơn và mức độ ngập lớn hơn.

Xét cho cùng, đâu phải chỉ vì một trận mưa mà nhiều nơi ở Hà Nội ngập sâu; quan trọng vẫn là con người. Việc một số người dân thiếu ý thức vứt rác bừa bãi khiến cống rãnh bị tắc cần được phê phán, uốn nắn nhưng căn cốt hơn phải là quy hoạch và xây dựng hệ thống thoát nước. Tiền ngân sách bỏ ra không ít, số người làm công việc này không ít, chẳng lẽ cứ ngập mãi. Vậy thì ai phải chịu trách nhiệm đây?

Theo Đại đoàn kết

Bài viết cùng chủ đề:

Được quan tâm