Ngành nông nghiệp Thừa Thiên Huế tăng trưởng cao nhất từ trước đến nay

Huyền Linh 129 lượt xem 14 Tháng Một, 2024

Nhờ chủ động triển khai đồng bộ các giải pháp ứng phó nên ngành nông nghiệp Thừa Thiên Huế đã hạn chế thấp nhất các thiệt hại do thời tiết gây ra, duy trì ổn định sản xuất và đạt một số kết quả nhất định, đặc biệt là sản xuất lúa. Các lĩnh vực chăn nuôi, thủy sản tiếp tục duy trì phát triển, góp phần tích cực vào tăng trưởng của toàn ngành….

3 30
Ảnh minh họa

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Thừa Thiên Huế vừa tổ chức Hội nghị tổng kết năm 2023 và triển khai kế hoạch năm 2024. Theo thông tin tại hội nghị trên, năm 2023, ngành Nông nghiệp triển khai kế hoạch nhiệm vụ trong điều kiện thời tiết không thuận lợi, làm ảnh hưởng đến sinh trưởng và phát triển của cây trồng, vật nuôi.

Tuy nhiên, nhờ chủ động triển khai đồng bộ các giải pháp ứng phó nên đã hạn chế thấp nhất các thiệt hại do thời tiết gây ra, duy trì ổn định sản xuất và đạt một số kết quả nhất định, đặc biệt là sản xuất lúa. Các lĩnh vực chăn nuôi, thủy sản tiếp tục duy trì phát triển, góp phần tích cực vào tăng trưởng của toàn ngành; giá trị sản xuất lĩnh vực lâm nghiệp có sự sụt giảm, chủ yếu do khó khăn trong tiêu thụ các sản phẩm gỗ.

Cụ thể, trong trồng trọt, sản lượng lương thực có hạt ước của tỉnh này đạt 340 nghìn tấn, tăng 24,8% so với năm 2022. Tổng diện tích gieo cấy lúa đạt 53.435 ha, năng suất ước đạt 62,5 tạ/ha, tăng 23,8% so với năm 2022; diện tích lúa chất lượng cao đạt 22.000 ha, tăng 12%; tiếp tục duy trì và phát triển các cánh đồng lớn, liên doanh, liên kết trong sản xuất, chế biến và tiêu thụ lúa gạo, tổng diện tích cánh đồng lớn đạt khoảng 8.690 ha, tăng 15,4%.

Diện tích gieo trồng các loại cây hàng năm khác tương đối ổn định; diện tích cây ăn quả có sự phát triển đạt 3.460 ha, tăng 5,4%, hồ tiêu 210 ha; cây Cao su 5.637 ha. 

4 24
Toàn cảnh hội nghị

Đối với chăn nuôi, toàn tỉnh Thừa Thiên Huế hiện có 406 trang trại chăn nuôi đạt quy mô trang trại; một số cơ sở chăn nuôi công nghệ cao duy trì liên doanh liên kết với các doanh nghiệp trong các khâu cung ứng giống, thức ăn, bao tiêu sản phẩm, bước đầu hình thành chuỗi giá trị, nâng cao hiệu quả trong chăn nuôi. Ước năm 2023, sản lượng thịt hơi các loại đạt 34 nghìn tấn, tăng 3% so với năm 2022.

Lĩnh vực lâm nghiệp của Thừa Thiên Huế trong năm 2023 gặp khó khăn, sản phẩm dăm gỗ khó tìm kiếm thị trường tiêu thụ; sản lượng khai thác gỗ rừng trồng ước đạt hơn 550 nghìn tấn (tương đương năm 2022), giá trị xuất khẩu các sản phẩm gỗ ước giảm 20% so với năm 2022. Diện tích trồng rừng tập trung ước đạt khoảng 6.200 ha, tăng 5,7%, trong đó: trồng rừng phòng hộ, rừng đặc dụng khoảng 250 ha. 

Lĩnh vực thủy sản của Thừa Thiên Huế tiếp tục duy trì ổn định, tổng diện tích nuôi trồng thủy sản năm 2023 ước đạt 7.800 ha, tương đương năm 2022. Tỉnh này chú trọng phát triển nuôi tôm trên cát, nuôi các đối tượng thủy đặc sản vùng đầm phá, đẩy mạnh tuyên truyền vận động bà con ngư dân tiếp tục vươn khơi bám biển để khai thác thủy hải sản, đặc biệt là khai thác xa bờ. Tổng sản lượng thủy sản ước đạt 61.000 tấn, tăng 1,24%, trong đó: sản lượng khai thác 41.000 tấn, sản lượng nuôi trồng 20.000 tấn.

Với những kết quả trên, tăng trưởng GRDP của ngành nông nghiệp Thừa Thiên Huế năm 2023 ước đạt 5,88%, cao nhất từ trước đến nay. Tổng giá trị sản xuất ước đạt 7.720 tỷ đồng, tăng 6,3%. Giá trị xuất khẩu các mặt hàng nông lâm thủy sản ước đạt 153,7 triệu USD, giảm 11,9% so với năm 2022.

Năm 2024, ngành Nông nghiệp đặt ra các chỉ tiêu cơ bản như: tốc độ tăng trưởng nông nghiệp đạt 3-4%; năng suất lúa bình quân đạt 60 tạ/ha; sản lượng lương thực có hạt trên 326 nghìn tấn; trong đó, lúa 318 nghìn tấn. Sản lượng thủy sản đạt trên 63 nghìn tấn, trong đó, sản lượng khai thác đạt 42 nghìn tấn, sản lượng nuôi trồng đạt 21 nghìn tấn.

5 19
Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế Nguyễn Văn Phương phát biểu tại hội nghị

Phát biểu tại hội nghị trên, Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế Nguyễn Văn Phương đề nghị ngành Nông nghiệp đẩy mạnh cơ cấu lại ngành theo hướng phát triển nông nghiệp toàn diện, bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu; nâng cao năng suất, chất lượng, giá trị gia tăng và thương hiệu nông sản. Đẩy mạnh việc liên kết theo chuỗi giá trị; chú trọng phát triển sản phẩm OCOP.

Tiếp tục hỗ trợ hình thành các trang trại có quy mô lớn, các khu chăn nuôi tập trung, ứng dụng công nghệ cao. Tăng cường các biện pháp chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không khai báo và không theo quy định (IUU); Duy trì ổn định độ che phủ rừng, đặc biệt chú trọng chất lượng độ che phủ rừng tự nhiên; phát triển trồng rừng gỗ lớn gắn với chứng chỉ trồng rừng bền vững. Bám sát thực hiện có hiệu quả các mục tiêu đặt ra trong năm 2024 góp phần cùng tỉnh nhà xây dựng Thừa Thiên Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương.

Theo VNECONOMY

Bài viết cùng chủ đề:

Được quan tâm