Đền Cả ở xã Hoa Thành (huyện Yên Thành, Nghệ An) được xây dựng từ thời Lý để thờ Uy minh vương Lý Nhật Quang và các vị phúc thần, danh tướng, những người có công “bảo quốc hộ dân”. Ngôi đền không chỉ là di tích lịch sử nổi tiếng mà còn là một công trình kiến trúc cổ độc đáo.
Đền Cả nằm ở xã Hoa Thành (huyện Yên Thành, Nghệ An) được khởi dựng từ đời Lý và được trùng tu, mở rộng vào thời hậu Lê để thờ Uy minh vương Lý Nhật Quang và các vị phúc thần, danh tướng, những người có công “bảo quốc hộ dân”.
Ngôi đền không chỉ là di tích lịch sử nổi tiếng với sự linh thiêng ở xứ Nghệ đây còn là một công trình kiến trúc cổ kính với nhiều nét chạm trổ, điêu khắc lạ, độc đáo.
Đền Cả có nhiều hạng mục như tam quan, nghi môn, tả vu, hữu vu, bái đường, thượng điện. Trong đó nghi môn là công trình độc đáo nhất. Từ ngoài đi vào, nghi môn là công trình thứ 2, đứng sau tam quan. Nghi môn đền Cả uy nghi tráng lệ kiểu lầu gác cung đình.
Đây là một ngôi nhà có 4 cột, 2 tầng, 8 mái với các đầu đao cong vút. Một số tài liệu ghi chép thể hiện, nghi môn đền Cả là nơi các vị chức sắc hương hào, trưởng lão nghỉ ngơi và tịnh túc trước khi vào đền tế thần. Công trình này có hình dạng như Khuê Văn Các tại Văn miếu Quốc Tử Giám. Tầng dưới của nghi môn để trống, tầng trên có 4 cửa thông ra 4 hướng và thông xuống tầng dưới bằng một lỗ cửa của ván trần. Ngày nay người dân hàn một chiếc thang sắt để leo lên tầng trên thắp hương ngày lễ.
Trước cổng đền Cả còn có tấm bia đá cổ kích thước lớn. Theo người trông coi đền, nội dung văn bia phản ánh truyền thống hiếu học cũng như việc xây dựng các công trình văn hóa của làng xa xưa.
Bước qua nghi môn là 2 bức tượng được tạc bằng đá có hình dáng lạ đang chắp tay quỳ 2 bên. Vào trong khuôn viên đền rất rộng rãi, thoáng đãng.
Trải qua hàng trăm năm, đền Cả vẫn giữ được nét đẹp độc đáo, cổ kính.
Những mái ngói phủ đầy rêu, những dòng chữ, những hình tượng được điêu khắc mang vẻ cổ kính.
Hệ thống cửa, vách của đền đều được làm từ gỗ. Trải qua hàng trăm năm nhưng hệ thống này vẫn còn nguyên vẹn.
Những pho tượng được thờ tại đền có vẻ đẹp huyền bí, thanh thoát, uy nghiêm.
Ngoài kiến trúc độc đáo và nghệ thuật điêu khắc đặc sắc, đền Cả còn lưu giữ được nhiều hiện vật cổ, quý. Hiện đền còn giữ được 4 đạo sắc, trong đó có 1 sắc phong năm Vĩnh Khánh (niên đại gần 300 năm), 1 sắc phong niên hiệu Cảnh Thịnh thời Tây Sơn, 2 sắc phong thời Nguyễn.
Những pho tượng được làm từ gỗ có hình dáng kỳ lạ.
Cụ Phan Xuân Chỉnh (80 tuổi) làm từ đền suốt 16 năm qua cho hay, đền Cả là ngôi đền thiêng nên có nhiều du khách và người dân đến thắp hương vào những ngày lễ. Hàng ngày, ông Chỉnh lau dọn đền, bàn thờ để người dân, du khách ghé đền thắp hương.
Đền Cả là nơi sinh hoạt văn hóa tâm linh của người dân địa phương cũng như của du khách trong và ngoài tỉnh.