Ngắm bảo vật quốc gia – Hộp vàng Ngọa Vân – Yên Tử tại Bảo tàng Quảng Ninh

trần lâm 72 lượt xem 25 Tháng Mười, 2023

Hộp vàng nặng 56,44 gram (tương đương khoảng 15,04 chỉ vàng), hình dáng đóa hoa sen, có thể là đồ dùng quý trong hoàng cung.

Dẫn PV đến khu vực trưng bày bảo vật quốc gia, ông Vũ Quyết Tiến, Giám đốc Bảo tàng Quảng Ninh cho biết: Hiện, Bảo tàng đang lưu giữ và trưng bày 12 bảo vật quốc gia, được xét duyệt qua nhiều giai đoạn. Cuối năm 2018, Hộp vàng Ngọa Vân – Yên Tử hay còn gọi là Hộp vàng hình Hoa Sen được Thủ tướng ra quyết định công nhận là bảo vật quốc gia.

hinh 1
Bảo vật được trưng bày tại vị trí trang trọng trong Bảo tàng Quảng Ninh.

Trong số 12 bảo vật quốc gia đang được lưu giữ và trưng bày tại Bảo tàng Quảng Ninh, Hộp vàng Ngọa Vân – Yên Tử được khách tham quan chú ý nhiều nhất. Phương án bảo vệ đối với bảo vật này được lưu ý đặc biệt, trong đó có biện pháp phòng, chống cháy, nổ, trộm cắp, thiên tai và các nguy cơ gây hại khác để bảo đảm tuyệt đối an toàn cho bảo vật quốc gia.

Theo tư liệu thuyết minh của Bảo tàng Quảng Ninh, Hộp vàng Ngọa Vân – Yên Tử được phát hiện ngày 21/6/2012 tại thôn Trại Lốc, xã An Sinh, huyện Đông Triều, tỉnh Quảng Ninh. Chiều ngày 21/6/2012, trong quá trình thi công mở rộng con đường “hành hương tâm linh” từ Trại Lốc lên di tích chùa Ngọa Vân, nơi vua Trần Nhân Tông hóa Phật, Đại đức Thích Quảng Hiển, trụ trì chùa Trung Tiết, trên đường cùng Phật tử đi lễ Phật tại chùa Ngọa Vân, khi đi ngang qua đây, đã phát hiện được một chiếc hộp kim loại màu vàng do máy xúc đào lộ ra từ sườn một quả đồi. Vị trí quả đồi phát hiện chiếc hộp này thuộc xã An Sinh, huyện Đông Triều, tỉnh Quảng Ninh.

hinh 3
Hộp vàng Ngọa Vân – Yên Tử có trọng lượng 56,44 gram (tương đương khoảng 15,04 chỉ vàng).

Sau khi phát hiện, Đại đức Thích Quảng Hiển đã trao chiếc hộp hình hoa sen cho UBND huyện Đông Triều (nay là thị xã Đông Triều) quản lý và phát huy giá trị lịch sử, văn hóa nhà Trần tại phòng trưng bày Khu di tích đền An Sinh. Đến ngày 20/3/2015, UBND huyện Đông Triều giao lại chiếc hộp hình hoa sen cho Bảo tàng Quảng Ninh lưu giữ, bảo quản và phát huy giá trị của hiện vật.

Hộp vàng Ngọa Vân – Yên Tử có chiều cao toàn thân là: 4,20cm, trọng lượng 56,44 gram (tương đương khoảng 15,04 chỉ vàng). Hộp có dáng hình cầu, thân tạo nổi 11 múi, mỗi múi giống như hình cánh sen cong tròn, khi làm xuất lộ, lưỡi gầm máy múc va chạm mạnh vào phần thân hộp làm cho thân hơi bị biến dạng.

inh 2
Hộp vàng Ngọa Vân – Yên Tử là di vật vô cùng quý giá không chỉ bởi được làm bằng vàng mà hình dáng, hoa văn cũng được tạo tác rất hoàn hảo, mang tính nghệ thuật cao, thể hiện tính đẳng cấp của loại hình đồ vật quý dùng trong cung đình.

Bản thân hình dáng của hộp là một đóa sen đang độ mãn khai. Thân hộp có chân đế tạo múi mô phỏng hình cánh sen, mặt để trơn, phần thân tạo múi liền với chân đế, thân cánh sen có trang trí văn hoa chanh (hay còn gọi là hoa liên tiền) nổi trên nền văn mây hình khánh; phần miệng thân có khớp để đậy nắp hộp vừa khít với thân.

Nắp hộp hình bán cầu, phần tiếp giáp với thân tạo 11 cánh chính là phần đầu của cánh sen, khớp với phần thân cánh sen ở phía dưới thân tạo thành lớp cánh lớn ngoài cùng; giữa nắp là đài sen được bao bọc bởi lớp cánh lớn.

h4
Những thông tin quan trọng về Hộp vàng Ngọa Vân – Yên Tử giúp khách tham quan hiểu được các giá trị lịch sử, văn hóa tư tưởng và mỹ thuật của thời Trần, thời đại đã sản sinh vật phẩm này.

Đài sen có 4 lớp cánh xếp thành vòng tròn đồng tâm, trong đó, ngoài cùng là lớp thứ nhất với 11 cánh nằm đan cài với cánh lớn, các cánh to, mập, được tạo tác với đường nét rất tinh xảo và giàu tính hiện thực. Lớp thứ hai nhỏ hơn với 33 cánh, giữa lớp cánh thứ hai và lớp cánh thứ nhất có một vòng hạt cườm và hai đường chỉ nổi, các cánh ở lớp này có kích thước nhỏ hơn nhiều so với lớp cánh thứ nhất nhưng được thể hiện rất tinh xảo và mang tính tả thực. Lớp thứ ba có 28 cánh, lớp thứ tư là lớp trong cùng có 15 cánh, các cánh ở lớp thứ ba và lớp thứ tư có kích thước nhỏ nhưng đường nét rất sắc xảo.

Chính giữa tâm nắp hộp là gương sen được tạo lõm xuống càng làm tăng khối hình cho các lớp sen bao quanh đồng thời nhìn tổng thể chiếc hộp từ trên xuống giống như một đóa sen mãn khai với nhiều lớp cánh đang khoe sắc và tỏa hương.

Căn cứ kết quả giám định của Hội đồng giám định Cổ vật (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch), ý kiến của các nhà khoa học có thể khẳng định, Hộp vàng Ngọa Vân – Yên Tử có niên đại thời Trần, nửa đầu của thế kỷ thứ 14. Hộp còn tồn tại nguyên vẹn, cho đến nay chưa một cá nhân hay địa phương nào ở Việt Nam phát hiện, lưu giữ được hiện vật tương tự, vì vậy Hộp vàng Ngọa Vân – Yên Tử là hiện vật độc bản.

Ông Vũ Quyết Tiến, Giám đốc Bảo tàng Quảng Ninh cho biết: Hộp vàng Ngọa Vân – Yên Tử là một tác phẩm phản ánh giá trị tư tưởng của thời nhà Trần; kỹ thuật và trình độ tay nghề của thợ thủ công. Các họa tiết hoa văn thể hiện trình độ thẩm mỹ, giá trị tư tưởng được truyền tải qua các hình tượng hoa văn… Đây là những thông tin quan trọng giúp chúng ta hiểu được các giá trị lịch sử, văn hóa tư tưởng và mỹ thuật của thời Trần, thời đại đã sản sinh vật phẩm này.

Theo Đại Đoàn Kết 

Bài viết cùng chủ đề:

    1

    Sôi động Ngày hội tiếng Anh cho giới trẻ tại Đà Nẵng

    Ngày hội tiếng Anh EZONE 2023 – EZ ON E diễn ra vào ngày 25-26/11/2023 với hơn 500 lượt đăng ký tham gia là chương trình học thuật do Câu lạc bộ tiếng Anh SEE CLUB tổ chức, bao gồm IELTS Workshop, Mini Talkshow chủ đề hội nhập về “Du học” và cung cấp bài...
    1

    “Tô cam giấc mơ” – trận bóng giao hữu truyền cảm hứng về bình đẳng giới cho phụ nữ và trẻ em

    Ngày 11/11, gần 100 học sinh đến từ Hà Giang và Hà Nội đã có cơ hội tuyệt vời khi được đá bóng, giao lưu cùng các tuyển thủ nữ bóng đá quốc gia Việt Nam và được trực tiếp Huấn luyện viên Mai Đức Chung hướng dẫn tại Sân vận động quốc gia Mỹ Đình....
    daquy2 1638027534

    Vườn dã quỳ rực rỡ giữa Hà Nội

    Vườn dã quỳ nở vàng giúp người dân thủ đô có thêm lựa chọn chụp ảnh mà không cần lên Ba Vì. Hằng năm, cứ đến mùa dã quỳ nở, người dân thủ đô lại ùn ùn kéo nhau tới vườn quốc gia Ba Vì để chụp ảnh. Nhận thấy tiềm năng và vẻ đẹp...
    22

    Cô gái đưa xẩm lên sân khấu quốc tế

    Nguyễn Thị Ngọc Hà (nghệ danh Hà Myo) đã góp phần mang xẩm đến với nhiều khán giả hơn, nhất là người trẻ để có thể giữ gìn và phát triển loại hình âm nhạc dân gian Việt Nam. Bén duyên với “Xẩm” Sau bốn MV xẩm “Hà Nội”, xẩm “Xuân xanh”, xẩm “Xuân chúc...
    8 1698600225071

    Trải nghiệm đêm Văn Miếu – Quốc Tử Giám mới lạ và độc đáo

    Tối 29/10, Trung tâm Hoạt động Văn hóa Khoa học Văn Miếu – Quốc Tử Giám tổ chức lễ ra mắt chương trình Trải nghiệm đêm Văn Miếu – Quốc Tử Giám với chủ đề “Tinh hoa đạo học”. Chương trình Trải nghiệm đêm Văn Miếu – Quốc Tử Giám chính thức được ra mắt...

Được quan tâm