Nam Kỳ, tiếng vọng lịch sử

Hoàng Thơ 124 lượt xem 16 Tháng Mười, 2023

Là cuốn sách viết cho đại chúng với giọng văn mềm mại, “Khắc họa bức tranh lịch sử Nam Kỳ” đưa bạn đọc lần lượt khám phá các giai đoạn lịch sử và cả những hình ảnh quý giá về Nam kỳ một thuở qua góc nhìn của người phương Tây.

Một ấn phẩm giàu chất sử liệu

Cuốn sách diễn giải những câu chuyện lịch sử diễn ra trên đất Nam kỳ xưa kể từ thời Gia Long, Minh Mạng, Lê Văn Duyệt cho đến khi người Pháp xâm lăng và thiết lập chế độ thuộc địa ở Nam kỳ và chế độ bảo hộ ở Bắc kỳ và Trung kỳ của vương quốc Đại Nam (nay là Việt Nam).

Từ lúc Nguyễn Ánh ẩn náu ở Gia Định trước các cuộc tấn công của quân Tây Sơn, tại đây người Pháp và người Gia Định đã góp công lớn giúp Nguyễn vương dấy nghiệp và khôi phục cơ đồ, thống nhất sơn hà. Gia Định cũng là nơi tạo ra thứ quyền lực địa phương đầy thách thức khiến vua Minh Mạng hao tâm hóa giải.

Vào hậu bán thế kỷ XIX, Đông Á nói chung, và Đại Nam nói riêng, đối diện với họa Tây xâm. Sau khi nổ súng tấn công vịnh Đà Nẵng năm 1858, liên quân Pháp – Tây Ban Nha kéo quân vào tấn công Nam kỳ và lần lượt hạ thành Gia Định, thiết lập “phòng tuyến chùa” từ Sài Gòn đến Chợ Lớn tiến tới hạ đại đồn Chí Hòa, chiếm Mỹ Tho… và chiếm trọn ba tỉnh miền Đông Nam kỳ, sau này thêm ba tỉnh miền Tây Nam kỳ của Đại Nam.

84526324 636f 4996 9b90 f624aeae9064
Bìa sách Khắc họa bức tranh lịch sử Nam Kỳ của tác giả Nguyễn Quang Diệu.

Năm 1874, Hòa ước Giáp Tuất được ký kết buộc triều đình Huế giao trọn Nam kỳ lục tỉnh cho người Pháp. Sau đó, Pháp buộc triều đình Huế ký liên tiếp hai bản Hòa ước Quý Mùi – 1883 và Hòa ước Giáp Thân – 1884, biến Bắc kỳ và Trung kỳ của Đại Nam trở thành xứ bảo hộ của người Pháp.

Đến năm 1887, Liên bang Đông Dương được thành lập, đứng đầu là Toàn quyền Đông Dương, cai quản xứ thuộc địa và hai xứ bảo hộ của Đại Nam, kể cả vương quốc Cao Miên; đặt thủ phủ tại Sài Gòn (Nam kỳ), đến năm 1902 mới dời ra Hà Nội.

Nam kỳ tuy không còn là trung tâm quyền lực nhưng vẫn là thủ phủ kinh tế của Liên bang. Với Sài Gòn là trung tâm đô thị và quyền lực của chính quyền thực dân, là cái nôi của báo chí Việt Nam buổi ban đầu: “Làng báo Sài Gòn cuối thập niên 1910 trở thành những lực lượng chính trị đối kháng nhà cầm quyền thực dân Pháp, những diễn đàn tranh luận công khai này là thứ đặc sản của đời sống văn hóa tri thức Sài Gòn lúc bấy giờ. Khởi đầu cho một thời kỳ đấu tranh tư tưởng mới của trí thức người Việt thập niên 1920 mà ảnh hưởng của nó vượt ra khỏi địa giới Nam kỳ.” (Trích Khắc họa bức tranh lịch sử Nam Kỳ)

Giai đoạn 1923 – 1926 chứng kiến làn sóng di cư đổ về Sài Gòn, trong số đó có nhiều trí thức Tây học và nhà hoạt động chính trị nổi tiếng, những ký giả lão làng dùng ngòi bút của mình đấu tranh và tạo ra những cuộc đối đầu công khai chống chính quyền thực dân.

Sài Gòn cũng bị cuốn vào cuộc khủng hoảng kinh tế thế giới diễn ra vài năm sau đó, giới kinh doanh, mua bán làm ăn thua lỗ, dẫn đến phá sản và đời sống người dân Sài Gòn lâm vào cảnh lao đao, từng dòng người dắt díu nhau lần lượt rời đi, người Tây và Hoa kiều về nước, người Việt tạm lui về vùng ven Gò Vấp, Phú Nhuận hoặc về quê cầm cự kiếm sống mong chờ cuộc đại khủng hoảng nhanh chóng qua đi, để trở lại Sài Gòn.

Trong cơn đại khủng hoảng đó, người Sài Gòn cố gắng cầm cự chờ đợi trạng thái “bình thường mới”, và cũng chính trong lúc ngặt nghèo đó họ vẫn giữ được tinh thần hào sảng, sẻ chia trách nhiệm cộng đồng bằng nhiều hình thức từ thiện khác nhau…

Một góc nhìn rộng hơn về lịch sử nghệ thuật Việt Nam

Bên cạnh những ghi chép về lịch sử Sài Gòn và Nam kỳ, tác phẩm còn cung hiến cho độc giả một khối lượng lớn tranh/ảnh quý giá nhằm minh họa cho các sử kiện được nhắc đến rải rác trong sách.

Phần lớn tranh/ảnh quan trọng về Việt Nam xưa được lưu giữ trên các sách/báo Pháp ngữ như tuần san Le Monde Illustré (Thế giới họa báo), L’illustration (Minh họa), Le tour du monde (Vòng quanh thế giới)… vào cái thời chưa thể in tranh ảnh trực tiếp, mà phải thông qua một công đoạn trung gian là khắc in nhờ vào đôi tay của những thợ khắc chuyên nghiệp.

16a603fc 51f0 4b22 bbd1 9e78d73434d3
Bức Cảnh chợ Sài Gòn (Scène prise au marché de Saigon) in trong tác phẩm Voyage en Cochinchine.

Một bức tranh được in trên báo Pháp lúc bấy giờ có sự tham gia của nhiều người, có những bức tranh phải qua ba công đoạn trước khi được xuất hiện chính thức trên báo, chú thích dưới (hầu hết) mỗi bức tranh sẽ mang đến cho bạn đọc những chỉ dẫn cần thiết. Ở đó, có sự hiện diện của các hình thức ký họa/vẽ phác thảo (croquis), hình họa (dessin) và khắc (gravure), tuy nhiên không phải bức tranh nào được in ra cũng bao gồm ba hình thức kể trên.

Có tranh được khắc trực tiếp từ một bản phác thảo hoặc nhiều bản phác thảo, người vẽ phác thảo/ký họa đó có thể là sĩ quan hải quân, trực tiếp tham gia các sự kiện… Có trường hợp từ bản phác thảo ban đầu, họa công/thợ vẽ sẽ vẽ thành một bản hoàn chỉnh, thợ khắc sẽ làm việc dựa trên bản vẽ này. Có trường hợp tranh được khắc theo một bức ảnh chụp hoặc từ nhiều bức ảnh, bức tranh nổi tiếng Cảnh chợ Sài Gòn (Scène prise au marché de Saigon) in trong tác phẩm Voyage en Cochinchine của bác sĩ Albert Morice là một trong nhiều ví dụ.

Phía dưới bức tranh này, ngoài nội dung chú thích chủ đề còn có dòng thông tin: Hình họa của D. Maillart, dựa theo các bức ảnh (Dessin de D. Maillart, d’après des photographies). Ở góc dưới bên trái bức tranh có chữ ký MD (tức Diogène Maillart), ở góc dưới bên phải có chữ ký hơi khó đọc là C. Laplante (tức Charles Laplante). Từ nhiều nguồn tài liệu, bạn đọc có thể tra cứu được Diogène Maillart (1840 – 1926) là một thợ vẽ (dessinateur), Charles Laplante (1837 – 1903) là một thợ khắc (graveur), họ đều có danh tiếng.

Đặc biệt, khi in lại tranh/ảnh xưa, ngoài những dòng chú thích nội dung tranh/ảnh, tác giả cũng cung cấp thêm các thông tin: Bản phác thảo của ai, hình họa của ai, và ai là thợ khắc… nhằm góp phần đưa ra ánh sáng tên tuổi những nghệ sĩ giúp lưu giữ hình ảnh Việt Nam trong quá khứ, qua đó có một cái nhìn rộng hơn về lịch sử nghệ thuật Việt Nam, trong đó những nghệ sĩ phương Tây có dự phần, dù trực tiếp hay gián tiếp.

Với gần 150 tranh/ảnh/bản đồ sống động, có giá trị, Khắc họa bức tranh lịch sử Nam Kỳ mở ra một góc nhìn khác về con người và vùng đất Nam kỳ xưa. Nói như lời tác giả, việc xuất bản cuốn sách đã “góp vài mảnh sử liệu rời cho quá trình tìm hiểu con người và vùng đất Nam kỳ, và cũng là góp thêm vài nét chấm phá cho bức tranh tổng thể về Nam kỳ nói chung và Sài Gòn nói riêng”.

333e01cc ee6e 45c0 9fb1 76dac32c8049
Tác giả Nguyễn Quang Diệu. Ảnh: Facebook nhân vật.

Nguyễn Quang Diệu, sinh năm 1983 tại Tam Kỳ, Quảng Nam. Hiện sống và làm việc tại TP.HCM.

Anh là người có mối quan tâm đặc biệt với lịch sử. Ngoài yêu thích đọc sách, anh đồng thời cũng là một biên tập viên dày dặn kinh nghiệm về lịch sử. Trước Khắc họa bức tranh lịch sử Nam kỳ, vào năm 2018, anh đã biên soạn và giới thiệu du ký Một tháng ở Nam kỳ (Phạm Quỳnh) với bút danh Thư Hương.

Thạch Thảo

Nguồn: Người Đô Thị

Bài viết cùng chủ đề:

    1 71

    Khách Tây nô nức check-in làng nghề cổ Hà Nội

    Sau khi được nhiều báo quốc tế ca tụng, trở thành hiện tượng trên nền tảng mạng xã hội, làng nghề làm hương Quảng Phú Cầu, huyện Ứng Hoà, Hà Nội thu hút nhiều khách quốc tế đến checkin, khám phá.  Hãng thông tấn AFP của Pháp đưa tin, làng Quảng Phú Cầu nằm ở...
    7076

    Ngôi nhà nhỏ bên dòng sông Kiến Giang nơi gắn liền với bóng hình Đại tướng

    Sông Kiến Giang hay câu hò khoan Lệ Thủy là nơi gắn liền với tuổi thơ của Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Từ ngôi nhà nhỏ bên sông, con đường và dòng sông ngày đó, giờ đây đã trở thành địa chỉ đỏ để du khách thập phương và nhân dân đến tham quan mỗi...
    30

    Chiêm ngưỡng kiến trúc nhà thờ màu hồng độc nhất ở TPHCM vừa lọt top điểm đến đẹp nhất thế giới

    Tờ Hindustan Times (Ấn Độ) điểm danh 8 điểm đến cho người yêu màu hồng trên thế giới, nhà thờ Tân Định ở TPHCM cũng nằm trong số đó. Nhà thờ Tân Định hay còn gọi là Nhà thờ Thánh Tâm Chúa Giêsu – Tân Định tọa lạc trên đường Hai Bà Trưng (quận 3, TPHCM)....
    M

    Sức hút của di sản

    Sự kiện đáng chú ý gần đây là việc Việt Nam được Tổ chức Du lịch thế giới (WTA) vinh danh là “Điểm đến Di sản hàng đầu thế giới” năm 2023. Đây là lần thứ 4 Việt Nam nhận được giải thưởng của WTA. Cùng đó, một số điểm du lịch tại các địa...
    thu tuong ha lanthanh dong9 edited 1698900341431

    Thủ tướng Phạm Minh Chính đạp xe dạo phố Hà Nội cùng Thủ tướng Hà Lan

    Trưa nay, Thủ tướng Phạm Minh Chính cùng Thủ tướng Hà Lan đã đạp xe dạo qua các phố Phan Đình Phùng, Nguyễn Tri Phương, Điện Biên Phủ và điểm kết thúc ở phố Tôn Thất Đàm. Sáng nay, sau khi kết thúc hội đàm và dự lễ ký kết hiệp định giữa hai Chính...

Được quan tâm