Một lực lượng được đặt nhiều kỳ vọng khi thực hiện Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao ở ĐBSCL

Huyền Linh 82 lượt xem 18 Tháng Ba, 2024

Thứ trưởng Bộ NNPTNT Trần Thanh Nam nhận định, lực lượng khuyến nông cộng đồng là “cánh tay nối dài” của ngành nông nghiệp ở cơ sở, là đội ngũ có vai trò đặc biệt quan trọng khi thực hiện Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao, phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng ĐBSCL (gọi tắt là Đề án 1 triệu ha lúa).

Khuyến nông cộng đồng hoạt động rất hiệu quả

Tại hội thảo “Vai trò, nhiệm vụ của khuyến nông, khuyến nông cộng đồng trong Đề án 1 triệu ha lúa” do Bộ NNPTNT tổ chức ở tỉnh Trà Vinh mới đây, Thứ trưởng Bộ NNPTNT Trần Thanh Nam cho biết, hiện nay, hơn 20 tỉnh đã có khuyến nông cộng đồng và hoạt động rất hiệu quả. Lực lượng khuyến nông cộng đồng xuống HTX, nông dân chuyển giao khoa học kỹ thuật, nắm thông tin, dữ liệu nông nghiệp ở cơ sở để báo cáo cho ngành chức năng nắm bắt kịp thời.

“Lực lượng khuyến nông cộng đồng có 2 nhiệm vụ chính là vừa thực hiện chức năng do cơ quan nhà nước giao, vừa làm dịch vụ để có nguồn thu” – ông Nam giải thích thêm. Riêng việc làm dịch vụ, thời gian qua, trong các chuyến khảo sát, ông Nam biết được ở An Giang, Kiên Giang, có nhiều trường hợp lực lượng khuyến nông cộng đồng thu nhập từ 20 triệu đồng/tháng trở lên.

1 14
Lãnh đạo Bộ NNPTNT khảo sát các địa điểm để chọn triển khai thí điểm đề án 1 triệu ha lúa. Ảnh: Huỳnh Xây

Theo yêu cầu của Đề án 1 triệu ha, hệ thống khuyến nông, khuyến nông cộng đồng sẽ xây dựng các mô hình trình diễn, tập huấn cho các hộ nông dân, HTX, tổ hợp tác và các tổ chức của nông dân về tiến bộ kỹ thuật trong canh tác lúa giảm phát thải, biện pháp canh tác bền vững, các kiến thức bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu, kiến thức quản trị, kinh doanh, thị trường, chuyển đổi số. Đồng thời, hình thành và phát triển lực lượng cán bộ thực hiện nhiệm vụ đo đạc, báo cáo, thẩm định và cấp tín chỉ carbon.

Tuy nhiên, để lực lượng nói trên hoạt động hiệu quả hơn, ông Nam cho rằng, cần được hỗ trợ thêm từ nguồn ngân sách thuộc chương trình nông thôn mới của các địa phương. Ông Nam nhấn mạnh, trong thời gian tới, lực lượng khuyến nông cộng đồng cần phát triển thêm để hỗ trợ tốt cho Đề án 1 triệu ha lúa.

Theo Trung tâm Khuyến nông Quốc gia, đến nay, tại 12 tỉnh, thành triển khai Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao đã thành lập được hơn 900 tổ khuyến nông cộng đồng với trên 10.000 thành viên. Hầu hết các tỉnh đã lồng ghép hoạt động của khuyến nông cộng đồng với các hoạt động chung của hệ thống khuyến nông.

Riêng tại các tỉnh Đồng Tháp, Tiền Giang, Hậu Giang, Kiên Giang, tổ khuyến nông cộng đồng đã phát huy khá tốt vai trò cầu nối giữa doanh nghiệp và nông dân, hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận với nông dân tại vùng nguyên liệu.

Lãnh đạo Bộ NNPTNT còn cho biết, đang xây dựng chiến lược phát triển lực lượng khuyến nông, hướng đến thông minh, trong đó có tính đến việc xây dựng lực lượng khuyến nông là người máy, robot. “Cũng phải đến lúc lực lượng khuyến nông là người máy, robot. Quan điểm chiến lược của Bộ NNPTNT là như vậy. Đây là định hướng, chúng tôi đang dự kiến tính toán để tham mưu Chính phủ. Tuy nhiên đến khi thực hiện được thì còn cần thời gian” – ông Nam nói.

Thí điểm Đề án 1 triệu ha lúa tại 5 địa phương

2 11
Thứ trưởng Bộ NNPTNT Trần Thanh Nam phát biểu tại hội thảo. Ảnh: Huỳnh Xây

Ông Lê Văn Đông, Phó Giám đốc Sở NNPTNT Trà Vinh cho biết, Trà Vinh dù trước đây không tham gia dự án VnSat (Chuyển đổi nông nghiệp bền vững tại Việt Nam) nhưng đã đăng ký tham gia Đề án 1 triệu ha lúa. Hiện nay, Trà Vinh có 57 tổ khuyến nông cộng đồng, tỉnh cố gắng mỗi xã có 1 tổ khuyến nông cộng đồng. Trung tâm Khuyến nông Trà Vinh đã phối hợp với các địa phương lựa chọn, vận động các thành viên tham gia các tổ khuyến nông cộng đồng, UBND các xã ra quyết định thành lập, ban hành quy chế hoạt động của tổ.

Chủ tịch UBND tỉnh Trà Vinh Lê Văn Hẳn cũng cho hay, sẽ chỉ đạo các ngành chức năng quan tâm, phát triển lực lượng khuyến nông cộng đồng. Song song đó, sẽ hỗ trợ hết mức trong thực hiện Đề án 1 triệu ha lúa mà Bộ NNPTNT triển khai tại địa phương. “Biến đổi khí hậu cùng với việc cạnh tranh gay gắt của sản phẩm lúa gạo trên thị trường, sản xuất lúa gạo ngày càng khó khăn hơn… đòi hỏi phải nhanh chóng thay đổi tư duy trong sản xuất, kinh doanh, tổ chức lại hệ thống sản xuất theo chuỗi giá trị, áp dụng các quy trình canh tác bền vững thích ứng với biến đổi khí hậu, giảm phát thải khí nhà kính, để từ đó nâng cao thu nhập và đời sống của người trồng lúa” – ông Hẳn nói.

Ngân hàng Thế giới (Word Bank) sẽ mua tất cả tín chỉ carbon trong Đề án 1 triệu ha lúa. Theo tính toán ban đầu, 1 tấn lúa có khả năng đạt được khoảng 10USD, 1 ha năng suất khoảng 10 tấn thì được tương đương 100USD.

Để việc đo đếm đạt và được chi trả tín chỉ carbon hợp lý ngoài việc bán lúa, Bộ NNPTNT yêu cầu người dân phải thực hiện đúng quy trình mà ngành nông nghiệp đưa ra. Về quy trình, Cục Trồng trọt cùng các đơn vị có liên quan sẽ ban hành dự thảo vào tháng 4 tới, sau khi lấy ý kiến rộng rãi các bên. Sau khi có dự thảo, Bộ NNPTNT sẽ tổ chức thực hiện thí điểm Đề án 1 triệu ha lúa tại 5 địa phương (trong đó có Trà Vinh). Mỗi địa phương thực hiện từ 50-70ha, để tính ra được kết quả giảm phát thải.

“Tháng 5 tới, bắt đầu làm thí điểm, đến tháng 8, tháng 9 sẽ có lúa giảm phát thải. Sau 3 vụ trồng liên tiếp, chúng ta ra được quy trình chính thức. Lúc này, Bộ NNPTNT sẽ có được định mức phát thải, trên cơ sở đó làm việc với Word Bank về việc chi trả tín chỉ carbon” – Thứ trưởng Bộ NNPTNT thông tin thêm.

Thứ trưởng Bộ NNPTNT yêu cầu, Trung tâm Khuyến nông Quốc gia, các trung tâm khuyến nông địa phương trao đổi, tham mưu cho lãnh đạo tỉnh tiếp tục củng cố các tổ khuyến nông cộng đồng tại địa bàn, tập huấn nâng cao năng lực để về sau thực hiện tốt cho đề án…

“Trước mắt còn nhiều vấn đề, nhưng phải tiến chứ không lùi, đơn vị nào chậm thì cố gắng theo, rất nhiều tổ chức quốc tế sẵn sàng tham gia, các địa phương tích cực tham gia các cuộc làm việc để nắm thông tin. Đầu tháng 4 tới, hàng loạt chính sách của đề án được triển khai, khuyến nông địa phương phải mường tượng ngay ở địa bàn phải làm những gì, nếu không thì không kịp” – Thứ trưởng Trần Thanh Nam lưu ý.

Theo Dân Việt

Bài viết cùng chủ đề:

    1 13

    Hồn quê

    Thuở nhỏ, mỗi lần nghe tiếng gà trống gáy vang trời, tiếng gà mái mẹ cục tác dẫn đàn con đi bới đất kiếm ăn là chúng tôi biết chắc rằng mặt trời phải lên cao tận đỉnh đầu. Nghe tiếng lọc cọc từ chiếc giỏ xe gắn hờ hững trước càng xe đạp, anh...
    2 11

    Nhớ lại khoảnh khắc bác sĩ Yesin ‘phát hiện ra Đà Lạt’

    Sau hai ngày đường, vào 15h30 ngày 21/6/1893, bác sĩ Yersin bước ra khỏi rừng thông và nhìn thấy một cao nguyên tuyệt đẹp: Cao nguyên Lâm Viên. Đây chính là khoảnh khắc “phát hiện ra Đà Lạt” được ghi lại trong sử sách. Là thành phố du lịch nổi tiếng của Việt Nam, Đà...
    10 2

    Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam tiếp nhận di ảnh màu ’10 Cô Gái Lam Hạ’

    Sáng 23/7 tại Hà Nội, Tổ chức “Trái tim Người lính” phối hợp với câu lạc bộ “Mãi mãi tuổi 20”; Tạp chí Môi trường và Đô thị, Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam… giới thiệu di ảnh màu “10 Cô Gái Lam Hạ”, Tác phẩm Nhật ký “Trở về trong giấc mơ” và trao...
    2 34

    Ứng dụng công nghệ 5.0 phát triển nông nghiệp bền vững

    Chiều 23/7/2024, Tạp chí Diễn đàn Doanh nghiệp phối hợp với các cơ quan liên quan tổ chức “Diễn đàn Nông nghiệp 2024: Nông nghiệp thông minh đột phá từ công nghệ 5.0” tại Hà Nội. Trên nền tảng công nghiệp 4.0, công nghệ 5.0 là cơ hội to lớn, gợi mở tầm nhìn về...
    2 33

    Vĩnh Phúc: “Làng văn hóa kiểu mẫu” tiếp tục được triển khai sâu rộng

    6 tháng đầu 2026, công tác chỉ đạo, tổ chức xây dựng “Làng văn hóa kiểu mẫu” theo tinh thần Nghị quyết số 19-NQ/TU ngày 16/3/2023 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy tiếp tục được triển khai sâu rộng. Song song là các hoạt động văn hóa, báo chí, thể thao từng bước ổn định...

Được quan tâm