Vì điều kiện xa xôi, mất nhiều năm sau và qua một vài lần đi qua chốn cũ không đúng thời điểm, tôi mới sắp xếp được thời gian để trở lại, canh đúng giờ cũ, trên con đường cũ để chụp cho được hình ảnh của ngôi tháp hoang phế cổ kính ấy. Đó chính là tháp Phú Lốc, tại làng Phú Thành, thị xã An Nhơn, tỉnh Bình Định.

Cũng từ đó, tôi bắt đầu bị mê hoặc bởi các di tích tháp Chăm cổ trên đất Bình Định và có những trải nghiệm thú vị về chúng.

Huyện Tây Sơn ngày nay còn lại 2 cụm tháp Chăm cổ: Dương Long và Thủ Thiện. Cụm tháp Dương Long tọa lạc trên một quả đồi thấp ở thôn An Chánh, xã Bình An, huyện Tây Sơn. Ba ngôi tháp cao vút lên trời xanh như 3 chiếc ngà voi khổng lồ, có thể vì thế mà người Pháp khi đến đây đã gọi cụm tháp này là Tháp Ngà.

Cụm tháp Dương Long có chiều cao xấp xỉ 40 m, cao nhất trong số tất cả tháp Chăm còn lại trên dải đất miền Trung. Kiến trúc tháp Dương Long khác biệt hoàn toàn với các tháp Chăm truyền thống, có lẽ do ảnh hưởng bởi kiến trúc Angkor. Bởi gần 200 năm từ giữa thế kỷ XII đến giữa thế kỷ XIV là thời kỳ chiến tranh liên miên giữa nước Chiêm Thành của người Chăm và nước Chân Lạp của người Khmer và có thời gian xứ Vijaya chịu sự chiếm đóng của người Khmer.

11 chot 2 16184953431871661486484
Cụm tháp Dương Long gồm 3 ngôi tháp được xây dựng từ khoảng thế kỷ XIII

Đối diện cụm tháp Dương Long qua sông Côn, tháp Thủ Thiện nằm giữa một cánh đồng làng Thủ Thiện, xã Bình Nghi, huyện Tây Sơn như lời ca dao:

“Vững vàng tháp cổ ai xây

Bên kia Thủ Thiện, bên này Dương Long”.

Tháp Thủ Thiện được xây dựng vào khoảng cuối thế kỷ XI đến thế kỷ XII, kiến trúc mang nét truyền thống: các tầng tháp thu nhỏ dần lên trên.

Dù ngôi tháp cổ ngày nay đứng lẻ loi, hoang lạnh giữa nương sắn ven hữu ngạn sông Côn nhưng nghiên cứu khảo cổ chỉ ra rằng việc thờ phụng tôn giáo của người Chăm xưa kia tại đây khá đặc biệt, vừa có những yếu tố của Ấn giáo lại vừa có những yếu tố của Phật giáo.

6thap thu thienbb 16185388838551358947301
Tháp Thủ Thiện

Trước kia, từng có một cây đa lớn mọc trên đỉnh tháp, bộ rễ của nó trùm kín phần lớn đỉnh tháp. Cơn bão năm 1985 đã thổi bay cây đa khổng lồ mà lạ thay, không làm ngôi tháp bị hư hại gì đáng kể.

Nhìn những ngôi tháp Chăm cổ đã đứng vững giữa đất trời gần ngàn năm, bất chấp sự tàn phá của khí hậu, của chiến tranh, càng cảm thấy khâm phục tiền nhân với kỹ thuật xây dựng và điêu khắc xuất sắc từ xa xưa, để lại cho hậu thế những di sản quý báu.

Tham quan những di tích tháp Chăm, đồng thời được hòa mình vào khung cảnh thiên nhiên vừa đẹp mộc mạc vừa thanh bình của đất võ Bình Định, càng thấy yêu đất nước, con người Việt Nam.

Hãy tranh thủ đi và khám phá quê hương, đất nước mỗi khi có dịp nhé các bạn. Việt Nam mình đẹp lắm!

Theo NLĐ