Mái đá Ngườm với địa tầng khảo cổ học cổ nhất Việt Nam

Huyền Linh 117 lượt xem 14 Tháng Tư, 2024

Công bố khảo cổ học cho thấy mái đá Ngườm tại Thái Nguyên đang có địa tầng khảo cổ học có niên đại cổ nhất Việt Nam.

Địa tầng khảo cổ học cổ nhất

TS Phạm Thanh Sơn, Viện Khảo cổ học, chỉ vào chiếc xô màu xanh trong hố khai quật tại địa điểm mái đá Ngườm (xã Thần Sa, H.Võ Nhai, Thái Nguyên) để giải thích với một cán bộ văn hóa. “Trước đây, các nhà nghiên cứu đã khai quật tới địa tầng ở mốc kia, chỗ có cái xô. Còn bây giờ chúng ta đã khai quật sâu hơn rất nhiều. Ở mốc cũ là niên đại khoảng 41.500 năm, còn bây giờ chúng ta đã tìm thấy địa tầng sâu hơn, có niên đại hơn thế”, TS Phạm Thanh Sơn nói.

1 6
Toàn cảnh di chỉ mái đá Ngườm khai quật năm 2024
SƠN PHẠM
Mái đá Ngườm đã qua 5 lần khai quật khảo cổ học. Đó là những lần khai quật vào năm 1981, 1982, 1985 – 1986, 2017 và lần này là 2024. Mái đá Ngườm, đúng như từ “mái đá”, có dạng hàm ếch nhô ra và có thể che mưa che nắng. Xung quanh mái đá có nhiều cây xanh. Mái đá Ngườm chỉ cách sông Thần Sa khoảng 70 m về phía bắc. Tại hội thảo khoa học từ năm 1982 ở Thái Nguyên, các nhà nghiên cứu đã xác lập thuật ngữ “kỹ nghệ Ngườm” trong chế tác công cụ đá của người cổ đại. Cũng thời gian đó, các nhà nghiên cứu cho rằng có thể thiết lập một nền văn hóa khảo cổ học là “Văn hóa Thần Sa”.

TS Phạm Thanh Sơn cho biết, kết quả phân tích đồng vị phóng xạ C14 từ các mẫu ốc và than tro tại hố khai quật vừa qua cho niên đại dao động từ 41.500 tới 22.500 năm (ứng với độ dày địa tầng năm 1981 – 1982). Như vậy, các lớp văn hóa sâu hơn sẽ có niên đại từ 41.500 năm trở lên. Thậm chí, có thể khẳng định toàn bộ trầm tích văn hóa sâu hơn này hoàn toàn có tuổi Pleistocene.

Theo TS Sơn, có cái khó là tại Việt Nam hiện nay, chúng ta không có chuyên gia và phương tiện hiện đại xác định tuổi cho mẫu trầm tích bằng các phương pháp như OSL hay Ur/Thr. Do đó, việc xác định niên đại cho các lớp văn hóa sớm bắt buộc phải gửi mẫu sang nước phát triển để phân tích. Để làm được việc này, chúng ta hoàn toàn phụ thuộc vào sự hỗ trợ của các chuyên gia và phòng thí nghiệm quốc tế có uy tín trong tương lai gần.

2 3
Công cụ mảnh có niên đại trên 41.500 năm

Tuy nhiên, theo TS Sơn: “Trong khi chờ các niên đại tuyệt đối thuộc các lớp văn hóa sớm nhất, chúng tôi dự đoán rằng tuổi của các lớp văn hóa 3, 4, 5 và 6 sẽ cổ hơn 41.500 năm. Cho đến nay, đây cũng là đại điểm mái đá/hang động duy nhất phát hiện các bằng chứng sớm nhất về quá trình cư trú, chế tác và sử dụng các công cụ đá có niên đại sớm nhất ở nước ta”. Điều này cũng có nghĩa mái đá Ngườm là địa tầng khảo cổ học có niên đại cổ nhất.

TS Sơn cũng có ý kiến về việc hiện nay khách du lịch đến tham quan di tích thường di chuyển xuống hố khai quật, thắp hương không đúng nơi quy định, khiến cảnh quan di tích mất đi vẻ đẹp tự nhiên. Do vậy, TS Sơn đề xuất, trước mắt các cơ quan quản lý cần thiết phải dựng thêm poster để giới thiệu về giá trị của di tích, đồng thời có những hướng dẫn cụ thể để du khách vừa có thể tham quan, vừa bảo vệ di tích, nhằm tránh những tác động và xâm hại không mong muốn.

Di tích quốc gia đặc biệt và bộ sưu tập bảo vật quốc gia

TS Nguyễn Gia Đối, nguyên quyền Viện trưởng Viện Khảo cổ học, cho rằng ở hố khai quật này hiện vật đá chưa nhiều. Điều này có thể do giai đoạn này còn ít người nên hoạt động sẽ ít hơn. Tuy nhiên, ông Đối nhận định, có thể phía dưới sẽ còn có hiện vật đá của trung kỳ đá cũ với niên đại từ 50.000 – 100.000 năm cách ngày nay. Ông Đối cũng lưu ý việc nghiên cứu so sánh với các kết quả khảo cổ trong khu vực.

Chuyên gia Nguyễn Thị Tuất, chuyên về địa chất và địa văn hóa, cho biết cần nghiên cứu thêm về tầng văn hóa có tìm thấy nhuyễn thể. “Ta cần nghiên cứu thêm vì nhiều khả năng cho thực trạng đấy. Ví dụ, giai đoạn đó người ta chưa có thói quen đi ra sông suối mò cua bắt ốc, hay nguồn thức ăn trên cạn nhiều thì họ không cần xuống suối bắt ốc làm gì. Đấy cũng là một hướng giải thích. Quy mô mái đá Ngườm và các cuộc khai quật trước giờ cho ta nhận thức liên tục và ngày càng nâng tầm giá trị của nó. Theo tôi, nên mở rộng khai quật, chú trọng việc tìm di cốt”, bà Tuất nói.

3 4
Hạch cuội có vết chế tác

Bà Tuất cũng nêu hướng bảo tồn phát huy mái đá Ngườm. “Mọi cái gọi là bảo tồn di sản, cuối cùng là mục đích khai thác du lịch để phục vụ phát triển bền vững. Muốn thế phải bảo tồn nó, xây dựng hạ tầng phục vụ khách du lịch, trong đó vẫn phải lưu ý bảo vệ môi trường. Nếu ở đây có cái khó thì phải thảo luận các ngành liên quan. Nghe nói trước đây sông Thần Sa rất trong xanh nhưng giờ thực trạng như thế thì xử lý cách nào”, bà Tuất nêu vấn đề.

PGS-TS Tống Trung Tín, Chủ tịch Hội Khảo cổ học VN, cho rằng kết quả khai quật mái đá Ngườm 2024 cho thấy tầng văn hóa dày hơn trước rất nhiều và cũng còn có thể sâu hơn nữa. Nhận thức mới về niên đại của mái đá Ngườm cũng sớm hơn nhiều so với trước. PGS-TS Tín kiến nghị: “Cần nghiên cứu chi tiết, mở hội thảo, tiến tới làm hồ sơ nâng cấp mái đá Ngườm thành di tích quốc gia đặc biệt. Thứ hai, cần nghiên cứu hiện vật, chú ý để có thể xây dựng hồ sơ bảo vật quốc gia. Thêm vào đó, cần tiếp tục điều tra xem có các ngườm tương tự để bảo vệ”.

Theo Thanh Niên

Bài viết cùng chủ đề:

Được quan tâm