Lễ hội Chá Mùn của người Thái ở Thanh Hóa là Di sản quốc gia

Huyền Linh 39 lượt xem 30 Tháng Tư, 2024

Lễ hội Chá Mùn của người Thái ở tỉnh Thanh Hóa vừa được đưa vào Danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, loại hình Lễ hội truyền thống, tập quán xã hội và tín ngưỡng.

Bộ trưởng Bộ VHTT&DL vừa ký quyết định về việc công bố Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia đối với Lễ hội Chá Mùn của người Thái ở xã Yên Thắng, huyện Lang Chánh, tỉnh Thanh Hóa.

Đây là một trong những lễ hội tín ngưỡng dân gian đặc sắc, tiêu biểu nhất của tộc người Thái đen ở xã Yên Thắng.

Theo truyền thuyết của người Thái đen, từ xa xưa con người ở trần gian (Mường Lúm) bị dịch bệnh, không phương thuốc cứu chữa, tổ tông người Thái đen đã cử người lên Mường trời cầu cứu.

1
Lễ hội Chá Mùn được đồng bào Thái tỉnh Thanh Hóa tái hiện tại Làng Văn hóa, Du lịch các dân tộc Việt Nam. Ảnh: TH

Pó Then (người cai quản Mường trời) đồng ý và ra lệnh cho quân mở cổng trời thả xuống trần gian một sợi lụa dẫn đường cho quân lính đi voi ngựa xuống giúp trần gian chữa trị bệnh cứu người.

Được Pó Then cứu sống, tổ tông người Thái đen đã cử những người có khả năng hành nghề lần theo sợi lụa lên Mường trời tạ ơn và học bí quyết. Khi đoàn người Mường Lúm (mo Mùn) đến Mường trời, Pó Then đã đồng ý và truyền những bí quyết, phương thuốc chữa trị.

Theo lời hứa, mỗi mo Mùn khi đã hành nghề từ 3 đến 5 năm trở lên, đủ 120 pan khai (mâm cúng) tương ứng với 120 lượt cúng và chữa trị bệnh thì phải tạ ơn Pó Then, đồng thời cũng giải hạn cho việc hành nghề của mình.

Ghi nhớ lời căn dặn, hằng năm mo Mùn tổ chức Lễ hội Chá Mùn để tạ ơn Pó Then và cầu mong cho nhân dân trong vùng khỏe mạnh, mùa màng bội thu, mọi nhà hạnh phúc.

Lễ hội Chá Mùn được tổ chức vào tháng 9, tháng 10 âm lịch, do mo chủ chọn ngày đẹp nhất và cho người đến nhà Lúc May (người bệnh được các mo Mùn chữa khỏi bệnh) báo tin.

Bằng lòng thành kính, biết ơn người đã cứu mình thoát khỏi bệnh tật, Lúc May chuẩn bị đồ lễ, cùng với gia đình mo chủ tổ chức lễ hội. Để tiến hành các nghi lễ, mo chủ mời từ 4 – 6 người là các mo Mùn đến giúp mình tổ chức.

Đúng ngày làm lễ, Lúc May từ các bản, trang phục sặc sỡ, đầu đội lễ đến nhà mo chủ làm lễ tạ ơn Pó Then. Khi Lúc May và nhân dân trong bản tập trung đông đủ, mo chủ cử hành nghi lễ nhận đồ lễ và báo cáo lên Pó Then.

Lễ vật cúng phải chuẩn bị đủ 31 mâm cỗ, trong đó, một mâm cỗ chính đặt gần cửa sổ gian giữa ngôi nhà, 30 mâm phụ gồm các loại hoa quả như chuối, mía, khoai lang, khoai sọ, cá nướng, xôi, thịt gà, thịt lợn, rượu…

Trung tâm của lễ hội là cây bông (gọi là Bọoc mạy). Trên cây bông trưng bày đủ loài hoa, chim muông, cá, ếch, voi, ngựa, thuyền bè và được đặt ở gian chính ngôi nhà sàn Mo chủ. Gần cây bông đặt 2 vò rượu cần, một vò cắm 4 cần dành cho Mo chủ mời ông Then, một chĩnh 8 cần mời khách đến dự lễ hội.

Lễ hội gồm nghi lễ mời ông Then trên trời và linh hồn các thầy Mo đã quá cố về dự lễ hội; gọi vía người bệnh và mọi người về tham gia lễ hội; đón người cai quản địa phương và khách tham dự lễ hội; tổ chức các trò chơi, trò diễn và cuối cùng là tiễn Pó Then, các linh hồn mo Mùn trở về Mường trời, chia tay lễ hội và hẹn mùa lễ hội sau.

Lễ hội Chá Mùn là một trong những lễ hội dân gian, văn hóa tín ngưỡng; là nơi mọi người trong bản, trong mường đoàn kết, vui tươi, phấn khởi. Đối với các mo Mùn, lễ hội là dịp để tổng kết quá trình hành nghề 3 năm hái thuốc và chữa trị bệnh.

2
Đồng bào Thái tổ chức các trò chơi, trò diễn và tiễn Pó Then, các linh hồn mo Mùn trở về Mường trời. Ảnh: ĐCS

Trong Chá Mùn chứa đựng cả văn hóa phi vật thể và văn hóa vật thể. Văn hóa phi vật thể toát lên từ các câu từ, âm nhạc, điệu múa, phản ánh sự tương tác giữa con người với con người, con người với thiên nhiên.

Giá trị văn hóa vật thể trong Chá Mùn, làm người xem khâm phục sự khéo tay của các nghệ nhân người Thái đã đan kết nên hình các loại vật, gọt tạo các loài hoa trang trí trên cây bông của lễ hội…

Theo Công luận

Bài viết cùng chủ đề:

Được quan tâm