Làng Tà Lài đẹp như phim của Ká Tuyền mang giấc mơ bảo tồn giá trị văn hóa bản địa ở Đồng Nai

Huyền Linh 183 lượt xem 8 Tháng Chín, 2024

Dự án du lịch cộng đồng làng Tà Lài – Tà Lài Eco Lodge ra đời là hoài bão của cô gái trẻ, góp phần bảo tồn văn hóa, tạo ra sinh kế và một tương lai tươi sáng hơn cho người dân trong làng.

1 11

Nghề truyền thống ở làng Tà Lài đang mất dần

Tà Lài là một trong những xã vùng sâu, nằm cách xa trung tâm huyện Tân Phú (tỉnh Đồng Nai) khoảng 20km. Đây là nơi sinh sống của bà con đồng bào 2 dân tộc Mạ và S’Tiêng.

Ông K’ Sơ, người Mạ, 70 tuổi, người làng Tà Lài (ấp 4, xã Tà Lài). Gia đình ông rất nghèo. Các con ông đi làm công nhân ở thành thị. Một mình ông ở nhà nuôi 6 cháu nhỏ.

Một ngày nọ, ông vào rừng tìm măng cho các cháu rồi đi lạc luôn trong rừng. Rừng Cát Tiên rộng lớn và hiểm trở. Lúc đó khoảng đầu tháng 9/2023, trời mưa bão, việc tìm kiếm rất khó khăn.

2 10

3 3
Cuộc sống còn nhiều khó khăn của cộng đồng người Mạ và S’Tiêng ở làng Tà Lài, huyện Tân Phú (Đồng Nai). Ảnh: NVCC

Sinh thời, ông nặng hơn 65kg. Sau 1 tháng tìm kiếm, Ka’ Tuyền và người làng đưa ông về, chỉ còn lại vỏn vẹn hơn… mười mấy kg xương. Đó là mất mát lớn của gia đình và người dân làng Tà Lài.

Chị Ka’ Tuyền, 31 tuổi, mang trong mình 2 dòng máu dân tộc bản địa của làng Tà Lài. Cha của Ka’ Tuyền là người S’tiêng, mẹ là người Mạ. Người làng thường trìu mến gọi chị là Ká (Ká Tuyền).

Từ nhỏ, Ká đã thấy, đã sống trong sự khó khăn của làng. Ká vốn là hướng dẫn viên du lịch rừng Cát tiên.

Người làng thường bảo, Ká học giỏi, có việc làm ổn định. Nếu có du khách nào muốn vào làng chơi, Ká nhớ cho các chú, các cậu làm hướng dẫn đi rừng. Bởi họ không muốn vì nghèo khổ mà phải đi rừng, lạc trong rừng, rồi chết trong rừng như ông K’ Sơ.

4 1
Chị Ká Tuyền vốn là hướng dẫn viên du lịch rừng Cát Tiên bên nghệ nhân dệt thổ cẩm của làng Tà Lài. Ảnh: NVCC

Làng Tà Lài của Ká Tuyền là nơi lưu giữ nét văn hóa độc đáo với nghề truyền thống dệt thổ cẩm và đan lát.

Riêng nghề dệt thổ cẩm đóng vai trò quan trọng trong đời sống của đồng bào. Họ chỉ dùng khung dệt làm bằng tre, gỗ để tỉ mẩn làm nên các tấm vải nhiều hoa văn, màu sắc.

Các họa tiết mộc mạc, thể hiện bản chất con người Mạ chân chất, gần gũi với núi rừng đại ngàn, mang giá trị lịch sử của một nền văn hóa tồn tại lâu đời.

5
Trang phục làm từ thổ cẩm của người Mạ ở Tà Lài. Ảnh:NVCC

Bà Ka’ Điều (58 tuổi), một trong những nghệ nhân của làng Tà Lài, đã gắn bó với nghề dệt thổ cẩm hơn 40 năm qua. Bà không biết rõ, dệt thổ cẩm của đồng bào Mạ có từ bao giờ.

Chỉ nhớ, khi lớn lên, bà và những cô gái Mạ khác đều được các bà, các mẹ truyền nghề, dạy cách dệt thổ cẩm. Từ năm 15 tuổi, bà Ka’ Điều đã thành thạo các kỹ năng. Ngày về nhà chồng, bà cũng tự may cho mình bộ váy cưới.

6
Một nghệ nhân người Mạ ở làng Tà Lài đang dệt thổ cẩm. Ảnh: NVCC

Đã 58 mùa rẫy đi qua, ngoài giờ lên nương, bà Ka’ Điều vẫn dành nhiều thời gian ngồi dệt vải. Đôi tay bà vẫn thoăn thoắt lướt trên khung dệt, nâng niu và gìn giữ khung cửi mẹ để lại ngày nào.

Bà Ka’ Điều kể, mấy năm nay, phụ nữ trong làng vừa dệt, vừa cố gắng truyền nghề cho con cháu. Nhiều năm làm Chi hội trưởng Chi hội phụ nữ ấp 4 (xã Tà Lài), bà vẫn miệt mài vận động chị em phụ nữ tiếp nối nghề truyền thống.

Thế nhưng, người dệt phải kiên nhẫn, đôi bàn tay phải khéo và có óc sáng tạo. Nghề truyền thống của đồng bào Mạ, S’tiêng ở Tà Lài không mang lại thu nhập cao, không phải ai cũng thích học và đam mê với nghề.

7
Nghề đan lát truyền thống của đồng bào S’tiêng ở làng Tà Lài. Ảnh: NVCC

Nhiều bạn trẻ từ 12-23 tuổi bảo nghề dệt thổ cẩm vất vả, sợ non tay nghề, sản phẩm không bán được nên không theo. Người từ 23-45 tuổi thì có gia đình phải lo, lại sợ không có đầu ra nên nhiều người chọn đi làm công nhân.

Chị Ká Tuyền kể, trước dịch Covid-19, trong làng có gần 60 ông bà còn đan lát và dệt được thổ cẩm. Đầu năm 2024, làng Tà Lài còn 16 ông bà đủ sức khỏe. Đến giờ thì chỉ còn hơn chục người ngồi đan, dệt.

Nỗi ám ảnh sau cái chết của ông K’ Sơ lại hiện về. “Ká rất sợ, sợ ông bà mất đi, nghề truyền thống của ông bà rồi cũng mất đi”, chị Ká Tuyền tâm sự.

Dự án du lịch cộng đồng làng Tà Lài – Tà Lài Eco Lodge

Xã Tà Lài (huyện Tân Phú) có địa hình cảnh quan đa dạng, với núi non hùng vĩ, dòng sông Đồng Nai uốn khúc chảy qua làm cho ruộng đồng xanh tốt. Làng Tà Lài nơi Ká Tuyền ở nằm trong khu vực vùng đệm của Vườn Quốc gia Cát Tiên, tách biệt với không gian đô thị.

8
Cánh đồng Tà Lài mùa lúa chín là một điểm đến mới nổi của huyện Tân Phú, tỉnh Đồng Nai. Ảnh: NVCC

Làng Tà Lài trở thành cung đường độc đáo cho loại hình du lịch trải nghiệm mới ở Đồng Nai. Du khách đến đây có thể cắm trại, lưu trú; đạp xe khám phá rừng, thác, hang động; hoặc chèo thuyền SUP trên sông, hồ và tìm hiểu đời sống văn hóa của cộng đồng địa phương.

9
Khách du lịch trải nghiệm cũng cảnh thiên nhiên hoang sở ở làng Tà Lài. Ảnh: NVCC

Là người con của làng Tà Lài, chị Ká Tuyền vẫn canh cánh hoài bão, làm sao để các ông bà không còn vất vả đi rừng, được làm nghề truyền thống; các chị có thêm thu nhập nuôi con nhỏ và các em có điều kiện bước lên giảng đường đại học như mình chứ không dừng ở tấm bằng cấp 3 rồi đi làm công nhân.

10 1
Chị Ká Tuyền lập dự án du lịch cộng đồng làng Tà Lài để mong giúp đỡ đồng bào có cuộc sống tốt đẹp hơn. Chị Ká Tuyền ngồi giữa những người phụ nữ Mạ. Ảnh: NVCC

Hiểu rõ tiềm năng du lịch địa phương và quyết tâm khai thác theo cách bền vững, chị quyết định ngừng việc sau 10 năm làm hướng dẫn viên rừng Cát tiên. Tháng 3/2024, chị thuyết phục, tập hợp một số thành viên trong làng, lập dự án du lịch cộng đồng: Tà Lài Eco Lodge.

“Tà Lài Eco Lodge không chỉ là dự án du lịch mà còn là thao thức của Ká hướng đến cộng đồng, để bảo tồn văn hóa, tạo ra sinh kế và một tương lai tươi sáng hơn cho người dân trong làng”, Ká Tuyền nói.

11 1

12 1
Nhà nghỉ sinh thái làng Tà Lài – Tà Lài Eco Lodge. Ảnh: NVCC

Tổ hợp tác du lịch cộng đồng Làng Tà Lài do chị Ká Tuyền điều hành hiện có 10 thành viên, đang định hướng phát triển lên HTX. Khu lưu trú homestay Tà Lài Eco Lodge cũng vừa được khai trương.

Tà Lài Eco Lodge đang đón gần 100 khách mỗi tháng. Con số này còn khiêm tốn nếu so với lượng khách cả ngàn người mỗi ngày đến VQG Cát Tiên, song là khởi đầu khá ấn tượng cho một dự án còn non trẻ.

Hiện khách tour chiếm 75% doanh thu của tổ hợp tác, 15% đến từ khách vãng lai, và 10% còn lại từ chuỗi cung ứng các dịch vụ đi kèm.

Trong đó, Tà Lài Eco Lodge đón hơn 30 khách nước ngoài/tháng. Họ rất quan tâm đến du lịch văn hóa bản sắc dân tộc và khám phá sự đa dạng thiên nhiên.

13

14
Du khách nước ngoài thích thú khám phá đời sống văn hóa cộng đồng ở làng Tà Lài. Ảnh: NVCC

Bà Ka’ Điều, giờ cũng thành viên tổ hợp tác, chia sẻ, có khoảng 30% khách du lịch quay trở lại. Điều này cho thấy làng Tà Lài đã có hướng đi đúng và bước đầu thành công trong việc thiết kế tour, lồng ghép nhiều trải nghiệm.

Thông qua du lịch, nhiều cơ hội việc làm mới đang tạo ra cho cộng đồng. “Người già trong làng vui vì có thể bán thêm được nhiều tấm vải, nhiều gùi, rổ đan lát thủ công”, bà Ka’ Điều kể.

Kết nối, phát triển lịch cộng đồng làng Tà Lài

Tuy nhiên, khó khăn hiện nay của dự án là các dịch vụ trải nghiệm còn ít, nhiều hạng mục xuống cấp. Tà Lài Eco Lodge cũng gặp hạn chế do đặc thù tính mùa vụ khi làm du lịch.

Cánh đồng Tà Lài mùa lúa chín là một điểm đến mới nổi của huyện Tân Phú. Nhưng do ảnh hưởng của mùa nước, người dân chỉ trồng được 2 vụ lúa mỗi năm. Mùa khô kéo dài khiến hồ, suối cạn nước. Du khách cũng chỉ tập trung vào cuối tuần nên chưa tối đa được doanh thu.

15

16

17
Từ vật dụng thường nhật, nay sản phẩm rổ, rá, gùi đan lát thủ công của người làng Tà Lài có thể bán làm quà lưu niệm. Ảnh: NVCC

18

19
Hoạt động du lịch giúp nhiều phụ nữ làng Tà Lài có thêm việc làm để kiếm thêm thu nhập. Ảnh: NVCC

“Chúng tôi tận dụng cảnh quan có sẵn để kết nối, xây dựng điểm nhấn du lịch riêng khi đến với Tà Lài – Vườn Quốc gia Cát Tiên, và cũng cần thêm nguồn vốn hợp tác đầu tư”, Ká Tuyền tâm sự.

Tại cuộc thi Phụ nữ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tỉnh Đồng Nai tháng 8 vừa qua, dự án của chị Ká Tuyền đã xuất sắc giành giải Nhì.

21

20
Dự án Làng du lịch cộng đồng Tà Lài của chị Ká Tuyền giành giải Nhì cuộc thi Phụ nữ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tỉnh Đồng Nai vừa qua. Ảnh: NVCC

Cuộc thi nhằm thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu phụ nữ toàn quốc lần thứ XIII, và Đề án 939 của Chính phủ về “Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp giai đoạn 2017-2025.

Theo TS. Nguyễn Văn Tân – Trưởng khoa Quản trị – Kinh tế Quốc tế (Trường Đại học Lạc Hồng, Đồng Nai), thành viên Hội đồng giám khảo, việc khai thác giá trị văn hóa bản địa để phát triển du lịch là một trong các chiến lược của tỉnh.

Dự án Làng du lịch cộng đồng Tà Lài có tiềm năng lớn trong việc bảo tồn giá trị văn hóa của người dân tộc tại làng Tà Lài. Nếu khai thác hiệu quả, dự án có thể tạo công việc cho nhiều người dân trong làng, với mức thu nhập từ 7-9 triệu đồng/tháng.

Đặc biệt, lớp học cộng đồng dạy tiếng Anh và tiếng địa phương vẫn đang được duy trì. Lớp học diễn ra ngay tại những ngôi nhà nhỏ trong làng. Việc tổ chức các lớp học giúp cộng đồng nâng cao trình độ ngôn ngữ và giao tiếp, tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển du lịch.

22

23
Lớp học cộng đồng dạy tiếng Anh và tiếng địa phương cho trẻ em trong làng Tà Lài. Ảnh: NVCC

Tuy nhiên, điểm hạn chế của dự án là còn khá mới mẻ, khâu truyền thông chưa thật tốt. Dự án triển khai trên địa bàn vùng sâu, vùng xa của tỉnh nên khó tránh khỏi những khó khăn bước đầu.

“Việc tham gia cuộc thi lần này cũng là một cách để dự án tăng cơ hội truyền thông, tiếp cận các đơn vị lữ hành, cùng các hoạt động hỗ trợ vốn và gói đào tạo sau cuộc thi để phát triển”, TS. Tân chia sẻ.

Theo Dân Việt

Bài viết cùng chủ đề:

Được quan tâm