Có một ngôi làng được gọi là làng Sen. Làng Sen như thể quê chung, bao năm rồi vẫn vậy. Vẫn còn đó “rào râm bụt đỏ hoa quê”; vẫn còn đó ngõ đường đượm hương sen ngan ngát; những lò rèn cụ cố Điền, cây mít bên giếng nước, khung cửi bà Loan dệt vải năm nào… Tất cả đã nhuốm màu thời gian nhưng hình bóng Người như vẫn đâu đây, thật gần.
Tháng 5 về, hương sen ngan ngát. Làn hương ấy dịu nhẹ, mơ màng như xua tan oi nồng, ngột ngạt của một miền quê gió Lào bỏng rát. Tháng 5 cũng là mùa gặt, hương sen quyện hương lúa nồng nàn.
Hương sen như thấm vào trong ngực mà tâm tình, mà thủ thỉ, mà dẫn dắt ta men theo những bờ rào xanh mướt, dưới những rặng tre rì rào ngày hạ. Lòng ta chợt lắng lại, bồi hồi khi thả bộ “đi giữa ân tình giữa bát ngát hương sen”.
Và rồi, bước chân cứ dẫn lối, đưa ta về miền kí ức; nơi ấy có một con Người cả dân tộc tôn vinh. Nơi ấy có một mái nhà đơn sơ, hiện thân của những mái nhà Việt Nam bình dị.
Đi qua cổng chính, hai bên lối là hàng “rào râm bụt đỏ hoa quê”. Nơi ấy còn là mảnh sân và khu vườn nhỏ với cây cau, vồng khoai, gốc mít… Mấy gian nhà tranh đơn sơ nép mình dưới rặng tre sau nhà bốn mùa xào xạc….
Dưới nếp nhà tranh mộc mạc nơi “làng Sen quê Cha”, Người đã cất tiếng khóc chào đời. Những kỉ vật bình dị với án thư, tấm phản thường ngày cụ Sắc ngồi dạy học, với cánh võng đưa năm tháng tuổi thơ của Người; chiếc rương đựng lương thực, chiếc tủ đứng hai ngăn đựng đồ dùng, chiếc mâm bằng gỗ sơn đen… như làm ta sống lại cả một trời kí ức:
… “Gặp lại tiếng thoi mẹ ngồi dệt vải/Gặp lại giọng trầm đêm trăng cha đọc thơ/Gặp lại tuổi xuân đi nghe hát đò đưa”…
Nơi ấy, Bác đã sống những năm tháng tuổi thơ trong tiếng ru à ơi của mẹ, trong câu chuyện kể của bà. Nơi ấy, những lời dạy bảo nghiêm khắc của ông, của cha; của “người thầy đầu tiên” – Vương Thúc Quý, đã nâng những giấc mơ, bồi đắp tâm hồn để hình thành nên một nhân cách Hồ Chí Minh sau này.
Bao năm rồi, làng Sen vẫn vậy. Vẫn còn đó “rào râm bụt đỏ hoa quê”; vẫn còn đó ngõ đường đượm hương sen ngan ngát; những lò rèn cụ cố Điền, cây mít bên giếng nước, khung cửi bà Loan dệt vải năm nào… Tất cả đã nhuốm màu thời gian nhưng hình bóng Người dường như vẫn còn đâu đây, thật gần.
Tháng 5 về ta lại nhớ Bác khôn nguôi! Tháng 5 này, cả dân tộc đón mừng 131 năm ngày sinh nhật Bác.
… “Bác để tình thương cho chúng con/Một đời thanh bạch, chẳng vàng son/Mong manh áo vải hồn muôn trượng/Hơn tượng đồng phơi những lối mòn”…
Tiếng cô thuyết minh đều đều như đưa du khách đi qua những miền kí ức, mà tất cả đều in đậm bóng hình Người. Không ít người trong các đoàn lữ khách từ khắp mọi miền đất nước về đây, lặng lẽ đưa tay lau nước mắt, lặng lẽ như đắm chìm trong những suy tưởng bâng khuâng, da diết về Người.
Cán bộ, nhân viên Khu di tích Kim Liên kể lại bao câu chuyện xúc động. Có người khách đã về thăm quê Bác hơn mười lần rồi, nay vẫn gặp họ đứng trước nếp nhà tranh đơn sơ quê nội làng Sen hay quê ngoại Hoàng Trù, vẫn bồi hồi xúc động như mới đến lần đầu.
Chị Nguyễn Thị Minh Huệ, nay đã nghỉ hưu, nhưng là người thuộc thế hệ thuyết minh viên đầu tiên ở đây, có lần kể: “Khi tiếp một đoàn khách nọ, có một vị khách ngậm ngùi nói: Tôi về thăm quê Bác lần này là thăm cho cả con trai. Hồi chiến tranh trong một lần hành quân vào Nam, đêm dừng chân tại Nghệ An, con trai tôi bảo: Bố cho con ghé thăm nhà Bác. Nhưng lúc đó vì kỷ luật quân đội, tôi không thể chiều theo. Tôi nói với con: Quét sạch giặc thù, rồi con về thăm Kim Liên cũng chưa muộn. Nhưng con trai tôi không về nữa. Cháu hy sinh tại Thành cổ Quảng Trị khi ước nguyện của cháu không thành. Bây giờ, tôi về quê Bác còn mang theo tình cảm thiêng liêng đó”.
Ðến với Kim Liên, ai cũng thành kính, diết da thương nhớ khôn nguôi vị Cha già dân tộc. Ðược nghe kể về quãng đời thơ ấu của Người qua những hiện vật và lời của các thuyết minh viên, ta càng cảm phục và kính yêu Bác hơn.
Tháng 5 này, chúng tôi đã gặp, trong những đoàn khách về lại Nam Đàn, có rất nhiều người đến từ các vùng trên cả nước. Tất cả như lặng người, đắm mình trong không gian làng Sen, bên nhà Bác, xúc động bùi ngùi không muốn rời chân…
Chị Tạ Khánh Linh, quê ở Tịnh Biên, An Giang, rưng rưng: “Ước nguyện một lần được về thăm quê Bác đã thành sự thật. Xúc động lắm, thương Bác cả một đời đã hy sinh tình riêng vì dân vì nước”.
Làng Sen, Hoàng Trù tự bao giờ đã như là quê chung trong tâm thức của đồng bào cả nước. Với nhiều du khách nước ngoài, đây là một địa chỉ mà nếu chưa đến thì coi như chưa đến Việt Nam.
Trong câu chuyện với những thuyết minh viên giờ giải lao, tôi được biết thêm một câu chuyện thật cảm động. Đó là một vị khách người Nhật Bản, khi thăm nhà Bác ở làng Sen, đã tha thiết xin được ngồi lên chiếc phản mộc một lần, chỉ để có được giây phút thiền tâm, tĩnh lặng để được cảm nhận hơi ấm Hồ Chí Minh.
Vậy đó, làng Sen đã trở thành một địa chỉ hằn sâu trong tâm khảm mỗi người con đất Việt, cũng như bạn bè quốc tế. Trở về làng Sen, ta lại gặp ở đây giọng nói của trăm quê; gặp lại ở đây xúc cảm của bao lứa tuổi. Trở về làng Sen, mỗi người như bắt gặp đâu đó hình bóng của chính quê hương mình: mộc mạc đến đơn sơ, bình dị đến gần gũi…Ta cũng như thấy đâu đó, hình bóng Bác giữa “làng Trù quê mẹ và làng Sen quê cha”, để rồi bao xúc cảm bồi hồi bỗng trào dâng, bao niềm kính yêu, thành kính chợt ùa về.
Về làng Sen cũng là tìm về cội nguồn kí ức. Nơi ấy có một con Người được cả dân tộc tôn vinh! Nơi ấy chính là quê chung!
Theo báo dân tộc