1. Làng và sở hữu làng trong chiều dài lịch sử
Làng với hình tượng cây đa – bến nước – sân đình – lũy tre bao quanh trở thành không gian dân chủ tự quản của người dân trước mọi tham vọng tập quyền, bất kể đó là phong kiến phương bắc hay phong kiến bản địa.
Quyền tự quản của làng mạnh đến mức, trong quá khứ quan triều đình cũng phải thốt lên “phép vua thua lệ làng” theo đúng nghĩa đen của nó.
Để có được những đặc tính nói trên, quyền sở hữu của làng là một khía cạnh rất quan trọng để giúp làng trường tồn, bên cạnh các khía cạnh văn hóa, xã hội học… Vì muốn cố kết văn hóa làng thì phải có không gian sinh hoạt văn hóa làng: phải có đình làng; muốn có đình làng thì phải có đất xây đình làng; muốn có đất xây đình làng và xác lập quyền sở hữu đối với làng thì làng phải có quyền sở hữu đối với mảnh đất mà trên đó đình làng được xây dựng1. Khía cạnh này luôn được nhà cầm quyền tôn trọng trong suốt chiều dài lịch sử người Việt, ngay cả thời kỳ bắc thuộc dã man.
Trải qua hơn hai nghìn năm bất khuất, ngày nay làng Việt Nam đang phải đối mặt với những thách thức sống còn chưa hề trải trong lịch sử: toàn cầu hóa và sở hữu đất đai. Trong phạm vi bài viết này, tác giả chỉ tập trung phân tích thách thức thứ hai.
2. Phận làng trước chính sách đất đai mới
Song song với việc đẩy mạnh mặt trận “phản đế, phản phong”2 về phương diện chính trị, kinh tế, cuộc cách mạng văn hóa (bài trừ văn hóa phong kiến, thuộc địa) nhằm hướng tới nền văn hóa mới cũng được tiến hành. Trong cuộc cách mạng này, làng trải qua những bước chuyển ngàn năm và mang phận mới.
Thứ nhất, triết học nền tảng cho giai đoạn mới chủ trương vô thần vô thánh, dẫn tới việc không khuyến khích duy trì các không gian sinh hoạt tâm linh, đặc biệt đình chùa chiền và các không gian thể hiện, lưu giữ văn hóa phong kiến, kể cả thư viện3 bị những người cực tả đập phá trong giai đoạn đầu.
Thứ hai, song song với nỗ lực thiết lập phương thức sản xuất mới, lấy hợp tác xã và doanh nghiệp nhà nước làm trọng tâm, về mặt thiết chế, hợp tác xã cố gắng thay vai trò của làng; lý trưởng, chánh tổng bị bắt; các thiết chế hội đồng tộc biểu, thủ chỉ làng bị xóa. Trụ sở hợp tác xã, sân kho hợp tác xã trở thành nơi sinh hoạt văn hóa mới. Làng từ đây không còn là một đơn vị hành chính.
Thứ ba, quyền sở hữu của làng từng bước bị xóa sổ. Thoạt tiên, những người dân vô đạo, bất chấp thần thánh xâm canh, tăng gia sản xuất trên vườn chùa, sân đình. Sau đó, phần cơ sở vật chất còn sót lại của đình chùa được thay đổi công năng; có nơi thành kho của hợp tác xã. Bước tiếp theo, xóa bỏ quyền sở hữu đất đai của làng. Sau cùng, Luật đất đai, Bộ luật dân sự, Bộ luật tố tụng dân sự, Luật khiếu nại, Luật tố tụng hành chính biến làng thành một thực thể vô năng về mặt pháp luật: Làng không những mất quyền sở hữu mà còn không thể đứng tên trong bất kỳ loại giấy chứng nhận quyền sử dụng đất nào; làng không phải là cá nhân, không phải là pháp nhân, chẳng phải là tổ chức theo nghĩa của các quy định pháp luật hiện hành; làng không thể đứng đơn khởi kiện trước bất kỳ tòa án hay thủ tục khiếu nại nào.
Ngày nay, đình chùa làng nào nổi danh sẽ được nhà nước xếp hạng di tích văn hóa đồng thời quyền quản lý cũng rời khỏi tay làng4. Đình chùa nào chưa được xếp hạng, tiếp tục được dân làng hương khói, tôn tạo, thì cũng chỉ ăn nhờ ở đậu trên đất thuộc sở hữu của chủ thể khác: thuộc sở hữu toàn dân. Căn hộ chung cư còn có sổ hồng gắn liền với quyền sử dụng đất; đình làng chưa được xếp hạng thì chẳng có sổ hồng, cũng không sổ đỏ. Làng vô danh trong Luật đất đai 2003.
Ấy vậy, dân làng quen miệng vẫn nói “đình làng ta”, mà đâu biết rằng nền đất dưới đó đâu còn thuộc sở hữu của làng; họ đang nói sai chủ trương, pháp luật của nhà nước.
Chỉ bằng một quyết định hành chính, thì ông chủ sở hữu thông qua người đại diện là nhà nước, có thể thu hồi đất, mà không phải đền bù cho bất kỳ ai. Đình làng sẽ đi về đâu trong bối cảnh đô thị hóa, tấc đất tấc vàng? Làng mất quyền sở hữu đất ngàn năm – cội nguồn văn hóa Việt sẽ nương chốn nào?
3. Làng trong hiến pháp
Làng là một thành tố quan trọng của dân chủ, vì không có dân chủ ở cơ sở thì sẽ không có dân chủ ở vĩ mô. Bởi vậy, hiến pháp các nước văn minh đều trực tiếp hay gián tiếp, minh thị hay mặc thị bảo đảm sự tồn tại của làng.
Đa số hiến pháp bảo đảm gián tiếp cho sự tồn tại của làng thông qua việc ghi nhận chế độ đa sở hữu về đất đai, quyền lập hội của công dân, nguyên tắc tự quản địa phương.
Một số ít, mà điển hình là Hiến pháp CHLB Đức 1949 đã quy định một cách trực tiếp rõ ràng địa vị pháp lý của làng xã. Điều 28 Khoản 3 GG đã nhân cách hóa làng xã (Gemeide) và ghi nhận các bảo đảm tương tự như nhân quyền (Grundrecht) đối với làng xã.
Việc nhắc tên làng trong hiến pháp sẽ là vô nghĩa, nếu làng không có các bảo đảm cần thiết về tài chính, sở hữu, tự quản, dân chủ trên thực tế. Bởi vậy, Khoản 1 và Khoản 2 Điều 28 Hiến pháp CHLB Đức 1949 quy định trực tiếp các bảo đảm này:
(1) …Ở các làng xã (Gemeide) phải có các cơ quan dân cử, cơ quan này hình thành từ các cuộc bầu cử phổ thông, bình đẳng, tự do, trực tiếp và kín… ở các làng xã các Hội nghị dân cư (trực tiếp) có thể thay thế vị trí cho các cơ quan dân cử.
(2) Các làng xã phải được bảo đảm quyền tự điều hành và chịu trách nhiệm trong khuôn khổ các đạo luật về các quan hệ nội bộ. Các liên minh làng cũng được quyền tự quản trong lĩnh vực luật định phù hợp với phạm vi ấn định bởi các đạo luật. Bảo đảm quyền tự quản bao gồm các cơ sở cho khả năng tự chịu trách nhiệm về tài chính; các cơ sở này bao gồm (nhưng không hạn chế) nguồn thu thuế liên quan các nguồn lực kinh tế được ấn định bởi làng xã5.
Đi tìm kiếm những điều tương tự trong hiến pháp hiện hành của Việt Nam cũng như trong Dự thảo sửa Hiến pháp 1992, chúng ta thấy lần lượt các thực thể pháp lý: nhân dân, nhà nước, Đảng, Mặt trận tổ quốc, Công đoàn, Đoàn thanh niên, dân tộc, công dân, con người… nhưng tuyệt nhiên không thấy bóng dáng làng, dù là một gợi ý nhỏ. Bộ máy nhà nước chỉ bao gồm bốn cấp: Trung ương – tỉnh – huyện – xã. Hiến pháp không coi thôn, làng, ấp, bản, phum, sóc là một cấp chính quyền, cũng không có dòng nào nói về tự quản của làng xã, đồng thời phủ nhận chế độ đa sở hữu về đất đai.
Quan trọng hơn, làng là một thực thể không có năng lực pháp lý, đặc biệt không có quyền sở hữu; hay nói cách khác cơ sở pháp lý của làng bị triệt hạ ngay từ trong hiến pháp. Đây chính là điểm khác nhau giữa Hiến pháp 1946 và các bản Hiến pháp 1959, 1980, 1992. Tuy không nhắc đến làng, nhưng Hiến pháp 1946 vẫn tạo cơ sở pháp lý cho sự tồn tại của làng tại Điều 10 và Điều 12. Quyền tự do lập hội rộng rãi và thực chất6 tại Điều 10 Hiến pháp 1946 cho phép công dân có thể liên kết với nhau dưới nhiều hình thức, trong đó có hình thức cộng đồng cư trú – làng. Quyền tự do tư hữu, bao gồm tư hữu đất đai của công dân tại Điều 12, cho phép công dân tạo lập quyền sở hữu đất đai cho làng theo hình thức sở hữu hợp chung hợp nhất không thể phân chia.
Làng như đứa trẻ bị bỏ rơi, không có giấy khai sinh. Nhưng không có giấy khai sinh không có nghĩa không tồn tại; làng vẫn tồn tại ngạo nghễ bất chấp hiến pháp nói gì. Sự tồn tại thực tế làm nhà nước phát sinh nhu cầu thiết lập kênh liên lạc với làng. Sau khi mô hình hợp tác xã nông nghiệp sụp đổ ở nông thôn, các chức danh trưởng thôn, trưởng bản được tái thiết lập7. Để nuôi sống sợi dây liên lạc này, nhà nước phải có chế độ phụ cấp tiền lương cho trưởng thôn, trưởng bản. Ngoài ra, song song với chủ trương xây dựng nền văn hóa đậm đà bản sắc dân tộc sau thời kỳ Đổi mới, nhà nước cũng đặt ra một số danh hiệu như làng văn hóa, khu phố văn hóa… Như vậy, bởi sự tồn tại thực tế của làng cùng với nhu cầu quản lý của nhà nước, làng không biến mất hoàn toàn trong hệ thống pháp luật, mà được đề cập một cách gián tiếp trong các văn bản dưới luật liên quan chế độ phụ cấp các chức danh trưởng thôn, trưởng bản, bí thư thôn…
Việc đánh giá thấp vai trò của làng, dẫn tới nhà nước lấy cấp xã thay cho cấp làng để củng cố dân chủ cơ sở; việc dành cho làng địa vị pháp lý mờ nhạt, dẫn tới nhà nước gặp không ít khó khăn trong việc duy trì liên lạc ổn định với làng, dẫn tới sinh hoạt cộng đồng của nông dân gặp khó khăn khi họ muốn tự tổ chức.
4. Sở hữu làng trong thực tế – những giá trị cần khuyến khích
Pháp luật đất đai hiện hành không thừa nhận quyền sở hữu đất, quyền sử dụng đất của làng; Bộ luật dân sự không thừa nhận quyền sở hữu của làng nhưng chỉ với các văn bản quy phạm pháp luật đó, không thể nào đủ sức mạnh xóa sạch sở hữu làng. Bằng sức mạnh của lòng dân, sự tự nguyện, sở hữu làng vẫn tồn tại trên thực tế (sở hữu de facto)8.
Tuy nhiên quyền sở hữu de facto của làng, hoàn toàn dựa trên sự tự nguyện, mà không đủ mạnh để giải quyết những bất đồng phát sinh, củng cố khối đoàn kết của làng. Nếu có tranh chấp sở hữu liên quan cồng chiêng của làng, số tiền đóng đậu để bê tông hóa đường làng… lập tức làng trở về thân phận câm lặng trước mọi thủ tục tố tụng pháp lý của nhà nước. Sở hữu và duy trì tập tục làng tìm kiếm sự bảo vệ từ các định chế phi quan phương, không trông chờ từ nhà nước.
Kết luận:
1. Sở hữu đất đai của làng và của các loại hình cộng đồng nói chung, có nhiều nét tương đồng với sở hữu tập thể, không có gì xung đột với “sở hữu xã hội chủ nghĩa”.
2. Làng – nơi gìn giữ văn hóa Việt và là một thiết chế có sức sống mãnh liệt xuyên suốt hơn hai nghìn năm. Dù mất đất, mất chỗ đứng trong hiến pháp, làng luôn có một vị trí không thể thay thế trong lòng người Việt. Pháp luật của nhà nước nên thuận lòng dân, ghi nhận sở hữu của làng, trong đó có sở hữu đất đai của làng. Ghi nhận sở hữu đất đai của làng không có gì làm mất màu sắc xã hội chủ nghĩa. Chúng ta không nên lựa chọn cách đối đầu, xa lánh với làng, mà phải dựa vào làng.
3. Các cấp hành chính như xã, tổng, huyện, phủ, tỉnh, lộ, bộ, kỳ là các thực thể nhân tạo; việc thành lập hay giải thể tùy thuộc vào nhu cầu quản lý của nhà nước từng thời kỳ. Nhưng làng là một thực thể tồn tại ổn định suốt hàng ngàn năm, bởi vì nó là đơn vị quần cư tự nhiên, từ đặc tính sinh học sống theo bầy đàn của loài người. Làng không phải là tự nhiên nhân (thể nhân/con người), nhưng sự hình thành tự nhiên song song với loài người và đặc tính ổn định của nó, nên làng cần được đối xử như thể là một con người. Con người có nhân quyền bất khả xâm phạm, thì làng có quyền tồn tại, quyền được có giấy khai sinh, quyền tự quản, tự duy trì trật tự nội bộ của mình, và trước hết là quyền sở hữu.
—
* Khoa Luật kinh tế, Đại học Kinh tế TP.HCM
1 Bên cạnh đình làng thì chùa cũng có đất riêng, gọi là đất tam bảo. Xem Hồng Đức Thiện Chính Thư, Năm Hồng Đức thứ 2 (1471), Lệ về ruộng đất, Chương điền sản Điều 5: “Lấn chiếm ruộng tam bảo thì cho trình báo và phạt đánh kẻ đó 80 trượng, xử tội đồ”, dẫn theo Nguyễn Ngọc Nhuận – Lê Tuấn Anh – Trần Thị Kim Anh (2006), Một số văn bản điển chế và pháp luật Việt Nam, Tập I, NXB Khoa học Xã hội, tr. 441.
2 Chú giải: phản đế quốc, phản phong kiến.
3 Bản thân tác giả đã chứng kiến tàn tích bị đốt cháy của thư viện sách hơn một vạn cuốn khắc trên bản gỗ lim của gia đình tác giả Hoa Tiên Truyện – Nhà thơ Nguyễn Huy Tự ở làng Trường Lưu.
4 Nhà nước đã can thiệp về thời gian, nghi lễ, số lượng chất lượng phát ấn đền Trần. Xem http://dantri.com.vn/su-kien/cong-bo-thoi-diem-phat-an-den-tran-nam-nham-thin-557723.htm
5 Thường các làng xã có quyền quyết định thuế suất và thu thuế nhà, bất động sản.
6 Trong giai đoạn đầu.
7 Khi HTX còn tồn tại, kênh liên lạc với làng được thiết lập qua các đội sản xuất.
8 Ở làng của tác giả vẫn còn quỹ ruộng khuyến học của làng (không nằm trong sổ sách của nhà nước). Ai thi đỗ đại học, làng cho bố mẹ mượn quỹ ruộng này cày cấy, miễn mọi loại tiền đóng đậu, coi như là một hình thức làng hỗ trợ phụ huynh nuôi con em đi học đại học.
Theo Ấn phẩm báo khoa học và phát triển