Làng hến Tân Phú (xã Tam Phú, thành phố Tam Kỳ, Quảng Nam) nằm bên dòng sông Trường Giang thơ mộng, bao đời nay gắn liền với nghề khai thác và tách ruột hến, tạo việc làm cho hàng trăm người dân.
Thôn Tân Phú có hơn 330 hộ dân nhưng có trên 150 gia đình thường xuyên làm nghề cào hến. Hến ở các dòng sông Bàn Thạch, Trường Giang chảy qua làng sinh sản quanh năm, riêng từ tháng 4 đến tháng 8 hằng năm là mùa khai thác đạt sản lượng cao nhất.
Ông Trần Văn Nên (57 tuổi, thôn Tân Phú, xã Tam Phú) cho biết, dụng cụ để cào hến là một tấm lưới đan thành túi dài khoảng 3m, rộng 1,2m, liên kết với vành sắt thả chìm dưới đáy sông, dùng thuyền máy chạy vòng quanh để vớt hến.
Làng chuyên nghề đảo nước, lọc ruột tại Quảng Nam (Video: Ngô Linh).
Qua một đêm, mỗi thuyền khai thác được 30-35 ang (một ang khoảng 8kg), bán cho thương lái theo giá thời điểm hiện tại 40.000 đồng/ang.
Theo chân người thợ, chúng tôi ghé thăm một lò nấu hến đang đỏ lửa. Những người phụ nữ luôn tay đảo nồi hến nóng rực, bốc hơi nghi ngút. Nấu chín, đãi tách vỏ, họ đã làm công việc này hàng chục năm, trở thành nơi thu mua, chế biến hến cho hàng chục hộ khác làm nghề cào hến trên sông.
Tại làng Tân Phú hiện nay có 5 lò chế biến hến cung cấp cho thị trường.
Lò nấu hến của bà Trần Thị Thêm (52 tuổi) nằm sát bờ sông đã hoạt động hơn 20 năm qua. Mỗi ngày, lò của bà Thêm thu mua khoảng 4 tấn hến, có 5 người làm việc.
Bà Thêm cho biết: “Hến được thu mua từ các thợ cào với giá 40.000 đồng/ang. Một tấn hến sau khi nấu cho khoảng 80kg ruột. Mỗi ngày lò của bà tách được 3-4 tấn hến, ruột hến loại nhỏ bán 60.000 đồng/kg, loại lớn 70.000 đồng/kg”.
Có thâm niên hơn 20 năm làm nghề tách ruột hến, theo bà Trần Thị Nga (62 tuổi), 7kg hến vỏ, lấy được 1kg hến ruột. Các công đoạn đãi hến tưởng như đơn giản nhưng cũng là tinh hoa của nghề, qua hàng chục năm gắn bó.
Hến được cho vào nồi gang to chứa được hơn 100kg, sau đó thợ nấu hến phải đảo liên tục trong vòng 10 phút để hai miếng vỏ mở ra. Khi hến đạt độ chín, dùng vợt vớt hến ra khỏi nồi để thợ đãi tiếp tục tách ruột hến.
Để lấy ruột, người thợ cho hến đã luộc vào chậu nước đảo đi, đảo lại nhiều lần. Quá trình đảo, ruột hến nhẹ nên nổi lên trên và được người thợ hất ra ngoài, còn vỏ nặng nên nằm lại phía trong rổ.
Ruột hến mới tách vẫn chứa nhiều chất bẩn. Để loại bỏ, người thợ cho vào chậu nước muối đảo nhiều lần, đến khi hến được sạch, màu trong đẹp mắt là đã đạt yêu cầu.
“Tiền công đãi được trả 3.000-4.000 đồng/ang. Trung bình một ngày tôi có thể thu nhập được 200.000-300.000 đồng. Ai làm nghề này một thời gian cũng bị thoát vị đĩa đệm, đau cột sống… cực nhọc lắm, nhưng vì mưu sinh nên cố gắng thôi”, bà Nga tâm sự.
Từ những lò lửa nghi ngút khói này, hến đi đến muôn nơi, theo chân thương lái ra Đà Nẵng, ngược vào Quảng Ngãi, tỏa đi các chợ gần chợ xa. Lửa lò đỏ quanh năm, cũng là nguồn sống của hàng trăm lao động, mang lại cuộc sống no đủ cho bao gia đình.
Tháng 12/2023, nghề hến làng Tân Phú được Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Quảng Nam công nhận là làng nghề truyền thống. Đây là một trong những nghề chủ lực đem lại nguồn thu nhập ổn định cho người dân và giải quyết hơn 50% số lao động của thôn.