Có lần, trên chuyến tàu vào Nam, tôi bắt gặp hình ảnh một cậu bé đang say sưa cầm cuốn Quân khu Nam Đồng của tác giả Bình Ca. Gương mặt em sáng bừng, thỉnh thoảng lại cười khúc khích. Tôi từng đọc cuốn sách này và biết rằng những nội dung trong đó quả thực sẽ khiến người đọc bật cười thú vị. Giữa thanh âm rền rã của tiếng tàu chạy, tiếng trò chuyện lao xao của hành khách trong khoang, cậu bé như tách biệt mình ra để tận hưởng một thế giới thú vị nào khác. Khi những đứa trẻ còn lại đang say sưa với thiết bị công nghệ, chúi mũi vào màn hình nhấp nháy sáng với những trò chơi, thì việc bắt gặp một cậu bé say sưa đọc sách làm tôi có phần rung động.
Lịch sử của “Ngày hội đọc sách” được ra đời từ hơn 80 năm trước ở Tây Ban Nha, vào ngày lễ Thánh George 23/4, người ta đã tặng nhau những cuốn sách kèm theo những đóa hoa hồng. Truyền thống này được người Tây Ban Nha phát triển hàng năm, trở thành “Ngày hội đọc sách” trên các đường phố. Hoạt động này nhanh chóng lan rộng khắp nơi dưới nhiều hình thức và tên gọi như: Tuần lễ đọc sách, Ngày sách, Tuần lễ thư viện… UNESCO đã chọn ngày 23/4 hàng năm làm ngày “Ngày sách và bản quyền thế giới”. Đã có hơn 150 nước hưởng ứng quyết định này, trong đó có Việt Nam.
Theo số liệu thống kê của tổ chức World Culture Score Index, Ấn Độ là quốc gia hàng đầu thế giới về chỉ số đọc, trung bình 10 giờ 42 phút/tuần, Thái Lan đứng thứ nhì với trung bình 9 giờ 24 phút/tuần. Các nước như Isarel, Pháp, Nhật, người dân đọc trung bình 20 cuốn sách/năm. Một số nước như Singapore, Malaysia, người dân đọc trung bình 14 cuốn sách/năm. Trong khi đó, số liệu năm 2019 của Bộ Giáo dục và Đào tạo cho biết, ở Việt Nam, con số này là 4 cuốn sách/năm, trong đó 2,8 cuốn là sách giáo khoa và 1,2 là cuốn sách khác.
Ở nước ngoài, ta có thể dễ dàng bắt gặp hình ảnh từ trẻ con đến người lớn thường cầm cuốn sách trên tay ở nơi công cộng. Hình ảnh ấy khá hiếm hoi ở nước ta, vậy nên khoảnh khắc cậu bé đọc sách trên chuyến tàu hôm nọ mới khiến tôi xao động đến vậy. Việc đọc sách ngoài đam mê, sở thích cần phải được xây dựng và rèn luyện thành thói quen, nếu được hình thành từ sớm, thói quen tốt đẹp này sẽ được nuôi dưỡng đến lúc trưởng thành. Rất nhiều phụ huynh hiểu được lợi ích của việc đọc sách nhưng đều trăn trở với câu hỏi “Làm thế nào để khuyến khích con trẻ mình đọc sách?”. Thực tế sẽ có nhiều cách làm khác nhau, từ kinh nghiệm của bản thân, tôi thấy việc khuyến khích trẻ đọc sách, trước hết phải bắt nguồn từ chính gia đình.
Cho trẻ làm quen với sách
Việc cho trẻ làm quen với sách từ sớm là một trong những phương pháp đầu tiên giúp trẻ quen thuộc, tò mò với sách. Ngày nay, các bà mẹ khi mang thai thường áp dụng phương pháp “thai giáo”, nghĩa là dạy con từ trong bụng mẹ. Một trong những bài thai giáo được áp dụng phổ biến, ngoài nghe nhạc chính là đọc sách cho con. Theo nhiều nghiên cứu, bào thai bé nhỏ từ lúc bốn tháng tuổi đã hình thành thính giác hoàn thiện. Ngay lúc này, người mẹ có thể dành thời gian để thủ thỉ đọc sách cho con nghe, điều này rất có ý nghĩa trong việc hình thành cảm xúc, tinh thần của thai nhi, gắn kết tình cảm tuyệt vời giữa mẹ và bé. Đến khi em bé ra đời, nhiều bà mẹ kiên trì đọc sách cho con mỗi ngày, chính điều này sẽ hình thành một thói quen tốt đẹp cho bé, đến giờ cố định, em bé sẽ hóng cha mẹ đọc sách.
Tùy độ tuổi của trẻ, phụ huynh có thể bắt đầu mua sắm vài cuốn sách phù hợp với lứa tuổi của con. Bạn nên sắm cho bé một giá sách riêng, tạo môi trường sách xung quanh con trẻ để bé có cảm giác gần gũi, thân thuộc với những cuốn sách của chính mình.
Đọc sách cùng con
Tùy độ tuổi của trẻ, nhưng ban đầu, nếu trẻ chưa thích ứng với việc đọc sách, phụ huynh nên đầu tư thời gian để đọc sách cùng con. Nếu em bé của bạn chưa biết đọc, phụ huynh hãy đọc cho con nghe một cách đều đặn. Chú ý lựa chọn những chủ đề hấp dẫn, những chủ đề mà bé yêu thích để tạo sự hứng khởi và thích thú. Chẳng hạn như, nếu em bé nhà bạn thích ô tô, bạn có thể kiếm những tựa sách chủ đề về xe cộ. Em bé thích động vật, hãy chọn những tựa sách về thế giới động vật, thiên nhiên hoang dã. Em bé thích khám phá thế giới xung quanh, hãy chọn những cuốn sách về khoa học, khám phá vũ trụ… Quan trọng hơn, khi đọc sách cùng con, phụ huynh nên tương tác với con về nội dung cuốn sách. Nếu trẻ có thể tự đọc, thi thoảng, cha mẹ nên trao đổi, hỏi han về nội dung cuốn sách mà con em mình đang đọc. Từ việc gợi mở trẻ phản hồi những cảm xúc, suy nghĩ về nội dung cuốn sách, cha mẹ có thể hướng con hình dung, tưởng tượng, giả sử nếu mình là nhân vật trong truyện thì sẽ như thế nào, nếu thay đổi kết truyện sẽ ra sao, nhân vật nào khiến bé yêu thích… Chắc chắn bé sẽ thấy việc đọc cuốn sách đó trở nên thú vị và hấp dẫn hơn.
Mọi phần thưởng hãy liên quan đến sách
Thêm một bí quyết dành cho các phụ huynh đó là mọi phần thưởng, quà cáp dành cho trẻ nên liên quan đến sách. Quà sinh nhật, ngày lễ, phần thưởng cho một việc làm tốt, hãy để trẻ được nhận món quà là cuốn sách yêu thích. Chẳng hạn như, đó là một cuốn sách giá trị không thể mua ở dịp bình thường, một cuốn sách đặc biệt mà bé từng ao ước. Hoặc, bạn có thể thưởng cho bé một chuyến đi nhà sách để con trẻ tự do lựa chọn cuốn sách yêu thích. Một nhóm bạn của tôi từng kêu gọi việc lì xì sách trong mỗi dịp tết. Đây là ý tưởng hay dù rằng trước mắt rất khó áp dụng rộng rãi. Tuy nhiên, bạn hoàn toàn có thể áp dụng trong phạm vi gia đình.
Có thể nói, tôi đã thiết lập được thói quen và niềm vui đọc sách cho bạn nhỏ ở nhà từ lúc bạn bốn tuổi. Tuy nhiên, bạn nhỏ nhà tôi chỉ thích đọc truyện tranh, không thích đọc truyện chữ. Đây là điều dễ hiểu. Truyện tranh với những hình vẽ sống động sẽ khiến trẻ say mê thích thú hơn, nhiều người lớn vẫn mê truyện tranh huống hồ trẻ nhỏ.
Lần đó, tôi kiếm cuốn Vừa nhắm mắt vừa mở cửa sổ của Nguyễn Ngọc Thuần rồi mỗi tối nằm gần nhau, tôi đọc cho bạn nghe. Cứ tới đoạn hấp dẫn, lôi cuốn, tôi buông sách, không đọc nữa, bảo là bận việc hoặc mỏi mắt, bạn thích thì tự đọc tiếp. Vậy là bạn nhỏ nhà tôi phải tự mình cầm sách đọc tiếp đoạn vừa rồi. Vài ba lần như vậy, bạn tự đọc xong cuốn sách lúc nào không hay, còn đọc tới đọc lui thêm vài ba dạo. Lúc này, tôi thủ thỉ truyện chữ cũng thú vị lắm, truyện tranh dành cho những em bé nhỏ cần hình vẽ để hình dung, mình lớn rồi đọc truyện chữ sẽ hay hơn vì tha hồ tưởng tượng. Tôi tìm cho bạn vài cuốn tiếp theo như Con mèo dạy hải âu bay, Totochan bên cửa sổ, Hoàng tử bé, Hai vạn dặm dưới đáy biển, Túp lều bác Tôm… vài truyện thiếu nhi của Việt Nam như Siêu nhân cua, Cút cà cút kít, Chú chiếu bóng, nhà ảo thuật, tay đánh bài và tụi con nít xóm nhỏ Sài Gòn năm ấy… Dần dà, bạn nhỏ nhà tôi chuyển qua say mê truyện chữ. Đặc biệt, bạn có niềm say mê với lịch sử nên số tiền lì xì của năm tám tuổi, tôi đồng ý để bạn đặt mua cuốn Đại Việt sử ký toàn thư. Với tôi, đây là cuốn sách “giá trị” về nhiều nghĩa, tôi bảo không thể mua một dịp bình thường, bạn thích thì hãy để dành tiền để mua. Hiện tại, bạn nhỏ nhà tôi mười hai tuổi, đã đọc và rất say mê với những bộ tiểu thuyết của Kim Dung, bộ Tam Quốc Diễn Nghĩa của La Quán Trung và nhiều cuốn tiểu thuyết khác. So với những bạn nhỏ cùng tuổi, tốc độ và sức đọc như vậy không phải là nhiều, lợi ích to tát cũng chưa nói tới, nhưng tôi nghĩ ít ra bạn đã có một niềm đam mê thú vị.
Dĩ nhiên, với bất cứ việc gì cũng cần sự kiên trì, nhất là việc tạo dựng một thói quen. Cha mẹ không nên gượng ép và bắt buộc trẻ phải đọc sách nếu con bạn không hứng thú. Cần cho trẻ thấy rằng việc đọc sách đơn giản là một hình thức giải trí thú vị dành cho trẻ, ngoài ra, không còn mục đích nào khác. Trong cuốn sách Người mẹ tốt hơn là người thầy tốt, tác giả Doãn Kiến Lợi đã đúc kết rằng: “Trong việc giáo dục, muốn con trẻ tiếp nhận cái gì thì phải dụ dỗ trẻ. Muốn trẻ bài xích cái gì thì phải ép buộc chúng”. Do vậy, đôi khi để tạo cho trẻ thói quen đọc sách, phụ huynh cần bỏ công dụ dỗ, khuyến khích, tạo nên sự tò mò, khơi gợi niềm hứng thú trong mỗi đứa trẻ…
Theo tapchicuaviet.com.vn