Làm sống lại vùng chè một thời vang bóng

Hồng Đào 129 lượt xem 26 Tháng Tư, 2021

Qua mười năm, Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới đã làm thay đổi bộ mặt nông thôn. Góp phần vào sự thay đổi tích cực này, không thể không nhắc đến những phụ nữ đã mạnh dạn đi tiên phong bằng lối canh tác an toàn, áp dụng công nghệ cao vào chế biến nông sản, kết hợp nông nghiệp với du lịch…

Những năm 1960, thị trấn Sông Cầu, H.Đồng Hỷ, tỉnh Thái Nguyên ra đời cùng sự hình thành nhà máy chè Sông Cầu. Vùng chè và nhà máy chế biến chè này từng đưa loại nông sản này đến nhiều quốc gia trên thế giới. Thế nhưng, sau gần nửa thế kỷ, nhà máy hoạt động cầm chừng rồi phải đóng cửa, cả một vùng nguyên liệu mênh mông cơ hồ bị bỏ không. Chính những phụ nữ ở thị trấn Sông Cầu đã làm được điều kỳ diệu: Vực dậy cả một vùng chè “một thời vang bóng”.

Mời “thầy trà” đến nói chuyện

Ngày Trung tâm Học tập cộng đồng thị trấn Sông Cầu khảo sát về việc mời nghệ nhân trà về nói chuyện, phụ nữ ở khắp các xóm phấn khởi đăng ký tham dự. “Lớn lên cùng cây chè, sống nhờ cây chè mà không hiểu về chè và văn hóa trà thì thật không phải với nó” – chị Nguyễn Thị Hằng nói.

Ngày nghệ nhân Hoàng Anh Sướng từ Hà Nội lên thị trấn Sông Cầu nói chuyện, chị Hằng cùng đông đảo bà con đến từ rất sớm, hội trường không còn ghế trống. Mang theo giấy bút, chị Hằng chăm chú ghi chép, lắng nghe nghệ nhân trà nức tiếng chia sẻ câu chuyện trà trong dòng chảy văn hóa Việt, từ thói quen uống trà một mình (độc ẩm), hai người (đối ẩm) và nhiều người (quần ẩm) đến cách thưởng lúc mờ sáng, thời khắc âm dương giao hòa…

phu nu 1
Những phụ nữ này đã thực sự mang đến cho vùng chè Sông Cầu một đời sống mới.

Chăm sóc, thu hái rồi chế biến là những công đoạn thân thuộc như hơi thở với bà con Sông Cầu, nhưng nghe nghệ nhân trà nói chuyện trồng, thu hái, sao chế để có được một ấm trà ngon, chị Hằng mới thấy công việc thường ngày của mình chẳng phải tầm thường.

Chị Hằng chia sẻ: “Kỹ thuật quan trọng nhất. Nhưng nghe những buổi nói chuyện về văn hóa trà như thế này, chúng tôi mới thấy, giá trị tinh thần của cây chè cũng quan trọng không kém”. Theo chính đề xuất của các chị, Trung tâm Học tập cộng đồng thị trấn Sông Cầu còn mời một số nghệ nhân trà nổi tiếng khác đến nói chuyện về văn hóa trà. “Mừng nhất là buổi nào, bà con cũng háo hức và tham dự rất đông, lắng nghe và trao đổi nghiêm túc” – bà Vũ Thị Thương Huyền, Giám đốc Trung tâm Học tập cộng đồng thị trấn Sông Cầu – chia sẻ.

Mỗi đồi chè là một điểm check in

Cách khu dân cư không xa, chị Hằng, chị Phương, chị Huệ thoăn thoắt hái những búp trà xuân trên đồi xanh. Đầu các luống chè, những cây đào cao quá đầu người, tán rộng cỡ cái nong đang kết trái non. “Dịp tết, hoa đào nở thắm đồi chè, lên ảnh đẹp lắm” – các chị khoe.

Chị Phương kể, vợ chồng chị đang bàn nhau biến đồi chè gần đường lớn nhà mình thành một điểm check in (đánh dấu hoặc chia sẻ trên mạng xã hội về một địa điểm mà mình đã đến): trên cao nhất sẽ dựng lán để khách ngồi nghỉ và thưởng trà, lối lên đồi rải sỏi cuội, mỗi góc đồi trồng xen một loài hoa… Chị đã nghĩ đến ý tưởng này cách đây hai năm, dự kiến đầu tư các hạng mục khoảng hơn 200 triệu đồng. Vợ chồng chị cũng muốn làm ngay từ lúc đó nhưng chưa đủ vốn, nên tính sang năm sẽ bắt đầu.

che 1
Vùng chè Sông Cầu đã khoác chiếc áo mới nhờ những người phụ nữ chịu thương chịu khó – Ảnh: Uông Ngọc

Trên nương chè của xóm 9, những vạt mẫu đơn đỏ, bông to như chiếc bát của nhà chị Huệ không chỉ phục vụ du khách check in, mà trước mắt đã cho chị một khoản thu đáng kể. Hơn bốn năm trước, cũng với ý tưởng mỗi đồi chè là một điểm check in, chị Huệ đã mua những cây giống mẫu đơn đầu tiên về trồng. Cây lớn dần, cần phải tỉa bớt, nhu cầu trồng mẫu đơn trong dân lại tăng. Từ cây giống mua 2.000-3.000 đồng ban đầu, chị Huệ đã bán được những cây hoa vài năm tuổi, mỗi cây có giá 100.000-300.000 đồng. Với rặng mẫu đơn giữ lại, chị cắt bán bông cho bà con cúng. Chị khoe: “Các xóm kêu gọi cùng mua mẫu đơn làm hoa cúng, vừa để ủng hộ người trồng tại địa phương, vừa để cùng nhau phát triển kinh tế từ đồi chè. Một tháng hai lần bán hoa cúng, tôi cũng có thêm mấy trăm ngàn đồng”.

Không chỉ “mỗi đồi chè là một điểm check in”, chị Hồng Hạnh còn ấp ủ dự án xây dựng khu bảo tồn “những cây chè bô lão” của Sông Cầu, kết hợp du lịch trải nghiệm trên chính nương chè của gia đình mình. Trong đầu chị đã hiện lên ngôi nhà gỗ, lối đi dọc nương chè phủ kín hoa leo, hai bên cổng là chum vại, rồi bố trí chỗ đặt bếp lò, chảo gang sao chè. Khách đến đồi nhà chị sẽ tận mắt chứng kiến hoặc được trải nghiệm những công việc của người vùng chè.

Trung tâm Học tập cộng đồng thị trấn Sông Cầu đã tổ chức những chuyến xe đưa bà con đến vùng chè Tân Cương ven TP.Thái Nguyên để học cách canh tác, chế biến chè hợp với thị trường. Sau đó, bà con học cách ứng dụng máy móc, thiết kế bao bì, quảng bá sản phẩm, tìm thị trường, tham gia tổ sản xuất chè an toàn.

Bà Thương Huyền kể: “Ban đầu, bà con vẫn lén lút sử dụng thuốc trừ sâu không đúng quy trình. Chúng tôi phải chọn những hộ quyết tâm nhất để làm điểm. Ngay vụ đầu tiên, năng suất chè của các hộ đó đều tăng 30% so với các hộ khác. Bà con thấy thế tự khắc học nhau và bỏ thói quen dùng hóa chất vô tội vạ. Sau đó, các hộ còn giám sát chéo lẫn nhau rồi báo cáo về trung tâm”.

Chị Hạnh, chị Hằng, chị Phương cho biết, việc ghi chép nhật ký chăm sóc cây chè của gia đình mình từ lâu đã trở thành thói quen. Rồi HTX Chè Thịnh An ra đời. Từ thuần bán chè tươi với giá chỉ 12.000 đồng/kg, bây giờ chè Sông Cầu loại chất lượng cao đã có giá 1,5 triệu đồng/kg.
Thoáng thấy bóng bà Thương Huyền, các nữ nông dân í ới đề xuất: “Mở lớp dạy chụp ảnh căn bản cho chúng tôi, để chúng tôi chụp ảnh đồi chè đăng Facebook, cho người ta biết đến vẻ đẹp của vùng chè Sông Cầu nức tiếng nhé”.

Theo Phụ nữ

Bài viết cùng chủ đề:

    vela hinh 2a

    VELA tiên phong số hóa hướng đến xanh hóa chuỗi cung ứng

    VELA thúc đẩy chuyển đổi kép trong ngành Logistics, hướng tới phát triển bền vững, sử dụng hiệu quả nguồn lực cho doanh nghiệp, góp phần bảo vệ môi trường. Chuyển đổi kép – Giải pháp phát triển bền vững ngành Logistics Các doanh nghiệp hiện nay luôn phải đối mặt với những thách thức...
    11 2

    Cam kết thực hành ESG, doanh nghiệp kiến nghị được miễn giảm thuế

    Cam kết thực hành ESG với những mục tiêu cụ thể sẽ được miễn giảm thuế là một trong những kiến nghị của doanh nghiệp. Đây là một trong những nội dung được đề cập tại Báo cáo đánh giá mức độ thực hành ESG trong doanh nghiệp. Trong đó, doanh nghiệp mong muốn có...
    1 13

    Vinamilk & Quỹ sữa năm 2024: Gần nửa triệu hộp sữa cùng trẻ em khó khăn đến trường

    Trong không khí “Ngày hội toàn dân đưa trẻ đến trường” – 5/9/2024, Vinamilk và Quỹ Bảo trợ Trẻ em Việt Nam (Quỹ BTTEVN) đã tổ chức trao tặng gần 200.000 hộp sữa tươi đến với các em học sinh. Đây là chương trình được thực hiện theo kế hoạch năm 2024 của Quỹ sữa...
    2 9

    Xanh hóa khu công nghiệp

    Chuyển đổi xanh không còn là câu chuyện lý thuyết, nó là “những việc cần làm ngay” của mỗi doanh nghiệp. Xanh hóa là khoảng cách ngắn nhất để doanh nghiệp đến với người tiêu dùng. Đó là khẳng định của ông Trần Thiên Long – Phó Chủ tịch thường trực Liên chi hội Bất...
    1 9

    Drone bay cao, nông nghiệp đổi mới

    Ứng dụng drone trong nông nghiệp không chỉ nâng cao hiệu suất, tiết kiệm chi phí mà còn giúp bảo vệ sức khỏe người nông dân và môi trường, tạo điều kiện cho nền nông nghiệp Việt Nam phát triển bền vững và hiện đại hơn. Ứng dụng drone trong nông nghiệp không chỉ nâng...

Được quan tâm