Lạc Dương – Hướng tới một nền nông nghiệp xanh

Hồng Đào 190 lượt xem 14 Tháng Tư, 2021

Nếu như trước đây huyện Lạc Dương (Lâm Đồng) thường được nhắc đến như là một địa phương nghèo, có đông đồng bào dân tộc thiểu số gốc bản địa sinh sống, đời sống của bà con còn gặp nhiều khó khăn bởi trình độ canh tác lạc hậu thì hiện nay, Lạc Dương đã là cái tên gắn liền với thương hiệu của nhiều doanh nghiệp, tập đoàn sản xuất nông nghiệp chất lượng cao trong và ngoài nước với những dự án quy mô, bài bản.

Với vị thế là địa phương được hưởng cơ chế đặc thù, là vệ tinh sản xuất nông nghiệp công nghệ cao của TP Đà Lạt, được gắn thương hiệu “Đà Lạt kết tinh kỳ diệu từ đất lành”, những năm gần đây, ngành nông nghiệp huyện Lạc Dương đã tập trung áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, tạo ra những bước chuyển biến tích cực về năng suất, chất lượng và quy mô canh tác, đa dạng sản phẩm cây trồng đặc trưng, đạt tiêu chuẩn sạch trên thị trường trong nước và quốc tế.

Đặc biệt, với địa hình độ cao từ 1.500m trở lên so với mực nước biển, huyện Lạc Dương đang có lợi thế phát triển các loại rau có nguồn gốc ôn đới và á nhiệt nhiệt đới theo hướng công nghệ cao. Hiện nay, Lạc Dương có gần 930 ha sản xuất nông nghiệp sạch, nông nghiệp công nghệ cao, đạt thu nhập bình quân 300 triệu đồng/ha/năm.

lac duong 1
Thu hoạch rau thủy canh ở xã Đạ Sar, huyện Lạc Dương – Ảnh: H.Y

Nếu chỉ tính riêng thu nhập trồng rau sạch trong nhà kính ở huyện Lạc Dương mỗi ha đạt từ 500 triệu đồng đến 800 triệu đồng/năm. Không những thế, huyện Lạc Dương còn có điều kiện vô cùng thuận lợi về khí hậu, thổ nhưỡng để sản xuất các loại hoa cao cấp trong nhà kính, với doanh thu đạt từ 800 triệu đồng đến 1 tỉ đồng/ha/năm. Cá biệt, một số diện tích trồng hoa lily trên địa bàn có doanh thu thu trên dưới 2 tỉ đồng/ha/năm.

So sánh với cả nước, giá trị sản xuất thu nhập bình quân chung trên một diện tích đất sản xuất của huyện Lạc Dương cao hơn gấp 3 lần. So với các vùng rau, hoa nổi tiếng của Lâm Đồng như Đà Lạt, Đơn Dương, Đức Trọng, Lạc Dương là huyện có tốc độ phát triển sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao nhanh, nguồn lực sản lượng đầu ra nông sản khá lớn.

Diện tích sản xuất nông nghiệp lớn, khí hậu và thổ nhưỡng phù hợp và thuận lợi, chính là những lợi thế để huyện Lạc Dương hướng tới một nền nông nghiệp xanh; xây dựng và phát triển các mô hình sản xuất nông nghiệp không dùng hóa chất, thích ứng với điều kiện biến đổi khí hậu.

nong dan 1
Cơ Liêng Rolan – Người sáng tạo ra thương hiệu K’Ho Coffee từ giống cà phê Arabica được trồng nhiều ở Lạc Dương đã được nhiều du khách quốc tế đánh giá cao – Ảnh: L.D.

Việc hướng tới một nền sản xuất xanh, sạch luôn là một trong những nội dung phát triển được huyện tập trung chú trọng. Đây là phương pháp nuôi, trồng rau quả, thực phẩm mà không sử dụng bất cứ một loại hóa chất độc hại như: thuốc trừ sâu, thuốc bảo vệ thực vật, thuốc diệt cỏ hóa chất, cũng như các loại phân hóa học; sản xuất hữu cơ chú trọng đến cân bằng hệ sinh thái tự nhiên.

Trong đó có thể kể đến là sự thành công trong việc áp dụng trong trồng các sản phẩm mang tính đột phá của huyện điển hình như tại hợp tác xã Tổng hợp Minh Thọ Organic – công ty sản xuất phúc bồn tử có diện tích đến 5 ha. Đây là cơ sở đạt giấy chứng nhận phương pháp sản xuất hữu cơ JAS của bộ nông nghiệp Nhật Bản.

Theo ông Nguyễn Văn Hà – Giám đốc Công Ty Langbiang.F Dâu rừng – Chủ nhiệm hợp tác xã Organic Minh Thọ, huyện Lạc Dương, tỉnh Lâm Đồng: “Trái phúc bồn nếu trồng mà không thuần túy theo tự nhiên và nhiệt độ phù hợp nó sẽ không bao giờ sinh trưởng khỏe mạnh. Có thể nói tỉnh Lâm Đồng có một khí hậu tương đối giống châu Âu, nên cây phát triển tốt ở môi trường này và mang nét đặc sắc riêng”.

Tiềm năng phát triển là rất lớn nhưng địa phương cũng đang gặp những khó khăn và thách thức nhất định. Trong đó phải kể đến là chưa có sự liên kết chuỗi từ khâu sản xuất, chế biến và thị trường tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp hữu cơ. Khả năng cung cấp các đơn hàng hữu cơ còn thấp. Công tác xúc tiến thương mại, giới thiệu, quảng bá sản phẩm rau hữu cơ chưa được thực hiện rộng rãi. Và việc đầu tư các nhà máy chế biến nông sản sau thu hoạch đòi hỏi vốn đầu tư lớn, nhiều doanh nghiệp không đủ lực đầu tư. Vì vậy việc cần đẩy mạnh giao thương cũng như sự hỗ trợ của các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh.

Để hướng tới một nền nông nghiệp sạch như mong muốn, theo ông Sử Thanh Hoài – Chủ tịch UBND huyện Lạc Dương, cho biết huyện sẽ: “Tiếp tục nâng cao năng lực cho doanh nghiệp, hợp tác xã và nông hộ trong việc chuyển giao, nhân rộng quy trình kỹ thuật canh tác không hóa chất, xây dựng các chuỗi sản xuất nông sản gắn với thị trường tiêu thụ ổn định và bền vững. Từ đó hình thành các vùng sản xuất nông sản sạch tập trung gắn với du lịch canh nông”.

Theo báo Tuổi trẻ

Bài viết cùng chủ đề:

Được quan tâm