Kỳ vọng “cửa sáng” cho doanh nghiệp xuất khẩu năm 2024

Huyền Linh 125 lượt xem 1 Tháng Một, 2024

Dù thị trường xuất khẩu có tín hiệu tích cực hơn song để nhà máy “sáng đèn” trong năm 2024, doanh nghiệp phải giải quyết nhiều thách thức.

Các chuyên gia kinh tế nhận định, động lực tăng trưởng lớn nhất của nền kinh tế trong năm 2024 là thúc đẩy phục hồi sản xuất của doanh nghiệp sản xuất trong nước và xuất khẩu.

Thống kê từ Bộ Công Thương cho thấy, xuất khẩu của Việt Nam đã có những tín hiệu tích cực trong những tháng cuối năm. Nhu cầu của thị trường thế giới từng bước phục hồi do lạm phát bắt đầu có xu hướng giảm. Sự phục hồi này tuy chưa sôi động nhưng đã góp phần thu hẹp mức suy giảm từ 12% trong nửa đầu năm 2023 xuống còn 4,6% trong cả năm 2023.

1
Hoạt động xuất khẩu của doanh nghiệp Việt Nam sôi động hơn trong những tháng cuối năm 2023

Bằng những nỗ lực không mệt mỏi trong việc mở rộng thị trường xuất khẩu, kể cả ở thị trường ngách, một số ngành xuất khẩu chủ lực như dệt may, đồ gỗ… đã có đơn hàng trở lại. Nhiều nhà máy “sáng đèn” hơn trong những tháng cuối năm. Tuy nhiên, các doanh nghiệp cũng khá dè dặt, thận trọng nhận định về hoạt động sản xuất kinh doanh xuất khẩu trong năm 2024.

Trao đổi với báo chí, Phó Chủ tịch Hiệp hội Chế biến gỗ tỉnh Bình Dương Nguyễn Liêm cho rằng, từ những tháng cuối năm 2023, các đơn hàng nhận được bù vào giảm tồn kho của Mỹ, EU và phục vụ cho dịp lễ Noel, Tết Dương lịch. Tương tự ở ngành dệt may, tình hình kinh tế tại các thị trường nhập khẩu dệt may lớn đang có dấu hiệu phục hồi, hy vọng sẽ cải thiện nhu cầu tiêu dùng.

Song, sự phục hồi này không bền vững bởi hoạt động xuất khẩu trong năm 2024 của ngành gỗ, dệt may, da giày… đều chịu tác động của những quy định mới liên quan đến kinh doanh bền vững ngay từ đầu năm 2024, trong đó một số quy định đã có hiệu lực từ quý 4 năm 2023

Đó là quy định trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất ERP, Chỉ thị tra soát chuỗi cung ứng của EU, Luật thẩm định chuỗi cung ứng của Đức, Đạo luật chống lao động cưỡng bức của Mỹ (UFLPA)… tác động đến ngành dệt may. Hay quy định về chống tổn thất mất mát rừng và tất cả các mặt hàng nông sản xuất khẩu sau ngày 1/1/2025 mà không đáp ứng yêu cầu của châu Âu là không gây phá rừng sau ngày 31/12/2020 chịu ảnh hưởng của quy định

Để các nhà máy sản xuất có thể sáng đèn trong năm 2024, ngoài việc phụ thuộc vào cầu thế giới, điều quan trọng hơn là khả năng thích ứng của doanh nghiệp trong nước đáp ứng tiêu chuẩn sản xuất xanh để tăng xuất khẩu.

2
Doanh nghiệp phải đáp ứng nhiều tiêu chuẩn sản xuất mới có hiệu lực từ cuối năm 2023 để gia tăng xuất khẩu

Chủ tịch Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam Đỗ Xuân Lập cho rằng, cùng với các hoạt động xúc tiến thương mại, kết nối nhà mua hàng trên thế giới thì doanh nghiệp cũng cần xây dựng hình ảnh sản xuất giảm phát thải, tập trung chuyển đổi số, nâng cao năng lực quản trị.

Còn theo ông Nguyễn Văn Quân – Chủ tịch Hội đồng Quản trị kiêm Tổng giám đốc công ty CP đầu tư quốc tế THAGACO, cách đây 2-3 năm, các doanh nghiệp dệt may chưa quan tâm đến các vấn đề xanh hoá nhưng từ năm 2023, nội dung này thường xuyên được đề cập trong các diễn đàn của doanh nghiệp dệt may. Hiện nay, các nhãn hàng trên thế giới đang chạy đua thành nhãn hàng xanh, yêu cầu các doanh nghiệp, nhà cung ứng trong chuỗi cung ứng trở thành nhãn hàng xanh. Yêu cầu này trong năm 2023 chưa tác động nhiều đến doanh nghiệp nhưng chỉ từ năm 2024 – 2025, xanh hoá trở thành điều kiện tiên quyết để nhãn hàng quyết định xem có đặt hàng tại nhà cung cấp hay không.

Nhận thức tầm quan trọng của yêu cầu xanh hoá và chứng chỉ xanh quốc tế, để tiếp cận được các khách hàng lớn, các đơn hàng lớn nên những năm qua, doanh nghiệp đã chuyển mình và xanh hoá từng phần nhà máy. Năm 2024, THAGACO đầu tư xây dựng nhà máy xanh, nhà máy thông minh đạt chứng chỉ LEED quốc tế của Hiệp hội công trình Mỹ. Đây là giải pháp để giữ chân khách hàng, nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp.

Theo DIỄN ĐÀN DOANH NGHIỆP

Bài viết cùng chủ đề:

Được quan tâm