Khi tài nguyên du lịch đang dần biến đổi, dưới tác động của môi trường và hoạt động khai thác du lịch, thì “kinh tế tuần hoàn du lịch” được xem là bước chuyển tất yếu.
Sau COVID-19, khái niệm kinh tế tuần hoàn được nhắc đến rất nhiều. Tuy nhiên, tình trạng rác thải rắn được thải ra môi trường rất lớn ảnh hưởng đến hình ảnh du lịch Việt Nam thì khái niệm “Kinh tế tuần hoàn du lịch” lại được chú trọng hơn.
Giải pháp tất yếu của phát triển du lịch xanh
Ủy ban châu Âu đã tiến hành một nghiên cứu và ước tính rằng, việc chuyển sang mô hình kinh tế tuần hoàn có thể đồng nghĩa với việc mang lại mức tiết kiệm ròng 600 tỉ euro cho các doanh nghiệp EU và tạo thêm 170.000 việc làm vào năm 2035. Kinh tế tuần hoàn có thể giải quyết các vấn đề lãng phí tài nguyên, chất thải nhựa trong đại dương, khí thải nhà kính và chất thải thực phẩm.
Đối với ngành kinh tế nói chung không chỉ riêng du lịch, phát triển kinh tế tuần hoàn là yêu cầu tất yếu của phát triển bền vững. Ngành du lịch đang phải chịu tác động rất lớn từ những hoạt động khai thác của du khách và các doanh nghiệp, người dân địa phương…
Tại các điểm đến nổi tiếng như Sapa, Đà Lạt, Nha Trang, Cam Ranh, Phú Quốc,…những mặt hạn chế thường xảy ra trong mùa du lịch cao điểm như tình trạng quá tải ở các nhà hàng, khu vui chơi; ùn tắc giao thông; rác thải từ các hoạt động du lịch,… Những hạn chế này xuất phát từ chính con người cũng như tính thiếu trách nhiệm xã hội của một bộ phận hoạt động trong lĩnh vực du lịch.
Tham gia vào việc hạn chế phát thải rắn ra môi trường trong các hoạt động du lịch, anh Lê Xuân Lâm – Giám đốc Công ty TNHH Vibabo cho biết, từ năm 2016, anh cho ra đời những chiếc ống hút bằng tre, nứa đầu tiên nhưng những sản phẩm của anh làm ra mới chỉ đáp ứng nhu cầu mua quà lưu niệm của một bộ phận khách du lịch nước ngoài vì giá thành khá cao, từ 4.000 – 5.000 đồng/chiếc.
Từ 2019 đến nay, các sản phẩm của Vibabo được công nhận là sản phẩm OCOP tỉnh Thanh Hóa với chất lượng 4 sao, được một số công ty trung gian lựa chọn để xuất khẩu sang thị trường các nước, như: Anh, Nhật, Hàn Quốc… với sản lượng hàng triệu sản phẩm/năm doanh thu hàng tỷ đồng. Điều đặc biệt là các sản phẩm này đều thân thiện với môi trường và sau khi sử dụng chỉ cần rửa bằng nước sạch rồi phơi khô là có thể tái sử dụng nhiều lần.
Bên cạnh đó, anh còn thu mua nguồn nguyên liệu phục vụ sản xuất như tre, nứa từ chính các hộ dân trong vùng và các huyện lân cận mang lại thu nhập cho cộng đồng dân cư địa phương. Đây chính là một trong những giải pháp chính của kinh tế tuần hoàn được nhắc đến khi thực hiện vòng đời sản phẩm và mang lại sinh kế cho xã hội.
Cũng như Vibabo, nhiều sản phẩm từ cộng đồng doanh nghiệp đã và đang rất tích cực tham gia vào hoạt động bảo vệ môi trường, hướng đến phát triển bền vững. Đặc biệt là sau COVID-19, nhu cầu của du khách đã thay đổi họ chú trọng nhiều hơn đến các điểm đến an toàn, chăm sóc sức khỏe, tái tạo năng lượng.
Do đó, du lịch xanh, tuần hoàn, hướng đến giá trị bền vững là xu thế của ngành du lịch hậu đại dịch. Yếu tố bền vững cũng tác động rõ rệt tới quyết định lựa chọn đơn vị cung cấp dịch vụ lưu trú, du lịch. Trong đó, du lịch hài hòa với thiên nhiên và cộng đồng dân cư bản địa sẽ là xu hướng chủ đạo trong tương lai. Khi phát triển du lịch bền vững sẽ như một giải pháp giúp ngành du lịch đóng góp vào công cuộc bảo vệ môi trường, bảo tồn văn hóa.
Cần sự chung tay của cộng đồng
Ông Miquel Angel Perez Martorell – Trưởng nhóm Nhân sự và Chất lượng, Hội đồng Tư vấn Du lịch Quốc gia Việt Nam cho biết: “Kinh tế tuần hoàn trong du lịch là một khái niệm quen thuộc ở các nước phương Tây.
Song, đây lại là một vấn đề mới ở Việt Nam và cần được phổ biến rộng rãi hơn. Nhằm duy trì và phát triển vòng tuần hoàn trong kinh tế du lịch, cần chú trọng đến vai trò của du khách trong việc bảo vệ môi trường, biến họ trở thành một nhân tố không thể thiếu trong vòng tuần hoàn ấy”.
Ông cũng đề xuất hướng giải pháp chính là việc địa phương cần có sự hợp tác với Hội đồng Tư vấn Du lịch Quốc gia Việt Nam. Đồng thời, mỗi người dân và doanh nghiệp du lịch cần có ý thức chung tay cùng chính quyền địa phương trong việc thiết lập môi trường du lịch xanh, sạch, đẹp.
Rác đã trở thành một điểm yếu của du lịch Việt Nam. Hiện nay ngoài việc các bãi xử lý rác thải quá tải hoặc không đủ tiêu chuẩn xử lý, thiếu về diện tích… thì công tác quản lý tại Việt Nam với chất thải rắn chưa đồng bộ. Trong khi có hàng trăm nghìn tấn rác thải rắn được thải ra mỗi năm, chủ yếu tập trung rác thải nhựa tại các khu du lịch tập trung đông du khách.
Theo lý giải của ông, việc áp dụng kinh tế tuần hoàn vào thực tế sẽ không chỉ giảm thiểu mức độ ô nhiễm, tạo cơ hội việc làm cho dân cư sở tại thông qua việc tái chế, tái sử dụng rác thải mà còn giảm bớt chi phí xử lý chất thải cho doanh nghiệp du lịch. Việc khai thác tài nguyên du lịch không chỉ để phục vụ du khách, mà cần đi đôi với trách nhiệm bảo vệ môi trường.
Doanh nghiệp tổng hợp