Khi đồng bào Cơ Tu làm du lịch

Hồng Đào 164 lượt xem 22 Tháng Năm, 2021

Vẫn là ngôi làng mang dáng dấp kiến trúc truyền thống với nếp nhà lá dừa, vách nứa mộc mạc gần gũi, nhưng làng Toom Sara của đồng bào Cơ Tu, xã Hòa Vang, huyện Hòa Vang (TP. Đà Nẵng) hôm nay đã khoát lên mình một diện mạo mới, hướng tới mô hình du lịch cộng đồng.

toom sara 1
Những em bé người Cơ Tu ở làng Toom Sara được lớn lên từ cái nôi văn hóa truyền thống do người lớn truyền dạy lại.

Làng nhỏ bình yên

Làng Toom Sara nằm nép mình giữa núi rừng xã Hòa Phú, huyện Hòa Vang, cách trung tâm TP. Đà Nẵng chừng 30km. Toom Sara là tên vùng đất lâu đời của người Cơ Tu ở Hòa Phú. Trong tiếng Cơ Tu, “Toom” có nghĩa là suối, còn “Sara” là tên một loại hoa. Nơi đây quanh năm đều có hoa nở, mỗi loài hoa mang một vẻ đẹp riêng.

Những ngày đầu hè, khi dịch bệnh Covid-19 đang diễn biến phức tạp tại TP. Đà Nẵng thì ngôi làng vẫn khoác lên mình màu xanh mơn mởn tràn đầy sức sống. Sáng sớm không khí trong lành, chiều giảm nắng, đêm xuống thì mát mẻ, càng về khuya tiết trời càng se lạnh, dễ chịu cho một giấc ngủ sâu. Đặc biệt, ngôi làng vẫn giữ cho riêng mình nét thâm trầm, bình yên, khác xa với sự xô bồ của phố thị phồn hoa đông đúc.

toom sara 1 1 1
Một góc làng truyền thống Toom Sara của đồng bào Cơ Tu.

Không gian bên trong nhà gươl và các nhà moong đều được xây dựng nguyên bản như nhiều nhà truyền thống khác của người Cơ Tu. Xung quanh làng đặt những bức tượng gỗ được điêu khắc tỉ mỉ, mô tả hình ảnh đời sống sinh hoạt của người Cơ Tu như: Điệu múa tung tung-da dá, con ma rừng, con trâu…

Khoảng sân trước nhà gươl có dựng cây nêu (x’nur), đây là vật linh thiêng của người Cơ Tu, mang ý nghĩa kết nối với tổ tiên, thần linh, cầu cho cuộc sống bình an, mưa gió thuận hòa. Những mái nhà moong nằm quây quần, được đặt theo tên của nghệ nhân đã làm ra chúng. Nhà moong giữ nguyên nét kiến trúc độc đáo với nhiều cột phụ xung quanh (không có cột cái), nhà được làm từ nhiều loại vật liệu như mây, gỗ, tre nứa, lồ ô, lá nón, lá mây…; có 1 hoặc 2 cửa nhỏ, vách bằng tấm phên lồ ô. Vì thế, ngôi nhà mát mẻ vào mùa hè và ấm áp vào mùa đông.

toom sara 2 1
Già làng A Lăng Đợi giới thiệu về cây nêu (x’nur) – vật linh thiêng của người Cơ Tu.

Nhà gươl là trung tâm sinh hoạt của cả buôn làng, là linh hồn và biểu tượng văn hóa của người Cơ Tu. Theo ông A Lăng Đợi, già làng Toom Sara, các nghệ nhân và thanh niên ở địa phương đã bỏ công sức phục dựng lại nhà gươl tại đây từ ngôi nhà gươl lâu đời ở thôn Arơh (xã Lăng, huyện Tây Giang, tỉnh Quảng Nam). Toom Sara được các nghệ nhân Cơ Tu phục dựng đúng theo mô hình một ngôi làng Cơ Tu truyền thống, với nhà gươl và nhiều nhà moong xung quanh.

Già làng A Lăng Đợi cho biết, người Cơ Tu sống quây quần thành từng làng nhỏ, nhà này cách nhà kia 5 – 7m, được xếp thành hình tròn, hình bầu dục, tạo thành một vòng khép kín san sát. Mỗi làng của người Cơ Tu có một ranh giới nhất định, tách biệt với các làng khác. Ranh giới giữa các làng thường là một khu rừng, cây cổ thụ, hay con suối lớn. Ở giữa làng, trước nhà hay trước cổng làng sẽ có những tượng gỗ được chạm trổ, điêu khắc thủ công đẹp mắt với những ý nghĩa, biểu tượng thiêng liêng. Niềm tin của đồng bào vùng cao cầu mong sự an lành, sự bảo hộ của thiên nhiên được thể hiện rõ nét qua truyền thống điêu khắc gỗ, đặt tượng giữa làng. Bên cạnh đó, theo quan niện của người Cơ Tu, tượng điêu khắc còn có khả năng nhìn được cái tâm sáng, tâm thiện lương của cư dân trong làng.

toom sara 3 1
Phát triển du lịch cộng đồng không chỉ giúp đồng bào Cơ Tu ở làng truyền thống Toom Sara tăng thêm thu nhập mà còn góp phần bảo tồn văn hóa truyền thống của dân tộc.

Một trong những bản sắc văn hóa của đồng bào Cơ Tu phải kể đến là trang phục truyền thống, trên trang phục là những nét dệt thêu tỉ mỉ từ đôi bàn tay phụ nữ Cơ Tu. Chị Alăng Thị Phương, một thợ dệt lành nghề trong làng chia sẻ, nghề này bà con trong làng mình không ai là không biết. Tay phải khéo lắm, kinh nghiệm lắm thì mới dệt được nốt chỉ đều, mũi kim thẳng để chồng con được mặc nếp vải thơm tho.

Đẩy mạnh phát triển du lịch cộng đồng

Vùng đất nơi dân làng Toom Sara định cư đất đai màu mỡ do được bồi đắp bởi phù sa của con sông Lỗ Đông. Cạnh đó còn có con suối hiền hòa chảy qua, cung cấp nguồn nước sạch đầu nguồn tự nhiên của khu bảo tồn Bà Nà Núi Chúa. Đây là những điều kiện thuận lợi để bà con dân tộc Cơ Tu có thể phát triển kinh tế du lịch dựa vào khu du lịch Suối Hoa. Với tất cả các yếu tố đó, đầu năm 2020, khu làng Toom Sara được già làng Alăng Đợi phối hợp với chính quyền địa phương và ngành Du lịch TP. Đà Nẵng triển khai xây dựng như một ngôi làng cổ thu nhỏ, hội tụ đầy đủ các yếu tố văn hóa truyền thống với 8 ngôi nhà có nhà gươl, nhà moong, nhà dài, nhà củi…

Cùng với đó là việc khôi phục và phát huy các nghề đã dần mai một: Nghề điêu khắc gỗ, nghề đan lát, dệt thổ cẩm… Các dịch vụ đi kèm dành cho du khách cũng được quan tâm như dịch vụ Homestay Cơ Tu, khu nhà xông hơi, ngâm chân nước lá truyền thống, dịch vụ cho thuê trang phục truyền thống chụp ảnh, các trò chơi bắn nỏ, nhảy sạp, biểu diễn nghệ thuật âm nhạc Cơ Tu.

toom sara 4 1
Rượu cần- thức uống đặc sản của đồng bào dân tộc Cơ Tu

Mô hình du lịch cộng đồng, du lịch xanh tại Toom Sara vừa kết hợp tham quan và nghỉ dưỡng Homestay, trải nghiệm các loại hình văn hóa truyền thống như dệt thổ cẩm; xem múa cồng chiêng, múa tung tung-da dá; thưởng thức đặc sản Cơ tu như rượu cần Phú Túc, thịt nướng, cơm lam, bánh sừng trâu…

Ông Nguyễn Ngọc Hải, Bí thư Đảng ủy xã Hòa Phú cho biết: “Du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái là một trong những chiến lược thu hút du khách trong năm 2021 và những năm tiếp theo của TP. Đà Nẵng. Chúng tôi mong muốn du lịch văn hóa cộng đồng của đồng bào Cơ Tu sẽ là điểm nhấn để vừa gìn giữ bản sắc văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc, vừa tạo ra việc làm, thu nhập cho đồng bào vùng cao.

toom sara 5 1
Làng Toom Sara của đồng bào Cơ Tu vẫn giữa được những nếp nhà truyền thống

Theo baodantoc.vn

Bài viết cùng chủ đề:

    Dấu xưa mở cõi đất phương Nam: Cổ tích Miếu Hội Tân Châu

    Trong dân gian, có lẽ do chịu ảnh hưởng tục của người Hoa, người ta gọi ngôi đình làng là miễu, có nơi gọi là miếu võ, thần từ hoặc cổ miếu… Miếu thờ tứ vị vương Giới thiệu cho chúng tôi xem hình ảnh ngôi miếu bằng tre lá ngày xưa, ông từ giữ...
    1 7

    Dấu xưa mở cõi đất phương Nam: Ngôi đình thờ vua Lê, chúa Nguyễn

    Dưới bóng những cây sao cổ thụ và ở ngay ngã ba sông, đình Bình Phú (H.Cai Lậy, Tiền Giang) có vị trí phong thủy ít ngôi đình nào trong vùng sánh được. Nơi đây còn lưu giữ nhiều di sản chứng tỏ là một trong những ngôi đình có niên đại xưa nhất. Thờ...
    8 2

    Dấu xưa mở cõi đất phương Nam: Dấu xưa ở đình Ba Vát

    Đình Ba Vát còn gọi là Phước Mỹ Trung, nơi lưu dấu chứng tích trận đánh lịch sử xảy ra vào thế kỷ 18 ở thôn Phước Hạnh, làng Phước Mỹ Trung, H.Tân An, Vĩnh Long (nay thuộc H.Mỏ Cày Bắc, Bến Tre). Những dấu tích lịch sử Trải qua hàng trăm năm, chợ Ba...
    1 4

    Dấu xưa mở cõi đất phương Nam: Dấu ấn thời khai hoang lập ruộng

    Bửu Hương tự, còn gọi là đền thờ Quản Cơ, tọa lạc ấp Bờ Dâu, xã Thạnh Mỹ Tây, H.Châu Phú (An Giang). Người địa phương quen gọi là dinh Đức Cố Quản. Đây là cơ sở tín ngưỡng của tín đồ Bửu Sơn Kỳ Hương, cũng là nơi thờ tự các vị anh hùng...
    2 3

    Dấu xưa mở cõi đất phương Nam: Mỹ Tho cũ, Định Tường xưa

    Sau khi đồn Kỳ Hòa thất thủ, đô đốc Charner cho mở các cuộc hành quân lấn chiếm ra vùng lân cận, trong đó có Mỹ Tho. Họ tới Mỹ Tho qua ngã kinh Bưu Điện (Arroyo de La Poste) và sông cửa Tiểu. Cồn Rồng, còn gọi là Long Châu Ngày 26.3.1861, Charner cử...

Được quan tâm