Khát vọng nước Việt hùng cường

Trần Lâm 150 lượt xem 6 Tháng Tư, 2021

chinh tri

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Quốc hội bỏ phiếu bầu Thủ tướng Chính phủ. Ảnh: TTXVN.

Khó khăn không phải để chùn bước

Phát biểu sau lễ nhậm chức, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc bày tỏ lòng thành kính biết ơn sâu sắc tới những sự hy sinh to lớn của các thế hệ cha ông và Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại.

Dưới lá cờ đỏ sao vàng, Chủ tịch nước hứa trước Quốc hội và nhân dân cả nước sẽ không ngừng tu dưỡng đạo đức, phẩm chất, tận tâm, tận lực, trách nhiệm, cần kiệm, liêm chính, chí công, vô tư; thực hiện đầy đủ nhiệm vụ và quyền hạn của Chủ tịch nước được Hiến pháp và pháp luật quy định; phối hợp, cộng tác chặt chẽ với Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ, Tòa án nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; không ngừng học tập và làm theo tư tưởng, phong cách, đạo đức của Chủ tịch Hồ Chí Minh; gần gũi, lắng nghe, tiếp thu ý kiến, nguyện vọng của Nhân dân; đồng thời mong nhận được sự ủng hộ, hợp tác, giúp đỡ của cả hệ thống chính trị, đồng bào, chiến sĩ cả nước, đồng bào ta ở nước ngoài để hoàn thành tốt nhất trọng trách được giao, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc nhắc đến một thông điệp từ những bài học từ lịch sử, mỗi khi đất nước ta gặp khó khăn, thách thức, luôn có nguồn sức mạnh rất lớn đến từ tinh thần đoàn kết, ý chí độc lập, sức mạnh của sự chính nghĩa, sự khiêm nhường và lòng yêu chuộng hòa bình của triệu triệu người dân.

Cũng chính nhờ vậy, chúng ta đã nhận được nhiều sự ủng hộ quý báu, sự hợp tác, hiểu biết, sẻ chia từ các quốc gia, bạn bè trong khu vực và trên thế giới. Vinh dự mà chúng ta có được hôm nay là vinh dự trong trách nhiệm gắn với hành động và lập trường vững chắc – những điều đã hun đúc nên ý chí, tính cách và tinh thần cách mạng Việt Nam.

Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, khó khăn không phải là thứ để làm chùn bước chân, nó là bài kiểm tra tinh thần nhẫn nại và ý chí vươn lên, làm cho kết quả đạt được của ta trở nên tốt đẹp hơn và ý nghĩa sâu sắc hơn, xứng đáng là món quà truyền thừa cho con cháu chúng ta trong tương lai.

“Trên chuyến hải trình sắp tới, con tàu Việt Nam ta sẽ còn gặp phải những con sóng dữ và nhiều ngọn gió lớn, đó là khi có cả những thời cơ và thách thức đan xen. Tôi luôn tin rằng, dưới sự lãnh đạo của Đảng, với bản lĩnh và trí tuệ của con người Việt Nam, với sức mạnh của tinh thần đại đoàn kết toàn dân tộc, sự ủng hộ của bạn bè quốc tế, đất nước ta nhất định sẽ vượt qua mọi sóng to, gió cả để đến bến bờ bình an và hạnh phúc, thực hiện thắng lợi các mục tiêu mà Đại hội XIII của Đảng, trong đó tập trung nâng cao hiệu lực, hiệu quả của bộ máy Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, tiếp tục đẩy mạnh đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí, quan liêu, nâng cao niềm tin của người dân đồng lòng hành động xây dựng nước Việt Nam dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh và bảo vệ vững chắc Tổ quốc. Việt Nam là đất nước đa dạng với nhiều dân tộc anh em, nhưng chúng ta có chung một trái tim, một mái nhà, một lịch sử vẻ vang và một sứ mệnh vinh quang. Khát vọng về một nước Việt Nam hùng cường “sánh vai cùng các cường quốc năm châu” như ước nguyện của Bác Hồ và tinh thần Đại hội Đảng XIII đề ra”, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc nói.

Tất cả vì lợi ích của Đảng, của quốc gia, dân tộc

Trong phát biểu nhậm chức, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh: Trước yêu cầu tiếp tục đẩy mạnh toàn diện, đồng bộ công cuộc đổi mới theo tinh thần Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ nhận rõ trách nhiệm của mình phải kế thừa và phát huy những thành tựu, kết quả đạt được; tiếp tục đổi mới, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ, hiệu quả hơn nữa trong thời gian tới.

Thủ tướng đã đưa ra 5 giải pháp trong thời gian tới. Cụ thể, xây dựng chương trình hành động để cụ thể hóa thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, trong đó tập trung vào 6 nhiệm vụ trọng tâm và 3 đột phá chiến lược. Thứ nhất, tiếp tục hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách, nhất là hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; đổi mới mạnh mẽ mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế. Tăng cường phân cấp, phân quyền, đồng thời xác định rõ trách nhiệm, phát huy tính chủ động, sáng tạo của các cấp, các ngành.

Thứ hai, tiếp tục đẩy mạnh xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của dân, do dân, vì dân: đề cao tinh thần thượng tôn pháp luật; tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong bộ máy hành chính nhà nước và toàn xã hội. Cải cách mạnh mẽ nền hành chính quốc gia trên cơ sở phát huy quyền làm chủ của nhân dân, dựa vào Nhân dân trong giám sát và kiểm soát quyền lực; chủ động phòng ngừa, kiên quyết, kiên trì đẩy mạnh công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí, quan liêu, tiêu cực bằng các cơ chế, giải pháp mạnh mẽ, chặt chẽ, hiệu quả hơn. Đồng thời, có cơ chế khuyến khích và bảo vệ người đổi mới sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung.

“Ba là, quản lý, huy động và sử dụng có hiệu quả mọi nguồn lực để phát triển đất nước; đẩy mạnh phát triển hạ tầng chiến lược có trọng tâm, trọng điểm; coi trọng chuyển đổi số quốc gia, phát triển kinh tế số dựa trên nền tảng phát triển khoa học và công nghệ.

Tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các cấp, các ngành, các địa phương, doanh nghiệp và người dân; tạo môi trường, điều kiện thuận lợi hơn nữa để sản xuất kinh doanh phát triển; chủ động phòng chống và có giải pháp hiệu quả để khắc phục những tác động tiêu cực của thiên tai, biến đổi khí hậu, ô nhiễm môi trường, dịch bệnh, đặc biệt là đại dịch Covid-19” – Thủ tướng nói.

Giải pháp thứ tư, theo Thủ tướng: Kiên quyết, kiên trì bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ; bảo đảm quốc phòng, an ninh và trật tự, an toàn xã hội. Tiếp tục thực hiện nhất quán đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, đa phương hóa, đa dạng hóa vì hòa bình, hợp tác và phát triển; chủ động và tích cực hội nhập quốc tế toàn diện, sâu rộng, có hiệu quả, là thành viên có trách nhiệm và có uy tín với cộng đồng quốc tế.

Cùng với đó là xây dựng cơ chế, chính sách, điều kiện để phát triển văn hóa và con người Việt Nam trở thành nguồn lực, động lực quan trọng trong phát triển kinh tế – xã hội; có giải pháp hiệu quả nâng cao chất lượng y tế, giáo dục và đào tạo, coi trọng phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao và phát triển hệ thống an sinh xã hội toàn diện, trong đó quan tâm, chú ý hơn đến vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo và đồng bào dân tộc thiểu số, các đối tượng yếu thế trong xã hội…

Thủ tướng hứa: “Tôi nguyện sẽ mang hết sức mình, vượt qua mọi khó khăn, thách thức; kế thừa, phát huy truyền thống và kinh nghiệm quý báu của các đồng chí Thủ tướng qua các thời kỳ; nỗ lực cùng các thành viên Chính phủ đoàn kết, liêm chính, hành động quyết liệt, hiệu quả, hết lòng, hết sức phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân, tất cả vì lợi ích của Đảng, của quốc gia, dân tộc”.

Kỳ vọng đổi mới và đột phá

Ngay sau khi Quốc hội bầu Chủ tịch nước và Thủ tướng Chính phủ, nhiều ĐBQH đã có những trải lòng kỳ vọng về hai vị lãnh đạo mới của đất nước. ĐB Đặng Ngọc Nghĩa (Thừa Thiên-Huế) cho rằng, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đã trải qua tất cả các cương vị công tác từ cấp tỉnh cho đến Thủ tướng Chính phủ; là một con người trách nhiệm, nhiệt huyết, rất có tâm huyết gần dân, sâu sát dân hơn.

“Hình ảnh một đồng chí Thủ tướng vừa có tầm, vừa có tâm. Tầm là tầm chiến lược, tầm đối ngoại. Vừa rất sát cơ sở, giải quyết rất kịp thời những vướng mắc, bức xúc về kinh tế – xã hội cũng như về đối ngoại quốc phòng, an ninh. Trên cương vị mới, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc là người đứng đầu đất nước trong vấn đề đối ngoại, đối nội, thống lĩnh lực lượng vũ trang nên tôi tin tưởng với kinh nghiệm, bản lĩnh trí tuệ, phong cách lãnh đạo của mình thì nhiệm kỳ tới đây Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc sẽ hoàn thành tốt nhiệm vụ của mình”, ông Nghĩa nói.

Đối với Thủ tướng Phạm Minh Chính, ông Nghĩa cho rằng: Thủ tướng Phạm Minh Chính là người đã trải qua nhiều cương vị công tác. Đặc biệt trên cương vị làm Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ninh, mặc dù trong thời gian không nhiều nhưng cũng để lại những dấu ấn như giúp Quảng Ninh đột phá về kinh tế, sau đó các người kế nhiệm ông sau đã phát huy để “mở toang cánh cửa giúp Quảng Ninh phát triển”.

Trên cương vị Trưởng Ban Tổ chức Trung ương, ông Phạm Minh Chính đã mạnh dạn đề nghị sáp nhập những cơ quan chức năng tương đương nhau, tạo bước đột phá về đào tạo cán bộ, kiên quyết bảo đảm tiêu chuẩn, quy trình, đánh giá cán bộ một cách rõ ràng, minh bạch, công khai.

Ông Nghĩa nói: “Theo tôi trên cương vị Thủ tướng Chính phủ, ông Phạm Minh Chính sẽ cùng với tập thể Chính phủ dưới sự lãnh đạo của Đảng, Quốc hội hoàn thành tốt nhiệm vụ. Đồng thời có những đột phá để làm thế nào lo cho nhân dân, đảm bảo đời sống của nhân dân, hành động mạnh mẽ để biến Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, cũng như các chương trình hành động của Chính phủ khóa nhiệm kỳ 2021-2026, tạo đà và xây dựng đất nước Việt Nam hùng mạnh”.

ĐB Tô Thị Bích Châu, Chủ tịch MTTQ Việt Nam TP HCM kỳ vọng, trên cương vị công tác mới, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc sẽ có nhiều đối sách quan trọng, đặc biệt là tiếp tục mối quan hệ, tình cảm tốt đẹp với bạn bè quốc tế mà đã phát huy tốt trong nhiệm kỳ qua.

Bà Tô Bích Châu cũng kỳ vọng, Thủ tướng Phạm Minh Chính cùng Chính phủ nhiệm kỳ 2021-2026 sẽ đổi mới cả về tư duy, cách làm và phương thức, thể hiện sẽ có sự đồng đều, công bằng theo tiêu chí rõ ràng để có sự đột phá và phát huy được năng lực từng vùng, từng địa phương, có sự động viên khích lệ để làm sao vươn lên bứt phá trong phát triển kinh tế đất nước.

Theo Đại đoàn kết

Bài viết cùng chủ đề:

    3 8

    Dấu xưa – Hồn phố: Về Nghệ An thăm cổng phủ Tương Dương

    Di tích cổng phủ Tương Dương nằm ở bản Cửa Rào 1, xã Xá Lượng, huyện Tương Dương, tỉnh Nghệ An, nơi giao giữa sông Nậm Nơn và Nậm Mộ – khởi nguồn của dòng sông Lam. Theo báo Nghệ An, cổng phủ Tương Dương đã tồn tại hàng trăm năm. Hiện nay, di tích...
    1 8

    Khám phá làng chài cổ giữa lòng di sản Vịnh Hạ Long

    Khi nhắc đến Vịnh Hạ Long, nhiều người nghĩ ngay đến những dãy núi đá vôi trùng điệp nổi lên giữa làn nước xanh ngọc, được UNESCO công nhận là Di sản thiên nhiên thế giới. Tuy nhiên, ít ai biết rằng giữa lòng vịnh kỳ vĩ này còn ẩn giấu một “viên ngọc văn...
    1 7 e1729669902423

    Không gian ngôi chùa cổ có cây thị gần 400 năm tuổi ở Hà Nam

    Chùa Cây Thị ở tỉnh Hà Nam có không gian kiến trúc cổ kính, đặc biệt trong khuôn viên ngôi chùa có cây thị cao hơn 10m, với niên đại khoảng 370 năm là điểm nhấn thu hút người dân và du khách thập phương tới chiêm bái. Theo Công luận
    15

    Danh thắng Yên Tử trên hành trình trở thành Di sản thế giới

    Hồ sơ di sản Yên Tử đang được gấp rút hoàn thiện theo yêu cầu của UNESCO, với thời hạn nộp báo cáo vào ngày 8/11/2024, để chính thức được công nhận trở thành Di sản thế giới liên tỉnh đầu tiên ở Việt Nam. Theo đó, sau 3 năm, Hồ sơ khoa học quần...
    12

    Nam Định – vùng đất thấm đẫm văn hóa, lịch sử

    Nam Định là mảnh đất giàu truyền thống văn hóa, có nhiều lễ hội đặc sắc gắn với các di tích lịch sử. Nơi đây có tới hơn 200 lễ hội truyền thống, tập trung tại thành phố và các huyện Nghĩa Hưng, Vụ Bản, Ý Yên, Nam Trực, Mỹ Lộc, Hải Hậu… Nơi có...

Được quan tâm