Mang những dấu ấn đậm nét của làng quê miền Trung, làng cổ Phước Tích đang dần trở thành điểm đến tham quan thú vị của rất nhiều du khách khi tới du lịch tại Huế.
Làng cổ Phước Tích thuộc thôn Phước Phú, xã Phong Hòa, huyện Hương Điền, tỉnh Thừa Thiên-Huế. Theo một số tài liệu lịch sử, ngôi làng này được hình thành từ thế kỷ 15. Cái tên Phước Tích mang ý nghĩa mong muốn người dân trong làng sẽ tích được nhiều phúc đức để lại cho đời sau.
Điều khiến làng Phước Tích trở nên đặc biệt đó chính là hệ thống những nhà cổ, nhà vườn truyền thống từ thời xưa. Hiện nay, trong làng có khoảng 117 hộ dân, với gần 30 nhà cổ (gồm 10 nhà thờ, còn lại phần đa là những ngôi nhà rường đặc trưng của Huế). Trong đó có tới 12 ngôi nhà rường được xếp hạng có giá trị đặc biệt.
Điều thú vị là các căn nhà đều có một khu vườn rộng, cách nhau bởi những hàng chè tàu được cắt tỉa thẳng tắp.
Bên cạnh những ngôi nhà rường độc đáo, những công trình thờ tự cổ kính uy nghiêm, làng cổ Phước Tích có nghề truyền thống làm gốm vô cùng đặc sắc. Những sản phẩm được tạo ra từ làng gốm Phước Tích thời xa xưa đã trở thành những sản phẩm quý chuyên để dâng lên cho vua chúa triều Nguyễn.
Đúng như ý nghĩa tên gọi của ngôi làng, các thế hệ người dân ở đây đều tiếp nối truyền thống của cha ông để lại. Từ đời này sang đời khác họ vẫn hăng sang lao động, miệt mài sáng tạo để làm nên những giá trị to lớn cho làng quê. Những kiến trúc cổ độc đáo, những nét văn hóa dòng họ, làng xóm, làng nghề đã tạo nên một nét đẹp văn hóa làng quê đậm nét của miền Trung.
Theo Vietnamplus