Làng Trường Lưu đã hơn 600 năm tuổi đời, hiện có 3 di sản được UNESCO công nhận Di sản tư liệu ký ức thế giới khu vực châu Á – Thái Bình Dương.
Làng Trường Lưu thuộc xã Lai Thạch, huyện La Sơn, phủ Đức Quang cũ, nay là xã Kim Song Trường, huyện Can Lộc, tỉnh Hà Tĩnh. Ngôi làng được hình thành từ thế kỷ XV, nổi tiếng là đất văn vật ở xứ Nghệ, đặc biệt là dòng họ Nguyễn Huy nổi tiếng cả nước với những tên tuổi đỗ đại khoa và sự nghiệp thơ văn vô giá.
Trường Lưu cũng là ngôi làng duy nhất ở Việt Nam có 3 di sản được ghi danh là di sản tư liệu của chương trình Ký ức thế giới khu vực châu Á – Thái Bình Dương. Bao gồm: Mộc bản Trường học Phúc Giang, Hoàng hoa sứ trình đồ, Văn bản Hán Nôm làng Trường Lưu.
Hiện nay, 3 di sản tư liệu của chương trình Ký ức thế giới khu vực châu Á – Thái Bình Dương đang được trưng bày ở trụ sở Ban Quản lý bảo tồn di sản văn hóa Trường Lưu (xã Kim Song Trường).
Ngay đầu làng là con sông Phúc Giang chảy quanh co, trước đây sông rộng khoảng 20m, nay đã thu hẹp dần do bị bồi lấp. Tương truyền, Hồ Quý Ly từng đem thủy quân đến đây tập trận. Tên con sông cũng được Thám hoa Nguyễn Huy Oánh dùng để đặt tên cho thư viện do ông sáng lập là Thư viện Phúc Giang.
Cạnh con sông Phúc Giang là giếng Ngọc với tuổi đời hàng trăm năm. Hiện nay, giếng nước vẫn phục vụ sinh hoạt cho người dân trong vùng.
Đình làng Trường Lưu được xây dựng vào thế kỷ XVII, thiết kế theo phong cách thời Hậu Lê. Đình gồm hai phần chính là thượng điện (nơi thờ các vị thần) và hạ điện (nơi người dân sinh hoạt văn hóa tâm linh).
Đình được dựng bằng gỗ mít, đến nay đã mối mọt theo dòng chảy thời gian. Các cột gỗ được chạm trổ rồng phượng và hoa văn cầu kì, chính giữa là bàn thờ phục vụ các lễ giỗ. Trong đình có đặt tấm bia ghi danh 22 vị tiến sĩ dưới triều Hậu Lê và triều Nguyễn. Năm 2008, đình được công nhận là Di tích lịch sử cấp tỉnh.
Trong ảnh là nhà thờ Lục Chi hay còn gọi Nhà thờ Nguyễn Huy Oánh và Nguyễn Huy Tự. Nhà thờ được Thám hoa Nguyễn Huy Oánh xây dựng năm 1752 để thờ cha là ông Nguyễn Huy Tựu (1690-1750). Hiện nay nhà thờ đã được công nhận là Di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia.
Trong khuôn viên nhà thờ có đặt hai văn bia tiến sĩ được lập lần lượt vào năm 1748 và 1772. Hai văn bia tiến sĩ có mẫu như các văn bia ở Quốc Tử Giám.
Trong ảnh là nhà văn hóa làng, trước đây mảnh đất này từng là Trường học Phúc Giang – nơi Nguyễn Huy Tự cùng cha Nguyễn Huy Oánh xây dựng sau khi về quê ở ẩn. Trường thu hút rất đông sĩ tử trong Nam ngoài Bắc theo học và đã đào tạo được nhiều người thi đỗ các kỳ thi Hương, thi Hội, thi Đình với hàng trăm sinh đồ, hương cống và đặc biệt có trên 30 người đỗ tiến sĩ.
Trong 14 nhà thờ các dòng họ, đình làng, tư gia có các bức hoành phi, trướng, gia phả,…được khắc bằng chữ Nôm, tất cả gồm 173 tài liệu.
Trả lời VTC News, ông Nguyễn Quốc Sơn, Phó chủ tịch UBND xã Kim Song Trường cho biết, trong quá trình xây dựng và phát triển, làng Trường Lưu đã tạo dựng nên hệ thống di sản văn hóa đặc sắc.
“Về di sản văn hóa vật thể, đến nay làng còn giữ được trên 15 di tích lớn nhỏ, trong đó có 4 di tích được xếp hạng quốc gia, 9 di tích cấp tỉnh cùng trên 20 nhà thờ của các dòng họ khác. Rất nhiều nhà cổ xưa hàng trăm tuổi được các dòng họ bảo lưu khá nguyên vẹn”, đại diện UBND xã chia sẻ thêm.
Mộc bản Trường học Phúc Giang là bộ ván khắc dùng để in sách phục vụ cho việc dạy và học, được hình thành trong quá trình hoạt động của dòng họ Nguyễn Huy từ thế kỷ XVIII đến thế kỷ XX tại Trường học Phúc Giang, góp phần đào tạo hơn 30 vị tiến sĩ và nhiều hương cống, cử nhân. Hoàng Hoa sứ trình đồ được công nhận là bản sao duy nhất của tập sách với phần bản đồ là chính. Trong đó ghi chép nhiều hình ảnh, thông tin phong phú, quý hiếm về hành trình đi sứ của sứ thần Đại Việt thế kỷ XVIII do Nguyễn Huy Oánh biên tập, hiệu đính và chú thích trong năm 1765 từ các tài liệu của nhiều thế hệ đi sứ trước để làm cẩm nang cho chuyến đi năm 1766-1767 do ông làm Chánh sứ. Bộ sưu tập văn bản Hán Nôm gồm 173 tài liệu tại 14 nhà thờ các dòng họ, đình làng và 8 tư gia của làng Trường Lưu (từ cuối thế kỷ XVII đến giữa thế kỷ XX). Đây là khối tài liệu hình thành trong quá trình hoạt động văn hóa, giáo dục của làng bao gồm: sắc phong và văn bản hành chính, hoành phi, câu đối, trướng, bia, gia phả, văn cúng và sách cổ. Đặc biệt, trong phần sách cổ có “Quảng Thuận Đạo sử tập” do Nguyễn Huy Quýnh soạn khoảng năm 1775-1785, có tư liệu về chủ quyền của Việt Nam về Hoàng Sa, Trường Sa. |