Khái quát về di sản kiến trúc chùa Việt

Hoài Linh 219 lượt xem 14 Tháng Mười Hai, 2023

Hoàn cảnh sản sinh nền kiến trúc dân tộc gắn liền với lịch sử dựng nước và giữ nước của ông cha ta. Đó là một giai đoạn lịch sử dài hàng nghìn năm đấu tranh, chống chọi với cả thiên nhiên và giặc ngoại xâm để tồn tại và xây dựng, gìn giữ bản sắc văn hóa, văn minh của dân tộc. Diện tích đất nước ta với 331.690km2, trong đó 3/4  là đồi núi, chỉ có 1/4  là đồng bằng. Cấu trúc địa hình khá đa dạng, cộng thêm môi trường thiên nhiên khác nhau, đã tạo dựng nhiều kiểu thức, kiến trúc có sắc thái địa phương khác nhau.

123451
Chùa Dạm – Bắc Ninh (Nguồn: internet)

Trong suốt chiều dài lịch sử, kiến trúc cổ truyền Việt Nam thực sự không có nhiều thay đổi hoặc cũng không xuất hiện các trường phái như ở châu Âu. Là một quốc gia phải liên tục chịu đựng chiến tranh trải dài theo lịch sử, thời gian để hòa bình xây dựng rất ngắn, nên những công trình kiến trúc lớn hay bền vững tồn tại không nhiều. Quá trình phát triển nền kiến trúc cổ Việt Nam gắn liền với môi trường thiên nhiên và hoàn cảnh kinh tế – xã hội. Cảnh quan thiên nhiên, đặc điểm khí hậu khác nhau đã ảnh hưởng đến phong cách kiến trúc của mỗi miền đất nước, hình thành kiểu kiến trúc với bộ khung bền chắc, thoáng mát theo lối kiến trúc mở, hòa lẫn với cây xanh, mặt nước. Những công trình kiến trúc cổ còn lại đến ngày nay, hầu hết được xây dựng từ thế kỷ 16 trở về sau. Dấu vết kiến trúc các thời kỳ từ thế kỷ 15 trở về trước hiện chỉ biết qua các công trình khai quật khảo cổ học hoặc một vài dấu tích chùa, tháp còn sót lại ở miền Bắc.

Kiến trúc chùa Việt đa phần sử dụng kết cấu khung gỗ kết hợp với những vật liệu bổ trợ khác như đất, gạch, ngói, đá, tranh, tre, rơm,… Kiến trúc thực sự không có sự phân chia hoặc khác biệt nhiều về kết cấu của các thể loại công trình. Do đặc điểm, tính chất của hệ kết cấu, cũng như việc sử dụng các loại vật liệu tự nhiên sẵn có nên kiến trúc cổ truyền Việt Nam không thực sự tồn tại những công trình có kích thước lớn như các quốc gia khác. Hệ thống kết cấu khung gỗ trong mỗi ngôi chùa Việt, cũng như trong cả nền kiến trúc cổ truyền Việt Nam là những quy định thống nhất về kích thước, các tương quan tỷ lệ giữa các chi tiết, thành phần kiến trúc trong một công trình kiến trúc theo phong cách cổ điển của người Việt Nam với những quy tắc riêng biệt và điển hình đã được người Việt sử dụng trong lịch sử Việt Nam.

Loại hình kiến trúc Chùa Việt trong Phật giáo Việt Nam

Theo lịch sử, Phật giáo đã có mặt ở nước ta từ hơn 2000 năm với trung tâm Phật giáo thời bấy giờ ở vùng Dâu (nay thuộc Thuận Thành – Bắc Ninh). Tuy nhiên, dấu vết kiến trúc hiện nay cũng chỉ thấy từ thế kỷ 11 như các mặt bằng tháp Tường Long (Hải Phòng), tháp Phật Tích (Bắc Ninh), tháp Chương Sơn (Nam Định)… Giai đoạn trước đó chỉ tìm thấy những di vật, như: Quả chuông đồng chùa Thanh Mai (Hà Nội)– niên đại 798; Bia đá Nhân Thọ xá lợi tháp niên đại 602 (Bắc Ninh); cột kinh Phật ở chùa Nhất Trụ và vùng Hoa Lư (Ninh Bình) hay vài mảnh gạch xây tháp Nhạn ở Nghệ An… Các ngôi chùa trên đất nước ta hiện nay thuộc 4 hệ phái chính: Bắc tông, Khất sĩ, Nam tông Kinh và Nam tông Khmer

  • Hệ phái Khất Sĩ

Phật giáo Khất Sĩ được Tổ sư Minh Đăng Quang khai sáng vào năm 1944, với chí nguyện “Nối truyền Thích ca Chánh pháp”. Nơi thờ tự, tu trì của các nhà tu hành thuộc hệ phái Khất sĩ gọi là tịnh xá, nguyên gốc tiếng Phạn là “Vihāra”, vốn có nghĩa là một trú xứ thanh tịnh, u tịch. Danh hiệu các ngôi tịnh xá thường có hai chữ, đứng đầu thường là chữ Ngọc, còn chữ thứ hai, Tổ sư và chư Trưởng lão tăng, ni có thể tùy nghi dùng tên địa phương của khu vực đó để đặt (ví dụ tịnh xá Ngọc Viên, Ngọc Hương,…). Tuy nhiên, có một vài tịnh xá đặt tên theo ý nghĩa nhân duyên của nơi trụ trì, hoặc theo chức năng của một ngôi tịnh xá, hoặc là tên của một bộ kinh, tên của chư Tổ…

  • Hệ phái Nam tông Kinh

Phật giáo Nguyên thủy (Theravāda) còn gọi là Phật giáo Nam tông, hình thành ngay trong thế kỷ đầu tiên sau khi đức Phật Thích Ca viên tịch, được truyền bá phổ biến ở các quốc gia Nam Á và Đông Nam Á (Thái Lan, Srilanca, Myanmar, Lào, Campuchia). Khoảng cuối những năm 30 của thế kỷ 20, Phật giáo Nam tông bắt đầu được phái đoàn truyền giáo do hòa thượng Hộ Tông dẫn đầu du nhập từ Campuchia vào cộng đồng người Việt/Kinh. Sự kiện đầu tiên đánh dấu ngày ra đời của hệ phái Nam Tông Kinh ở Việt Nam là Lễ an vị tôn tượng Phật tại ngôi chánh điện chùa Bửu Quang (Ratanaraṅsyārāma, nay thuộc Thủ Đức – TP HCM) và ngày 15/10/1938. Chùa Bửu Quang trở thành ngôi tổ đình đầu tiên của hệ phái Nam tông Kinh và do Hòa thượng Thiện Luật đảm nhiệm chức vị trụ trì đầu tiên từ năm 1939.

  • Hệ phái Nam tông Khmer

Cũng như các quốc gia Nam và Đông Nam Á: Thái Lan, Srilanca, Myanmar, Lào, cộng đồng người Khmer ở cả Campuchia và Việt Nam đều theo hệ phái Nam tông (Theravāda). Người Khmer coi ngôi chùa như mái nhà sinh hoạt cộng đồng chung, như ngôi trường học đầu đời. Làng xã nào cũng phải có ít nhất một ngôi chùa. Chùa là nơi diễn ra mọi nghi lễ, sinh hoạt tinh thần của cộng đồng. Bất cứ người con trai nào khi lớn lên đều được đưa vào chùa tu dưỡng trong tinh thần Phật giáo, xuống tóc đi tu, học giáo lý nhà Phật, học văn hóa trước khi bước vào cuộc sống tự lập của người trưởng thành. Khi chết, người Khmer hỏa táng và tro được gửi lên chùa.

Mỗi ngôi chùa của người Khmer thường tọa lạc trong một khuôn viên khá rộng, dưới tàng cây xanh mát và thường gồm khá nhiều hạng mục công trình: Cổng chùa, nhà hội (Sa la), Tăng xá, thu tháp cốt, tháp tượng Phật Thích ca an vị dưới gốc Bồ Đề…).

  • Hệ phái Bắc tông và ngôi chùa Việt

Phật giáo Bắc Tông (Mahāyāna – Đại Thừa) đã có mặt khá sớm trong xã hội Đại Việt. Theo sách “Thiền Uyển Tập Anh” (một bộ sách quan trọng về các vấn đề lịch sử, tư tưởng, văn học Phật giáo Việt Nam) thì Phật giáo được truyền vào Việt Nam trực tiếp từ Ấn Độ, trước cả Trung Quốc. Ngay từ đầu công nguyên, tại vùng Luy Lâu (nay thuộc Thuận Thành, Bắc Ninh) đã là một trung tâm Phật giáo lớn với 20 ngôi chùa, 500 tăng sĩ và dịch được 15 quyển kinh…

Mặc dù có lịch sử ra đời từ rất sớm, nhưng dấu vết kiến trúc hiện còn trên mặt đất lại mới chỉ tìm thấy từ thời Lý, với một số phế tích chùa tháp tiêu biểu như chùa Dạm (Bắc Ninh), chùa Phật Tích (Bắc Ninh), chùa Long Đọi (Hà Nam), chùa Ngô Xá và tháp Chương Sơn (Nam Định)…. đó nguyên đều là những ngôi chùa lớn, do đích thân triều đình bỏ tiền xây dựng và được sử sách ghi lại. Sang thời Trần (thế kỷ 13 – 14), may mắn chúng ta còn giữ lại vài bộ khung kiến trúc bằng gỗ tại chùa Dâu (Bắc Ninh), chùa Thái Lạc (Hưng Yên), chùa Bối Khê (Hà Nội) cùng một số ngôi tháp như: Tháp Phổ Minh (chùa Phổ Minh – Nam Định), tháp Bình Sơn (chùa Vĩnh Khánh – Vĩnh Phúc)… phần nào giúp chúng ta hình dung được kết cấu kiến trúc Thượng điện của một ngôi chùa cũng như kiến trúc một tòa bảo tháp thời Trần.

Sang thế kỷ 17, 18, cùng với sự ủng hộ của triều đình, nhiều ngôi chùa lớn đã được xây dựng, trùng tu… bên cạnh những ngôi chùa mặt bằng chữ Đinh, chữ Nhị, chữ Tam, chữ Công, đã xuất hiện những ngôi chùa “trăm gian” với mặt bằng nội công, ngoại quốc (chùa Trăm Gian, chùa Bút Tháp, chùa Keo, chùa Dâu, chùa Thầy….). Bộ khung kiến trúc ngôi chùa Bắc tông về cơ bản vẫn kế thừa thức kiến trúc dân gian truyền thống của người Việt. Những liên kết vì được sử dụng trong chùa cũng được sử dụng tại các ngôi đình, đền, miếu…., thậm chí cả ở những ngôi nhà dân gian truyền thống.

Đối với miền Trung và miền Nam, mặc dù Phật giáo cũng đã có mặt từ đầu thế kỷ 17, nhưng kiến trúc còn giữ lại hiện nay cũng chỉ mang niên đại, phong cách nghệ thuật từ thế kỷ 19, 20. Chùa miền Trung có lối bài trí kiểu “tiền Phật – hậu T”, với mặt bằng tổng thể kiểu “chữ Khẩu”; chùa Nam Bộ với những nếp nhà xếp đọi mang nét tương đồng với những ngôi nhà nông dân vùng sông nước… Tất cả tạo nên một nét đặc trưng kiến trúc mang sắc thái vùng miền, làm giàu thêm bản sắc kiến trúc truyền thống của ngôi chùa Việt…

Đặc điểm kiến trúc chùa Việt

  • Hệ phái Khất Sĩ

Kiến trúc chính điện một tịnh xá luôn có mặt bằng nền hình bát giác với 04 cột cái lớn ở chính giữa và 08 cột quân xung quanh với 02 tầng mái (tầng mái trên thường chỉ có 04 mặt mái). Một số tịnh xá sau này do nhu cầu mở rộng không gian hành trì nên đã thêm 08 hàng cột hiên nối dài ra khiến kiến trúc những công trình này có 03 tầng mái như: Tịnh xá Ngọc Viên (Vĩnh Long)… Mô hình Chính điện hình bát giác do vị tổ sư Minh Đăng Quang thiết kế là một trong những mô hình thể hiện tính kế thừa và sáng tạo của ông, không theo mô hình của Phật giáo Nam tông ở Campuchia hoặc ở vùng Nam bộ Khmer, mà cũng không hoàn toàn theo truyền thống của Phật giáo Đại thừa.

Về ý nghĩa của ngôi Chính điện, mô hình bát giác, tượng trưng cho Bát Chính Đạo; cổ lầu tứ giác tượng trưng cho Tứ Diệu Đế; bốn cột lớn trong lòng chính điện tượng trưng cho Tứ Chúng: Tỳ-kheo, Tỳ-kheo-ni, cận sự nam và cận sự nữ cùng nhau nâng đỡ ngôi nhà Phật pháp. Trên đỉnh chính điện là 01 bông Hoa sen hoặc Ngọn đèn Chân Lý biểu trưng cho sự thanh cao tịnh khiết hoặc ánh sáng chân lý sẽ soi sáng cho muôn loài chúng sinh. Chính giữa chính điện đặt một tòa tháp bằng gỗ, để trống bốn phía, bên trong bài trí tượng Phật thích ca. Mái tháp gỗ gồm 13 tầng tượng trưng cho 13 nấc thang tiến hóa tâm linh của chúng sinh hữu tình: Từ lục phàm lên tứ Thánh và tam Tôn.

  • Hệ phái Nam tông Kinh

Về kiến trúc, mặt tiền chính điện thường được bố trí xoay hướng Đông, phương cách này ảnh hưởng phật giáo Camphuchia. Chính điện luôn phải kiết giới Sìma. Trong chính điện chỉ tôn thờ duy nhất một tượng Phật Thích Ca và nhiều pho tượng Thích Ca ở mỗi tư thế khác nhau. Xung quanh chính điện thường treo những bức tranh về cuộc đời Phật Thích Ca. Ngoài ra, trong khuôn viên chùa còn có một nơi để Pháp sư giảng pháp vào những ngày lễ (Pháp tọa), một tòa tháp bên trong an trí tượng Phật Thích ca dưới gốc cây Bồ đề.

Nổi bật nhất trong khuôn viên luôn là một đại bảo tháp với kích thước khá lớn và chiều cao vượt trội, có thể dễ dàng nhận ra từ xa. Do mới du nhập vào nước ta lại được các hòa thượng trụ trì tùy nghi sáng tạo nên những kiểu thức nên kiến trúc của các ngôi tháp này cũng khá đa dạng cả về mặt bằng, số tầng và chiều cao. Có tháp mặt bằng hình vuông, như chùa Huyền Không (Thừa Thiên, Huế), có tháp mặt bằng hình tròn (chùa Thuyền Lâm – Thừa Thiên, Huế).

  • Hệ phái Nam tông Khmer

Ngôi chính điện là công trình quan trọng nhất của một ngôi chùa Khmer, thường được xây dựng trên 2 hoặc 3 cấp nền cao, có tường rào vây quanh. Chính điện có mặt bằng chữ nhật, thông thường được bố cục theo chiều Đông – Tây (trong trường hợp đó ban thờ Phật sẽ nằm ở phía Tây với quan niệm đức Phật luôn ở phương Tây, nhìn về phương Đông mà ban phúc lộc…). Mái chính điện thường có 3 cấp, bên trên trang trí các hình rắn thần Po choong, thủy quái Makara… Đỡ dưới diềm mái là tượng nữ thần Key nor. Bên dưới, phía bậc cấp là hình rắn thần Nagar 7 đầu, hình tượng chằn (Yeak) đứng bảo vệ Phật pháp…

  • Hệ phái Bắc tông

Mặt bằng kiến trúc được thống kê nhiều nhất là chữ Đinh, gồm nhà chính điện hay nhà thượng điện, tức ngôi nhà đặt các bàn thờ Phật, nối thẳng góc với nhà bái đường hay nhà tiền đường ở phía trước. Nhà bái đường đôi khi cũng được gọi là chùa Hộ, vì rằng ở đây thường dùng để đặt tượng hộ pháp.

Một dạng mặt bằng nữa cũng khá phổ biến là kiểu “chữ Công”. Ở dạng mặt bằng này, chính điện và bái đường song song và được nối với nhau bằng một ngôi nhà gọi là nhà thiêu hương, nơi các nhà sư làm lễ.

Ngoài ra, mặt bằng “chữ Tam” với 3 nếp nhà song song với nhau, thường được gọi là chùa hạ, chùa trung và chùa thượng, cũng đã xuất hiện trong kiến trúc chùa Việt, như chùa Kim Liên và chùa Tây Phương (Hà Nội).

Thực ra, đây chỉ là hình thức bố cục mặt bằng của các kiến trúc chính. Trong các chùa, ngoài cụm kiến trúc này, còn có những ngôi nhà khác như nhà tổ, nơi thờ các vị sư đã từng trụ trì ở chùa nay đã tịch, hoặc nhà tăng, nơi ở của các nhà sư, và một số kiến trúc khác như gác chuông, tam quan, tháp…

Một dạng mặt bằng nữa cũng đã xuất hiện ở miền Bắc Việt Nam là kiến trúc có 2 dãy hành lang dài nối liền nhà tiền đường (hay bái đường) ở phía trước với nhà hậu đường ở phía sau (có thể là nhà tổ hay nhà tăng) làm thành một khung chữ nhật bao quanh tòa thiêu hương, thượng điện hay các kiến trúc khác ở giữa. Kiểu chùa này được gọi là nội công ngoại quốc, có nghĩa là phía trong có hình chữ Công, còn phía ngoài có cái khung bao quanh như ở chữ Quốc.

Trong thực tế, các kiểu chùa nói trên có nhiều biến thể khác nhau. Ở một số chùa phía sau điện Phật còn có điện Thánh, tạo nên mô hình chùa tiền Phật – hậu Thánh phổ biến ở Bắc Bộ, như chùa Bối Khê (Hà Nội), chùa Keo (Thái Bình), chùa Keo (Nam Định). Có chùa Gác chuông ở phía trước (chùa Bút Tháp – Bắc Ninh), có chùa Gác chuông ở phía sau (chùa Keo – Thái Bình), có chùa Gác chuông ở ngay trên Tam quan (chùa Bối Khê – Hà Nội), có chùa Gác chuông lại ở ngay trên nhà Tổ (chùa Sổ – Hà Nội, chùa Phúc Quang – Bắc Giang). Ở một số chùa có ngôi tháp lớn ở trước mặt như chùa Dâu (Bắc Ninh), chùa Phổ Minh (Nam Định), nhưng ở một số chùa khác, các tháp lại ở 2 bên chùa hay có vườn tháp riêng.

Xung quanh kiến trúc chùa còn có hồ nước, thủy đình để biểu diễn múa rối nước (chùa Thầy- Hà Nội) mở hội thi bơi thuyền (chùa Keo – Thái Bình) hoặc vườn chùa, cảnh sắc thiên nhiên: Núi đá, cầu, suối, khe… Một số chùa lợi dụng địa thế tạo nên công trình (chùa Hương Tích – Hà Nội), chùa Nhị Thanh, chùa Tam Thanh (Lạng Sơn), khu chùa Yên Tử (Đông Triều – Quảng Ninh), chùa Côn Sơn (Hải Dương) là một tổng thể công trình kiến trúc phối hợp với cảnh sắc thiên nhiên. Quy mô kiến trúc chùa lớn hay nhỏ, nhiều hay ít gian còn tùy theo số vốn đầu tư, sự trù phú của địa phương hay người bảo trợ, hưng công xây chùa là Triều đình, địa phương hoặc tư nhân.

Về các chi tiết kiến trúc, chi tiết trang trí chạm khắc

Trong thức kiến trúc cổ Việt Nam nói chung và chùa Việt nói riêng, thì chạm trổ là phần rất quan trọng, nó thể hiện tinh thần của công trình, tinh thần của di tích. Nghệ thuật trang trí và điêu khắc là những bộ môn tạo hình nghệ thuật gắn bó khăng khít và không thể thiếu được trong các công trình kiến trúc cổ và dân gian Việt Nam để điểm xuyết, trang trí nội và ngoại thất công trình kiến trúc đưa tác phẩm lên một tầm giá trị nghệ thuật cao, có bản sắc dân tộc và tính thời đại rõ nét. So với kiến trúc Trung Hoa thích vẽ hình và sơn mầu sặc sỡ, kiến trúc cổ Việt Nam thường để mộc mầu gỗ hay quét sơn ta bảo vệ có mầu nâu, chạm trổ nhiều.

Ngoài tạo hình nghệ thuật bản thân kiến trúc: Bố cục tổng thể và hình khối không gian kiến trúc, xử lí đường nét và góc cạnh các bộ phận công trình…đã là những trang trí đẹp mắt, ông cha ta còn sử dụng các điêu khắc tượng tròn, chạm khắc phù điêu, đồ gốm, hoa văn, gờ chỉ và tranh vẽ hội họa để tăng giá trị nghệ thuật và phục vụ nội dung, tính chất tư tưởng của công trình. Trong các ngôi chùa Việt Nam: Mái, bệ cửa, bậc cấp, lan can cho đến cột kèo, xà bẩy, cửa võng, cửa đi, cửa sổ… đều có trang trí chạm trổ tùy loại hình, quy mô và thứ bậc công trình mà đề tài và nội dung trang trí đồ án có tính chất phong kiến, tôn giáo – tín ngưỡng hoặc sinh hoạt dân gian.

Đề tài và nội dung đồ án trang trí về tôn giáo thông thường là “tứ linh”: long (rồng), li (long mã), quy (rùa), phượng (chim phượng); bát vật: Ngoài “tứ linh” còn có thêm cá, dơi, hạc, hổ và những động vật khác như voi, ngựa, chó… Và hình người Tiên nữ cưỡi phượng, vũ nữ tấu nhạc… về hoa quả thảo mộc có bát bảo, quả bầu, bút lông, quạt vả, ống tiêu, giỏ hoa, cây kiếm, cái khánh và phất trần là những vật quý tượng trưng cho sự phong lưu, học thức của khổng giáo và dũng khí đạo đức của con người  trong xã hội phong kiến; “ bát quả”: Đào, lựu, mận, lê, phật thủ, nho, bầu và bí; “tứ quý” hoặc “tứ thời” như: Mai hoặc lan (mùa xuân), sen (mùa hạ), cúc (mùa thu), và trúc hay tùng (mùa đông). Những hiện tượng thiên nhiên như mặt trời, mây, sóng nước, ngọn lửa… cũng là những đề tài phổ biến và quen thuộc trong trang trí kiến trúc hoặc tách riêng, hoặc kết hợp như rồng với mây, cá với nước, long mã phụ đồ (con long mã mang cuộn giấy trên lưng)… Trong sáng tạo nghệ thuật, người thợ thủ công Việt Nam còn biết cách điệu, biến các đề tài nói trên cũng như những chữ Nho (tượng hình) để sử dụng làm họa tiết trang trí kiến trúc, như các chữ Phúc, lộc, Thọ, Hỷ… trong các công trình cổ và chữ “vạn” của Phật giáo trong chùa chiền… Cùng với hoa văn ngọn lửa, cánh sen, hoa cúc, cây bồ đề, hình sừng tê – ngọc báu uốn lượn, hài hòa với nhau…

Trang trí trong những ngôi chùa Việt được thể hiện ở cả bên ngoài và bên trong công trình

  • Những trang trí bên ngoài chủ yếu là đắp vẽ trên chất liệu vôi vữa, đất nung. Chúng xuất hiện trên đỉnh cột trụ, trên hệ mái, tường bao…
  • Trang trí bên trong ngôi Chùa xuất hiện trên các cấu kiện gỗ. Những thủ pháp nghệ thuật được thể hiện là chạm nổi, chạm lộng, chạm thủng, chạm kênh bong…

Vị trí xuất hiện các trang trí cũng có tính vùng, miền. Nếu ở kiến trúc miền Bắc chủ yếu chạm khắc trên cấu kiện gỗ thì ở miền Trung và miền Nam lại chủ yếu đắp vẽ trên chất liệu vôi vữa, ở bên ngoài công trình.

Điêu khắc trang trí kiến trúc chùa Việt với các hình rồng, phượng, tiên nữ, đề tài hoa lá… vừa góp phần làm đẹp công trình, vừa thể hiện quan điểm, triết lý về thế giới quan, nhân sinh quan Phật giáo của người xưa.

Theo Tạp chí Kiến Trúc

Bài viết cùng chủ đề:

    Dấu xưa mở cõi đất phương Nam: Cổ tích Miếu Hội Tân Châu

    Trong dân gian, có lẽ do chịu ảnh hưởng tục của người Hoa, người ta gọi ngôi đình làng là miễu, có nơi gọi là miếu võ, thần từ hoặc cổ miếu… Miếu thờ tứ vị vương Giới thiệu cho chúng tôi xem hình ảnh ngôi miếu bằng tre lá ngày xưa, ông từ giữ...
    1 7

    Dấu xưa mở cõi đất phương Nam: Ngôi đình thờ vua Lê, chúa Nguyễn

    Dưới bóng những cây sao cổ thụ và ở ngay ngã ba sông, đình Bình Phú (H.Cai Lậy, Tiền Giang) có vị trí phong thủy ít ngôi đình nào trong vùng sánh được. Nơi đây còn lưu giữ nhiều di sản chứng tỏ là một trong những ngôi đình có niên đại xưa nhất. Thờ...
    8 2

    Dấu xưa mở cõi đất phương Nam: Dấu xưa ở đình Ba Vát

    Đình Ba Vát còn gọi là Phước Mỹ Trung, nơi lưu dấu chứng tích trận đánh lịch sử xảy ra vào thế kỷ 18 ở thôn Phước Hạnh, làng Phước Mỹ Trung, H.Tân An, Vĩnh Long (nay thuộc H.Mỏ Cày Bắc, Bến Tre). Những dấu tích lịch sử Trải qua hàng trăm năm, chợ Ba...
    1 4

    Dấu xưa mở cõi đất phương Nam: Dấu ấn thời khai hoang lập ruộng

    Bửu Hương tự, còn gọi là đền thờ Quản Cơ, tọa lạc ấp Bờ Dâu, xã Thạnh Mỹ Tây, H.Châu Phú (An Giang). Người địa phương quen gọi là dinh Đức Cố Quản. Đây là cơ sở tín ngưỡng của tín đồ Bửu Sơn Kỳ Hương, cũng là nơi thờ tự các vị anh hùng...
    2 3

    Dấu xưa mở cõi đất phương Nam: Mỹ Tho cũ, Định Tường xưa

    Sau khi đồn Kỳ Hòa thất thủ, đô đốc Charner cho mở các cuộc hành quân lấn chiếm ra vùng lân cận, trong đó có Mỹ Tho. Họ tới Mỹ Tho qua ngã kinh Bưu Điện (Arroyo de La Poste) và sông cửa Tiểu. Cồn Rồng, còn gọi là Long Châu Ngày 26.3.1861, Charner cử...

Được quan tâm