Kha Vạn Cân, vị chủ tịch đầu tiên của Sài Gòn – Chợ Lớn

Huyền Linh 83 lượt xem 27 Tháng Tám, 2024

Ngày 25.8.1945, khởi nghĩa ở Sài Gòn – Chợ Lớn giành thắng lợi, Xứ ủy Nam kỳ cử đồng chí Trần Văn Giàu làm Chủ tịch Ủy ban Hành chính lâm thời Nam bộ – gọi tắt là Lâm ủy Nam bộ, còn kỹ sư Kha Vạn Cân được cử làm Chủ tịch Ủy ban Hành chánh lâm thời Sài Gòn – Chợ Lớn.

Nhà nghiên cứu văn học Bằng Giang kể lại, trước Cách mạng tháng Tám 1945, Kha Vạn Cân không phải là một tên tuổi xa lạ. Ông thông minh, ham học, có tinh thần yêu nước từ tuổi thiếu niên. Bị đuổi học vì tham gia lễ truy điệu nhà chí sĩ Phan Châu Trinh (1926), Kha Vạn Cân tự lực sang Pháp học tiếp (1928) và lấy bằng kỹ sư tại Trường Công nghiệp quốc gia Aix (1933). Ra trường, ông vào làm cho Hãng ô tô Renault (1934). Hai năm sau, chủ hãng bổ ông làm đại diện cho hãng bên cạnh Sở Hỏa xa Đông Dương. Cơ quan này muốn ông vào làm việc cho Sở và hứa lo cho ông có quốc tịch Pháp, được hưởng lương công chức của Pháp – điều mà nhiều người hồi đó mơ ước, cạy cục để được vào “làng Tây”; vậy mà ông thẳng thừng từ chối. Ông chỉ muốn ở Việt Nam, giữ quốc tịch Việt Nam – dù lúc đó là thân phận của người dân thuộc địa.

1 12
Kỹ sư Kha Vạn Cân (1908 – 1982) năm 1943
Ảnh: Tư liệu K.M

Thập niên 1940, kỹ sư Kha Vạn Cân, bác sĩ Phạm Ngọc Thạch, trạng sư Thái Văn Lung… là những nhà trí thức được đào tạo từ Pháp có ảnh hưởng lớn với nhân dân miền Nam nói riêng và cả nước nói chung. Nhật đảo chính Pháp để độc chiếm Đông Dương (9.3.1945), tháng sau Chính phủ Trần Trọng Kim được thành lập, mời kỹ sư Kha Vạn Cân giữ chức vụ Đô trưởng Sài Gòn – Chợ Lớn. Sau khi bí mật hỏi ý kiến của những trí thức yêu nước, nhận được chỉ thị bí mật của Xứ ủy Nam kỳ, ông đã đồng ý và nhận lời làm Đô trưởng Sài Gòn – Chợ Lớn.

Để tranh thủ lực lượng quần chúng ở Nam Kỳ, Thống đốc Nam Kỳ Minoda cho thành lập tổ chức Thanh niên Tiền phong với chiêu bài “Châu Á của người châu Á”. Bí thư Xứ ủy Nam Kỳ Trần Văn Giàu đã lợi dụng thời cơ này cử bác sĩ Phạm Ngọc Thạch tham gia sáng lập Thanh niên Tiền phong và làm Chủ tịch của tổ chức này (4.1945). Những thủ lĩnh Thanh niên Tiền phong lúc đó đều là những trí thức sáng giá của miền Nam: kỹ sư Huỳnh Tấn Phát – Trưởng ban Tổ chức, kỹ sư Kha Vạn Cân, trạng sư Thái Văn Lung, nhóm sinh viên Hoàng Mai Lưu gồm Huỳnh Văn Tiểng, Mai Văn Bộ, Lưu Hữu Phước, bác sĩ Nguyễn Văn Thủ… Bí thư Xứ ủy Trần Văn Giàu cùng ông Nguyễn Thanh Sơn (tức Nguyễn Văn Tây) bí mật trực tiếp chỉ đạo Thanh niên Tiền phong.

2 13
Bộ trưởng Kha Vạn Cân (thứ 2 từ phải qua) cùng các cán bộ miền Nam tại Hà Nội
Ảnh: Tư liệu K.M

Chỉ trong vòng 2 tuần lễ, bác sĩ Phạm Ngọc Thạch, kỹ sư Kha Vạn Cân, sinh viên Huỳnh Văn Tiểng… đã phân công nhau đi khắp các tỉnh Nam bộ tổ chức xong Thanh niên Tiền phong. Mỗi tỉnh đều cử các thủ lĩnh ở mỗi cấp, tập hợp thanh niên luyện tập quân sự, mít tinh tuyên thệ, biểu tình, tổ chức biểu diễn như ở Long Xuyên, Cần Thơ, Sài Gòn… Kỹ sư Kha Vạn Cân vừa là thủ lĩnh phong trào chung, vừa trực tiếp làm thủ lĩnh của Thanh niên Tiền phong Chợ Lớn. Những đêm văn nghệ diễn vở kịch Đêm Lam Sơn, hát vang các ca khúc cách mạng Tiếng gọi sinh viên, Lên đàng… gây chấn động khắp miền Nam.

Trong thời gian đứng đầu Sài Gòn – Chợ Lớn, việc làm đầu tiên của Đô trưởng họ Kha là ra lệnh triệt hạ tượng đài tướng tá Pháp ở Sài Gòn – ông Bằng Giang nhớ lại qua hồi ức Sài Côn cố sự (NXB Văn học, 1999). Trước nhất là tượng đài viên sĩ quan hải quân Francis Garnier trước Nhà hát Thành phố; sau đó đến tượng đài của Đô đốc Rigault de Genouilly ở đầu đường Hai Bà Trưng ngó ra bến Bạch Đằng, tượng Gambetta ở vườn Tao Đàn, tượng Bá Đa Lộc và tượng Hoàng tử Cảnh trước Sở Bưu điện Thành phố… Lúc đó, sự kiện này được đánh giá là một việc làm “ngoạn mục” có ý nghĩa tượng trưng chấm dứt một giai đoạn lịch sử bi thương của dân tộc, nhà nghiên cứu Bằng Giang hồi tưởng.

Nhân dân Sài Gòn – Chợ Lớn giành chính quyền chưa được bao nhiêu ngày, phái bộ quân sự Anh đến giải giáp quân Nhật ở miền Nam đã tích cực giúp đỡ cho chủ nghĩa thực dân Pháp hồi sinh. Ngày 23.9.1945, thực dân Pháp gây hấn, chiếm lại Nam bộ phủ. Cuộc kháng chiến chống Pháp bùng nổ ở Sài Gòn. Kỹ sư Kha Vạn Cân đi vào cuộc kháng chiến với tư cách chuyên viên cơ khí, Chủ tịch UBND Sài Gòn – Chợ Lớn (1946 – 1947), Ủy viên Ủy ban Kháng chiến hành chính Nam bộ kiêm Giám đốc Sở Kinh tế Nam bộ cho đến khi tập kết ra Bắc, sau Hiệp định Geneva (1954). Tại miền Bắc, kỹ sư Kha Vạn Cân giữ chức Bộ trưởng lâu năm nhất (1960 – 1975) ở Bộ Công nghiệp nhẹ. (còn tiếp) 

Năm 1976, trở về sinh sống ở TP.HCM, Kha Vạn Cân nhận nhiệm vụ mới rất khiêm nhường là Trưởng ban Khoa học – Kỹ thuật của TP.HCM (1976 – 1978) cho đến ngày nghỉ hưu ở tuổi 70. Ông coi đây là công việc chuyên môn quen thuộc vì suốt 21 năm ở miền Bắc, ông đã là Ủy viên thường trực Hội Phổ biến khoa học kỹ thuật T.Ư.

Theo Thanh Niên

Bài viết cùng chủ đề:

Được quan tâm