Kể chuyện làng: Cây thị nghìn năm và những sự tích kì bí

Trần Hùng 156 lượt xem 21 Tháng Mười, 2021

Không chỉ gây ấn tượng về tuổi thọ mà những câu chuyện về “cụ thị” được người dân lưu truyền qua nhiều năm tháng đã khiến không ít người tò mò về những yếu tố tâm linh xung quanh đó.

Cách thủ đô Hà Nội 20km về phía Tây Nam, đi dọc theo Quốc lộ 6 đến với làng Tiến Ân (xã Thủy Xuân Tiên, huyện Chương Mỹ, TP Hà Nội), có lẽ bất cứ ai khi đi qua làng này đều không khỏi ấn tượng bởi hình ảnh “cây thị ngàn năm tuổi” mà hiếm nơi đâu có được như của làng.

41
Hình ảnh “cây thị ngàn năm tuổi” tại làng Tiến Ân ( Ảnh: sưu tầm)
“Đại lão mộc” nằm ở vị trí trung tâm của làng, ngay bên cạnh ngôi đình làng Tiến Ân. Theo lời của những người lớn tuổi tại làng, họ không hề biết chính xác sự xuất hiện của “cây thị ngàn năm” này là từ năm bao nhiêu. Họ chỉ biết rằng, từ khi sinh ra đã thấy cây sừng sững ở đó rồi. Về độ che phủ của gốc thị có đường kính 15m.

Thân cây phải từ 7 đến 8 người mới ôm xuể. Vì tán cây quá lớn và rộng, người dân sợ rằng thân cây không đủ sức chống đỡ nên đã xây dựng các cột bê tông để đỡ cây thị. Trải qua hàng ngàn năm tuổi và gắn liền với lịch sử khai canh lập ấp của tiền nhân vùng đất này, nhiều truyền thuyết, câu chuyện bí ẩn được lưu truyền lại về cây thị của làng.

42
Thân cây to lớn có nhiều hình thù kì lạ. (Ảnh: Thanh Nga)

“Người đi trước kể lại rằng, trước đây những hố, hốc trên cây thị này là nơi trú ngụ của một cặp rắn mào rất lớn. Vào những hôm nắng nóng, người dân trong làng ra gốc cây hóng mát, nhìn lên thường thấy cặp rắn này nằm cuộn tròn trên những cành cây nhưng lại rất hiền lành, không tấn công hay đe dọa người bao giờ. Mãi tới những năm 80 của thế kỷ trước, sau một trận lụt lớn, cặp rắn mào này mới xuôi theo dòng sông Bùi mà bơi đi mất.

Hiện nay, trên thân cây vẫn còn những hố, hốc và những hình thù kì lạ. Những hốc, hố có thể là bằng chứng cho những năm tháng trải qua mưa bom bão đạn, những thăng trầm lịch sử mà cụ đã trải qua. Đồng thời cũng có thể ẩn chưa chút tâm linh bên dưới những hình thù trên thân cây mà chưa ai lý giải được.

Người ta có thể nhìn vào đó mà suy nghĩ, tự do tưởng tượng”, ông Nguyễn Văn Dung – người dân lớn tuổi sống tại làng Tiến Ân chia sẻ. Khi được hỏi đến tuổi thọ chính xác của cây thị, ông nói: “Cụ thị xuất hiện lúc nào thì chẳng ai biết chính xác được, từ khi tôi sinh ra thì cụ đã ở đấy rồi. Tôi cũng đã từng hỏi cụ thân sinh ra tôi nhưng ông cũng trả lời như vậy.

Cũng cả ngàn tuổi rồi mà, ai mà sống kịp cụ được. Giờ tôi đầu hai thứ tóc, con cháu đầy nhà rồi nhưng tôi vẫn nhìn thấy cả tuổi thơ, tuổi trẻ và cả tuổi già của mình dưới những tán cây ấy. Lúc tôi sinh ra cụ ở đấy và có khi lúc tôi về với ông bà tổ tiên cụ vẫn sẽ ở đấy”.

Theo lời người dân nơi đây kể lại, “cụ thị” đã trải qua nhiều thăng trầm lịch sử, thậm chí nhiều lần “chết hụt”. Đó là vào những năm 1960, trẻ con trong làng khi đốt lửa để sưởi ấm đã vô tình để lửa bén vào phần lõi gỗ của cây làm lửa cháy âm ỉ, khói bốc mù mịt trong thân khiến cả làng hốt hoảng hò nhau mang xô, chậu múc nước cứu “cụ”.

Hậu quả của vụ cháy đó đã khiến một phần thân của “cụ” bị hỏng và gãy nên từ đó chỉ còn lại như hiện nay. Hay như một lần khác, trong một trận bão lớn, “cụ” bị sét đánh và có dấu hiệu cằn cỗi, trút hết lá, người dân trong làng và những người cao tuổi đi vận động các doanh nghiệp và cửa hàng bán phân đạm tại địa phương được một lượng phân đạm khá lớn đã đem về đổ xung quanh gốc, xây bồn rồi đổ đất vào nên từ đó “cụ” mới xanh tốt trở lại.

43
Người dân làng Tiến Ân trong buổi lễ công nhận “Cây thị là cây di sản”. (Ảnh: sưu tầm)

Trải qua nhiều biến cố nhưng đến nay cây thị vẫn còn đó, xanh tốt, xum xuê giống như thần hộ vệ canh giữ, che chở cho người dân. Cây thị sừng sững hiên ngang trên mảnh đất của làng như biểu tượng cho sức sống quật cường của dân tộc, cho sức mạnh tinh thần của người dân nơi đây.

“Cây thị được coi là báu vật sống của người dân làng Tiến Ân. Đây là nơi vui chơi dịp lễ Tết và là nơi tụ họp của dân làng. Dù tuổi đã cao nhưng sức sống của cây thị vẫn luôn mạnh mẽ, mỗi mùa quả chỉ cần bước tới đầu làng là chúng ta có thể ngửi thấy hương thơm của thị thoang thoảng dễ chịu. Cây ra rất sai quả, nhưng điều kì lạ mà chưa ai giải thích được rằng cây thường cho ra thị ở hai phía đối lập nhau: Phía hướng về ngôi đình thường thì sẽ cho ra thứ quả rất to, cỡ 3 – 5 lạng/quả, màu vàng, ăn thơm.

Trái lại, bên còn lại quả thường rất nhỏ, màu hơi đỏ nhưng ăn lại rất ngọt. Khi thị đầu mùa chín tới, quả to, tròn, vàng ươm, thơm nức. Chúng tôi sẽ chọn ra những quả đẹp nhất, to nhất cung kính vào Đình, dâng lên Thành Hoàng làng cầu mong cho các thần che chở bảo vệ làng. Sau đó, chúng tôi sẽ thu hoạch Thị còn lại trên cây xuống chia cho mỗi nhà một ít ăn lấy lộc”, một người dân chia sẻ

Vào ngày 5/4/2014, các cấp chính quyền, đoàn thể và nhân dân xã Thủy Xuân Tiên đã long trọng tổ chức Lễ đón bằng công nhận, gắn bia “Cây di sản Việt Nam” cho cây thị tại đình làng thôn Tiến Ân vào dịp lễ hội truyền thống của làng. Và đây là cây đầu tiên của huyện Chương Mỹ được Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam công nhận là “Cây di sản Việt Nam”.

Đối với người dân tại làng Tiến Ân, hình ảnh “cây thị ngàn năm” ấy không chỉ là hình ảnh vật chất và không chỉ đơn thuần là một cây di sản, mà đối với người dân ở đây cây thị đã trở thành một phần trong đời sống tin thần của họ. Cây thị niềm tự hào, là biểu tượng cho sức mạnh của dân làng. Từ thuở khai sơ lập ấp, cây thị đã chứng kiến, bảo vệ cho người dân trong làng. Dù đã trải qua bao nhiêu thế hệ, lớp người cây thị vẫn ở đó lưu giữ bao kỷ niệm cho từng lớp người từ trẻ đến già.

Theo Dân Việt

Bài viết cùng chủ đề:

Được quan tâm