Trà Câu nằm ở cực nam tỉnh Quảng Ngãi. Nhà địa danh học Lê Trung Hoa cho biết Trà Câu trong tiếng Chăm cổ có nghĩa là “dòng nước nhỏ”. Thật vậy, Trà Câu là con sông nhỏ nhất trong 4 con sông chính của tỉnh Quảng Ngãi, có chiều dài dưới 40 km, diện tích lưu vực gần 500 km².
Ở thượng nguồn dòng sông mang tên sông Vực Liêm (sông Ba Liên), lấy nước từ nhiều con suối phía tây bắc tỉnh Bình Định, tây nam tỉnh Quảng Ngãi, có độ cao trung bình 400 m so với mực nước biển. Trên địa phận tỉnh Quảng Ngãi, sông Vực Liêm thêm nước từ các khe suối ở vùng núi rừng rộng lớn của các xã Ba Liên, Ba Trang (H.Ba Tơ), nới rộng dòng rồi chia làm 2 nhánh: nhánh bên tả ngạn đổ vào hồ Núi Ngang, vòng qua mạn bắc xã Phổ Phong (TX.Đức Phổ); nhánh hữu ngạn chảy qua xã Ba Khâm (Ba Tơ) về Phổ Nhơn (Đức Phổ), rồi cả hai lại hợp nước trên địa bàn Phổ Thuận, xuôi dòng qua Phổ Ninh, Phổ Văn, Phổ Minh, sau đó nhập với sông Thoa rồi đổ ra cửa Mỹ Á.
Dòng sông Trà Câu khi chảy qua địa bàn các xã Phổ Phong, Phổ Thuận, Phổ Văn, Phổ Ninh, Phổ Minh lòng sông hẹp, nước chảy xiết, nên mùa mưa thường bị ngập trong lũ lụt, nhưng cũng vì vậy mà đất đai màu mỡ vì được bồi lắng phù sa và trở thành vùng cung cấp lương thực chính của TX.Đức Phổ. Vùng phía nam sông Trà Câu đến núi Dâu, từ núi Dâu đến đèo Bình Đê đồng bằng hẹp, bị chia cắt nhiều nơi. Tại đây, một nhánh rẽ về đông của dãy Trường Sơn nhoài ra biển, cắt đứt đồng bằng sông Trà Câu và trở thành ranh giới tự nhiên của 2 tỉnh Quảng Ngãi và Bình Định.
Miền quê của những con người kiệt xuất
Là con sông nhỏ, nhưng lưu vực sông Trà Câu lại là quê hương của những nhân vật mà cả nước đều biết tên tuổi: Hoàng Công Thiệu, Nguyễn Nghiêm, Nguyễn Vỹ…
Dọc theo sông Trà Câu, từ nguồn về biển là những địa danh nổi tiếng. Cảnh đẹp thiên nhiên thì có thảo nguyên Bùi Hui, một sơn nguyên mà cũng là tên của một plây người Hrê, thuộc xã Ba Trang, cách huyện lỵ Ba Tơ (Quảng Ngãi) chừng hơn 10 km, về phía đông nam, nằm trong vùng núi rừng trùng điệp tiếp giáp các huyện Đức Phổ, Ba Tơ (Quảng Ngãi), An Lão (Bình Định). Bùi Hui có sơn đạo gập ghềnh, quanh co, uốn lượn; thung lũng sâu hun hút, khói núi chìm dưới chân đồi, chầm chậm bốc lên sườn đá xanh rêu; suối róc rách len lỏi qua lờ mờ bóng lá.
Xuôi về đông, nổi lên giữa đồng bằng thoáng đãng là núi Xương Rồng. Sách Dư Địa Chí của Nguyễn Trãi cho biết núi Xương Rồng (Long Cốt sơn) còn có tên Tiên Nữ sơn, trên núi có 12 tòa tháp, gọi là tháp Tiên Nữ. Phải chăng đó là các tòa tháp của người Chăm và đã chịu chung số phận điêu tàn với vương quốc từng một thời văn minh huy hoàng? Tương truyền, ngày trước trên núi Xương Rồng rừng cây rậm rạp, nhiều thú hoang sinh sống. Vào cuối tháng 7.1929 nhà cách mạng Trương Quang Trọng tập hợp các đồng chí tích cực trong Tỉnh bộ Việt Nam Cách mạng Thanh niên, thành lập tổ chức “Dự bị cộng sản”, làm nhiệm vụ của Ban Vận động thành lập Đảng bộ Cộng sản tỉnh Quảng Ngãi.
Cách chân núi Xương Rồng không xa là Ao sen Liên Trì (Liên Trì dục nguyệt) thuộc xã Phổ Thuận, H.Đức Phổ, từng được ca ngợi là một trong 12 cảnh đẹp của tỉnh Quảng Ngãi. Ao Liên Trì trước mặt, núi Xương Rồng sau lưng. Hương sen thơm ngát, dáng núi uy nghi, rõ là một vùng linh địa. Miền quê này đã sinh ra nhiều kẻ sĩ giàu tiết tháo, tiêu biểu là các ông Nguyễn Đăng Ngoạn (cử nhân 1870), Nguyễn Mân (cử nhân 1897), Nguyễn Phan (cử nhân 1900), Lê Chi (cử nhân 1900)…
Cử nhân Nguyễn Mân ra làm quan, giữ chức Tri huyện (nên thường được gọi là Huyện Mai, Huyện Sầm), sau từ quan, về quê một thời gian lại tham gia phong trào khất thuế – cự sưu năm 1908 và bị thực dân Pháp đày đi Côn Đảo.
Chếch phía đông nam, cách không xa núi Xương Rồng là Di tích Miếu thờ Tây Sơn thất đại công thần (7 vị đại công thần triều Tây Sơn): Nguyễn Văn Chương; Nguyễn Văn Huấn, Nguyễn Văn Danh, Trần Quang Diệu, Bùi Thị Xuân, Võ Văn Dũng và Trần Quang Lục. Di tích này nằm trên xã Đức Lân (H.Mộ Đức) gắn với nhiều giai thoại kỳ bí về những con người kiệt xuất là rường cột của một triều đại tuy ngắn ngủi nhưng để lại dấu ấn sâu đậm trong lịch sử.
Thời gian gần đây, giới du lịch hay đề cập những sản phẩm du lịch kết hợp giữa việc khám phá, thưởng ngoạn thiên nhiên, thăm thú di tích lịch sử – văn hóa và thưởng thức ẩm thực. Cả thượng nguồn và hạ nguồn sông Trà Câu đều có những nhân tố đáp ứng các yêu cầu đó. Nếu ở thượng nguồn, bên cạnh vẻ đẹp phong cảnh thiên nhiên và di tích giàu ý nghĩa như đã kể trên, du khách còn có thể thưởng ngoạn những món ẩm thực độc đáo là rượu cà rỏ (rượu cần của đồng bào Hrê), cá niên nướng chấm ớt rừng, cá chình Vực Liêm um chuối xanh… Về thượng nguồn sông Trà Câu, du khách còn chiêm ngưỡng hoa văn khác lạ trên những mảnh thổ cẩm truyền thống, hòa vào niềm vui của cư dân bản địa với những điệu túc chinh (đánh chiêng ba), hát những làn điệu ca lêu, ca choi thâu đêm suốt sáng trong mùa lễ hội. (còn tiếp)