Sau thành công của các mô hình kinh doanh trung tâm thương mại và cửa hàng tiện lợi, tập đoàn bán lẻ khổng lồ Nhật Bản Aeon tiếp tục có một hướng đi mới với mô hình Super Supermarket.
Mới đây, gã khổng lồ bán lẻ Nhật Bản đã khai trương một cửa hàng tại TP. Hồ Chí Minh theo mô hình bán lẻ mới “siêu siêu thị” (Super Supermarket, gọi tắt là SSM). Đây là mô hình kết hợp giữa trung tâm thương mại và siêu thị tinh gọn. Đây là địa điểm đầu tiên của nhà bán lẻ này ở TP. Hồ Chí Minh, tiếp nối chuỗi thành công khi ra mắt tại Hà Nội (2022) và Bình Dương (2023).
Aeon the Nine là một phần trong chiến lược đa dạng hóa mô hình của Aeon, bắt đầu được triển khai cách đây hai năm với cửa hàng đầu tiên được khai trương tại Hà Nội vào năm 2022. Một năm sau, một cửa hàng tương tự cũng ra mắt tại Bình Dương.
Điểm đặc biệt của mô hình này là nó không nằm trong các trung tâm mua sắm của Aeon mà được đặt trong các trung tâm mua sắm của đối tác hoặc các tòa nhà thuộc khu dân cư và nội đô thành phố. Điều này có thể vừa đáp ứng được nhu cầu “gần và tiện” của số đông cư dân thành thị, vừa cung cấp các sản phẩm, dịch vụ và trải nghiệm mua sắm chất lượng theo chuẩn của Aeon.
Ông Yasuyuki Furusawa, người đứng đầu Aeon Việt Nam từng trả lời trong một cuộc phỏng vấn với tờ Nikkei Asia rằng: “Chúng tôi cần đẩy nhanh việc mở cửa hàng. Tăng cường hoạt động kinh doanh thực phẩm, chẳng hạn như tiệm bánh và nhà bếp, là một phần trong nỗ lực đó. Nhiều siêu thị địa phương có quy mô nhỏ và không có đủ không gian bếp. Mặt hàng bánh mì và thực phẩm làm sẵn sẽ tạo nên sự khác biệt cho chúng tôi”.
Và Aeon the Nine chính là hiện thân của khái niệm này. Các cửa hàng có không gian bán lẻ rộng trên 1.000 m2, so với khoảng 300 m2 thông thường của các siêu thị ở Việt Nam. Cửa hàng có nhà bếp và khu ẩm thực với những điểm hấp dẫn như quầy salad và bánh mì nướng là những điểm nhấn của Aeon the Nine.
Aeon the Nine cũng có các khu siêu thị, có đầy đủ các sản phẩm từ hoa tươi đến thực phẩm, từ thực phẩm khô, thực phẩm đông lạnh, cho đến các sản phẩm chế biến và sơ chế sẵn. Ngoài ra, còn có các sản phẩm hóa mỹ phẩm và nhiều sản phẩm gia dụng khác, cùng với khu vực sản phẩm dành riêng cho mẹ và bé với đa dạng sản phẩm tã, sữa, bỉm…
Giống như các mô hình trung tâm thương mại, Aeon the Nine cũng có các dịch vụ như quầy thanh toán không dùng tiền mặt, tích hợp điểm thẻ thành viên cùng loạt ưu đãi để khách hàng trải nghiệm nhiều tiện ích. Đồng thời, cũng có các dịch vụ mua sắm qua điện thoại, đi chợ hộ, giao hàng tận nhà…
Hoàn thiện mô hình bán lẻ tại Việt Nam
Theo công ty nghiên cứu thị trường Mordor Intelligence, thị trường bán lẻ Việt Nam được dự báo có tốc độ tăng trưởng kép hàng năm (CAGR) giai đoạn 2023-2028 đạt 12,05%. Tốc độ tăng trưởng dự báo của ngành bán lẻ Việt Nam trong 5 năm tới, vượt xa so với các thị trường Đông Á, Đông Nam Á và mức tăng trưởng bình quân của thế giới.
Với tiềm năng tăng trưởng đó, thị trường bán lẻ Việt Nam là miếng bánh hấp dẫn và tạo ra cuộc đua căng thẳng giữa những nhà bán lẻ lớn từ trong nước đến quốc tế như Winmart, Bách hoá xanh, Saigon Co.op, Vincom, Mega Mart, Aeon (Nhật Bản), Lotte Retail (Hàn Quốc), Central Retail (Thái Lan). Trong tương lai, các nhà bán lẽ sẽ tiếp tục đầu tư mạnh để nỗ lực gia tăng thị phần.
Trong bối cảnh đó, ngay cả khi Aeon được đánh giá là một trong những nhà bán lẻ tăng trưởng mạnh mẽ nhất về tổng diện tích sàn cho thuê bán lẻ. Tuy nhiên, cuộc đua ngành bán lẻ tại Việt Nam được dự báo là sẽ tiếp tục gay cấn. Centrail Retail, nhà bán lẻ lớn của Thái Lan có kế hoạch đầu tư thêm 1,45 tỷ USD vào thị trường Việt Nam trong 5 năm tới và đặt mục tiêu tăng quy mô số cửa hàng lên gấp đôi, đạt 600 cửa hàng vào năm 2027.
Aeon hiện có khoảng 200 cửa hàng tại Việt Nam, bao gồm 6 trung tâm mua sắm và một số siêu thị. Các cửa hàng tập trung ở các thành phố lớn như TP. Hồ Chí Minh, và thủ đô Hà Nội. Ngoài ra, còn một số trung tâm thương mại lớn khác tại Hải Phòng, Bắc Giang và một trung tâm thương mại sẽ được khánh thành tại thành phố Huế vào năm 2024.
Theo báo cáo của Aeon Việt Nam, công ty có kế hoạch tăng số lượng siêu thị tại Hà Nội lên 100 cửa hàng vào năm 2025, gấp khoảng 10 lần con số hiện tại. Số lượng trung tâm thương mại cũng sẽ tăng gần gấp ba lên 16 trên toàn quốc.
Việc chuyển hướng sang Đông Nam Á, đặc biệt là Việt Nam là một trong những mũi nhọn nằm trong kế hoạch kinh doanh trung hạn của gã khổng lồ bán lẻ Nhật Bản. Một giám đốc điều hành hàng đầu của Aeon từng cho biết Việt Nam có dân số 100 triệu người với độ tuổi trung bình là 33, là thị trường quan trọng nhất trong chiến lược nước ngoài của Aeon.
Sau sự thành công của các mô hình kinh doanh đại siêu thị và cửa hàng tiện lợi, hướng đi mới Super Supermarket có thể sẽ là một bước đi chiến lược của Aeon tại Việt Nam trong tương lai.