Hộ chiếu đưa thanh long Việt Nam vào thị trường toàn cầu

Huyền Linh 152 lượt xem 30 Tháng Một, 2024

Chuyển đổi chuỗi giá trị thanh long theo hướng carbon thấp và bền vững giúp các doanh nghiệp đáp ứng đủ điều kiện xuất khẩu sang các thị trường cao cấp.

Đây là một trong những kết quả quan trọng sau 3 năm dự án “Thúc đẩy đầu tư của tư nhân vào nông nghiệp các bon thấp và ứng phó biến đổi khí hậu, góp phần thực hiện NDC của Việt Nam” do UNDP tài trợ. Dự án hỗ trợ chuyển đổi chuỗi cung ứng thanh long ở Bình Thuận và tôm ở Bạc Liêu thành những điểm sáng về mô hình nông nghiệp xanh, minh chứng cho việc Việt Nam đã, đang và sẽ có thể vận dụng nhiều cách tiếp cận sáng tạo để phát triển nông nghiệp xanh, thích ứng với biến đổi khí hậu.

1 66
Ông Nguyễn Đỗ Anh Tuấn – Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế

Ông Nguyễn Đỗ Anh Tuấn – Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cho biết: thanh long là một trong số 14 loại trái cây chủ lực của Việt Nam. Tuy nhiên, chuỗi giá trị ngành hàng thanh long đã và đang đối mặt với nhiều thách thức khi Trung Quốc, Ấn Độ, Mexico đã trồng thành công loại quả này. Thách thức này đòi hỏi thanh long Việt Nam cần có hướng đi mới.

Là địa phương có diện tích trồng thanh long lớn nhất cả nước, ông Đoàn Anh Dũng – Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận cho biết thêm: thanh long là một trong cây trồng phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu của tỉnh, góp phần quan trọng chuyển đổi cơ cấu cây trồng, mang lại giá trị kinh tế cao. Tuy nhiên, việc phát triển cây thanh long gặp một số khó khăn như quy mô canh tác nhỏ lẻ, vùng sản xuất quy mô lớn chưa nhiều, chưa tạo ra khối lượng sản xuất lớn để tăng cạnh tranh trên thị trường; sản phẩm chế biến sâu còn thiếu…  

Trước thực trạng trên, việc tổ chức lại sản xuất của chuỗi ngành hàng thanh long theo hướng hợp tác liên kết theo chuỗi giá trị, nâng cao hiệu quả, giá trị gia tăng, carbon thấp và bền vững là yêu cầu cấp thiết. Chuỗi sản xuất dựa trên cơ sở lồng ghép, tận dụng mọi nguồn lực, phát huy nội lực và tạo động lực cho sự tham gia của các doanh nghiệp đầu tàu trong quá trình dẫn dắt chuyển đổi.

Ngoài ra, thiết lập sản xuất theo hướng xanh hoá cũng là giải pháp đưa quả thanh long đến gần hơn với khách hàng thế giới, đáp ứng thị hiếu, nhu cầu của người tiêu dùng về các sản phẩm thân thiện môi trường, bảo vệ sinh thái và thích ứng biến đổi khí hậu.

Từ mô hình canh tác truyền thống, qua dự án, các hộ nông dân, hợp tác xã chuyển sang sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP, hữu cơ. Trong quá trình canh tác, bóng đèn LED tiết kiệm năng lượng và hệ thống tưới tiêu tiết kiệm nước, sử dụng năng lượng mặt trời áp mái được đưa vào sử dụng giúp cắt giảm 68% lượng phát thải carbon, 42% lượng nước tiêu thụ, tiết kiệm 50% năng lượng, qua đó tiết kiệm cho mỗi trang trại ít nhất 600.000 đồng/ha (25 USD/ha).

Đặc biệt, quá trình sản xuất và chế biến được áp dụng hệ thống truy xuất nguồn gốc, mã QR giúp các hợp tác xã, doanh nghiệp cung cấp thông tin về nguồn gốc, chất lượng và trách nhiệm môi trường của sản phẩm. Theo Chủ tịch UBND tỉnh Đoàn Anh Dũng, từ 50 ha ban đầu có thể truy xuất nguồn gốc, đến nay đã mở rộng lên 269 ha được chứng nhận GlobalGAP. Đến cuối năm 2023, có khoảng 8.640 lượt ha thanh long, tương đương 23.300 tấn thanh long được theo dõi phát thải carbon.

2 62
Bà Ramla Khalidi – Trưởng đại diện thường trú của UNDP tại Việt Nam thực hiện truy xuất nguồn gốc quả thanh long thông qua mã QR

Kết quả này đánh dấu sự thành công trong việc sản xuất và xuất khẩu thanh long tỉnh Bình Thuận bền vững, có trách nhiệm, giúp các hợp tác xã, doanh nghiệp có đủ điều kiện ký kết các hợp đồng liên kết tiêu thụ bền vững tại các thị trường cao cấp như châu Âu, Úc.

Ngoài ra, các doanh nghiệp nhỏ và vừa tham gia dự án được hỗ trợ nhận thức và thông tin về chương trình tín dụng ưu đãi có liên quan nhằm tăng cường chính sách tín dụng cho vay, nâng cao năng lực cho các chủ thể trong nông nghiệp xanh và bền vững.

“Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xem xét, sử dụng kết quả này trong quá trình tổ chức, chỉ đạo sản xuất và xây dựng quy trình kỹ thuật cho thanh long. Đây là cơ sở để có thể xem xét nhân rộng mô hình hoặc điều chỉnh cho phù hợp với các chuỗi nông sản khác” – ông Nguyễn Đỗ Anh Tuấn, Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế cho biết.

Bà Ramla Khalidi – Trưởng đại diện thường trú của UNDP tại Việt Nam nhấn mạnh: nông dân và hợp tác xã đóng vai trò quan trọng trong việc thực hiện nông nghiệp thích ứng với khí hậu và phát triển kinh doanh xanh. Dựa trên kinh nghiệm ở Bình Thuận, UNDP sẵn sàng hợp tác với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để đưa ra Đề án quốc gia về chuyển đổi ngành thanh long bền vững, phát thải ít carbon. Kế hoạch này sẽ góp phần thúc đẩy sản xuất bền vững và phát thải carbon thấp, áp dụng các nguyên tắc tuần hoàn và tận dụng các cơ chế tài chính bền vững để nhân rộng các mô hình này ra cả nước.

Theo Diễn đàn Doanh nghiệp

Bài viết cùng chủ đề:

Được quan tâm