Hạnh phúc (Lê Hứa Huyền Trân – Bình Định)

Trần Lâm 156 lượt xem 6 Tháng Tư, 2021

Cái cách bà Sáu nhớ về chồng luôn khiến người trong xóm tôi xót xa. Cứ mỗi buổi sáng sớm bà sẽ đun một ấm nước nhỏ, đi hái một ít lá trà non rồi cứ thế đun trần, chờ hương trà bay đi phảng phất khắp xóm cũng là lúc lũ trẻ chúng tôi mụ mị dậy đi học. Bà sẽ nhẹ nhàng thay trên bàn thờ tách cúng ông, đều đặn mỗi ngày đều thay trà mới cho ông vì ngày còn sống ông sáng nào cũng thích nhâm nhi một tách trà. Rồi cứ đến khi chiều tà, bà hay ngồi phía trước căn thềm nhỏ, nhìn xa xôi vô định vào một nơi nào đó, đôi mắt nheo lại trên gò má nhăn nheo, nước mắt cứ chảy ra không ngớt, có lẽ vì buồn, cũng có lẽ vì mắt người già vốn yếu. Bà không nói gì đằng đẵng, cứ ngồi im cho đến khi có ai đó gọi nhắc bà đi ngủ bà mới vào. Mẹ tôi mỗi khi thấy vậy lại bảo:

– Chắc bà lại nhớ ông. Ông và bà trước cứ giờ này lại ngồi trước hiên buôn chuyện già.

Ngày ông Sáu mất bà không khóc mà chỉ đứng chết lặng. Trong khi các con bà gào khóc bên linh cữu thì bà chỉ ngồi im bất động một góc nhà. Mẹ tôi bảo dường như cả ông và bà đều biết khi nào ông mất, nghe cứ như tâm linh, nhưng trước khi ông mất ít hôm, đột nhiên ông đi thăm khắp hàng xóm, lại dặn dò nếu ông ra đi thì chăm sóc bà hộ ông. Tôi còn nhớ như in ngày đó, khi tôi đang ngủ trưa thì ông ghé chơi nhà, nói chuyện với mẹ tôi rất lâu, vì nhà tôi ở sát nhà ông, rồi tôi thấy mẹ tôi khóc… Hôm sau, ông mất.

Sau khi ông mất căn nhà nhỏ của ông bà thường được các con ghé lại nhà. Nhà có ba cô con gái mà ồn ào thành cái chợ. Miếng đất nhỏ bỗng thành thước đo đong đếm tình người. Ngaỳ ông còn sống, họ nhất quyết không về thăm lấy một lần, lấy chống rồi theo chồng, khi có việc gì cần tiền lại về bòn rút của vợ chồng ông bà, thương con bà Sáu còn dấm dúi cho chứ ông cấm tiệt. Nay ông mất, lại đua nhau về năn nỉ ỉ ôi mẹ để cho mảnh đất, dù bà Sáu còn sống sờ sờ nhưng cứ đòi bán mà thậm chí về phần nuôi bà thì lại không thấy ai lo. Những lúc áy mẹ tôi thường từ bên nhà vác chổi qua đuổi đi hết, bà Sáu lúc ấy chỉ biết khóc vì biết đó là những gì cuối đời ông dặn dò mẹ, lại đau xót vì con cái vốn xem nhẹ chữ tình.

– Tôi bàn với các chị như thế này, bà Sáu lạ mẹ các chị, xét cho cùng dù thương bà tôi cũng chỉ là người ngoài. Tài sản bà Sáu có cũng sẽ vì thương các chị mà để lại cho các chị nhưng các chị phải sống sao cho xứng đáng với những gì được nhận chứ. Thôi thì các chị thay phiên nhau chăm dưỡng bà những ngày tháng còn lại, rồi tự khắc sẽ được đền đáp chữ hiếu xứng đáng.

Dù không hài lòng nhưng các cô con bà cũng thuận nghe theo, vì không biết cãi đâu cho được, rồi cứ thế chia nhau ra mỗi người một tháng nuôi bà. Nhưng được non tuần bà lại về căn nhà nhỏ, quẩn quanh trong nhà, cố gắng giấu mình tới mức nghĩ rằng một bóng dáng nhỏ thó của bà cũng đủ để người qua đường bắt gặp nhưng cũng không thoát khỏi ánh mắt của mẹ tôi. Tại mẹ khi bà vắng nhà vẫn hay tạt qua quét dọn bàn thờ ông để căn nhà bớt hiu quạnh.

– Sao bà lại về ? Còn các cô?

– Tôi không quen cô ạ. Nhà chúng nó còn chồng, còn con… Tôi già rồi nhưng tự lo mình được, tụi nó gồng gánh cả gia đình riêng cũng khổ rồi.

Ấy là bà nói thế chứ mẹ tôi biết trong mắt bà ánh lên sự cô đơn quá rõ. Có lẽ lòng tham Của mỗi con người chưa đủ để có thể níu kéo sự hiếu thảo quay trở lại. Phải đến tận hôm sau các con bà mới biết bà đã bỏ về nhà, lại ì xèo cả xóm, lại thấy người ta bu lại thì ỉ ôi mẹ bỏ nhà ra đi không nói một tiếng làm tìm hết làng trên xóm dưới. Lúc ấy mẹ tôi chỉ bảo:

– Bà đi cả ngày trời các chị mới biết thì các chị có quan tâm tới mẹ không? Bà chỉ có mỗi nhà này để ở, các chị không về tìm tự dưng đi khắp nơi rồi than van làm gì?

Thấy người ta xì xào các cô lại lườm nguýt mẹ tôi rồi bỏ về, không quên văng lại một câu:

– Cô coi mẹ như ruột thịt thì để phần cô. Gớm, mẹ xem cái ngữ này, nó cũng nhắm vào cái nhà của mẹ thôi. Mẹ liệu mà nhắm mắt xuôi tay xem con ruột là hơn hay cũng để phần người dưng nhé.

Rồi cứ thế những tháng ngày còn lại bà cứ quanh quẩn dọn dẹp cần mẫn, khi bà buồn mẹ lại hối tụi tôi sang chơi, thi thoảng cũng thấy các cô con gái tạt ngang nhưng thấy mẹ tôi đứng ngoài sân ngó vào thì lại lủi đi đâu mất. It năm sau, vào một ngày thu sang như năm ấy, bà lại sang nhà tôi, và mẹ tôi lại khóc…

Bà mất và các cô con gái lại kéo về khóc vang cả một xóm. Mẹ tôi quấn vành khăn tang được bà ủy thác không nhìn lấy một lần nhưng cũng không có quyền ngăn các cô cúi lạy. Lại sau ít hôm các cô kiện cáo lên chính quyền đua nhau mảnh đất, mẹ chỉ xin cho di ảnh ông bà về thờ. Các cô lại như bắt được vàng rồi quay sang thân tình với mẹ nói ở chung nhà chồng khổ lắm, và thong cảm các thứ, mẹ tôi chỉ im lặng.

Hương trà mà ông thích vẫn được đun đều vào mỗi sáng ở nhà tôi, cái hương ngai ngái nhưng khiến người ta thèm thuồng. Mẹ vẫn dặn tôi thường xuyên lau bàn thờ và cứ mỗi khi rảnh lại kể về ông bà Sáu với sự yêu thương và biết ơn khi mẹ mất đi người thân đã cưu mang như thế nào. Bỗng dưng tôi nhìn lên di ảnh, ông bà dường như đang rất hạnh phúc, cuối cùng họ lại được ở cạnh nhau, như thế là hạnh phúc rồi.

tranh ve 1

 

Theo Tạp Chí Sông Ba

Bài viết cùng chủ đề:

Được quan tâm