Gỡ khó việc dạy văn hóa trong trường nghề

Trần Lâm 140 lượt xem 8 Tháng Tư, 2021
hoc vien mua 1
Để có được một diễn viên múa phải đào tạo rất công phu.

Trong khuôn khổ cuộc làm việc với nhiều đơn vị liên quan xung quanh vấn đề dạy văn hóa tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp (GDNN) Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã chỉ đạo cụ thể vụ việc xảy ra tại Học viện Múa Việt Nam. Theo đó, các đơn vị liên quan phải sớm cấp bằng cho học viên trường múa.

Sẽ cấp bằng THCS cho học viên trường múa

Cụ thể, tại buổi làm việc với 4 Bộ: VHTTDL, LĐTBXH, GDĐT, Tư pháp vào chiều 6/4, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam yêu cầu các bộ, ngành cùng bàn bạc, tháo gỡ vướng mắc liên quan đến việc giảng dạy chương trình văn hoá giáo dục phổ thông  (GDPT) trong các cơ sở GDNN, trường nghệ thuật hiện nay.

Buổi làm việc diễn ra trong bối cảnh 325 học sinh, phụ huynh Học viện Múa Việt Nam viết đơn kêu cứu. Sau 6,5 năm học văn hoá và chuyên môn ở trường nhưng kết quả các em nhận lại vẫn “4 không”: Không cấp bằng trung cấp chuyên nghiệp, không bằng cao đẳng liên thông, không bằng tốt nghiệp THCS, không bằng tốt nghiệp THPT.

Phó Thủ tướng đã lắng nghe các bên liên quan trong vụ việc trình bày, thảo luận về việc cấp bằng tốt nghiệp THCS hay chứng nhận hoàn thành chương trình giáo dục phổ thông cho học sinh của các trường nghệ thuật như Học viện Múa Việt Nam. Bởi đây là những trường có đặc thù đào tạo theo năng khiếu, tuyển học sinh từ nhỏ (bắt đầu từ lớp 6), học hết chương trình trung cấp, hoặc có thể học hết chương trình cao đẳng.

Bộ VHTTDL, lãnh đạo Học viện Múa Việt Nam khẳng định học sinh vẫn được giảng dạy văn hóa theo chương trình được Bộ GDĐT, Bộ VHTTDL quy định. Trước đó, Bộ GDĐT đã đồng ý cho Học viện Múa Việt Nam cấp bù bằng trung cấp chuyên nghiệp cho người học và cấp giấy chứng nhận người học đã hoàn thành khối lượng kiến thức văn hóa THPT. Dù theo luật, có bằng trung cấp chuyên nghiệp tức là đã tốt nghiệp THCS, tuy nhiên phụ huynh vẫn không yên tâm khi con em họ chưa có bằng THCS trong tay.

Tại cuộc họp, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho biết Bộ GDĐT chuẩn bị thủ tục để cấp bằng THCS cho người học của Học viện Múa Việt Nam. Bằng THCS sẽ được ký vào thời điểm hiện tại, nhưng sẽ ghi rõ năm mà người học tốt nghiệp THCS.

Ngoài ra, Phó Thủ tướng cũng đồng ý với việc Bộ GDĐT cấp giấy chứng nhận đã hoàn thành khối lượng kiến thức văn hóa THPT cho những người học “trắng tay” bằng cấp ở Học viện Múa Việt Nam. Được biết, hiện Bộ GDĐT đã chỉ đạo Trung tâm GDTX và dạy nghề quận Cầu Giấy (Hà Nội) thực hiện việc cấp giấy chứng nhận hoàn thành chương trình GDPT cho học sinh có nhu cầu.

Cần thành lập trung tâm GDTX trong trường nghề

Xung quanh những khúc mắc trong việc dạy văn hóa cho học sinh nghề, đại diện Bộ VHTTDL cho hay: Để giải quyết khúc mắc về đòi hỏi học văn hóa hiện nay với học sinh trường nghệ thuật, nhiều trường đã giải quyết bằng cách để các em tự lo phần học văn hóa ở bên ngoài, trường chỉ dạy chuyên môn. Nhưng nếu chỉ chú trọng chất lượng đào tạo chuyên môn, học sinh sẽ không thể theo nổi do không sắp xếp được lịch học phù hợp. Còn nếu nương theo điều kiện học sinh, chất lượng đào tạo chuyên môn không được ưu tiên. Nếu trường vừa dạy văn hóa vừa dạy chuyên môn, thì sẽ gặp khúc mắc như Trường Múa vừa rồi.

Cũng tại cuộc họp, đại diện Bộ LĐTBXH, Tổng cục GDNN, Hiệp hội GDNN và nghề công tác xã hội… đã ủng hộ chủ trương của Bộ GDĐT để việc giảng dạy chương trình văn hoá bậc THPT trong các trường nghề bảo đảm mặt bằng chung; đồng thời mong muốn Bộ GDĐT tiếp tục tháo gỡ vướng mắc trong quá trình thực hiện bấy lâu. Ngoài ra, đại diện các bộ, ngành cũng thống nhất, đối với những trường nghề đang tiếp tục tuyển sinh, sắp tới Bộ GDĐT cần có hướng dẫn cụ thể để đảm bảo chất lượng giáo dục.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh, về lâu dài, chung với hệ thống các trường nghề, khi Học viện Múa Việt Nam có trung tâm GDTX thì sẽ được tự cấp giấy chứng nhận hoàn thành chương trình GDPT cho học sinh. Tuy nhiên, phải tuân theo quy định của Luật Giáo dục là chỉ có các trung tâm GDTX được chủ động hoặc kết hợp với trường phổ thông để dạy chương trình văn hoá bậc THPT.

Thời gian tới Bộ LĐTBXH cũng sẽ phối hợp với Bộ GDĐT tiến hành rà soát mạng lưới trung tâm GDTX, trung tâm giáo dục nghề nghiệp – GDTX, và cơ sở GDNN để có giải pháp sắp xếp, tinh gọn bộ máy theo hướng: Những nơi có điều kiện, cơ sở có điều kiện có thể  tiến hành sáp nhập trung tâm GDTX vào cơ sở GDNN mà vẫn bảo đảm vừa dạy nghề, vừa dạy văn hoá theo mô hình “vừa học, vừa làm”.

Ông Lê Anh Tuấn, Vụ trưởng Vụ Đào tạo (Bộ VHTTDL), cho biết: những rắc rối như vừa qua ở Học viện Múa Việt Nam xuất phát từ tính đặc thù trong đào tạo nghệ thuật – thể thao. Hiện Bộ VHTTDL đang chủ trì soạn thảo văn bản quy định về đào tạo đặc thù trong lĩnh vực văn hóa – nghệ thuật – thể thao. Bởi đó là cách giải quyết căn cơ, để không thể chạy theo từng sự vụ như vừa làm với trường hợp Học viện Múa Việt Nam, vì Bộ VHTTDL có tới 15 trường nghệ thuật – thể thao; toàn quốc có khoảng 60 trường.

Theo Đại đoàn kết

Bài viết cùng chủ đề:

Được quan tâm