“Trịnh cuối” là lời tạ từ của nghệ sĩ Giang Trang sau hành trình 12 năm làm mới âm nhạc Trịnh Công Sơn theo một phong cách riêng, cũng là sự tri âm đặc biệt với người nhạc sĩ tài hoa này đúng dịp kỷ niệm 86 năm ngày sinh của ông.
Đêm nhạc do Viện Pháp tại Việt Nam tổ chức, diễn ra tại khán phòng hòa nhạc Trường Pháp quốc tế Alexandre Yersin (44 Gia Thượng, Long Biên, Hà Nội), vào 20h ngày 28-2.

Sau 6 năm kể từ đêm nhạc “Nguyệt hạ 2” trên sân khấu L’Espace, nghệ sĩ Giang Trang, cùng những nghệ sĩ trẻ đặc sắc của Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh trở lại với dự án âm nhạc Trịnh Công Sơn trong sắc màu mới: Cô là người kể chuyện về chân dung văn hóa Trịnh Công Sơn, theo cách riêng mình.
“Trịnh cuối” lấy chất liệu từ âm nhạc Trịnh Công Sơn, với những suy tưởng và tự sự về thời cuộc trong một giai đoạn đặc biệt của lịch sử, được làm mới với cảm nhận riêng của thế hệ sau, trong sự quan sát kỹ càng, thấu hiểu và đồng cảm.
Kể từ “Lênh đênh nhớ phố” – điểm khởi đầu của dự án 7 năm với âm nhạc Trịnh Công Sơn dưới sự hỗ trợ của Viện Pháp Hà Nội và Đại sứ quán Pháp tại Việt Nam, với 3 album đã phát hành, “Trịnh cuối” là lời tạ từ của Giang Trang sau hành trình 12 năm làm mới âm nhạc Trịnh Công Sơn theo phong cách riêng.

Nếu “Lênh đênh nhớ phố” là cách hiểu nhạc Trịnh của một cô gái trẻ Hà Nội trong trẻo và đằm thắm, “Hạ huyền” là cuộc khám phá lại cội rễ âm nhạc Trịnh Công Sơn với ít nhiều phá cách khi kết hợp đàn tranh với hợp tấu guitar, piano, sáo, thì “Trịnh cuối” là sự trình diễn nhạc Trịnh trong tầng sâu mới của đồng cảm.
Trong đêm nhạc, khán giả sẽ được thưởng thức những bản nhạc của Trịnh Công Sơn như “Em đến từ nghìn xưa”, “Vết lăn trầm”, “Một cõi đi về”, “Còn ai với ai”, “Xin mặt trời ngủ yên”, “Hành hương trên đồi cao”, “Lời ở phố về”, “Vườn xưa”… Đây cũng là các tác phẩm trong album cùng tên mà nghệ sĩ Giang Trang ra mắt cùng thời điểm.
“Trịnh cuối” cũng là cánh cửa mở ra một con đường mới của nghệ sĩ Giang Trang với những sáng tác của riêng mình và các sản phẩm âm nhạc cùng nhóm nghệ sĩ “58 music & lifestyle” tại địa điểm 58 Trần Quốc Thảo (quận 3, thành phố Hồ Chí Minh). “58 music & lifestyle” được sáng lập bởi 3 nghệ sĩ trình diễn là Giang Trang (hát, biên tập, kể chuyện, co-producer); Minh Nghĩa (trumpet); Liêm Hiếu (guitarist, bass, co-producer) và Nguyễn Thế Linh (sound engineer, mix, mastering, co-producer).